Lớp 9

Cảm nhận khổ thơ đầu bài Viếng lăng Bác (Dàn ý + 2 mẫu)

Cảm nhận khổ thơ đầu bài Viếng lăng Bác gồm dàn ý, cùng 2 bài văn mẫu, giúp các em học sinh lớp 9 tham khảo, viết bài văn cảm nhận khổ 1 bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương hay hơn.

Bài thơ Viếng lăng Bác được in trong tập thơ Như mây mùa xuân (1978), đã bộc lộ tình cảm thành kính, yêu thương nhưng cũng đầy xót xa của Viễn Phương đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.

Bạn đang xem: Cảm nhận khổ thơ đầu bài Viếng lăng Bác (Dàn ý + 2 mẫu)

Dàn ý cảm nhận khổ 1 bài Viếng lăng Bác

1. Mở bài

  • Giới thiệu về nhà thơ Viễn Phương và bài thơ Viếng lăng bác.
  • Đôi nét về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

2. Thân bài

  • Lời thông báo về sự xuất hiện của nhân vật trữ tình.
  • Hình ảnh về làng tre trong tác phẩm Viếng lăng bác.
  • Lời cảm thán về hàng tre mang đậm dấu ấn Việt Nam.

3. Kết bài

  • Khái quát lại giá trị nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm, đặc biệt khổ thơ đầu.
  • Ý nghĩa của những cảm xúc chân thành trong bài thơ Viếng lăng bác.

Cảm nhận khổ 1 bài Viếng lăng Bác – Mẫu 1

Ở khổ 1 bài thơ Viếng lăng Bác, tác giả giới thiệu hoàn cảnh Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác, đồng thời bộc lộ tâm trạng dồn nén, xúc động, bởi đây là cuộc viếng thăm thiêng liêng, đầy ý nghĩa với cách xưng hô “Con – Bác”. Hình ảnh đầu tiên nhà thơ chú ý là hàng tre thân thuộc, kiên cường, bền bỉ, biểu trưng cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”.

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” không chỉ giới thiệu hoàn cảnh mà còn gợi lên tâm trạng đặc biệt thiêng liêng, đầy ý nghĩa của cuộc viếng lăng Bác. Cách xưng hô thật gần gũi, thân thương. Với muôn triệu người dân VN, Bác mãi “là Cha, là Bác, là Anh. Người không con mà có triệu con” cho nên nhà thơ mới xưng con. Các nhà thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi đều xưng con với Bác. Nhưng con ở miền Nam, của Viễn Phương mang một sắc thái thiêng liêng bởi đó là tiếng lòng của đứa con đi xa vắng mặt khi cha mất.

Cụm từ “miền Nam” gợi bao niềm xúc động. Miền Nam là nơi xa xôi, mảnh đất xưa cha ông đi mở cõi. Miền Nam, nơi đi trước về sau. Miền Nam, mảnh đất sinh thời Bác hằng khát khao mong nhớ: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà – Miền Nam mong Bác nỗi mong cha ” (Tố Hữu).

Chữ “thăm” được tác giả sử dụng thật tinh tế và gợi cảm. Nó vừa giảm nhẹ nỗi đau đớn xót xa, vừa như khẳng định trong lòng mình: Bác Hồ, vị cha già kính yêu vẫn còn đó, Người chỉ đang nằm nghỉ đó thôi. Và tác giả như người con đi xa lâu ngày, nay chỉ chờ gặp lại bóng dáng người cha thân yêu.

Cảnh vật đầu tiên mà nhà thơ nhìn thấy ở bên lăng Bác là hàng tre bát ngát. Người con xa lần đầu tiên về với quê cha đã xúc động trước hàng tre xanh quanh nơi ở của Người. Hàng tre có thực bên lăng Bác được nhìn với con mắt liên tưởng nhân hoá và tưởng tượng vì thế thành hàng tre bát ngát, thành màu xanh dân tộc (xanh xanh Việt Nam) thành những chiến sĩ trung kiên bất chấp bão táp, mưa sa (Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng). Như vậy, lăng Bác thật gần gũi, thân thuộc như một làng quê sau luỹ tre xanh. Nhưng ở đây cũng có nét tượng trưng: Tre biểu tượng cho một dân tộc cần cù, hiên ngang, mạnh mẽ, xếp thành hàng cùng với các chiến sĩ vệ binh canh giấc ngủ cho Người.

Những câu thơ ở khổ thơ này không chỉ dừng lại ở việc tả khung cảnh quanh lăng với hàng tre có thật mà còn gợi ra những ý nghĩa sâu xa. Đến với Bác, chúng ta gặp được dân tộc và nơi Bác yên nghỉ đời đời cũng xanh mát bóng tre của làng quê Việt Nam.

Khổ thơ 1 bài thơ Viếng lăng Bác gói gọn tầm nhìn của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác. Có lẽ, tác giả đã đứng lặng rất lâu để ngắm nhìn, suy ngẫm, hồi tưởng trong niềm xúc động mãnh liệt. Đây là lần đầu tiên được ra thủ đô, được viếng Bác, gặp gỡ người cha già vĩ đại của dân tộc. Biết bao tâm sự, biết bao nhớ thương dồn nén bấy lâu giờ sắp được thỏa nguyện. Giây phút trọng đại ấy khiến cho nhà thơ nghẹn ngào, xúc động không thể nói nên lời.

Cảm nhận khổ 1 bài Viếng lăng Bác – Mẫu 2

Trong bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương, nhà thơ đã có những dòng thơ xúc động về hoàn cảnh ra viếng thăm vị cha già kính yêu của dân tộc:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”.

Bài thơ mở đầu bằng câu thơ bộc bạch hoàn cảnh ra viếng lăng Bác của một người con miền Nam “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”. Cách xưng hô “con-Bác” cho thấy sự gần gũi và kính trọng như của một người con đối với một người cha vĩ đại. Cách xưng hô này làm em liên tưởng đến những dòng thơ:

“Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”.

Đối với mỗi người dân miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung thì Bác Hồ chính là vị cha già bao dung ôm cả đất nước vào lòng. Nay nhà thơ ra miền Bắc thăm lăng Bác và tác giả dùng từ “thăm” thay vì “viếng” như một cách nói giảm nói tránh. Người đọc có cảm giác giống như một buổi đi thăm người thân, mà ở đây là một người con miền Nam đi thăm vị cha già kính yêu của mình.

Câu thơ thứ ba là một câu cảm thán của tác giả “Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam”. Câu thơ như một tiếng reo hân hoan và niềm tự hào về biểu tượng của dân tộc và con người Việt Nam: tre Việt Nam trồng quanh lăng Bác. Tre Việt Nam là hình ảnh ẩn dụ của con người Việt Nam qua bao thế hệ với phẩm chất “Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”. Bão táp mưa sa chính là ẩn dụ của những năm tháng khó khăn, vất vả lam lũ của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn ấy, con người Việt Nam vẫn chính là những cây tre quật cường, anh dũng, nhân hậu với những phẩm chất tốt đẹp và tre xanh Việt Nam cũng giống như vậy. Tóm lại, khổ thơ đầu bài Viếng lăng Bác là những dòng thơ hết sức xúc động về hoàn cảnh đi viếng lăng của nhà thơ.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 9

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!