Lớp 7

Bài văn mẫu lớp 7: Thuyết minh một thể loại văn học Ca dao

THPT Nguyễn Đình Chiểu xin giới thiệu đến quý thầy cô cùng các bạn học sinh lớp 7 tài liệu Bài văn mẫu: Thuyết minh một thể loại văn học Ca dao được cúng tôi đăng tải ngay sau đây.

Tài liệu bao gồm dàn ý chi tiết kèm theo 5 bài văn mẫu được THPT Nguyễn Đình Chiểu tổng hợp từ các bài văn mẫu hay nhất của các em học sinh trên toàn quốc. Hy vọng với tài liệu này các em có thêm nhiều tài liệu tham khảo, củng cố kiến thức trau dồi vốn từ để biết cách lam bài văn thuyết minh. Mời các bạn cùng tham khảo và tải tài liệu tại đây.

Bạn đang xem: Bài văn mẫu lớp 7: Thuyết minh một thể loại văn học Ca dao

Dàn ý thuyết minh một thể loại văn học Ca dao

1. Mở bài:

– Ca dao được coi là thơ trữ tình dân gian nhằm diễn tả thế giới nội tâm phong phú của con người.

– Ca dao là thơ của vạn nhà, tấm gương soi của tâm hồn dân tộc.

2. Thân bài:

– Trình bày định nghĩa về ca dao.

– Giới thiệu những đặc điểm của ca dao:

+ Ca dao (hay được gọi là thơ trữ tình – trò chuyện) diễn tả đời sống nội tâm của và con người trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.

+ Đề tài phản ánh của ca dao rất rộng bao gồm ca dao nghi lễ – phong tục, ca dao gắn liền với sinh hoạt gia đình, ca dao gắn với sinh hoạt cộng đồng.

+ Một số kiểu nhân vật trữ tình của ca dao là: người mẹ, người vợ, người con (trong quan hệ gia đình), chàng trai – cô gái (trong quan hệ tình yêu), người phụ nữ, người dân thường (trong quan hệ xã hội).

+ Những tình cảm, tâm trạng của nhân vật trữ tình và cách thể hiện thế giới nội tâm của kiểu nhân vật này đều mang tính chung, phù hợp với lứa tuổi, gia đình, nghề nghiệp,…

+ Xét về hình thức diễn xướng, ca dao có hai hình thức cơ bản nhất là hát cuộc và hát lẻ.

– Giới thiệu những nội dung lớn của ca dao Việt Nam:

+ Ca dao phản ánh những tình cảm cao đẹp, yêu thương tình nghĩa của con người trong các mối quan hệ. Đó là tình cảm gia đình (tình cảm cha mẹ với con cái, con cái với cha mẹ, vợ chồng), tình cảm xã hội (tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm với lao động sản xuất con người,…).

+ Ca dao là tiếng hát than thân của con người về những nỗi khổ trong cuộc sống mà chủ yếu là nỗi khổ của người phụ nữ. Bên cạnh đó, ca dao là tiếng nói phản ánh chống lại cường quyền (vua, quan) và những hủ tục gây nhiều nỗi khổ cho con người (như tục ma chay, tục cưới hỏi,…).

+ Ca dao trào phúng là tiếng cười phê phán những thói hư tật xấu, những tính cách xấu của con người.

– Giới thiệu những nét đặc sắc về nghệ thuật của ca dao:

+ Ca dao chủ yếu sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể (90% ca dao sưu tầm được). Trong ca dao còn có các thể thơ khác như song thất lục bát, vãn bốn, vãn năm.

+ Ca dao rất giàu biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ và đặc biệt rất nhiều hình ảnh biểu tượng được sử dụng.

+ Ca dao thường xuất hiện với những hình thức lặp lại: lặp kết cấu, lặp hình thức mở đầu là một dòng thơ hay cụm từ, từ; lặp hình ảnh. Cho nên, khi phân tích ca dao, phải xuất phát từ những hình thức lặp đó.

+ Ngôn từ ca dao thường trong sáng, gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân, đậm đà màu sắc dân tộc và địa phương.

– Đánh giá về vai trò và tác dụng của ca dao:

+ Ca dao được coi là cây đàn muôn điệu của tâm hồn dân tộc. Ca dao giúp a hiểu về tâm hồn, tính cách, lối sống.

+ Ca dao còn là kho tang kinh nghiệm quý báu để chúng ta ứng dụng trong đời sống với nhiều bài học đạo đức, bài học kinh nghiệm…

+ Ca dao là nguồn tư liệu quý giá để các nhà thơ nhà văn sau này học tập và sử dụng một cách sáng tạo (mượn biểu tượng, thi liệu, cách diễn đạt…).

3. Kết bài:

Ca dao cho ta bắt gặp “tất cả những khởi đầu thơ ca, cuộc du ngoạn trong tâm hồn nhân dân” ? (Giéc – xen). Bởi thế, ca dao sẽ là thể loại còn sống mãi với thời gian.

Thuyết minh một thể loại văn học Ca dao – Mẫu 1

Đất nước chúng tôi tuy vô cùng nhỏ bé song dân tộc chúng tôi rất tự hào với truyền thống văn hoá mà cha ông bao thế hệ đã tích tụ và truyền lại cho chúng tôi. Trong nền văn hoá dân gian đó có một bộ phận rất quan trọng đó là văn học dân gian. Những tác phẩm văn học dân gian ấy là nơi “Cho tôi nhận mặt ông cha của mình”. Do điều kiện lịch sử xã hội, do quan niệm thẩm mĩ và đặc điểm văn hoá riêng chúng tôi không có được những bộ sử thi đồ sộ như Ramayana, song chúng tôi cũng rất đỗi tự hào với kho báu văn học dân gian vô cùng đa dạng, phong phú và vô cùng quý giá của chúng tôi.

Văn học dân gian cho chúng tôi những lời ru ngọt ngào từ thủa còn nằm nôi. Đó là ca dao, một bộ phận quan trọng làm nên nền văn học và văn hoá dân gian của dân tộc. Ca dao không chỉ là khúc hát du dương đưa em thơ và giấc ngủ mà đó còn là những câu nói hàm súc chứa đựng bao lời khuyên dạy về đạo lí làm người, những bài học nhân sinh. Ví dụ:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Rất nhiều nét văn hoá của dân tộc có lúc có nơi bị ai đó coi là xa lạ, thì chúng tôi lại tìm thấy trong truyện dân gian Việt Nam. Truyện dân gian là nơi thể hiện và lưu giữ những tư tưởng nhân sinh cao cả của người xưa như “ở hiền gặp lành”, “người ngay thì được Phật Tiên độ trì”, là nơi gửi gắm một niềm tin bất diệt “cái Thiện luôn chiến thắng cái ác”.

Tục ngữ lại là nơi chứa đựng những đúc kết kinh nghiệm sản xuất, những triết lí về cuộc sống, những thái độ ứng xử, quan niệm về cuộc sống… Mỗi thế hệ góp thêm một phần và cho đến nay, dân tộc tôi đã có một kho tàng tục ngữ rất đáng tự hào. Các bạn có thể tìm thấy rất nhiều điều hay trong những câu nói rất ngắn gọn, mộc mạc, gần gụi mà có những ý nghĩa rất sâu xa của cha ông chúng tôi. Đó là “Không Thầy đố mày làm nên”,”Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn”…

Truyện cười dân gian sẽ mang đến cho các bạn những phút giây thư giãn vô cùng bổ ích. Bằng những câu chuyện vui kể về những tình huống rất đời thường, truyện cười không chỉ có tác dụng giải trí mà ý nghĩa sâu xa hơn còn là những lời khuyên răn, những bài học làm người, châm biếm thói hư tật xấu trong xã hội, những tính xấu của con người. Truyện cười phần lớn hướng đến mục đích phê phán và châm biếm cái xấu…

Các dân tộc thiểu số ở miền núi thì có truyện thơ, người Tây Nguyên thì có các pho sử thi kể một cách đầy tự hào về các anh hùng dân tộc và ca ngợi sức mạnh cộng đồng…

Chúng tôi rất tự hào về kho tàng văn học dân gian của dân tộc mình. Bởi văn học dân gian giúp cho chúng tôi hiểu dân tộc mình hơn và tự hào với những gì cha ông đã để lại cho chúng tôi.

Thuyết minh một thể loại văn học Ca dao – Mẫu 2

Ca dao ra đời từ rất sớm và lưu truyền cho đến ngày nay. Ca dao đã thấm vào ta qua những làn điệu quê hương gần gũi, thân quen, những lời ru thắm thiết, đậm chất trữ tình.

Ca dao là một trong những thể loại chủ yếu của nền văn học dân gian Việt Nam. Đó là những sáng tác trữ tình dân gian diễn tả đời sống nội tâm của con người. Ca dao là nguồn sữa tinh thần nuôi dưỡng trẻ thơ qua lời hát ru, là hình thức trò chuyện tâm tình của các chàng trai cô gái, là tiếng nói biết ơn, tự hào về công đức của tổ tiên và anh linh của những người đã khuất, là phương tiện bộc lộ nỗi tức giận hay lòng hân hoan của người lao động, trong gia đình, xã hội. Dựa vào cung bậc tình cảm ấy ca dao được chia làm 3 loại.

Loại đầu tiên là tiếng hát yêu thương, tình nghĩa, ca dao bộc lộ tình sâu nghĩa nặng đối với xóm làng, quê hương, đất nước, đối với cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè và dạt dào nhất là tình cảm lứa đôi. Trong suốt chiều dài lịch sử, khắp chiều rộng không gian đất nước, đâu đâu cũng đều vang lên những câu ca về cảnh núi rừng hùng vĩ, cảnh non xanh nước biếc, những sản vật phong phú của mỗi miền:

Sâu nhất là sông Bạch Đằng
Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan
Cao nhất là núi Lam Sơn
Có ông Lê Lợi trong ngàn tiến ra.

Ca dao nói về tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi rất trong sáng, hồn nhiên, tha thiết:

“Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn.”

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

Trong ca dao yêu thương, tình nghĩa hiện lên hình ảnh con người Việt Nam lạc quan, yêu đời, cần cù trong lao động, dũng cảm trong đấu tranh, nhân ái, vị tha, giàu đức hi sinh trong quan hệ giữa người với người… Ca dao thể hiện những phẩm chất tốt đẹp đó của người Việt Nam và hướng con người Việt Nam đến cái chân, cái thiện, cái mĩ trong cuộc sống

Loại thứ hai là ca dao than thân ra đời từ cuộc sống làm ăn vất vả, cực nhọc và bị áp bức nặng nề của người dân trong xã hội cũ. Ca dao than cho cảnh đè nén, áp bức:

Thương thay thân phận con rùa
Lên đình đội hạc, xuống chùa đội bia.

Đặc biệt là tiếng than của người phụ nữ chịu nhiều bất công do chế độ nam quyền và lễ giáo phong kiến gây ra:

Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Loại thứ ba là ca dao hài hước châm biếm: Cùng với truyện cười, vè sinh hoạt, ca dao hài hước châm biếm đã thể hiện tập trung các nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam nhằm tạo ra tiếng cười mua vui, giải trí, phê phán những thói hư tật xấu hay những người đáng cười trong xã hội:

Ăn thì ăn những miếng ngon
Làm thì chọn việc cỏn con mà làm.

Ca dao phong phú trong cách cấu tứ và xây dựng hình tượng. Thể loại được dùng nhiều trong ca dao là thể lục bát, song thất lục bát và các thể vãn. Mỗi bài ca dao thường có hai dòng thơ lục bát nên kết cấu đơn giản, ngắn gọn. Sức hấp dẫn ở ca dao là ở âm điệu, vừa phong phú, vừa thanh thoát và ở lời ca dao giàu hình ảnh. Biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, so sánh, nói quá,… tạo ra những hình ảnh gợi cảm, mở rộng trường liên tưởng sâu xa. Nghệ thuật so sánh ví von đã tạo nên những hình ảnh truyền thống độc đáo trong ca dao: cây đa – bến nước – con đò; trúc – mai, con cò, chiếc cầu, …Có thể nói ca dao dùng lời ăn tiếng nói của nhân dân để chuyển tải tâm tư, tình cảm của nhân dân.

Chúng ta đã đi qua hành trình ca dao Việt Nam đẹp đẽ, để rồi ca dao vẫn khắc dấu trong tâm hồn mỗi chúng ta. Phải biết yêu câu ca dao, thương lời ru của mẹ, hát những khúc dân ca chân chất, ngọt ngào để thêm yêu Tổ quốc mình, để vươn ra văn hoá toàn cầu mà giữ vững bản sắc dân tộc Việt.

Thuyết minh một thể loại văn học Ca dao – Mẫu 3

Ca dao là loại thơ trữ tình xuất hiện từ lâu đời và rất phổ biến trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Nội dung chính của nó là phản ánh đời sống tư tưởng, tình cảm phong phú của người bình dân. Dân ca là những sáng tác kết hợp giữa ca dao với các làn điệu dân ca. Vì thế mà ca dao – dân ca thường sóng đôi, gắn bó như hình với bóng.

Người bình dân thời xưa hay dùng ca dao – dân ca để thể lộ tâm tình và nói lên những suy nghĩ về cuộc sống. Trong giao tiếp hằng ngày, họ có thói quen mượn những câu ca dao hợp tình, hợp cảnh để diễn đạt thay cho lời nói, làm tăng sức biểu cảm của lời nói. Từ ca dao, người dân biến thành các làn điệu dân ca nhằm gửi gắm, bộc lộ đầy đủ hơn tâm tư, tình cảm của mình.

Ca dao – dân ca xoay quanh mấy chủ đề lớn như:

Những câu hát thổ lộ tâm tình:

Những câu hát này thường gắn liền với các hình thức sinh hoạt lao động, sinh hoạt gia đình và sinh hoạt cộng đồng. Hình thức hát cũng rất đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, từng công việc. Lứa tuổi trẻ thơ có những bài đồng dao hát khi chơi các trò chơi quen thuộc như: chi chi chành chành, chồng nụ chồng hoa, dung dăng dung dẻ… Nông dân có hát phường cấy, ngư dân có hò chèo thuyền, hò kéo lưới… thợ dệt có hát phường vải… Từng vùng miền đều có những câu ca dao, những làn điệu dân ca mang tính chất đặc trưng cho con người và địa phương. Ví dụ như Phú Thọ có hát xoan, Bắc Ninh có dân ca quan họ, Nghệ – Tĩnh có hát phường vải và nhiều điệu hò; Huế có ca Huế, hò Huế; vùng Ngũ Quảng có hát bài chòi ; Nam Bộ có các điệu lí, điệu hò của vùng đồng bằng sông nước… Dù hình thức khác nhau nhưng tất cả đều cùng chung một nội dung phản ánh tâm tư tình cảm vui buồn và những ước mong, khát vọng của người dân lao động thuở xưa.

Một trong những tình cảm trong sáng và đẹp đẽ mà ca dao luôn nói tới là tình yêu tha thiết đối với quê hương, đất nước. Non sông Việt Nam nơi nào cũng đẹp, cũng cuốn hút hồn người. Từ vùng địa đầu Tổ quốc:

Đồng Đăng có phố Kì Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em.
Đến Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến:
Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước này ?!
Đến dải đất miền Trung sơn thủy hữu tình:
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Đến châu thổ đồng bằng miền Tây Nam Bộ phì nhiêu, màu mỡ:

Ruộng Cữu Long cò bay thẳng cánh,
Sông Cửu Long lấp lánh cá tôm.

Giang sơn gấm vóc ấy có được là do bao thế hệ đổ mồ hôi, xương máu xây đắp và bảo vệ. Chính vì thế mà truyền thống yêu nước, bất khuất chống ngoại xâm, truyền thống cần cù lao động, truyền thống đoàn kết, nhân ái… của dân tộc Việt Nam là rất đáng tự hào.

Qua ca dao – dân ca, hình ảnh quê hương với luỹ tre, đồng lúa, cây đa, bến nước, sân đình cùng những mái rạ đơn sơ đã trở nên thiêng liêng đối với mỗi người dân đất Việt. Dẫu đi đâu, về đâu, dẫu sống ở phương trời nào lòng người cũng thương, cũng nhớ:

Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

Nhiều bài học đạo lí được nhân dân ta đưa vào trong ca dao – dân ca để dạy dỗ, giáo dục con cháu từ thuở ấu thơ, nhắc nhở con cái phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ:

Làm người có tổ có tông,
Như cây có cội như sông có nguồn.

Hoặc:

Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Khuyên anh em phải hòa thuận, thương yêu:

Anh em như thể tay chân,
Rách lành đùm bọc khó khăn đỡ đần.

Khuyên trai gái yêu nhau phải biết vượt qua mọi trở lực để đến với tình yêu đích thực:

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua.

Khuyên vợ chồng phải thủy chung, son sắt:

Rủ nhau xuống biển mò cua,
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.
Ai ơi chua ngọt đã từng,
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau

Khuyên bạn bè phải đối xử trân trọng, trước sau gắn bó:

Bạn bè là nghĩa tương tri,
Sao cho sau trước một bề mới yên.

Khuyên mọi người biết đùm bọc, sẻ chia lúc khó khăn, hoạn nạn:

Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Bên cạnh những câu ca dao – dân ca nói về tình yêu quê hương, đất nước, con người… là những câu thể hiện tâm sự đắng cay, buồn tủi trước thân phận nghèo khó, bất hạnh của người lao động trong xã hội phong kiến đầy áp bức, bất công. Đời sống vật chất thiếu thốn cộng với những nỗi cơ cực do giai cấp bóc lột gây nên là nguyên nhân phát sinh ra những câu hát được phổ biến rộng rãi trong dân gian:

Thương thay thân phận con tằm,
Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.
Thương thay lũ kiến li ti,
Kiếm ăn được mấy phải đi kiếm mồi.
Thương thay con cuốc giữa trời,
Dẫu kêu ra máu có người nào nghe ?
Thương thay con hạc đầu đình,
Muốn bay không cất nổi mình mà bay
Ai làm cho bể kia đầy,
Cho ao kia cạn cho gầy cò con ?

Có thể nói ca dao – dân ca là bức tranh toàn cảnh về đời sống xã hội của Việt Nam trong nhiều thế kỉ. Sở dĩ ca dao – dân ca có sức sống lâu bền chính là nhờ những đặc điểm nghệ thuật độc đáo của nó.

Trước hết phải nói đến thể thơ. Phần lớn ca dao sáng tác theo thể thơ lục bát (sáu – tám) và song thất lục bát (bảy – bảy – sáu – tám). Những thể thơ này có cách gieo vần dễ thuộc, dễ nhớ, dễ lưu truyền.

Ngoài ra còn có dạng lục bát biến thể, số lượng chữ trong câu thay đổi nhưng quy luật về vần và thanh điệu thì vẫn giữ nguyên. Ví dụ:

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,
Về sông ăn cá về đồng ăn cua.

Những hình ảnh so sánh và ẩn dụ trong ca dao đều được lấy từ thực tế cuộc sống lao động của nông dân nơi đồng ruộng, xóm làng; từ phong cảnh thiên nhiên quen thuộc, hữu tình. Vì thế mả nó dễ đi vào lòng người và gây xúc động sâu xa.

Đặc điểm thứ ba là ngôn ngữ của ca dao – dân ca rất giản dị, hồn nhiên và đậm chất địa phương. Tuy gần với ngôn ngữ thơ ca nhưng ca dao, dân ca vẫn mang hơi hướng của lời nói thường ngày trong cách dùng từ, đặt câu, diễn ý. Những thành ngữ, tục ngữ, lối chơi chữ thông minh, dí dỏm cũng được đưa vào ca dao – dân ca một cách nhuần nhị và khéo léo.

Ca dao – dân ca là tấm gương phản chiếu đời sống muôn màu muôn vẻ của dân tộc Việt Nam; là nền tảng vững chắc để nền văn học viết kế thừa và phát triển. Ca dao – dân ca có tác dụng rất lớn trong việc khẳng định bản chất giàu và đẹp của tiếng Việt – sản phẩm tinh thần vô giá mà tổ tiên đã để lại cho con cháu đời đời.

Thuyết minh một thể loại văn học Ca dao – Mẫu 4

Ca dao, dân ca là những khái niệm tương đương chỉ các thể loại trữ tình dân gian kết hợp lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người Việt Nam. Hiện nay, người ta có sự phân biệt hai khái niệm dân ca và ca dao. Dân ca là những sáng tác kết hợp lời và nhạc, ca dao là lời thơ của dân ca.

Thí dụ:

“Ai đem con sáo sang sông Để cho con sáo sổ lồng bay xa”. Là lời ca dao của bài dân ca Lí con sáo với âm điệu thay đổi theo từng miền:

Thí dụ:

“Ải i đem con sáo sao sang sông Cho sáo sổ lồng. Cho sáo sổ lồng. Sổ lồng bay xa con sáo sáo bay xa. Sổ lồng bay xa con sáo sáo bay xa…”

Ca dao còn gồm cả những bài thơ dân gian mang phong cách nghệ thuật chung với lời thơ dân ca.

Ngoài ra, khái niệm ca dao còn được dùng để chỉ một thể thơ dân gian – thể ca dao. Đó là một thể thơ xen kẽ những câu sáu chữ với câu tám chữ, theo nhịp chắn, chữ thứ sáu ở câu sáu vần với chữ thứ sáu của câu tám. Thí dụ:

“Tay ôm bó mạ xuống đồng
Miệng ca tay cấy mà lòng nhớ ai”

Cao dao diễn tả tình cảm, tâm trạng của một số kiểu nhân vật trữ tình: Người mẹ, người vợ, người con, v.v… trong quan hệ gia đình; chàng trai, cô gái trong quan hệ tình bạn, tình yêu; người phụ nữ, người dân thường v.v… trong quan hệ xã hội. Nó không mang dấu ấn cá nhân tác giả như thơ chữ tình (của văn học viết). Trong ca dao, những tình cảm, tâm trạng của kiểu nhân vật trữ tình và cách thể hiện thế giới nội tâm của các kiểu nhân vật này đều mang tính chất chung, phù hợp với lừa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, địa phương… Trong cái chung đó, mỗi bài ca dao lại có nét riêng độc đáo, sáng tạo. Bất cứ ai trong nhân dân, nếu thấy bài ca phù hợp đều có thể sử dụng, xem đó là tiếng lòng mình. Vì thế, ca dao được coi là “thơ của vạn nhà”, là tấm gương soi của tâm hồn và đời sống dân tộc Việt Nam.

Ca dao có những đặc điểm nghệ thuật truyền thống. Nó rất ngắn gọn. hơn 90% số bài ca dao đã được sưu tầm đều sử dụng thể thơ lục bát hoặc lúc bát biến thể. Trong ca dao còn có các thể thơ khác như song thất lục bát (hai câu 7 tiếng kết hợp với câu thơ sáu tám), vãn bốn (câu thơ bốn tiếng) vãn năm (câu thơ năm tiếng).

Ca dao là thơ chữ tình – trò chuyện nên khi phân tích, cần tìm hiểu bài ca dao ấy là lời của ai tâm sự với ai, tâm sự ấy là gì và được thể hiện như thế nào.

Ca dao rất ngắn gọn, hàm súc, thể hiện đậm nét những yếu tố truyền thống. Khi tìm hiểu những vấn đề nói trên, cần đặt bài ca dao vào nhóm tác phẩm và các hệ thống (đề tài, nhân vật, hình ảnh, ngôn ngữ) của nó. Làm như vậy tức là dựa vào cái chung để hiểu cái riêng và từ cái riêng mà hiểu cái chung của kho tàng ca dao, từng bài ca dao cụ thể.

Thuyết minh một thể loại văn học Ca dao – Mẫu 5

“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng…”

Đó là giai điệu êm ả thân thương của bài ca dao đã theo ta từ thuở lọt lòng. Ca dao đi vào tâm hồn mỗi con người Việt Nam ngay từ ngày thơ bé. Ca dao là một thể loại văn học đơn giản mà đặc trưng của Văn học Việt Nam nói riêng, văn hóa truyền thống lâu đời nói chung.

Ca dao là khái niệm chỉ các thể loại trữ tình dân gian kết hợp lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người Việt Nam. Ca dao còn là một thể loại văn học đơn giản – thể thơ dân gian. Nó ra đời từ rất sớm, được lưu truyền qua nhiều hình thức cho đến hôm nay.

Ca dao hay còn được gọi là thơ trữ tình có những đặc điểm về nội dung và hình thức của một thể loại văn học. Về nội dung, đề tài, ca dao bao quát và phản ánh phạm vi rất rộng bao gồm cả nghi lễ, phong tục tập quán, đời sống gia đình, cộng đồng, những nét đẹp đạo đức lối sống và cả kinh nghiệm sống quý báu. Đối tượng của ca dao đa dạng và phổ biến ở tất cả lứa tuổi nhưng trong mỗi đề tài khác nhau thì nhân vật trữ tình lại khác nhau. Trong ca dao về gia đình thì nhân vật trữ tình là người mẹ, người vợ… Trong tình yêu trai gái thì là chàng trai và cô gái. Hay ở phạm vi xã hội thời đại rộng lớn hơn lại là người phụ nữ, người nông dân.

Về hình thức, cao dao có những đặc điểm nghệ thuật truyền thống. Thể thơ được sử dụng chủ yếu là thể thơ của dân tộc, lục bát và lục bát biến thể. Ngoài ra còn có các thể thơ khác như song thất lục bát, thơ bốn tiếng, năm tiếng. Ca dao thường ngắn gọn, hàm súc, sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ và nhiều hình ảnh biểu tượng. Trong ca dao thường xuất hiện hình thức lặp lại: lặp kết cấu, lặp từ, cụm từ, hình ảnh, đôi khi lặp cả dòng thơ. Điều đó yêu cầu chúng ta khi phân tích ca dao phải xuất phát từ yếu tố đó. Cho nên, khi phân tích ca dao, phải xuất phát từ những hình thức lặp đó. Ngôn từ sử dụng trong ca dao thường trong sáng, gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân, đậm đà màu sắc dân tộc và địa phương.

Trong kho tàng ca dao Việt Nam, ca dao được chia thành nhiều mảng với nội dung, đối tượng phản ánh khác nhau. Loại đầu tiên là ca dao với tình cảm yêu thương, tình nghĩa bao gồm là tình cảm gia đình cha mẹ, con cái, vợ chồng; tình yêu đôi lứa, yêu quê hương, đất nước, ca ngợi vẻ đẹp dân tộc. Đó là những lời ca về mọi miền của Tổ quốc thân yêu:

“Đồng Đăng có phố Kì Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.”

Hay thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến:

“Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước này ?”

Ca dao yêu thương, tình nghĩa dễ khơi gợi nên niềm đồng cảm, niềm tự hào, yêu nước và lòng biết ơn thế hệ cha anh đi trước đã anh dũng chiến đấu hi sinh hay gần gũi nhất là yêu thương, biết ơn những người đã có công sinh thành dưỡng dục. Có một bài ca dao mà ngày nay bao người vẫn thuộc:

“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

Loại ca dao quen thuộc tiếp theo là ca dao than thân, ra đời từ vất vả, bất công của cuộc sống. Đó là người nông dân trong xã hội cũ và là người phụ nữ với những đè nén, áp bức bất công.

“Thân em như hạt mưa sa,
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.
Thân em như giếng giữa đàng,
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Chế độ nam quyền trong xã hội phong kiến đã vùi dập bao mảnh đời phụ nữ bất hạnh nổi trôi. Ca dao như lời than thân trách phất cất lên từ những tâm hồn bất hạnh. Để rồi mãi mãi về sau, người ta vẫn ghi nhớ mãi.

Bên cạnh đó còn có ca dao hài hước, trào phúng, châm biếm. Cùng truyện cười dân gian, ca dao mảng này thể hiện nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam. Nó tạo ra tiếng cười mua vui, giải trí, phê phán những thói hư tật xấu, những con người đáng cười trong xã hội. Ví như một bài ca dao châm biếm thói mê tín dị đoan:

“Số cô chẳng giàu thì nghèo,
Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà.
Số cô có mẹ có cha,
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.
Số cô có vợ có chồng,
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai”

Ca dao đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn con người Việt Nam. Ca dao là giá trị văn hóa tình thần phi vật thể được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nó không chỉ cất lên giai điệu của tình yêu thương, tình cảm quý báu mà còn là kho tàng kinh nghiệm được đúc kết từ thực tế cuộc sống của nhân dân như “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng/ Ngày tháng mười chưa cười đã tối.” Đồng thời, ca dao cũng gửi gắm những bài học đạo lí làm người như lòng hiếu thảo với cha mẹ, sức mạnh của tình yêu. Trong văn học, ca dao cũng tạo nên động lực cho văn học phát triển. Đó là nguồn tư liệu quý giá, phong phú cho các nhà văn, nhà thơ sáng tạo các tác phẩm của mình. Ca dao chính là nét đẹp tâm hồn Việt Nam.

Nhiều năm tháng đã qua đi nhưng ca dao vẫn luôn sống mãi với trái tim triệu triệu con người Việt. Để rồi mỗi lần giai điệu quen thuộc của ca dao vang lên, chúng ta lại bồi hồi nghĩ về quá khứ vàng son của Tổ quốc.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 7

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!