Lớp 9

Phân tích triết lí sống trong Lặng lẽ Sa Pa

Phân tích triết lí sống trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long mang tới bài văn mẫu và dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh lớp 9 hiểu sâu sắc hơn về triết lý sống trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa.

Lặng lẽ Sa Pa

Bạn đang xem: Phân tích triết lí sống trong Lặng lẽ Sa Pa

Triết lí sống trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa được thể hiện qua hình tượng các nhân vật sống và làm việc trong sự cống hiến thầm lặng. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của THPT Nguyễn Đình Chiểu để chuẩn bị thật tốt kiến thức Ngữ văn 9 cho mình.

Đề bài: Phân tích triết lí sống trong Lặng lẽ Sa pa của Nguyễn Thành Long.

Dàn ý Phân tích triết lí sống trong Lặng lẽ Sa Pa

1. Mở bài

  • Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”.
  • Khái quát sơ lược về triết lí sống trong tác phẩm.

2. Thân bài

a. Triết lí sống trong tác phẩm được thể hiện qua hình tượng các nhân vật sống và làm việc trong sự cống hiến lặng lẽ

– Triết lí sống được thể hiện tập trung qua hình tượng nhân vật anh thanh niên

  • Sống trên đỉnh núi cao cùng công việc đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây và đo chấn động mặt đất”
  • Vượt lên thời tiết khắc nghiệt, giá rét, dù mưa tuyết giá lạnh vẫn “trở dậy ra ngoài trời làm công việc đã quy định”.
  • Vượt qua sự cô đơn bằng lòng yêu nghề và say mê công việc, gắn bó công việc với sinh mệnh của bản thân: “[…] khi ta làm việc, ta với công việc là đôi”
  • Tâm niệm những việc làm của bản thân sẽ đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

– Bên cạnh nhân vật anh thanh niên, trong tác phẩm còn xuất hiện những con người làm việc với lòng nhiệt huyết, say mê.

  • Ông kĩ sư vườn rau “ngày này qua ngày khác” quan sát cách ong lấy phấn và sau đó tự mình thụ phấn cho cây su hào.
  • Anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét luôn ở trong tư thế sẵn sàng chờ sét để có thể tìm ra “của chìm nông, của chìm sâu” dưới lòng đất.

b. Ý nghĩa của triết lí sống trong tác phẩm

  • Là một quan điểm sống cao đẹp về lòng nhiệt thành, cống hiến trong lao động.
  • Gợi ra những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc về tinh thần tự giác trong lao động và mục đích lao động chân chính của con người.

3. Kết bài

  • Khái quát giá trị của triết lí sống trong tác phẩm

Phân tích triết lí sống trong Lặng lẽ Sa Pa

“Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý”. Câu nói nổi tiếng của nhà khoa học Albert Einstein đã thể hiện một quan điểm sống cống hiến tích cực. Nhà văn Nguyễn Thành Long cũng đã từng trăn trở, suy nghĩ và gửi gắm những chiêm nghiệm về bổn phận của mỗi một con người qua thiên truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”. Trong tác phẩm, chúng ta có thể thấy được triết lí sống cao đẹp của sự cống hiến, hi sinh tự nguyện, âm thầm: “Trong cái im lặng của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”.

Truyện “Lặng lẽ Sa Pa” được xây dựng dựa trên một cốt truyện đơn giản, xoay quanh cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ giữa ba nhân vật: ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn cao 3000 mét. Tuy cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra ngắn ngủi và anh thanh niên cũng chỉ xuất hiện trong chốc lát nhưng để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc trong tâm hồn người họa sĩ và cô kĩ sư trẻ và tạo nên một bức “kí họa chân dung” về chàng trai cởi mở, nhiệt thành, thể hiện rõ triết lí: “Trong cái im lặng của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Tác giả đã tái hiện không gian nên thơ, lãng mạn của thiên nhiên Sa Pa với những rặng đào, những cánh đồng cỏ trong thung lũng , những tia nắng đốt cháy rừng cây,… Tất cả đã tạo nên một bức tranh đậm chất hội họa làm say đắm lòng người.

Tuy nhiên, bên trong vẻ đẹp lặng lẽ khiến “người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi” là cuộc sống không ngừng nghỉ của những con người lao động. Dù sống trên đỉnh núi cao với những công việc đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại “đo gió, đo mưa, đo nắng,tính mây và đo chấn động mặt đất, dự báo thời tiết hằng ngày để phục vụ sản xuất và phục vụ chiến đấu” nhưng anh vẫn vượt lên thời tiết khắc nghiệt, giá rét, dù mưa tuyết giá lạnh vẫn “trở dậy ra ngoài trời làm công việc đã quy định”. Tuy nhiên, điều đáng trân trọng nhất ở nhân vật này là anh đã vượt qua sự cô đơn của việc “quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người”. Anh đã chống chọi với giá lạnh, cô đơn bằng lòng yêu nghề và say mê công việc, gắn bó công việc với sinh mệnh của bản thân: “[…] khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Đồng thời, anh luôn tâm niệm những việc làm của bản thân sẽ đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bởi vậy, anh thấy mình “thật hạnh phúc” khi một lần phát hiện kịp thời một đám mây khô để góp phần vào “chiến thắng của quân ta trong việc bắn rơi nhiều máy bay Mĩ trên bầu trời Hàm Rồng”. Động cơ làm việc vì nhân dân, vì Tổ quốc đã khiến bức chân dung về anh thanh niên hiện lên thật cao cả và đẹp đẽ. Ngoài ra, để đối chọi với những gian nan, thử thách, anh còn rèn luyện phương châm và thói quen sống tích cực như trồng hoa, nuôi gà và đặc biệt là đọc sách để nuôi dưỡng tâm hồn và giao lưu với thế giới bên ngoài. Dù trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, chôn vùi tuổi xuân trên đỉnh núi Yên Sơn cao 3000 mét nhưng anh vẫn giữ thái độ khiêm tốn và coi những đóng góp của mình là nhỏ bé. Như vậy, anh thanh niên chính là hình tượng trung tâm thể hiện triết lí sống cao đẹp của sự cống hiến chân thành, tự nguyện.

Bên cạnh nhân vật anh thanh niên, trong tác phẩm, chúng ta có thể thấy được dưới lớp lớp mây mù bao phủ, ở Sa Pa còn có những con người làm việc với lòng nhiệt huyết, say mê. Đó là những nhân vật xuất hiện gián tiếp qua lời giới thiệu của anh thanh niên: ông kĩ sư vườn rau Sa Pa và anh cán bộ nghiên cứu lập bản đồ sét. Cũng như anh thanh niên, dù phải trải qua nhiều khó khăn gian khổ nhưng họ vẫn giữ vững tinh thần kiên trì, bền bỉ với công việc: ông kĩ sư vườn rau “ngày này qua ngày khác” quan sát cách ong lấy phấn và sau đó tự mình thụ phấn cho cây su hào để tạo ra năng suất cao hơn, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét luôn ở trong tư thế sẵn sàng chờ sét để có thể tìm ra “của chìm nông, của chìm sâu” dưới lòng đất.

Như vậy, bằng tài năng trong việc xây dựng tình huống truyện và xây dựng chân dung nhân vật, nhà văn Nguyễn Thành Long đã gửi gắm vào tác phẩm của mình một triết lí sống cao đẹp về lòng nhiệt thành, cống hiến trong lao động. Triết lí này còn gợi ra những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc về tinh thần tự giác trong lao động và mục đích lao động chân chính của con người. Điều này đã góp phần làm cho tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” trở thành một thiên truyện ngợi ca những con người lao động trong cuộc sống mới.

Để thể hiện triết lí sống sâu sắc, tác giả Nguyễn Thành Long đã phác họa một bức tranh thiên nhiên nên thơ, trữ tình trong chiếc vỏ bọc của sự lặng lẽ để tô đậm sự cống hiến, lao động miệt mài không ngừng nghỉ của con người. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” vì thế đã tạo ra những dư âm êm ái về cuộc sống con người.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 9

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!