Lớp 10

Soạn bài Trao duyên

Đoạn trích Trao duyên thể hiện bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh và nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều. Trong chương trình Ngữ văn lớp 10, học sinh sẽ được tìm hiểu về đoạn trích này.

Bạn đang xem: Soạn bài Trao duyên

Sau đây, THPT Nguyễn Đình Chiểu sẽ giới thiệu tài liệu Soạn văn 10: Trao duyên, hy vọng có thể cung cấp kiến thức hữu ích đến các em học sinh.

Soạn văn Trao duyên chi tiết

I. Tác giả

– Nguyễn Du (1765 – 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên.

– Quê gốc làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh và trải qua thời niên thiếu ở Thăng Long.

– Ông sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học.

– Cuộc đời ông gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XX.

– Nguyễn Du là người có kiến thức sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc.

– Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm nhiều tác phẩm có giá trị bằng chữ Hán và chữ Nôm.

– Một số tác phẩm như:

  • Tác phẩm bằng chữ Hán (3 tập thơ, gồm 243 bài): Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục.
  • Tác phẩm chữ Nôm: Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều)…

II. Tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác

– Đoạn trích “Trao duyên” được trích trong “Truyện Kiều” (Đoạn trường tân thanh).

– Đoạn trích từ câu 723 đến câu 756 trong Truyện Kiều thuộc phần Gia biến và Lưu lạc. Đây là lời của Thúy Kiều nói với Thúy Vân khi muốn nhờ Vân trả nghĩa cho Kim Trọng còn nàng thì bán mình để chuộc cha.

2. Bố cục

Gồm 3 phần:

  • Phần 1: Từ đầu đến “Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”. Kiều thuyết phục và trao duyên cho Thúy Vân.
  • Phần 2: Tiếp theo đến “Rảy xin chén nước cho người thác oan”. Kiều trao tín vật đính ước cho em cùng với lời dặn dò.
  • Phần 3. Còn lại. Nỗi đau đớn, dằn vặt của Thúy Kiều.

III. Đọc – hiểu văn bản

1. Lời thỉnh cầu trao duyên của Thúy Kiều với Thúy Vân

– Từ “cậy”: vừa nhờ vả nhưng cũng vừa băn khoăn.

– “chịu”: đẩy Thúy Vân vào tình thế mặc nhiên phải chấp nhận dẫu chưa biết đó là chuyện gì.

– “Ngồi lên cho chị lạy”: tư thế của người chịu ơn với ân nhân của cuộc đời mình.

=> Kiều đã hạ mình, cầu khẩn em một cách xót xa, ở đó có tư thế của một người chị cùng với tư thế của người cầu xin.

– Kiều dùng lý lẽ để thuyết phục Thúy Vân:

  • Đó là câu chuyện về mối tình đầu trong sáng từ khi chàng Kim, có cả sự day dứt vì đứt gánh tương tư, đứt mối tình đầu dang dở.
  • Lý lẽ của con người hiếu nghĩa đủ đường, của một trái tim giàu lòng vị tha, nghĩ cho người khác hơn là nghĩ cho mình.
  • Trao duyên cho em bởi em còn trẻ, còn một tương lai tươi sáng ở phía trước.

2. Kiều trao tín vật đính ước cho em cùng với lời dặn dò

– Tín vật đính ước của Kiều trao cho em là chiếc vành gắn liền với buổi đầu gặp gỡ của Kim Trọng và Thúy Kiều.

– Hai chữ “của chung” gượng gạo mâu thuẫn vì kỉ vật tình yêu chỉ thiêng liêng khi là riêng hai người.

– Kiều đang rơi vào sự giằng xé dữ dội trong tâm trạng, giữa trao đi và không muốn trao đi, giữa mất và còn.

– Ngay sau khi trao kỉ vật, trong những lời dặn dò, cảm giác mất mát còn hiện rõ lên trong tâm trí.

– Kiều tưởng tượng ra cái chết của mình, trong tư thế của một mảnh hồn oan, Kiều vẫn tìm về dương thế, dù cho mảnh hồn đó có trôi lạc nơi đâu thì vẫn mang nặng một lời thề trong tim, vẫn cứ tìm về.

3. Nỗi đau đớn, dằn vặt của Thúy Kiều

– “Bây giờ” đã đưa Kiều đang chiêm nghiệm về tương lai trở về thực tại phũ phàng. Bây giờ là trâm gãy, là tơ duyên ngắn ngủi… đã dứt Kiều ra khỏi cuộc nói chuyện với Thúy Vân để hướng về chàng Kim.

– “Trâm gãy gương tan” là hiện thực về tình yêu tan vỡ không thể hàn gắn được.

– Kiều cũng ý thức được về nỗi đau của riêng mình: “Bạc như vôi” nói về sự bạc bẽo của người đời, cuộc đời, có ý nghĩa khái quát cho phận người trong xã hội cũ.

– “Đã đành” là sự thừa nhận mình là thân cánh bướm, là phụ nữ thì phải chấp nhận dòng đời xô đẩy, nước chảy thì hoa trôi.

– “Thôi thôi”: thể hiện sự bất lực đành buông bỏ, đó là sự chấp chới tuyệt vọng, là sự tiếc nuối khi phải rời bỏ mối tình trong sáng.

Tổng kết:

– Nội dung: Đoạn trích thể hiện bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh và nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều.

– Nghệ thuật: nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật…

Soạn văn Trao duyên ngắn gọn

Hướng dẫn trả lời câu hỏi:

Câu 1. Việc Kiều nhắc đến những kỷ niệm của tình yêu có ý nghĩa gì?

– Kiều nhắc về những kỉ niệm của tình yêu nhằm khẳng định sức sống mãnh liệt của tình yêu.

– Cuộc trao duyên của Kiều xuất phát từ sự chia ly, nỗi niềm đau xót tuyệt vọng nhắc đến kỉ niệm như muốn níu giữ.

Câu 2. Hãy tìm những từ ngữ cho thấy Kiều nghĩ đến cái chết. Việc tập trung dày đặc những từ ngữ đó có ý nghĩa gì?

* Từ ngữ cho thấy Kiều nghĩ đến cái chết:

– Khi thuyết phục em nhận lời trao duyên: Kiều đã lấy cái chết làm lời ủy thác “Chị dù thịt nát xương mòn/ Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”.

– Khi trao kỉ vật cho Thúy Vân xong, Kiều lại nghĩ đến cái chết: “Trông ra ngọn cỏ lá cây/Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”, “hồn”, “dạ đài cách mặt khuất lời”, “Người thác oan”..

– Thúy Kiều liên tưởng mảnh hồn oan của mình với hồn ma Đạm Tiên và dự cảm cái chết của mình cũng đầy oan nghiệt…

* Ý nghĩa của việc tập trung dày đặc những từ ngữ đó: Thể hiện sự băn khoăn day dứt của Nguyễn Du trước nỗi đau của con người, thương thân xót phận cho người con gái tha thiết yêu thương mà số kiếp nghiệt ngã.

Câu 3. Kiều đối thoại với những ai? Phân tích diễn biến tâm trạng của Kiều qua lời đối thoại trong đoạn trích.

– Đối thoại với Thúy Vân:

  • Kiều tha thiết nhờ em thay mình kết duyên với Kim Trọng (hành động trang trọng, kì lạ, tôn kính với em: ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa; khẩn nài, van xin em có chịu lời, sẽ thưa; ủy thác hoàn toàn cho em, không cho em có sự lựa chọn khác: “chắp mối tơ thừa mặc em”…
  • Cay đắng bày tỏ lý do phải để em nhận mối tơ thừa (hoàn cảnh khách quan éo le sự đâu sóng gió bất kì, nàng đành chọn lấy chữ hiếu; tình cảm với chàng Kim thiêng liêng, sâu nặng, đã thề nguyền đính ước; Chỉ có Vân mới giúp được Kiều với tuổi xuân phía trước, lại có tình chị em máu mủ với Kiều).

– Đối thoại với chính mình:

  • Sống lại những kỉ niệm tình yêu đẹp đẽ, vừa đau đớn khi phải trao kỉ vật tình yêu, vừa giằng xé dữ dội (duyên này thì giữ vật này của chung).
  • Luôn nhắc đến cái chết và tự thương xót cho số phận oan khuất của mình: tự coi mình là người đã chết, xót thương cho số phận ngang trái, éo le của chính mình.
  • Nỗi đau khi mối tình tan vỡ: Bây giờ trâm gãy gương tan…/…/Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
  • Tự than thân trách phận: Phận sao phận bạc như vôi/Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

– Đối thoại với Kim Trọng: Cảm giác tội lỗi vì đã phụ tình chàng Kim: “Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”.

Câu 4. Nhận xét về mối quan hệ giữa quan hệ tình cảm và lý trí, nhân cách và thân phận của Kiều qua đoạn trích.

– Sự mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm, nhân cách và thân phận của nàng Kiều.

– Lý trí bảo nàng phải trao duyên cho Thúy Vân, để bán mình cứu cha. Nhưng tình cảm lại hướng về tình yêu lại khiến nàng thổn thức, đau đớn. Đó cũng là mâu thuẫn giữa nhân cách và thân phận của nàng Kiều.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 10

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!