Lớp 9

Soạn Sử 9 Bài 16: Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 1919 – 1925

Soạn Sử 9 Bài 16 giúp các em học sinh lớp 9 nắm vững kiến thức về quá trình hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước Pháp, Liên Xô, Trung Quốc trong những năm 1919 – 1925. Đồng thời giải nhanh được các bài tập Sử 9 trang 64.

Giải bài tập Sử 9 bài 16 được biên soạn chi tiết, chính xác, đầy đủ lý thuyết và giải các bài tập trong SGK phần bài tập cuối bài. Qua đó giúp các bạn học sinh có thể so sánh với kết quả mình đã làm, củng cố, bồi dưỡng và kiểm tra vốn kiến thức của bản thân. Đồng thời còn giúp phụ huynh có thêm tài liệu để hướng dẫn con em học tốt hơn ở nhà. Nội dung chi tiết, mời các bạn cùng theo dõi và tải tại đây.

Bạn đang xem: Soạn Sử 9 Bài 16: Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 1919 – 1925

Lý thuyết Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài trong những năm 1919 – 1925

I. Nguyễn Ái Quốc ở Pháp (1917-1923)

– Sơ lược về quãng đời hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ nhỏ đến năm 1918:

+ Ngày-tháng-năm sinh, quê quán, gia đình, năm 1904-1905 ở Huế, năm 1911 dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết), vào Sài Gòn.

+ Ngày 5-6-1911, từ Cảng Nhà Rồng, Nguyễn Ái Quốc làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Amiran Latusơ Tơrêvin và bắt đầu cuộc hành trình vạn dặm, hoà mình vào cuộc sống lao động, đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động Pháp để tìm đường cứu nước.

+ Từ 1911-1917, Người đã đến nhiều nước ở châu Âu, châu Phi và châu Mĩ.

+ Cuối năm 1917, Người trở lại nước Pháp.

– Tháng 6-1919. Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước sống ở Pháp gửi tới Hội nghị Véc-xai bản yêu sách đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam.

– Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn tin theo Lê-nin và đứng về Quốc tế thứ ba.

– Tháng 12-1920, tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

=> Như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước: Kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa Mác – Lê-nin.

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Đảng cộng sản Pháp ở Tua (12-1920)

– Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra Hội liên hiệp thuộc địa để tuyên truyền, tập hợp lực lượng chống chủ nghĩa đế quốc.

– Năm 1922, ra báo “Le Paria” (Người cùng khổ) – vạch trần chính sách đàn áp. bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc, góp phần thức tỉnh các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh giải phóng.

– Nguyễn Ái Quốc còn viết nhiều bài cho các báo Nhân đạo, Đời sống công nhân và viết cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Những sách báo này đã được bí mật chuyển về Việt Nam.

II. Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô (1923 – 1924)

– Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế nông dân, sau đó ở lại Liên Xô vừa nghiên cứu vừa học tập.

– Năm 1924, tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, Nguyễn Ái Quốc đã đọc tham luận về nhiệm vụ cách mạng ở các nước thuộc địa và mối quan hệ giữa cách mạng các nước thuộc địa với phong trào công nhân ở các nước đế quốc

– Những quan điểm cơ bản về chiến lược và sách lược cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa và cách mạng vô sản mà Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận được dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin là bước chuẩn bị về chính trị và tư tưởng cho sự thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

III. Nguyễn Ái Quốc ở Trung Quốc (1924-1925)

– Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Người đã tiếp xúc với các nhà cách mạng Việt Nam và thanh niên yêu nước mới sang để thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trong đó có tổ chức Cộng sản đoàn làm nòng cốt.

– Người đã sáng lập ra báo Thanh niên, trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện chính trị để đào tạo cán bộ cách mạng. Các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc đã được tập hợp và in thành sách Đường cách mệnh (1927), nêu ra phương hướng cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.

– Năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã tiến hành phong trào “vô sản hóa”, góp phần thực hiện việc kết hợp chủ nghĩa Mác – Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, thúc đẩy nhanh sự hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

* Tác dụng và ý nghĩa của những hoạt động trên:

– Thúc đẩy phong trào công nhân phát triển về chất.

– Bước chuẩn bị về tổ chức cho thành lập chính đảng của giai cấp vô sản Việt Nam.

Giải bài tập SGK Sử 9 Bài 16 trang 64

Câu 1

Việc thành lập Cộng sản đoàn làm nòng cốt cho Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên có ý nghĩa gì?

Gợi ý đáp án

– Ý nghĩa:

+ Đây là tổ chức chính trị có khuynh hướng vô sản.

+ Thể hiện tầm nhìn của Nguyễn Ái Quốc, khi Người có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho bước quá độ của một chính Đảng Cộng Sản chuẩn bị ra đời sau này.

Câu 2

Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của chính đảng vô sản ở Việt Nam như thế nào?

Gợi ý đáp án

Năm 1920, sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc – con đường đi theo chủ nghĩa Mác- Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục học tập và tìm cách truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê-nin vào trong nước, chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam.

1. Về tư tưởng:

– Người viết báo “Người cùng khổ”, viết bài cho các báo “Đời sống công nhân” của Tổng liên đoàn lao động Pháp, báo “Nhân đạo” của Đảng Cộng sản Pháp và cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Những sách báo này được bí mật truyền về Việt Nam.

– Các hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên như: Mở các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng. Sau đó đưa cán bộ về hoạt động trong nước, xuất bản báo “Thanh niên”. Năm 1927 xuất bản sách “Đường cách mệnh”. Tất cả các sách báo trên được bí mật truyền về trong nước.

– Năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chủ trương “Vô sản hóa”, đưa hội viên vào hoạt động trong các nhà máy, hầm mỏ. Việc làm này góp phần thực hiện kết hợp chủ nghĩa Mác Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, thúc đẩy nhanh sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

2. Về tổ chức:

– Năm 1921, được sự giúp đỡ của Đảng Cộng Sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc cùng một số người yêu nước của các nước thuộc địa Pháp sáng lập Hội liên hiệp thuộc địa với mục đích đoàn kết lực lượng chống chủ nghĩa thực dân, thông qua tổ chức đó truyền bá chủ nghĩa Mác Lê-nin đến các dân tộc thuộc địa.

– Thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6/1925), lấy tổ chức Cộng sản đoàn làm nòng cốt.

⟹ Sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của cách mạng nước ta. Đây là một tổ chức trung gian để tiến tới thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Trắc nghiệm Lịch sử 9 bài 16

Câu 1. Sự kiện nào đánh dấu việc Nguyễn Ái Quốc bước đầu tìm thấy con đường yêu nước đúng đắn?

A. Gửi bản yêu sách đến hội nghị Véc-xai (18-6-1919).

B. Đọc sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin.

C. Viết bài và làm chủ nhiệm cho báo Người cùng khổ.

D. Tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ năm (1924).

Đáp án: B

Giải thích: Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp. Luận cương đã giúp Nguyễn Ái quốc khẳng định con đường đấu tranh giành độc lập và tự do cho nhân dân Việt Nam – con đường cách mạng vô sản.

Câu 2. Sự kiện nào đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lênin?

A. Gửi bản yêu sách đến hội nghị Véc-xai (18-6-1919).

B. Đọc sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin.

C. Bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp(12/1920).

D. Tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ năm (1924).

Đáp án: C

Giải thích: Tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua (12 – 1920), Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế thứ ba và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác – Lênin và đi theo con đường cách mạng vô sản.

Câu 3. Cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa là:

A. Báo Thanh niên.

B. Báo Nhân đạo.

C. Báo Người cùng khổ.

D. Báo Đời sống công nhân.

Đáp án: C

Giải thích: (SGK – trang 62)

Câu 4. Cuốn sách Bản án chế độ thực dân Pháp được xuất bản vào thời gian nào?

A. Năm 1924.

B. Năm 1925.

C. Năm 1926.

D. Năm 1927.

Đáp án: B

Giải thích: Cuốn sách Bản án chế độ thực dân Pháp được xuất bản vào năm 1925 tại Pari.

Câu 5. Trong những năm 1923 – 1924, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở đâu?

A. Pháp.

B. Trung Quốc.

C. Liên Xô.

D. Việt Nam.

Đáp án: C

Giải thích:

– Tháng 6 – 1923, sáng Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế Nông dân và được bầu vào Ban Chấp hành.

– Năm 1924, tham dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản.

Câu 6. Sau khi về Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã làm gì để đào tạo cán bộ?

A. Thành lập Cộng Sản đoàn.

B. Xuất bản Báo Thanh niên.

C. Mở các lớp huấn luyện chính trị.

D. Xuất bản cuốn “Đường Kách mệnh”.

Đáp án: C

Giải thích: Sau khi về Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở các lớp huấn luyện chính trị để đào tạo một số thanh niên Việt Nam trở thành cán bộ cách mạng.

Câu 7. Cuốn sách tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu là:

A. Bản án chế độ thực dân Pháp.

B. Bản yêu sách của nhân dân An Nam.

C. Đời sống công nhân.

D. Đường Kách mệnh.

Đáp án: D

Giải thích: Các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu được tập hợp và in ấn thành sách Đường Kách mệnh xuất bản năm 1927.

Câu 8. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập vào thời gian nào?

A. Tháng 6 – 1923

B. Tháng 6 – 1925

C. Tháng 7 – 1925

D. Tháng 7 – 1928.

Đáp án: B

Giải thích: Tháng 6 – 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhằm tổ chức và lãnh đạo quần chúng đoàn kết, đấu tranh đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và tay sai để tự cứu lấy mình. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của hộ là Tổng bộ, đặt tại Quảng Châu.

Câu 9. Nòng cốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là tổ chức nào?

A. Tâm tâm xã

B. Cộng Sản đoàn

C. Công hội

D. Đảng Thanh niên

Đáp án: B

Giải thích: (SGK – trang 63)

Câu 10. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên thực hiện chủ trương “vô sản hóa” vào thời gian nào?

A. Năm 1925

B. Năm 1927

C. Năm 1928.

D. Năm 1930

Đáp án: C

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 9

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!