Lớp 5

Kể câu chuyện em làm có nội dung như câu Có công mài sắt, có ngày nên kim

Kể câu chuyện em làm có nội dung như câu Có công mài sắt, có ngày nên kim gồm dàn ý, cùng 7 bài văn mẫu, là tài liệu hữu ích mà THPT Nguyễn Đình Chiểu muốn giới thiệu đến quý thầy cô cùng các bạn học sinh lớp 5 tham khảo.

Toàn bộ 7 bài văn mẫu được tổng hợp từ các bài văn hay nhất của học sinh trên cả nước. Ngoài ra bạn đọc tham khảo thêm một số dạng bài văn mẫu lớp 5 khác tại chuyên mục mua sách, làm theo sách.

Bạn đang xem: Kể câu chuyện em làm có nội dung như câu Có công mài sắt, có ngày nên kim

+ Lớp năm: chăm chỉ nghe thầy giảng giải trên lớp về nhà chuyên tâm giải toán khó.

– Bạn giúp đỡ, thầy sửa giúp.

– Kết quả tốt, thầy khen trước lớp.

III. Kết bài

– Cảm nghĩ về việc phấn đấu.

Câu chuyện Có công mài sắt, có ngày nên kim – Mẫu 1

Người xưa nói:  “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Thật đúng là như vậy, em đã được mẹ kể nhiều câu chuyện về những tấm gương vượt khó trong cuộc sống.

Có những người vì bị tai biến mà không thể đi lại nhưng do họ cố gắng tập luyện ngày đêm cuối cùng họ đã đi lại được mà không cần xe lăn. Dù được nghe kể như vậy nhưng em chưa tưởng tượng nếu mình trong hoàn cảnh đó thì mình sẽ làm như thế nào. Nhưng đến năm em lớp 3 đã có điều bất ngờ ập đến. Đó là lần em cùng bố mẹ và em đi du lịch biển ở Hải Phòng. Nhà em dung ô tô riêng để đi lại. Thật không may mắn, trên đường trở về ở Hà Nội xe của gia đình em bị một xe tải đâm vào do chú lái xe có sử dụng rượu. Hai mẹ con em chỉ bị thương nhẹ nhưng còn bố em thì bị rất nặng. Bố bị xuất huyết não và phải cấp cứu gần 10 tiếng đồng hồ. Cả gia đình em vô cùng lo sợ, đến khi thấy bác sĩ bước ra khỏi cánh cửa phòng mổ. Mẹ em lao đến và khẩn thiết hỏi về bố. Bác sĩ nói bố đã được cứu nhưng có thể sẽ bị liệt hai chân vĩnh viễn. Mẹ gần như gục ngã, em cũng òa khóc theo. Nhưng những hôm sau khi chăm sóc bố ở bệnh viện mẹ không hề tỏ ra yếu đuối, mẹ vẫn luôn mỉm cười để như động viên tinh thần bố. Lúc đầu, bố chán nản, hay cáu gắt, bố thấy mình vô dụng. Tuy nhiên, sau những lời an ủi, khích lệ của mẹ, bố đã có ý muốn đi tập vật lý trị liệu. Ban đầu, khi đến phòng tập, bố rất đau đớn, thâm chí còn không thể ngồi mà lết được hai chân đi. Đã có lúc em thấy cả nước mắt của bố lăn dài trên má, nhưng bố vẫn nghiến chặt răng lại, dùng hết sức lực để đi tiếp. Ngày ngày qua đi, không một hôm nào bố bỏ tập. Sau 4 tháng bố có thể bước đi bằng hai cái nạng, nhìn những bước đi tập tễnh của bố mà em mừng lắm. Sau 2 năm, bố đã có thể đi lại mà không dùng nạng, tuy không thể chạy nhảy như trước đây, nhưng việc bố có thể đi lại đã là niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình rồi. Thay vì sống cuộc đời trên chiếc xe lăn, bố vẫn có thể sử dụng đôi chân vốn có của mình.

Trải qua sự việc ấy, em mới thấy mình trưởng thành hơn. Là con trai của bố, em sẽ không bao giờ bỏ cuộc.

Câu chuyện Có công mài sắt, có ngày nên kim – Mẫu 2

Hôm nay tôi đi học về vẻ mặt vui sướng với ba con mười thi học kì đỏ chói trên tay và trong lòng lâng lâng khó tả. Tôi về nhà cất cặp sách và một lần nữa mang bài ra xem, tôi trào dâng sắp khóc khi nhìn thấy con mười toán. Để được con mười toán này tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn, sự quyết tâm của chính mình để vượt qua cái khó khăn của môn toán.Các bạn biết để có con mười toán, tôi đã phải cố gắng nỗ lực thực thế nào không? Rất, rất lớn và nhiều nhưng không vô nghĩa, tuy tôi đã lớn nhưng tôi vẫn khắc sâu ngày đó ngày mà con mười toán đối với tôi xa vời vợi và là cả một giấc mơ. đó là năm tôi học lớp bốn không những nói chuyện nhiều tôi còn là một học sinh kém toán nhất nhì trong lớp nữa đây!

Những khi có bài tập về nhà đối với tôi quả là khó khăn, trong khi tôi cắn bút suy nghĩ vò đầu về bài toán khó thì bây giờ tôi lại nghĩ: “Chắc giờ này mấy đứa giỏi toán lớp tôi đã làm xong bài một cách dễ dàng rồi ấy chứ!” Lại còn cả những bài kiểm tra nữa, trong khi tụi bạn vui mừng hân hoan với điểm mười toán và được khen khi bố mẹ đón về thì tôi lại làm cho bố mẹ tôi buồn vì điểm kém, lúc đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều và đi đến quyết định lập cho mình một kế hoạch về việc ôn tập toán và quyết tâm bằng mọi giá phải trở thành một học sinh giỏi toán. Nghĩ tưởng dễ thế thôi chứ thực tình bao nhiêu khó khăn đã xảy ra đã làm nhiều lúc tôi nản chí, chẳng hiểu sao mà cứ lúc nào ngồi vào bàn làm toán là đầu óc tôi đã rối bù lên rồi cho dù tôi đã rất cố gắng tập trung suy nghĩ. Những lúc như thế tôi đã rất buồn và khóc, tôi khóc, khóc rất nhiều như thế trong đầu tôi những đám mây màu xám xịt nhưng vừa lúc đó ánh nắng ấm áp, ban mai dịu xuất hiện sau lời nói dịu dàng đầy yêu thương của mẹ làm tan đi đám mây ấy trong đầu tôi: “Cố lên con ạ! Đã nói chỉ là bước đầu thôi mà!” Rồi mẹ như làm tôi thức tỉnh, tôi lau nước mắt và tiếp tục suy nghĩ bài toán đang đợi tôi giải nốt. Tối hôm đó tôi đã thức suốt đêm để suy nghĩ nhưng cuối cùng bài toán khó vẫn chưa được giải ra và sáng hôm sau tôi đến lớp trong tâm trạng rất buồn, thất vọng. Hầu như cả ngày hôm đó tôi chẳng chú ý đến môn học gì cả, thế là một ngày cũng trôi qua cho đến cuối giờ khi cô giữ tôi lại và hỏi, giọng cô ấm áp, thiết tha mà cũng có vẻ lo lắng: “Tiên à! Con bị làm sao thế? Con ốm chăng?” Tôi lặng thinh chẳng nói gì cả và sự im lặng đó đã làm cho cô hiểu ra tất cả, cô đến bên kéo sát tôi lại và hỏi: “Môn toán phải không con? Cố gắng rồi sẽ vượt qua thôi mà!”

Thế rồi buổi chiều hôm đó cô đã giúp tôi hiểu sâu hơn về môn toán, cô còn hướng dẫn tôi cách làm một bài toán phải nghĩ như thế nào hướng giải ra sao, nghe lời cô nói tôi như hiểu thêm ra rất nhiều điều và làm cho tôi bắt đầu có hứng thú với môn toán. Những ngày tiếp sau đó tôi cố gắng chăm chú nghe cô giảng ở lớp, những chỗ nào không hiểu tôi lên xin cô giảng lại đến khi thật hiểu mới thôi, còn về nhà tôi cố gắng làm các bài tập thật chăm chỉ làm đi làm lại rất nhiều lần cho thật thành thạo. Lại có những lúc gặp bài khó nhưng tôi vẫn không nản chí tiếp tục suy nghĩ nhưng nhưng… sao cái toán khó thế nhỉ? Thế là tôi cảm thấy nản, lúc đó mẹ tôi đã đến bên an ủi động viên, gợi ý cho tôi hướng và cách giải của bài toán đó. Niềm vui sướng đã đến với tôi khi tôi đã giải được bài toán khó kể từ khi đối với tôi toán là một môn học cứng nhắc và khô khan. Tôi cẩn thận trình bày vào vở và hồi hộp chờ đến ngày hôm sau để đợi thái độ của cô. Hôm sau tôi rất vui vì được tuyên dương trước lớp là tiến bộ nhiều về môn toán. Một tuần, hai tuần rồi ba tuần trôi qua đi dưới sự động viên của mẹ, của cô mà tôi cảm thấy được sự tiến bộ rõ rệt của mình về môn toán, những bài tập giờ đây đối với tôi thật lí thú và dễ dàng. Còn những chiều đi học về tôi khoe mẹ từ bài kiểm tra lúc đầu là 5, 6, 7 rồi 8, 9, 10 là lúc đó mẹ cùng tôi đều cười sung sướng. Tôi làm được vì tôi có lòng quyết tâm, ý chí vươn lên cho dù có thể tôi không thông minh như các bạn cùng lớp.Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của tôi bật khóc khi tôi được điểm mười trong giờ kiểm tra toán.

Các bạn ạ! Làm việc gì nếu có lòng quyết tâm thì đều làm được cho dù việc có khó khăn đến mấy đi chăng nữa thì ta vẫn làm được, đúng là: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” mà!

Câu chuyện Có công mài sắt, có ngày nên kim – Mẫu 3

Ít ai hiểu được ý nghĩa câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” một cách sâu xa như Nguyên, bạn học cùng lớp với em.

Thật vậy. Em còn nhớ như in là trong năm học trước, năm lớp bốn, lần nào trả bài kiểm tra môn toán thầy cũng, nhắc nhở bạn ấy bằng lời phê trên bài làm: “Toán còn yếu phải cố gắng nhiều” chưa lần nào bài tập của Nguyên đạt được điểm năm.

Tuy là có thua kém với các bạn trong lớp nhưng Nguyên vẫn không nản lòng. Bạn ấy về nhà xin ba mua đủ các sách giải toán rồi miệt mài đọc kỹ và tập giải với mong muốn mãnh liệt là mình sẽ giỏi toán.

Từ đó, nhất là từ đầu năm lớp năm, vào lớp em thấy Nguyên luôn để tâm nghe thầy giảng giải các bài toán, về nhà, hôm nào cũng vậy, dùng bữa xong là bạn bắt tay ngay vào việc giải toán. Nguyên đã tìm hỏi các bạn trong lớp trong đó có em, cách giải các bài toán mà bạn ấy bị điểm thấp. Em và các bạn đều vui vẻ chi dẫn rành rọt cho bạn mình.

Có lần Nguyên đã khẩn khoản hỏi Nga, cô bạn học giỏi toán nhất lớp:

– Nga ơi! Bạn có cách nào mà học giỏi toán như vậy. Bạn chỉ cho mình đi.

Nga tươi cười cởi mở:

– Chẳng có gì khó hết bạn ơi! Bạn chỉ cần thuộc và hiểu kỹ bài học và làm cho thật nhiều bài tập là được. Bạn cứ làm đi. Chỗ nào không làm được, nếu mình biết mình sẽ giúp. Ta sẽ cùng giải.

Nghe lời bạn, Nguyên về nhà giải thật nhiều bài tập toán. Nhiều lúc, bạn ấy đã từ chối lời mời đi chơi của các bạn mình.

Nguyên miệt mài làm cả các bài tập không có lời giải trong sách và mang tới nhờ thầy sửa giúp. Thấy Nguyên cố gắng, thầy vui mừng lắm và nhiều lần khuyến khích.

Thế rồi điều phải đến đã đến. Bài kiểm tra toán của Nguyên lần ấy được điểm chín. Thầy rất hài lòng nên khen ngợi Nguyên trước lớp. Nhìn bạn mình phút ấy em biết lòng bạn sung sướng lắm.

Nguyên ơi! Nhờ bạn, mình mới sáng thêm ý nghĩa câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” mà thầy thường nhắc nhở để khuyên chúng ta chăm chỉ học hành. Muốn học giỏi phải kiên trì cố gắng.

Câu chuyện Có công mài sắt, có ngày nên kim – Mẫu 4

‘“Có công mài sắt có ngày nên kim”.

Đó là câu tục ngữ mà thầy thường dẫn ra trong lớp để khuyên nhủ chúng em. Nhiều bạn làm theo lời khuyên của thầy mà đã đạt kết quả mỹ mãn, trong đó có em.

Còn nhớ hồi đầu năm cứ đến giờ tập làm văn là em ngồi thừ ra cắn bút trong khi các bạn khác trong lớp chữ nghĩa cứ tuôn trào. Đến khi các bạn viết đã đầy trang rồi, thế mà em cố gắng lắm cũng chỉ được sáu bảy dòng rồi cạn nguồn và em cứ ngồi loay hoay mãi.

Chưa bao giờ em được điểm bảy hay tám về môn văn. Má em khuyên nhủ: “Con phải ráng mà kiên nhẫn, đừng chán nản. Phải có công mài sắt thì mới có ngày nên kim được con ạ! Văn ôn, võ phải luyện mà. Con ôn luyện đi. Má sẽ giúp sức cho con”.

Lời căn dặn của má thúc giục em, từ đó, ngoài việc học và làm bài mới, em đã dành hẳn mỗi ngày một giờ đồng hồ để học văn. Thoạt tiên, em tìm lại sách lớp bốn, đọc kỹ phần ghi nhớ. Má hướng dẫn thật chu đáo khâu tìm hiểu đề, xác định nội dung và thể loại của nó. Má cho em đọc nhiều lần bài văn mẫu, bài đọc thêm ở sách tham khảo rồi yêu cầu em viết bài làm của mình không được giống với những điều gì đã đọc. Lúc đầu, em bắt chước các bài văn mẫu ấy nhưng dần dần tập viết khác đi bằng cách diễn đạt của mình. Má dạy em cách dùng từ, diễn ý sao cho xác hợp mà thoát ý. Nghe lời má, em sắm một quyển sổ tay chép các đoạn văn hay của các nhà văn nổi tiếng. Lúc nào rảnh rỗi là em lấy số tay đọc để tìm hiểu và học tập cách dùng từ, diễn ý sinh động hấp của các bậc tiền bối này.

“Học thầy không tày học bạn”, trong lớp, em làm thân với Nguyên và Hương hai cây văn có tiếng. Hai bạn này truyền đạt lại các kinh nghiệm học văn mà các bạn ấy có được. Điều chi, bài nào khó quá, em mạnh dạn vào lớp hỏi cô. Cô vui vẻ chỉ dẫn tận tình, cho em mượn cả sách tham khảo mà em không có.

Thấy em cố gắng, ba em cũng hết lòng khích lệ. Ba đã tìm mua cho các em sách tham khảo tập làm văn cần thiết.

Ba tháng sau, em tiến bộ rõ. Không những biết làm dàn ý, em còn biết viết câu văn sao cho có hình ảnh gợi tả và gợi cảm. Tiến bộ ấy đã được cô em công nhận trong lớp. Bài tập làm văn và các bài tập tiếng việt khác của em điểm số cứ tăng dần. Hai tuần trước đây, lần đầu tiên bài tập làm văn của em đạt điểm chín, được cô đọc cho cả lớp nghe và đặc biệt khen ngợi. Nhưng đặc biệt hơn là cuối học kì một, em được nhà trường tuyển chọn vào đội học sinh giỏi.

Xúc động biết bao, nước mắt em cứ muốn trào lên. Câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” sáng lên trong tâm trí em lúc này.

Câu chuyện Có công mài sắt, có ngày nên kim – Mẫu 5

“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, từng tiếng được phát ra rõ ràng, rành mạch khi em đang dạy em trai đọc chữ, và khi đọc đến câu tục ngữ này, em lại nhớ về một khoảng thời gian em đã vô cùng cố gắng nỗ lực chăm chỉ để viết chữ đẹp hơn.

Hồi đó em học lớp 1, những ngày đầu tiên đến lớp em vẫn còn bỡ ngỡ bạn mới, thầy cô mới, một môi trường mới, nhưng được sự chỉ bảo tận tình của cô giáo, em đã thích nghi rất nhanh và cảm thấy vui vẻ. Tuy nhiên, việc học của em không được tốt lắm, bởi chữ viết của em rất xấu, thường bị cô phê bình. Em rất buồn nhưng may mắn được sự giúp đỡ của chị gái cùng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, chữ viết của em đã dần một tốt hơn và còn được dự thi cuộc thi viết chữ đẹp.

Những bài học đầu tiên của lớp 1 chỉ là làm quen, đọc số và các nét, em đã học rất tốt cho đến khi cô yêu cầu viết vào vở, rồi rèn từng nét một. Các nét chữ của em hồi đó rất xấu, từng nét không được thẳng mà cứ cong cong, run run. Nhìn chữ viết của mình rất xấu, em trở nên chán nản, không rèn luyện thêm, chỉ viết cho hết bài trên lớp và về nhà không chịu rèn. Những nét chữ của em ngày một xấu hơn và không đúng nét. Cô giáo thấy em không có sự tiến bộ nên đã nhắn với bố mẹ, yêu cầu gia đình để ý đến việc học của em hơn. Từ hôm đó trở đi, ngày ngày chị gái em đều bắt em học bài, rèn thật chậm từng nét chữ, chị gái luôn nhắc nhở em “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Những ngày đầu em cảm thấy rất khó khăn, nhưng dần dần em thấy mình tiến bộ hơn một chút. Chị gái luôn tận tâm chỉ từng nét, và việc rèn chữ đã trở thành một thói quen của em, nhìn thấy chữ của mình đẹp hơn, em đã rất vui mừng. Khoảng thời gian đó, ngoài thời gian rèn chữ trên lớp, về đến nhà, em ngồi ngày vào bàn học và rèn từng chút từng chút một, em đã tự hứa với mình phải đạt được thành tích tốt để cho gia đình tự hào về em. Sự nỗ lực của em đã được đền đáp, chữ của em tiến bộ hơn rất nhiều, đến đầu học kỳ 2, em đã được chọn là thí sinh đi thi đi thi viết chữ đẹp. Em đã chăm chỉ hơn để chuẩn bị cho cuộc thi, tuy nhiên kết quả không được như mong muốn. Em đã tự hứa với mình phải nỗ lực hơn nhiều để đạt được giải, và hai năm sau đó bằng sự quyết tâm vượt bậc, em đã nhận được giải Ba và giải Nhì trong cuộc thi viết chữ đẹp cấp tỉnh.

“Có công mài sắt, có ngày nên kim” quả thật là một câu tục ngữ hay về sự chăm chỉ và thành công. Quả đúng vậy, em rất cảm ơn chị gái đã giúp đỡ em và em cũng rất tự hào về bản thân đã nỗ lực rèn luyện, em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để đạt được nhiều kết quả tốt hơn.

Câu chuyện Có công mài sắt, có ngày nên kim – Mẫu 6

Trong cuộc sống, bất cứ việc gì cũng không thể thành công trong chốc lát. Mỗi chúng ta cần rèn luyện tính kiên trì, bền bỉ giống như mài sắt thành kim. Nhờ quá trình kiên trì, bền bỉ không bỏ cuộc, em đã đạt được kết quả như mong muốn của mình trong việc luyện viết chữ.

Khi học lớp hai, chữ của em rất xấu. Nhìn vào vở của em, các bạn trong lớp hay trêu đùa “xấu như gà bới”. Nét chữ ngoằn ngoèo xiêu vẹo trong trang vở của em khiến cô giáo nhắc nhở không ít lần. Em vẫn hồn nhiên cho rằng chuyện đó chẳng sao cho đến khi danh hiệu học sinh giỏi cuối kỳ vuột mất. Vì chữ xấu nên bài thi Tiếng Việt bị điểm kém. Em trở về nhà, khóc nức nở và kể cho mẹ nghe toàn bộ sự việc. Mẹ dỗ dành mãi rồi bảo:

– Muốn được học sinh giỏi, con phải luyện viết chữ cho đẹp. Nét chữ nết người con ạ.

Nghe lời mẹ, em tự nhủ phải quyết tâm luyện chữ thật đẹp để bài Tiếng Việt đạt điểm thật cao. Em bắt đầu tập viết lại những nét chữ cơ bản nhất vào mỗi buổi tối. Có những lúc vừa chán nản vừa mệt và đau tay, em chỉ muốn bỏ cuộc. Nhưng mẹ luôn sát cánh động viên em.

– Có công mài sắt có ngày nên kim con ạ. Sắt to như vậy người ta kiên trì còn có thể mài thành kim thì luyện viết chữ đẹp có khó gì?

Những lời nói của mẹ như tiếp thêm sức mạnh cho em, em càng cố gắng kiên trì hơn với mục tiêu của mình. Từ đó, cứ lúc nào rảnh rỗi là em liền lấy giấy bút ra luyện chữ. Luyện chữ nghiêng rồi chữ đứng, chữ viết hoa rồi viết thường. Dần dần, nét chữ của em trở nên ngay ngắn, dễ nhìn hơn, không còn xấu xí khó coi như trước nữa. Sách vở và bài kiểm tra nhìn vào đều thấy thoải mái hơn trước kia. Em rất vui sướng. Những thay đổi tích cực ấy càng khiến em tin vào sức mạnh của sự kiên trì, bền bỉ. Em chăm chỉ luyện viết chữ hơn, quyết không bỏ cuộc. Sự tiến bộ trong chữ viết của em cũng được cô giáo chứng kiến. Cô khen ngợi em trước lớp về tinh thần tiến bộ của bản thân.

Em cứ tiếp tục rèn luyện mãi cho nét chữ đẹp hơn từng ngày. Và rồi cuối cùng em cũng nhận được kết quả xứng đáng. Em trở thành một trong những học sinh viết chữ đẹp nhất lớp. Kỳ thi luyện viết chữ đẹp cấp tỉnh năm ấy, em được cô giáo chọn đi dự thi. Em vui mừng lẫn lo lắng, lo sợ liệu mình có làm tốt hay không. Không từ bỏ, em vẫn tin quan điểm “Có công mài sắt, có ngày nên kim” là hoàn toàn đúng đắn và làm theo. Cuộc thi ấy, cuối cùng em nhận giải Nhì, đem lại danh hiệu cho trường học. Cầm tấm giấy chứng nhận và giấy khen học sinh hỏi em cảm thấy xứng đáng vô cùng.

Từ khi chữ viết của em đẹp hơn, em còn được chọn vào đội tuyển môn Ngữ Văn. Trong mọi hoạt động em cũng cẩn thận hơn, không cẩu thả qua loa như trước đó nên bạn bè và thầy cô đều rất tin tưởng. Nhờ quá trình rèn luyện, cố gắng không ngừng nghỉ, em đã đạt được kết quả như ý muốn. “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, kiên trì cố gắng thành công sẽ đến.

Câu chuyện Có công mài sắt, có ngày nên kim – Mẫu 7

Hôm nay trả bài kiểm tra toán, tôi được cô giáo tuyên dương. Cô giáo tuyên dương không phải do tôi làm bài đạt điểm 10 mà vì sự tiến bộ của tôi.

Đầu năm tôi rất ghét và sợ môn toán. Đến giờ toán tôi cảm thấy như bị cực hình.

Nghe cô giáo giảng mà tôi chẳng hiểu gì cả mặc dù tôi luôn lắng nghe cô giảng bài. Những con số và các hình vẽ khó cứ làm tôi hoa hết cả mắt. Các bài tập nâng cao hầu như tôi đều nhờ mẹ giảng. Các bài kiểm tra của tôi thường bị điểm kém. Cô giáo phê bình tôi trước lớp, bố mẹ cũng rất buồn về sức học của tôi.

Tôi cảm thấy xấu hổ và quyết tâm học tốt môn này.

Tôi bắt đầu lập ra một kế hoạch học tập khoa học: dành thời gian học toán nhiều hơn nhưng cũng không quên các môn khác, không xem tivi và đọc truyện nhiều, ở trên lớp, luôn cố gắng nhập tâm bài giảng của cô, chỗ nào chưa hiểu hỏi lại cô hoặc nhờ bạn giảng, tối về tự làm các bài tập, bài nào khó, xem lại bài giảng và bài mẫu của cô, tìm cách này cách khác. Dần dần tôi học khá hơn và không còn sợ môn toán như trước nữa.

Bố mẹ tôi luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho tôi. Hôm vừa rồi, cô trả bài kiểm tra toán và đó là lần đầu tiên tôi được điểm tốt. Tôi bị trừ mấy đi một điểm vì chưa trình bày và giải thích rõ ràng.

Tôi lại học, học và học. Học cách trình bày, học cách giải thích sao cho mạch lạc và dễ hiểu. Chính nhờ sự cố gắng mà hôm nay tôi được cô giáo tuyên dương.

Tôi hiểu rằng phải có quyết tâm cao thì mới làm được những việc khó, như câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim”.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 5

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!