Lớp 12

Bộ đề đọc hiểu Vợ chồng A Phủ (Có đáp án)

Bộ đề đọc hiểu Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài bao gồm 3 đề có đáp án chi tiết kèm theo, giúp cho các bạn có nhiều tư liệu học tập, rèn luyện kỹ năng giải các câu hỏi trong phần đọc hiểu trong đề thi THPT Quốc gia môn Văn.

Đọc hiểu là phần không thể thiếu trong đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn chính vì vậy để làm được dạng bài này các em cần có kiến thức và các kỹ năng làm bài cho đúng. Bên cạnh đó các em tham khảo thêm: đề đọc hiểu Việt Bắc, 27 đề đọc hiểu môn Ngữ Văn theo cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2022, Bộ 110 đề thi đọc hiểu luyện thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn.

Bạn đang xem: Bộ đề đọc hiểu Vợ chồng A Phủ (Có đáp án)

Đề đọc hiểu Vợ chồng A Phủ – Đề 1

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi cũng không đứng lên. Mỵ nhớ lại đời mình. Mỵ tưởng tượng như có thể một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng trốn được rồi, lúc đó bố con thống lý sẽ đổ là Mị đã cởi trói cho nó, Mỵ liền phải trói thay vào đấy. Mỵ chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, nhưng làm sao Mị cũng không thấy sợ…Trong nhà tối bưng, Mỵ rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt. Nhưng Mỵ tưởng như A Phủ biết có người bước lại… Mỵ rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ thở phè từng hơi, như rắn thở, không biết mê hay tỉnh.Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mỵ cũng hốt hoảng. Mị chỉ thì thào được một tiếng “Đi đi…” rồi Mỵ nghẹn lại. A Phủ khuỵu xuống không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

Mị đứng lặng trong bóng tối.

Trời tối lắm. Mị vẫn băng đi. Mỵ đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy xuống tới lưng dốc.

(Trích Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài)

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phương thức biểu đạt chính nào?

Câu 2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì ?

Câu 3. Nêu ý nghĩa của đoạn văn trên

Câu 4. Các từ láy: rón rén, hốt hoảng, thì thào đạt hiệu quả nghệ thuật như thế nào khi diễn tả quá trình Mị cởi trói cho A Phủ ?

Câu 5. Xác định ý nghĩa nghệ thuật của hình ảnh cái cọc và dây mây trong văn bản ?

Câu 6. Tại sao câu văn “Mị đứng lặng trong bóng tối.” được tách thành một dòng riêng?

Câu 7. Từ văn bản, viết một đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về tình yêu thương con người của tuổi trẻ hôm nay.

Gợi ý đáp án

Câu 1: Tự sự

Câu 2: Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản: Thể hiện tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ và cùng A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài sang Phiềng Sa.

Câu 3:

Ý nghĩa:

+ Niềm khát khao sống và khát khao tự do của nhân vật Mị.

+ Thể hiện sức sống tiềm tàng của nhân vật: Mị cứu A Phủ cũng đồng nghĩa với việc Mị tự cứu lấy chính bản thân mình.

+ Tô Hoài đã ca ngợi những phẩm chất đẹp đẽ của người phụ nữ miền núi nói riêng và những người phụ nữ Việt Nam nói chung.

Câu 4: Các từ láy: rón rén, hốt hoảng, thì thào đạt hiệu quả nghệ thuật diễn tả tâm trạng và hành động của Mị khi cởi trói cho A Phủ. Nó chứng tỏ tâm trạng lo sợ và hành động nhẹ nhàng từ bước đi đến lời nói của Mị. Điều đó phù hợp với quá trình phát triển tính cách và tâm lí nhân vật Mị

Câu 5:

Ý nghĩa nghệ thuật của hình ảnh cái cọc và dây mây trong văn bản:

– Ý nghĩa tả thực: nơi để trói và dụng cụ để trói A Phủ của thống lí Pá Tra để đổi mạng nửa con bò bị hổ ăn thịt.

– Ý nghĩa tượng trưng: Biểu tượng cho cái ác, cái chết do bọn chúa đất miền núi gây ra. Đó cũng là nơi không hẹn mà gặp giữa hai thân phận đau khổ cùng cảnh ngộ. Đó cũng là nơi để Mị bộc lộ tình thương người và đi đến quyết định táo bạo giải cứu A Phủ cũng là giải thoát cuộc đời mình. Sự sống, khát vọng tự do tỏa sáng từ trong cái chết.

Câu 6:

Câu văn Mị đứng lặng trong bóng tối. được tách thành một dòng riêng. Nó như cái bản lề khép lại quãng đời tủi nhục của Mị, đồng thời mở ra một tương lai hạnh phúc. Nó chứng tỏ tâm trạng vẫn còn lo sợ của Mị. Cô cũng không biết phải làm gì tiếp theo nên chỉ “đứng lặng trong bóng tối”.

=> Đây là hành động xuất phát từ tính tự giác (từ động cơ muốn cứu người), vừa có tính tự phát (không có kế hoạch, tính toán cụ thể), nói cách khác là vì lòng thương người mà cũng là vì “liều”. Nhưng lòng khao khát sống, khao khát tự do đã trỗi dậy, đã chiến thắng sự sợ hãi, để Mị tiếp tục băng đi, chạy theo A Phủ.

Câu 7:

Đoạn văn đảm bảo các ý:

– Dẫn ý bằng tình thương của Mị dành cho A Phủ thông qua tâm trạng và hành động cởi trói.

– Hiểu thế nào là tình yêu thương con người nói chung và của tuổi trẻ hôm nay nói riêng?

– Ý nghĩa của tình yêu thương con người của tuổi trẻ?

– Phê phán thái độ thờ ơ, vô cảm, ích kỷ của một bộ phận thanh niên trong xã hội và hậu quả thái độ đó?

– Bài học nhận thức và hành động?

Đề đọc hiểu Vợ chồng A Phủ – Đề 2

Đọc đoạn văn dưới đây và trả lời câu hỏi:

Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên. Mị trở dậy thổi lửa, ngọn lửa bập bùng sáng lên. Mị trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở. Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen. Thấy tình cảnh thế, Mị chợt nhớ đêm năm trước. A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết. Nó bắt mình chết cũng thôi. Nó đã bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Chỉ đêm mai là người ta chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân phận đàn bà, nó đã bắt về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết. A Phủ… Mị phảng phất nghĩ như vậy.

(Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên.

Câu 2. Xác định nội dung chính của đoạn trích trên?

Câu 3. Điều gì khiến Mị chú ý đến A Phủ đang bị trói?

Câu 4. Đoạn trích đã diễn tả suy nghĩ của nhân vật Mị như thế nào?

Câu 5. Kể vắn tắt chi tiết tiếp sau đoạn văn này.

Câu 6. Chi tiết: “Dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen” thể hiện điều gì? Nêu cảm nhận về nó?

Câu 7. Tại sao Mị lại nghĩ “Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ…”?

Gợi ý đáp án

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: tự sự.

Câu 2. Nội dung chính của đoạn trích: Tâm trạng của Mị trong đêm nhìn thấy giọt nước mắt A Phủ

Câu 3. Mị chú ý đến A Phủ bởi dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen.

Câu 4. Suy nghĩ của Mị trong đoạn trích: đồng cảm, đau đớn thay cho một kiếp người

Câu 5. Vắn tắt chi tiết tiếp sau: Sau khi chứng kiến A Phủ bị trói trong sân nhà thống Lí Pá Tra, Mị đã suy nghĩ và vùng dậy cầm dao cắt dây trói cho A Phủ. Mị chạy theo A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài.

Câu 6. Chi tiết “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen” thể hiện nỗi đau khổ, tuyệt vọng của A Phủ.

Cảm nhận về “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”

– Sự xuất hiện của chi tiết: nằm ở cuối phần một của câu truyện trong một cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa A Phủ và Mị

– Ý nghĩa: Dòng nước mắt trong hiện tại của A Phủ là hiện thân cho sự đau đớn và tuyệt vọng của một chàng trai vốn khỏe mạnh, giàu sức sống, yêu tự do bị đẩy đến đường cùng:

+ Lai lịch, phẩm chất tốt đẹp

+ Vì đánh con quan nên bị biến thành kẻ ở trừ nợ, mất tự do

+ Để mất bò nhà quan nên bị trói đứng, bị đánh đập, bỏ đói, đang cận kề cái chết

-> Đằng sau dòng nước mắt kia là khao khát mãnh liệt về sự sống và tự do của con người khốn khổ.

Câu 7. Vì Mị vốn là người có tấm lòng nhân hậu, khoảnh khắc nhìn thấy hàng nước mắt A Phủ đã thức tỉnh tâm hồn băng giá của Mị bấy lâu. Đó cũng thể hiện khát vọng sống của Mị.

Đề đọc hiểu Vợ chồng A Phủ – Đề 3

Đọc các ngữ liệu dưới đây và trả lời các yêu cầu dưới đây:

“Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ Mị tưởng mình cũng là con trâu con ngựa”

“Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào công việc cả đêm cả ngày”

“Mỗi ngày Mị không nói lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”

“Ngựa vẫn đứng yên gãi chân nhai cỏ, Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”

(Trích trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài)

Câu 1. Những thủ pháp nghệ thuật nào đã được sử dụng trong những câu văn trên?

Câu 2. Nêu hiệu quả, ý dụng của những thủ pháp nghệ thuật ấy?

Câu 3. Từ những câu trích trên, anh (chị) hãy viết một đoạn văn quy nạp nói về tình cảm, thái độ của nhà văn với đối tượng miêu tả?

Gợi ý đáp án

Câu 1.

Những thủ pháp nghệ thuật được sử dụng là: so sánh, điệp từ, vật hóa.

Câu 2.

Hiệu quả, tác dụng:

– So sánh Mị với con trâu, con ngựa, con rùa để làm nổi bật nỗi khổ về cả thể xác lẫn tinh thần của cô gái miền núi này.

– Điệp từ “khổ, còn, đêm …” nhấn mạnh nội dung diễn đạt đồng thời tạo nhịp điệu cho câu văn.

– Vật hóa (ngược với nhân hóa) nhấn mạnh thêm kiếp người chỉ bằng, thậm chí không bằng kiếp vật.

Câu 3.

Yêu cầu:

– Hình thức: Đoạn văn phải viết theo phương pháp quy nạp ⇒ đoạn văn được trình bày đi từ các ý nhỏ đến ý lớn, từ ý luận cứ cụ thể đến ý kết luận bao trùm ⇒ câu chủ đề nằm ở vị trí cuối đoạn.

– Nội dung cần đúc kết: Sự thấu hiểu và cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với nỗi khổ đau bất hạnh của nhân vật Mị trong tác phẩm nói riêng và những người phụ nữ miền núi nói chung. Qua đó, ta thấy Tô Hoài là một nhà văn vừa am hiểu đời sống, vừa có tấm lòng nhân đạo đáng quý.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 12

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!