Tả vật dụng dùng trong lao động
Tả vật dụng dùng trong lao động gồm 3 mẫu, giúp các em học sinh lớp 4 có thêm nhiều vốn từ, nhanh chóng hoàn thiện bài văn tả cái cối nước, tả cái cần trục bến cảng, tả cái liềm gặt lúa… thật hay.
Bạn đang xem: Tả vật dụng dùng trong lao động
Qua đó, các em sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới, biết cách hoàn thiện bài văn tả đồ vật thật hay, để rèn kỹ năng viết văn thật tốt, dễ dàng đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra, bài thi sắp tới. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Download.vn:
Tả cái liềm gặt lúa
Cái liềm là hình ảnh gắn liền với người nông dân Việt Nam. Nó là dụng cụ lao động giúp ích rất nhiều cho việc gặt lúa, cắt rau…
Mỗi khi hè về em lại được bố mẹ cho về quê thăm ông bà. Mỗi sáng dậy em lại thấy ông bà cầm chiếc liềm và đòn gánh ra đồng để gặt lúa. Không những thế, bà còn dùng liềm để cắt rau nữa đấy. Chiếc liềm gồm hai phần, phần thép có hình trăng khuyết, mặt bên trong được các bác thợ rèn tạo thành hình lưỡi cưa nhỏ nhọn gọi là chấu để cắt. Phần chuôi liềm được làm bằng gỗ để các bác nông dân cầm làm việc không bị đau tay.
Ngoài việc sử dụng liềm để gặt lúa, cắt rau ra, bà em còn dùng để cắt cỏ, tỉa cây cảnh nữa đấy.
Bà em kể, chiếc liềm được bà mua cách đây hơn 30 năm rồi nhưng nó vẫn còn sắc lắm. Bà luôn nâng niu cái liềm đã gắn bó với bà biết bao kỉ niệm.
Tả chiếc cần trục bến cảng
Bến cảng lúc nào cũng đông vui. Như một tổ ong khổng lồ ồn ào và tấp nập. Từng đoàn xe nối đuôi nhau ra, vào nhộn nhịp. Xe anh, xe em tíu tít chở hàng đến, vội vã chở hàng đi. Tất cả đều hối hả, bận rộn. Nhưng đường bệ nhất, hăng hái nhất, khỏe nhất là bác cần trục.
Như một đồ vật khổng lồ, bác cần trục xuống tấn đứng trụ như trời trồng một góc cầu cảng. Bác ngồi trên một bệ thép như một cái cồn, bệ thép kêu ro ro xoay tròn 360 độ. Tiếng bác không ầm ĩ, chỉ có cánh tay của bác thật là đặc biệt, vươn dài, vươn dài tới những con tàu viễn dương đang đậu trên bến cảng. Cánh tay ấy có những đường gân bằng dây thép xoắn to bằng bắp tay người lớn. Bàn tay bác là một cái móc hàng đồ sộ, bền chắc vô cùng. Cánh tay bác lúc vươn dài, lúc đưa sang trái, lúc đưa sang phải, thật khỏe khoắn, dẻo dai và nhịp nhàng. Hòm nhỏ, hòm to, công- ten-nơ hàng to và dài như những chiếc xe siêu trọng, bác cứ xách một tay nhẹ tênh. Những xe ô tô, những cỗ máy lớn…bác cần trục chỉ khẽ cúi xuống, vươn tay ra móc lấy sợi dây chằng coi nhẹ như không.
Anh công nhân ngồi trong ca-bin cao chót vót. Máy bộ đàm phát lệnh truyền ra. Hàng nghìn hàng vạn tấn hàng được bác cần cẩu nâng lên, đặt xuống, chuyên cần và chăm chỉ. Sớm và chiều, ngày và đêm cần mẫn bốc hàng, chuyển hàng…
Hàng chục triệu tấn hàng xuất nhập khẩu đều qua tay bác cần cẩu. Con voi đã khỏe, nhưng bác cần cẩu còn khỏe gấp hàng chục, hàng trăm lần con voi. Công trình sư nào đã thiết kế nên những chiếc cần cẩu hiện đại này? Khoa học và kỹ thuật đã tạo cho con người một sức mạnh ghê gớm.
Tả cái cối nước của đồng bào miền núi
“Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều,
Chày đêm nện cối đều đều suối xa”
Đó là hai câu thơ trích trong bài “Việt Bắc” của Tố Hữu. Người cán bộ kháng chiến thời chống Pháp có bao giờ quên được tiếng mõ trâu lúc rừng chiều, tiếng chày cối nước giã gạo giữa đêm khuya, giữa chiến khu. Ai đã từng nhìn thấy cái cối nước của đồng bào các dân tộc trên Tây Bắc, Việt Bắc?
Cái cối giã gạo nước thường làm bằng gỗ nghiến, gỗ lim. Ở những nơi không có lim, nghiến, thường người ta tìm những loại cây chịu được nước để làm cối. Trông từ xa, cối nước giống hệt như một con chuồn chuồn ngô khổng lồ. Đến gần, ngắm nghía kĩ, ta thấy cần cối rất dài, thẳng đuột, được bắc lên một cây ngáng. Đầu cối to khoét máng. Thành máng đứng thẳng ba mặt. Mặt ngoài vát như đầu thuyền, để cối đổ nước được dễ dàng. Phần cần cối, dài gấp bốn năm lần máng, đánh thót lại. Người ta có thể đánh tròn như cột nhà hay đánh thành tám cạnh, tùy sở thích từng nhà chủ.
Cái chày cối nước ngắn ngủn, tra kĩ, nêm chặt ở đuôi cối. Cối nước đặt trên bờ, thường được chôn kĩ xuống đất, chỉ để hở miệng tí chút.
Người ta bắc máng cho nước trên thác đổ xuống máng cối. Máng cối đầy nước, cối tự động nhao mình xuống chân thác để đổ hết nước trong máng. Đầu cối nhẹ bổng, hất mình lên.
Suốt ngày đêm, nước máng tuôn ào ạt, trắng xóa, đổ ù ù xuống máng cối. Cối nước gật gù, tạo nên những nhịp chày chầm chậm, không biết mệt mỏi.
Để đấu gạo đã xay vào cối nước, sau một đêm đem về sàng sẩy… Cám mịn như bông, gạo trắng lóa mắt. Cơm trắng, cơm dẻo là nhờ cái cối nước cần mẫn giã gạo. Ai mà chẳng thích, chẳng yêu cái cối nước ở miền núi, nhất là các bà, các chị.
Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu
Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 4