Lớp 10

Soạn bài Tam đại con gà

Truyện cười “Tam đại con gà” đã phê phán những người dốt nát nhưng lại giấu dốt. Hậu quả là càng giấu càng lộ, càng làm trò cười cho thiên hạ. Truyện được giới thiệu đến học sinh trong chương trình Ngữ Văn lớp 10.

Tài liệu Soạn văn 10: Tam đại con gà, sẽ giúp ích cho học sinh khi học đến tác phẩm này. Mời bạn đọc tham khảo chi tiết dưới đây.

Bạn đang xem: Soạn bài Tam đại con gà

Soạn văn Tam đại con gà chi tiết

I. Giới thiệu về thể loại: Truyện cười

1. Khái niệm

– Truyện cười là loại truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống nhằm tạo ra tiếng cười mua vui hoặc phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội.

– Hiện tượng đáng cười là những hiện tượng ở hành vi, cử chỉ lời nói của con người.

– Cái cười là do cái đáng cười gây ra và do ta phát hiện. Để có cái cười cần phải có:

  • Điều kiện khách quan: phải có hiện tượng đáng cười.
  • Điều kiện chủ quan: người đọc và người nghe phải phát hiện ra hiện tượng đáng cười đó.

2. Đặc điểm

– Truyện cười thường ngắn, nhưng dù ngắn truyện vẫn có kết cấu, nhân vật và ngôn ngữ để có thể gây cười.

– Nghệ thuật gây cười phải làm cho cái đáng cười được bộc lộ để người đọc, người nghe phát hiện ra nó mà cười.

3. Vai trò

Truyện cười vừa có ý mua vui, vừa có ý phê phán.

4. Phân loại

– Truyện cười thiên về mua vui: truyện hài hước

– Truyện cười thiên về phê phán: truyện châm biếm

II. Đôi nét về tác phẩm

1. Tóm tắt

Ngày xưa, có anh học trò nọ dốt nát nhưng đi đến đâu cũng khoe là mình văn hay chữ tốt. Có người tưởng thật liền mời anh về dạy cho con trẻ. Một hôm, khi đang dạy sách Tam thiên tự, dạy đến chữ “kê” thầy không biết là chữ gì. Học trò lại hỏi gấp quá nên anh ta trả lời đại: Dủ dỉ là con dù dì. Thầy sợ nhỡ sai người nào biết thì xấu hổ nên dặn học trò đọc bé lại.

Nhân trong nhà có bàn thờ thổ công, thầy liền khấn xem có phải là chữ dủ dỉ không thì cả ba lần đều được. Thầy đắc chí bảo học trò đọc to lên. Người bố đang làm việc nghe thấy chạy vào hỏi. Thầy bèn lấp liến bằng cách giải thích về tam đại con gà: Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà.

2. Bố cục

Gồm 2 phần:

– Phần 1: Từ đầu đến “trong lòng vẫn thấp thỏm”. Sự dốt nát của anh học trò.

– Phần 2. Còn lại. Hành động giấu dốt, lấp liến của anh học trò.

III. Đọc – hiểu văn bản

1. Sự dốt nát của anh học trò

– Giới thiệu nhân vật chính: anh học trò dốt nát, nhưng lại thích khoe mình văn hay chữ tốt.

– Nghe vậy, có người tin và mời anh ta về nhà dạy trẻ.

=> Mâu thuẫn trái ngược tạo ra tình huống gây cười.

– Tình huống gây cười:

  • Anh ta dạy đến sách Tam thiên tự, sau chữ “tước” là chim đẻ, đến chữ “kê” là con gà.
  • Khi nhìn thấy mặt chữ rắc rối không biết là chữ gì nhưng lại bị học trò hỏi gấp quá.
  • Kết quả: Trả lời bừa là: “Dủ dỉ là con dù dì” – Dù dì là một loài chim ăn thịt, cùng họ với cú nhưng lớn hơn, có tiếng kêu “thù thì, thù thì”. Còn “dủ dỉ” không có ý nghĩa gì cả.
  • Sợ sai, nên anh ta dặn học trò đọc khẽ lại, trong lòng sợ hãi thấp thỏm.

=> Một con người đã dốt nát, học hành không đến nơi đến chốn lại thích khoe khoang.

2. Hành động giấu dốt, lấp liến của anh học trò

– Trong nhà có bàn thờ thổ công, anh ta liền đến khấn thầm xin ba đài âm dương để xem chữ ấy có phải là “dù dì” không. Thổ công cho được cả ba liền đắc chí.

– Hôm sau, anh ta liền bảo học trò đọc cho to lên.

=> Đã dốt nát lại còn mê tín, lừa bịp trẻ con. Tiếng cười bật ra từ sự ngu dốt nhưng thích khoe mẽ của thầy đồ.

– Người bố đang cuốc đất ở ngoài vườn nghe thấy liền chạy vào, giở sách ra hỏi phát hiện thầy dạy sai liền hỏi thầy.

– Bị phát hiện, anh ta nghĩ thầm: “Mình đã dốt, thổ công nhà nó còn dốt hơn”.

=> Tự cảm thấy bản thân mình dốt nát nhưng vẫn không chịu thừa nhận.

– Hành động lấp liếm:

  • Tỏ ra mình vẫn biết chữ ấy là “kê” nghĩa là “gà”, nhưng dạy thế để cho học trò biết đến tận tam đại con gà.
  • Tam đại con gà có nghĩa: Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà. Câu trả lời không có ý nghĩa gì.

=> Sự vô lí, láu cá của thầy đồ đã khiến người đọc bật cười.

IV. Tổng kết

– Nội dung: Phê phán cái dốt và khẳng định cái dốt thì không thể che giấu được, càng giấu càng lộ, càng làm trò cười cho thiên hạ.

– Nghệ thuật: nghệ thuật gây cười được xây dựng qua cách giới thiệu nhân vật, hành động, lời nói…

Soạn văn Tam đại con gà ngắn gọn

I. Trả lời câu hỏi

Câu 1. Tìm hiểu mâu thuẫn trái tự nhiên trong truyện “Tam đại con gà” qua ba khía cạnh:

– “Thầy” liên tiếp bị đặt vào những tình huống nào?

– “Thầy” giải quyết những tình huống đó ra sao.

– Trong quá trình giải quyết các tình huống, “thầy” đã tự bộc lộ cái dốt của mình như thế nào?

Gợi ý:

– “Thầy” liên tiếp bị đặt vào những tình huống:

  • Tình huống 1: Dạy đến mặt chữ mình không biết, bị học trò hỏi gấp.
  • Tình huống 2: Bảo học trò đọc to, bị người bố nghe được liền gặng hỏi lại.

– “Thầy” giải quyết tình huống đó:

  • Tình huống 1: Thầy nói liều: “Dủ dỉ là con dù dì”
  • Tình huống 2: Thầy lấp liếm bằng cách nói về tam đại con gà: “Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà”.

– Trong quá trình giải quyết các tình huống, “thầy” đã tự bộc lộ cái dốt của mình:

  • Ở tình huống 1: “Tam thiên tự” là một cuốn sách dạy chữ Hán cho trẻ em thời xưa, nhưng ngay cả một chữ đơn giản trong sách, thầy cũng không biết. Khi học trò hỏi gấp, thầy liền trả lời bừa. Sau đó lại tìm đến thổ công để xem có câu trả lời của mình có đúng không, mà không chịu tìm hiểu lại. – Vừa dốt nát, vừa lười biếng.
  • Ở tình huống 2: Sau khi được thổ công cho ba đài được cả ba, thầy vô cùng đắc ý cho là mình đúng liền bảo học trò đọc to lên. Khi bị người bố hỏi lại, thầy không chịu thừa nhận mình sai mà lấp liềm bằng cách khiến mình trở nên hiểu biết hơn khi nói rằng mình đang dạy cho học trò biết đến tận tam đại con gà. – Vừa mê tín, vừa khoe khoang.

Câu 2. Hãy chỉ ra ý nghĩa phê phán của truyện. (Có phải truyện chỉ phê phán một đối tượng cụ thể là anh học trò giấu dốt không?)

Ý nghĩa phê phán của truyện:

– Truyện không chỉ phê phán mỗi anh học trò dốt.

– Truyện đã phê phán một tật xấu trong xã hội: Những người thiếu hiểu biết, dốt nát nhưng không chịu thừa nhận mà tìm cách giấu dốt.

– Ngoài ra, truyện còn phê phán hiện tượng mê tín dị đoan của con người.

II. Luyện tập

Phân tích hành động, lời nói của “thầy” để thầy thủ pháp gây cười của truyện.

Gợi ý:

* Hành động gây cười:

– Anh học trò đi dạy học, thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối nên không biết chữ gì, lại bị học trò hỏi gấp, thầy cuống nói liều.

– Bảo học trò đọc khẽ vì sợ sai, thận trọng để giấu dốt nhưng vẫn nơm nớp lo sợ.

– Khấn đài âm dương để thổ công giúp đỡ, được thổ công cho cả bả lần.

– Thầy liền đắc chí, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường bảo học trò gân cổ đọc to.

=> Tiếng cười bật ra từ sự ngu dốt lại mê tín của thầy. Thầy coi chuyện dạy học như một cuộc cầu may. Thậm chí là không nhận ra được hành động sai lầm của mình.

* Lời nói gây cười:

– Sách “Tam thiên tự”: dạy chữ Hán cho trẻ em – một anh học trò tự nhận mình là văn hay chữ tốt lại không biết tường tận.

– Thầy dạy đến chữ “kê” có nghĩa là con gà – đây là kiến thức rất cơ bản của người học chữ Nho. Nhưng thầy đồ lại giảng chữ “kê” nghĩa là “dủ dỉ là con dù dì”: không có nghĩa.

=> Lời giải thích của thầy đem lại tiếng cười cho người đọc.

– Khi bị người bố phát hiện lại thầm nghĩ “Mình đã dốt, thổ công nhà nó còn dốt hơn mình”.

=> Lời nghĩ thầm hài hước, đổ vấy trách nhiệm cho thần linh, không chịu nhận sai.

– Lời lấp liếm của thầy: Dạy cho cháu biết đến tận tam đại con gà: “Dù dì là chị con công, con công là ông con gà”. Lấy ý từ bài đồng dao “Lúa ngô là cô đậu nành, đậu nành là anh dưa chuột, dưa chuột là ruột dưa gang, dưa gang là nàng dưa hấu” để gỡ bí, lí sự cùn.

=> Tiếng cười bật ra từ lời giải thích vô căn cứ, láu cá của thầy.

=> Tiếng cười được tạo ra từ hành động và lời nói có sự tăng tiến về mức độ vì càng ngày hành động và lời nói càng phi lý.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 10

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!