Thi THPT Quốc Gia

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn Ngữ văn

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn bao gồm 27 đề thi của các trường, sở GD&ĐT các tỉnh có đáp án kèm theo giúp thí sinh ôn tập thật tốt môn Văn. Hy vọng đây là tài liệu bổ ích giúp các bạn học sinh lớp 12 rèn luyện kỹ năng làm bài và làm quen với cấu trúc đề thi.

Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm rất nhiều tài liệu đề thi thử THPT Quốc gia năm 2019 tại THPT Nguyễn Đình Chiểu để có thể tải về những tài liệu hay nhất nhé.

Bạn đang xem: Bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2022 môn Ngữ văn

Đề thi minh họa THPT môn Văn trường THPT chuyên Thái Bình

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÁI BÌNH

TRƯỜNG THPT CHUYÊN THÁI BÌNH

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN THỨ 3

NĂM HỌC 2017 – 2018

Môn: Ngữ Văn – lớp 12

(Thời gian làm bài: 120 phút)

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Chiến thắng của tuyển U23 Việt Nam trong trận tứ kết trước đội bóng hàng đầu châu Á, được quyết định trên chấm phạt đền may rủi. Bóng đá cần có sự may mắn nhưng chừng đó là chưa đủ. Trên hết là tinh thần, bản lĩnh hơn người, là ý chí thi đấu với hơn 100% sức lực, là đấu pháp biết mình biết người. Thứ nữa là từ tài luyện quân, cầm quân và điều binh khích tướng của vị huấn luyện viên người Hàn, Park Hang Seo, là từ động viên khích lệ kịp thời, đúng mực của người đứng đầu chính phủ và người hâm mộ nước nhà…

Vẫn những gương mặt cầu thủ không mới, nhưng khi giáp trận tại vòng chung kết U23 châu Á, cách trình diễn của đội bóng lại cho thấy nhiều sự khác biệt. Rõ nhất là tâm thế thắng không kiêu, bại không nản, biết cách vượt qua áp lực, biết “dĩ đoản (bình) chế trường (trận)”, điềm tĩnh mà ngạo nghễ đi tới chiến thắng cuối cùng.Rõ nhất nữa, là tâm lý ổn định, biết kiềm chế, không bị kích động khi đối thủ chơi xấu hoặc trọng tài xử ép. Rõ nữa, là toàn đội là một tập thể thống nhất, hoàn hảo, không chỉ trích nhau khi cá nhân mắc lỗi, biết hỗ trợ nhau lập công và ai cũng có thể lập công.

Niềm tin, niềm tự hào cao cả của những người yêu bóng đá nước nhà dành cho đội tuyển U23 lần này, có lẽ, xuất phát từ những điều tạo nên sự khác biệt đó. Văn hoá “mỏng” sẽ sinh ra thứ bóng đá xấu xí, cốt ăn thua, phong độ trồi sụt, nói gì tới đẳng cấp. Văn hoá “dày” sẽ tạo nên thứ bóng đá đẹp và sạch, thua hay thắng đều ĐƯỢC, biết hướng tới giá trị khác biệt, hơn hẳn, đẳng cấp.

(Theo Bóng đá và ngọn lửa nồng ấm… Vietnamnet.com. Ngày 22/1/2018)

Câu 1. Nêu thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn văn bản trên. (nhận biết)

Câu 2. Theo tác giả, những yếu tố nào làm nên chiến thắng của tuyển U23 Việt Nam trong trận tứ kết gặp Irắc? (thông hiểu)

Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào về ý kiến: Văn hóa “mỏng” sẽ sinh ra thứ bóng đá xấu xí, cốt ăn thua, phong độ trồi sụt, nói gì tới đẳng cấp. Văn hóa “dày” sẽ tạo nên thứ bóng đá đẹp và sạch, thua hay thắng đều ĐƯỢC, biết hướng tới các giá trị khác biệt, hơn hẳn, đẳng cấp. (thông hiểu)

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: Vẫn những gương mặt cầu thủ không mới, nhưng khi giáp trận tại vòng chung kết U23 châu Á, cách trình diễn của đội bóng lại cho thấy nhiều sự khác biệt? Vì sao? (vận dụng)

II. LÀM VĂN

Câu 1: Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự khác biệt trong cuộc sống. (vận dụng cao)

Câu 2: Cảm nhận của anh/chị về hình tượng Mị trong cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Ngữ Văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó liên hệ với nhân vật Chí Phèo trong cảnh buổi sáng đầu tiên khi tỉnh rượu (Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ Văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để nhận xét về cách nhìn và tình cảm của các nhà văn đối với người lao động nghèo trong xã hội cũ. (vận dụng cao)

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

*Phương pháp: Căn cứ các thao tác lập luận đã học.

*Cách giải:

Thao tác lập luận chính: phân tích.

Câu 2:

*Phương pháp: Căn cứ nội dung bài trích.

*Cách giải:

Những yếu tố tạo nên thành công của đội tuyển U23 Việt Nam trong trận tứ kết:

  • Trước hết đó là sự may mắn.
  • Trên hết là tinh thần, bản lĩnh hơn người, là ý chí thi đấu với hơn 100% sức lực, là đấu phát biết nhìn người.
  • Tài luyện quân, cầm quân và điều binh khích tướng của vị huấn luyện người Hàn, Park Hang Seo.
  • Sự động viên khích lệ kịp thời, đúng mực của người đứng đầu chính phủ và người hâm mộ nước nhà.

Câu 3:

*Phương pháp: Phân tích, lí giải.

*Cách giải:

“Văn hóa “mỏng” sẽ sinh ra thứ bóng đá xấu xí, cốt ăn thua, phong độ trồi sụt, nói gì tới đẳng caaos. Văn hóa “dầy” sẽ tạo nên thứ bóng đá đẹp và sạch, thua hay thắng đều ĐƯỢC, biết hướng tới các giá trị khác biệt, hơn hẳn, đẳng cấp” có nghĩa là:

Văn hóa có ý nghĩa, tác động đến cách ứng xử của mỗi cá nhân đối với các vấn đề trong cuộc sống. Khi con người được đào tạo, giáo dục kĩ lưỡng, cẩn thận, một con người có văn hóa sẽ ứng xử văn minh, lịch sự, không lấy sự thắng thua là vui mừng hay cay cú. Ngược lại với những người văn hóa thấp kém, sẽ có cách ứng xử thô tục, thiếu văn minh. Văn hóa trong mỗi cá nhân sẽ là nhân tố tạo nên sự khác biệt ở mỗi người, và chính nó cũng tạo nên đẳng cấp của mỗi dân tộc.

Câu 4:

*Phương pháp: Phân tích, lí giải.

*Cách giải:

– Đồng ý với quan điểm.

– Vì:

  • Khi chiến thắng họ không kiêu ngạo, biết vượt qua áp lực, điềm tĩnh đi đến chiến thắng cuối cùng.
  • Tâm lý ổn định, biết kiềm chế, không bị kích động khi đối thủ chơi xấu hoặc bị trọng tàixử ép.
  • Quan trọng hơn cả, toàn đội là một tập thể thống nhất, hoàn hảo, không chỉ trích nhau khi cá nhân mắc lỗi, biết hỗ trợ nhau lập công và ai cũng có thể lập công

Đề thi minh họa THPT môn Văn trường THPT Liễu Sơn

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có trời mà biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết…

(Trích “Chí Phèo” – Nam Cao, SGK Ngữ văn 11, tập I)

Câu 1. Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đạt nào là chính?

Câu 2. Văn bản trên nói về điều gì?

Câu 3. Cách sắp xếp tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo: Bắt đầu hắn chửi trời…Rồi hắn chửi đời…chửi ngay tất cả làng Vũ Đại…chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo … sử dụng những biện pháp tu từ nào? Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó?

Câu 4. Anh/chị có thể giải thích để trả lời giúp Chí Phèo câu hỏi: Ai đẻ ra Chí Phèo?

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ đoạn trích trong phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 100 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về lối sống tình nghĩa của con người trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh chị về đoạn thơ trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh:

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương

(SGK Ngữ văn 12, NXBGD tập I)

HƯỚNG DẪN CHẤM ĐIỂM

Phần Ý Nội dung Điểm
I 1 Phương thức biểu đạt chính: tự sự 0,5
2 Văn bản trên nói về tiếng chửi của Chí Phèo, một thằng say rượu. 0,5

3

Cách sắp xếp tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo: Bắt đầu hắn chửi trời…rồi hắn chửi đời…chửi tất cả làng Vũ Đại…chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo …được sử dụng biện pháp tu từ: điệp từ, liệt kê (hắn chửi trời…hắn chửi đời…chửi ngay …chửi đứa …)

Hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó:

+ Nhấn mạnh đối tượng của tiếng chửi được sắp xếp từ xa đến gần, từ cao đến thấp, có thứ tự, có lớp lang.

+ Nhấn mạnh bi kịch bị từ chối quyền làm người của Chí Phèo.

+ Tác giả gián tiếp tố cáo chính xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẻ ra Chí Phèo.

0,5

0,5

4

Giải thích để trả lời giúp Chí Phèo câu hỏi: Ai đẻ ra Chí Phèo?

– Người mẹ khốn khổ bất hạnh nào đó đẻ ra một hài nhi bị bỏ rơi trong lò gạch cũ;

– Những người dân làng Vũ Đại nhân hậu đã cưu mang, nuôi lớn và tạo ra một anh Chí nghèo khổ nhưng lương thiện.

– Nhà văn đã cho thấy, chính xã hội thực dân nửa phong kiến trước 1945 là những kẻ đã đẻ ra Chí Phèo khi hủy hoại phần thiện lương, tước đoạt vĩnh viễn quyền làm người của Chí.

0,25

0,25

0,5

II

1

Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách viết đoạn văn nghị luận xã hội

– Vận dụng được các thao tác nghị luận.

– Đoạn văn chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, cách dùng từ và đặt câu.

– Có những cách viết sáng tạo, độc đáo

0,5

Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh sẽ có những suy nghĩ khác nhau về đức tính kiên trì nhưng cần đảm bảo các ý sau:

Nghĩa tình: Là tình cảm thuỷ chung hợp với lẽ phải, với đạo lí làm người

– Phân tích:

+ Lối sống nghĩa tình là lối sống thủy chung, gắn bó keo sơn giữa con người với con người.

+ Sống có nghĩa có tình là một đạo lí truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, một tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất đạo đức của con người.

+ Lối sống nghĩa tình thể hiện ở thái độ sống trước sau như một, yêu thương, cảm thông, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi khó khăn hoạn nạn, luôn biết ơn, trân trọng sự giúp đỡ của người khác…

+ Người sống không tình nghĩa, phản bội bè bạn, người thân, tổ quốc…, không biết yêu thương, trân trọng những người giúp đỡ mình, cho mình cuộc sống tốt đẹp… sẽ bị cười chê, lên án.

– Bài học nhận thức và hành động

1,5

2

Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm bài nghị luận văn học.

– Vận dụng tốt các thao tác nghị luận.

– Bài làm có kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, cách diễn đạt và dùng từ.

– Có những cách viết sáng tạo, độc đáo.

Yêu về nội dung: HS đảm bảo các ý cơ bản sau

a

Mở bài

0,5

Giới thiệu về tác giả, tác phẩm vị trí đoạn trích và xác định vấn đề nghị luận.

b

Thân bài:

* Khái quát chung:

– Đoạn trích nằm ở phần giữa bài thơ.

– Ở đoạn thơ này hai hình tượng sóng em luôn tồn tại đan cài, khắc họa rõ nét nỗi nhớ, sự thủy chung tha thiết của người con gái đang yêu. Mỗi trạng thái tâm hồn của người phụ nữ đều có thể tìm thấy sự tương đồng với một đặc điểm của sóng.

0,25

* Cảm nhận về nội dung:

– 6 câu đầu: Sóng – em đồng hành cùng nỗi nhớ

+ Sóng nhớ bờ bao trùm không gian, thời gian: lòng sâu – mặt nước, ngày – đêm , với trạng thái nhớ không ngủ được

+ Mượn hình tượng sóng để nói lên nỗi nhớ vẫn chưa đủ, chưa thỏa, nhà thơ trực tiếp bộc lộ nỗi nhớ của người phụ nữ đang yêu rất táo bạo và mãnh liệt. Có ba cõi thức, ngủ, mơ em đều hướng về anh và nhớ anh da diết : Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức.

Bốn câu tiếp theo: Nghị lực và lòng chung thủy

+ Xuôi phương bắc – ngược phương nam là cách nói đặc biệt gợi xa xôi, cách trở, éo le, ngang trái.

+ Điệp từ Dẫu đặt ở đầu câu thể hiện nghị lực, quyết tâm vượt qua những khó khăn và thử thách trong tình yêu.

+ Hướng về anh một phương: Khẳng định lòng chung thủy, thế gian có 4 phương đông, tây, nam, bắc nhưng trong lòng em chỉ có một phương để hướng về đó là phương trời có anh – Nơi có anh rất ấm áp, yên bình và nghĩ đến anh luôn khiến em hạnh phúc.

1,25

1,25

* Cảm nhận về nghệ thuật:

– Thể thơ 5 chữ được dùng một cách sáng tạo, thể hiện nhịp sóng biển và nhịp sóng lòng của thi sĩ.

– Sử dụng linh hoạt, sáng tạo hình tượng sóng để thể hiện mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình.

– Các biện pháp điệp từ, điệp cú pháp, nhân hóa, so sánh…góp phần tạo nên nhịp điệu nồng nàn, say đắm, thích hợp cho việc diễn tả nỗi nhớ mãnh liệt và lòng chung thủy của người phụ nữ trong tình yêu.

0,75

* Đánh giá khát quát

– Từ những nhận thức, cảm xúc, niềm khát khao của sóng, Xuân Quỳnh trực tiếp giãi bày nỗi nhớ, tình yêu, lòng chung thủy của người phụ nữ Việt Nam.

– Thông qua đoạn thơ, tác giả thể hiện vẻ đẹp truyền thống và hiện đại của người phụ nữ Việt Nam trong tình yêu: rất táo bạo, mạnh mẽ và cũng rất nhân hậu, thủy chung.

0,5

c

3. Kết bài: Khái quát chung về vấn đề nghị luận và liên hệ thực tế.

0,5

Tài liệu vẫn còn, mời các bạn tải toàn bộ nội dung để xem chi tiết.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Thi THPT Quốc Gia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!