Lớp 7

Soạn bài Ôn tập phần Văn

THPT Nguyễn Đình Chiểu sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 7: Ôn tập phần Văn, giúp học sinh củng cố kiến thức của phần Văn học trong chương trình.

Bạn đang xem: Soạn bài Ôn tập phần Văn

Hy vọng với tài liệu này, các bạn học sinh lớp 7, sẽ có thêm tài liệu để ôn tập, chuẩn bị cho kì thi cuối kì.

Soạn văn Ôn tập phần Văn

I. Hướng dẫn trả lời câu hỏi

Câu 1. Em hãy nhớ và ghi lại tất cả nhan đề các văn bản (tác phẩm) đã được đọc – hiểu trong cả năm học. Sau đó, đối chiếu với sách giáo khoa, tự kiểm tra và bổ sung những chỗ thiếu, sửa những chỗ sai rồi chép lại vào vở một cách đầy đủ, chính xác danh mục các văn bản đã học.

Gợi ý:

Tên tác phẩm

Tên tác giả

Cổng trường mở ra

Lý Lan

Mẹ tôi

Ét-môn-đô-đơ A-mi-xi

Cuộc chia tay của những con búp bê

Khánh Hoài

Những câu hát về tình cảm gia đình

(ca dao)

Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người.

(ca dao)

Những câu hát than thân

ca dao

Những câu hát châm biếm

(ca dao)

Sông núi nước Nam

Lý Thường Kiệt

Phò giá về kinh

Trần Quang Khải

Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra

Trần Nhân Tông

Bài ca Côn Sơn

Nguyễn Trãi

Sau phút chia li

Đoàn Thị Điểm

Bánh trôi nước

Hồ Xuân Hương

Qua Đèo Ngang

Bà Huyện Thanh Quan

Bạn đến chơi nhà

Nguyễn Khuyến

Xa ngắm thác núi Lư

Lý Bạch

Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh

Lý Bạch

Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê

Hạ Tri Chương

Bài ca nhà tranh bị gió thu phá

Đỗ Phủ

Cảnh khuya

Hồ Chí Minh

Rằm tháng giêng

Hồ Chí Minh

Tiếng gà trưa

Xuân Quỳnh

Một thứ quà của lúa non: Cốm

Thạch Lam

Sài Gòn tôi yêu

Minh Hương

Mùa xuân của tôi

Vũ Bằng

Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

(Tục ngữ)

Tục ngữ về con người và xã hội

(Tục ngữ)

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

Hồ Chí Minh

Sự giàu đẹp của tiếng Việt

Đặng Thai Mai

Đức tính giản dị của Bác Hồ

Phạm Văn Đồng

Ý nghĩa văn chương

Hoài Thanh

Sống chết mặc bay

Phạm Duy Tốn

Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

Nguyễn Ái Quốc

Ca Huế trên sông Hương

Hà Ánh Minh

Quan Âm Thị Kính

(chèo)

Câu 2. Đọc lại các chú thích (*) ở Bài 3, 5, 7, 8. Làm thơ lục bát ở Bài 13. Ghi nhớ ở Bài 16 (Ôn tập tác phẩm trữ tình), chú thích (*) ở Bài 18. Câu 2 ở Bài 26 (phần Đọc – hiểu văn bản) để nắm các định nghĩa về:

  • Ca dao, dân ca.
  • Tục ngữ.
  • Thơ trữ tình.
  • Thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.
  • Thơ ngũ ngôn tứ tuyệt Đường luật.
  • Thơ thất ngôn bát cú.
  • Thơ lục bát,
  • Thơ song thất lục bát.
  • Phép tương phản và phép tăng cấp trong nghệ thuật.

Gợi ý:

– Ca dao, dân ca: những khái niệm tương đương, chỉ các thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người.

– Tục ngữ: là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt, được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hằng ngày.

– Thơ trữ tình: là sự kết hợp giữa lời và nhạc mang tính chất biểu cảm, tất cả nói lên tư tưởng, giá trị hiện thực của thời đó.

– Thơ thất ngôn tứ tuyệt: thể thơ gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ, trong đó câu 1,2,4 hoặc chỉ câu 2, 4 hiệp vần nhau chữ cuối.

– Thơ ngũ ngôn tứ tuyệt: thể thơ gồm 4 câu, mỗi câu 5 chữ, cách gieo vần giống thất ngôn tứ tuyệt.

– Thơ thất ngôn bát cú: thể thơ gồm 8 câu, mỗi câu 7 chữ. Có gieo vần ( chỉ 1 vần) ở chữ cuối của các câu 1,2,4,6,8. Có phép đối giữa câu 3 – 4, 5 – 6.

– Thơ lục bát: thể thơ dân tộc cổ truyền bắt nguồn từ ca dao, dân ca; kết cấu theo từng cặp: câu trên 6 tiếng (lục), câu dưới 8 tiếng (bắt).

– Thơ song thất lục bát: kết hợp có sáng tạo giữa thể thơ thất ngôn đường luật và thơ lục bát; một khổ 4 câu; vần 2 câu song thất; nhịp ở 2 câu 7 tiếng.

– Phép tương phản nghệ thuật: là sự đối lập các hình ảnh, chi tiết, nhân vật, … trái ngược nhau, để tô đậm, nhấn mạnh một đối tượng hoặc cả hai.

– Tăng cấp trong nghệ thuật: thường đi cùng với tương phản.

Câu 3. Những tình cảm, những thái độ thể hiện trong các bài ca dao, dân ca đã được học là gì? Học thuộc lòng những bài ca dao trong phần học chính.

Những tình cảm, thái độ được thể hiện trong các bài ca dao:

  • Tình yêu thương gia đình
  • Tình yêu quê hương đất nước
  • Thương thân
  • Thái độ châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội

Câu 4. Các câu tục ngữ đã được học thể hiện những kinh nghiệm, thái độ của nhân dân đối với thiên nhiên, lao động sản xuất, con người và xã hội như thế nào?

  • Câu tục ngữ thể hiện kinh nghiệm về: thời tiết, chăn nuôi, trồng trọt, những kinh nghiệm về đời sống.
  • Thể hiện thái độ tôn vinh những giá trị của con người.

Câu 5. Những giá trị lớn về tư tưởng, tình cảm thể hiện trong các bài thơ, đoạn thơ trữ tình của Việt Nam và Trung Quốc (thơ Đường) đã được học là gì? Học thuộc lòng các bài thơ, đoạn thơ thuộc phần văn học trung đại của Việt Nam, hai bài thơ Đường (thơ dịch, tự chọn), hai bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  • Tình yêu quê hương đất nước
  • Tình yêu thiên nhiên
  • Tình yêu cuộc sống: trân trọng vẻ đẹp của những người phụ nữ tài hoa, thương cảm cho những người phụ nữ bạc mệnh.

Câu 6. Riêng với các văn bản đọc – hiểu là văn xuôi (trừ phần văn nghị luận), em hãy lập bảng tổng kết theo mẫu sau đây:

  • Cột 1: Số thứ tự
  • Cột 2: Nhan đề văn bản
  • Cột 3: Giá trị chính về nội dung
  • Cột 4: Giá trị chính về nghệ thuật

Chú ý: Cần dựa vào các phần kết quả cần đạt và Ghi nhớ đối với các văn bản được ghi trong Ngữ văn 7, tập một, tập hai, trong khi tiến hành lập bảng tổng kết.

Gợi ý:

STT

Nhan đề văn bản

Giá trị chính về nội dung

Giá trị chính về nghệ thuật

1

Cổng trường mở ra (Lý Lan)

Tấm lòng thương yêu của người mẹ đối với con và vai trò to lớn của nhà trường.

Văn biểu cảm như nhật kí tâm tình nhỏ nhẹ và sâu lắng.

2

Mẹ tôi (Ét-môn-đô-đơ A- mi-xi)

Tấm lòng thương yêu trời biển, sự hy sinh tuyệt vời của người mẹ đối với người con; tình yêu thương, kính trọng mẹ là tình cảm thiêng liêng của con người.

Văn biểu cảm qua hình thức một bức thư.

3

Cuộc chia tay của những con búp bê (Khánh Hoài)

Tình cảm gia đình vô cùng quý báu và quan trọng. Hãy cố gắng bảo vệ và gìn giữ tình cảm ấy.

Văn tự sự có bố cục rành mạch, hợp lí.

4

Một thứ quà của lúa non: cốm (Thạch Lam)

Phong vị đặc sắc, nét đẹp văn hóa trong một thứ quà độc đáo và giản dị của dân tộc: Cốm.

Văn tùy bút tinh tế, nhẹ nhàng, sâu sắc.

5

Sài Gòn tôi yêu(Minh Hương)

Nét đẹp riêng của Sài Gòn với thiên nhiên, khí hậu, nhiệt độ và nhất là phong cách cởi mở, bộc trực, chân tình và trọng đạo nghĩa của người Sài Gòn.

Nghệ thuật biểu hiện tình cảm, cảm xúc của tác giả qua thể văn tùy bút.

6

Mùa xuân của tôi (Vũ Bằng)

Cảnh sắc thiên nhiên, không khí mùa xuân ở Hà Nội và miền Bắc được cảm nhận, tái hiện trong nỗi nhớ thương tha thiết của người xa quê.

Bút pháp tai hoa, tinh tế

7

Ca Huế trên sông Hương (Hà Ánh Minh)

Vẻ đẹp của Huế, một hình thức sinh hoạt văn hóa – âm nhạc thanh lịch và tao nhã, một sản phẩm tinh thần đáng trân trọng, bảo tồn.

Bút ký về sinh hoạt, văn hóa,giọng văn trữ tình, tinh tế

8

Sống chết mặc bay (Phạm Duy Tốn)

Lên án gay gắt bọn quan lại phong kiến vô nhân đạo và bày tỏ niềm thương cảm vô hạn trước cảnh khổ của nhân dân

Lời văn cụ thể, sinh động, kết hợp phép tương phản và tăng cấp

9

Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (Nguyễn Ái Quốc)

Vạch trần bộ mặt giả dối, tư cách hèn hạ của một tên thực dân phản bội giai cấp; ca ngợi tư cách cao thượng, tấm lòng hy sinh vì dân vì nước của một nhà cách mạng anh hùng.

Giọng văn sắc sảo, hóm hỉnh và khả năng tưởng tượng, hư cấu, xây dựng tình huống, khắc họa thật sắc sảo hai nhân vật hoàn toàn đối lập.

Câu 7. Dựa vào Bài 21 (Sự giàu đẹp của tiếng Việt), kết hợp với việc học tập tác phẩm văn học bằng tiếng Việt đã có, hãy phát biểu những ý kiến về sự giàu đẹp của tiếng Việt (có dẫn chứng kèm theo).

Gợi ý:

a. Tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp

– Tiếng Việt là một thứ tiếng giàu chất nhạc:

  • Nhận xét của những người ngoại quốc sang thăm nước ta và có dịp nghe tiếng nói của quần chúng nhân dân ta.
  • Một giáo sĩ nước ngoài đã nói đến tiếng Việt như là một thứ tiếng “đẹp” và “rất rành mạch trong lối nói, rất uyển chuyển trong câu kéo, rất ngon lành trong những câu tục ngữ”.
  • Gồm hệ thống nguyên âm và phụ âm khá phong phú.
  • Giàu về thanh điệu, giàu ngữ âm như những âm giai trong một bản nhạc trầm bổng.

b. Tiếng Việt là một thứ tiếng hay

– Thỏa mãn nhu cầu trao đổi tình cảm, ý nghĩ giữa con người với con người.

– Thỏa mãn nhu cầu ngày của đời sống ngày một phức tạp về mọi mặt:

  • Dồi dào về cấu tạo từ ngữ, hình thức diễn đạt.
  • Từ vựng: tăng lên qua các thời kỳ.
  • Ngữ pháp: dần dần trở nên uyển chuyển, chính xác hơn.
  • Ngữ âm: không ngừng đặt ra những từ mới, những cách nói mới hoặc Việt hóa những từ và cách nói của các dân tộc anh em và các dân tộc láng giềng.

=> Mối quan hệ giữa cái hay và cái đẹp của tiếng Việt: cái đẹp và cái hay có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau tạo nên sức sống cho tiếng Việt.

Câu 8. Dựa vào Bài 24 (Ý nghĩa văn chương), kết hợp với việc học tập tác phẩm văn học đã có, hãy phát biểu những điểm chính về ý nghĩa của văn chương (có dẫn chứng kèm theo).

Gợi ý:

a. Nguồn gốc của văn chương

– Nguồn gốc chủ yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra là lòng thương cả muôn vật, muôn loài.

=> Đây là quan niệm đúng đắn, có lí song không phải là quan niệm duy nhất.

b. Nhiệm vụ của văn chương

– Văn chương là sự hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng.

=> Văn chương phản ánh hiện thực phong phú, đa dạng của cuộc sống.

– Văn chương sáng tạo ra sự sống.

=> Văn chương đưa ra, dựng lên hình ảnh, ý tưởng, một thế giới mơ ước mà con người luôn khát khao đạt đến.

c. Công dụng của văn chương

– Khơi dậy những trạng thái cảm xúc khác nhau của con người, “gợi tình cảm và lòng vị tha”.

=> Văn chương có sức cảm hóa lạ lùng.

– Gây cho ta những tình cảm không có, luyện cho ta những tình cảm sẵn có.

  • Cho ta biết cảm nhận cái đẹp, cái hay của cảnh vật, của thiên nhiên.
  • Lưu giữ lại dấu vết, lịch sử văn hóa của loài người.

=> Văn chương giúp con người có đời sống tinh thần phong phú, giúp khơi gợi ở con người tình cảm, cảm xúc chân thật.

Câu 9. Việc học phần Tiếng Việt và Tập làm văn theo hướng tích hợp trong Chương trình Ngữ văn lớp 7 đã có ích lợi gì cho việc học phần Văn? Nêu một số ví dụ.

Gợi ý:

Việc học phần tiếng Việt và Tập làm văn theo hướng tích hợp trong chương trình Ngữ văn 7 đã mang đến nhiều lợi ích cho việc học phần Văn như vận dụng được tối đa những kiến thức và kỹ năng trong quá trình học tiếng Việt, viết văn để hiểu và cảm nhận được cái hay, cái đẹp của các tác phẩm văn học.

Ví dụ: Nhờ có các bài tìm hiểu về đặc điểm của văn nghị luận mà khi học các tác phẩm như Ý nghĩa văn chương, Sự giàu đẹp của tiếng Việt; học sinh sẽ hiểu rõ hơn về giá trị nội dung và nghệ thuật.

II. Bài tập ôn luyện

Câu 1. Giải thích câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

Gợi ý:

Tục ngữ là kho tàng tri thức quý báu của nhân loại. Và câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” đã đem đến những bài học quý giá cho con người.

Câu tục ngữ có hai vế, “đi một ngày đàng” ý chỉ hành động đi lại của con người trong thời gian một ngày. Còn “học một sàng khôn” ý chỉ học được nhiều điều khiến mình trở nên thông minh hơn. Hiểu đơn giản ý nghĩa của câu tục ngữ này là đi một ngày đường, sẽ học được nhiều điều bổ ích. Nếu càng đi nhiều sẽ càng học hỏi được nhiều, chỉ cần bước ra ngoài xã hội học hỏi chắc chắn sẽ thu được những tri thức mới mẻ, đó chính là thành quả của quá trình học tập. Nhưng ngoài ra, câu tục ngữ cũng là lời động viên, khích lệ tinh thần học hỏi, khám phá của con người. Chúng ta cần học hỏi thêm những chân trời tri thức mới để mở mang kiến thức, mở rộng tầm mắt và thu nhặt cho mình những tri thức của nhân loại.

Mỗi hành trình mà con người trải qua đều đem đến những trải nghiệm. Thông qua những trải nghiệm đó chúng ta sẽ tích lũy được nhiều tri thức khoa học mới, những bài học cuộc sống… Chẳng phải lẽ dĩ nhiên khi ông cha ta đã để lại nhiều câu tục ngữ răn dạy con cháu về việc học tập như thế: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, “Học ăn, học nói, học gói, học mở” hay “Có học có khôn”… Đó chính là những lời khuyên thật quý báu cho thế hệ sau phải luôn coi trọng học vấn.

Chắc hẳn chúng ta đều biết đến một tấm gương sáng ngời luôn học tập không ngừng nghỉ. Đó chính là chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người xuất thân trong một nhà đình nhà Nho yêu nước, lại sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống hiếu học. Ngay từ nhỏ, Người đã bộc lộ tư chất của một hiền tài. Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Bác đã không lựa chọn con đường cứu nước giống như các bậc tiền nhân, mà quyết định đi về các nước phương Tây để trở về giúp nhân dân, đất nước mình. Trong suốt những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, Bác đã làm rất nhiều nghề để kiếm sống. Cũng không ngừng học tập, tích lũy những tri thức của nước ngoài. Chính điều đó đã giúp Bác tiếp cận được với ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Quả là đi một ngày đàng học một sàng khôn.

Đối với một học sinh, khi mà nhiệm vụ chính là học tập, thì việc luôn cố gắng để nắm vững những kiến thức trên lớp cũng như học hỏi thêm từ sách vở. Đồng thời không ngại dấn thân để trải nghiệm nhiều hơn sẽ giúp mỗi học sinh tích lũy thêm để hoàn thiện bản thân.

Như vậy, câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” là một bài học quý giá cho con người. Hãy chủ động để hoàn thiện bản thân ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Câu 2. Phân tích tác phẩm Ý nghĩa văn chương của Hoài Thanh

Gợi ý:

Hoài Thanh là một trong những nhà phê bình văn học nổi tiếng của Việt Nam. Khi đọc tác phẩm “Ý nghĩa văn chương”, ông đã cho người đọc hiểu rõ về nguồn gốc, công dụng và nhiệm vụ của văn chương.

“Ý nghĩa văn chương” được in trong tác phẩm “Bình luận văn chương”. Bài viết còn có lần được in lại đã đổi tên thành Ý nghĩa và công dụng của văn chương.

Đầu tiên Hoài Thanh đã lý giải nguồn gốc của văn chương bằng việc dẫn ra một câu chuyện Ấn Độ. Ông đã đưa ra nhận định rằng nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người, và rộng ra là cả muôn vật, muôn loài. Cách đặt vấn đề đầy sáng tạo nhưng cũng đã đặt đúng vào trọng tâm của vấn đề mà Hoài Thành muốn nói đến – nguồn gốc của văn chương.

Tiếp đến, tác giả đề cập đến công dụng và nhiệm vụ của văn chương với đời sống của con người. Đầu tiên là nhiệm vụ phản ánh hiện thực và sáng tạo hiện thực. Điều này có thể dễ dàng chứng minh trong các tác phẩm văn học. Từ văn học dân gian như câu chuyện Tấm Cám phản ánh hiện thực trong xã hội đó là mâu thuẫn giữa mẹ ghẻ và con chồng (dì ghẻ và Tấm). Đến văn học Viết, truyện ngắn “Cuộc chia tay của những con búp bê” phản ánh đúng đắn một thực trạng đáng báo động trong xã hội là vấn nạn ly hôn. Không dừng lại ở đó, Hoài Thanh còn đưa ra công dụng to lớn của văn chương. Văn chương giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha: “văn chương gây cho ta những tình cảm không có và luyện cho ta những tình cảm sẵn có”. Một tác phẩm văn chương có khả năng cảm hóa con người. Khi đọc tác phẩm “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, người đọc sẽ cảm nhận được nỗi nhớ quê hương, đất nước cũng như sự xót xa của tác giả trước cảnh ngộ của đất nước. Đọc truyện “Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen, người đọc sẽ thương xót cho thân phận bất hạnh của cô bé bán diêm tội nghiệp, căm giận một xã hội vô cảm đã gián tiếp dẫn đến cái chết của cô bé. Từ đó, truyện khơi gợi trong lòng người đọc tấm lòng yêu thương, biết chia sẻ và đồng cảm.

Như vậy, “Ý nghĩa văn chương” của Hoài Thanh đã cho làm sáng tỏ được nguồn gốc, công dụng và nhiệm vụ của văn chương trong đời sống tinh thần của con người.

Câu 3. Cảm nhận về một bài thơ mà em thích nhất trong chương trình Ngữ văn lớp 7.

Gợi ý: 

Xuân Quỳnh là nhà thơ của cảm xúc đời thường. Bài thơ “Tiếng gà trưa” được Xuân Quỳnh sáng tác đã cho người đọc cảm nhận về tình cảm bà cháu sâu sắc.

Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã khắc họa hình ảnh người cháu đang trên đường hành quân xa xôi đầy vất vả. Bỗng bắt gặp xóm làng, cháu nghe thấy âm thanh quen thuộc vang lên:

“Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục… cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ”

Đó chính là âm thanh của tiếng gà: “Cục… cục tác cục ta” gợi ra những kỉ niệm của tuổi thơ. Đó là những ngày tháng sống bên bà, tuy vất vả nhưng thật ấm áp. Biện pháp tu từ điệp ngữ với từ “nghe” cùng với các hình ảnh ẩn dụ “xao động nắng trưa”, “bàn chân đỡ mỏi”, “gọi về tuổi thơ” đã nhấn mạnh nỗi xúc động của người chiến sĩ khi nghe tiếng gà trưa. Đó là âm thanh làm xao động cả một vùng làng quê yên bình. Nó gọi về những kỉ niệm của tuổi thơ của người lính.

Kế tiếp, những kỉ niệm tuổi thơ được hiện ta lần lượt qua dòng hồi tưởng:

“Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng”

Hình ảnh trong kí ức của cháu về “con gà mái mơ” có mình hoa đốm trắng, “con gà mái vàng” có lông óng như màu nắng. Đặc biệt nhất là kỉ niệm khi cháu tò mò xem gà đẻ trứng, bị bà mắng:

“Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt”

Lời mắng của bà đã khiến cho đứa cháu tin là thật để rồi về lấy gương soi vì sợ bị lang mặt. Kỉ niệm về một tuổi thơ thật đáng nhớ. Nhưng không dừng lại ở đó, tiếng gà còn gợi cả về những nỗi nhọc nhằn của người bà:

“Tiếng gà trưa
Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp”

Người bà đã bao năm vất vả nuôi lớn cháu. Bà dùng đôi bàn tay đã lao động cả một cuộc đời để nâng niu từng quả trứng cho con gà mái ấp. Bởi đó chính là nguồn sống để bà bán đi, cuối năm có tiền mua quần áo mới cho cháu. Người bà hiện ra với phẩm chất tiêu biểu của của người phụ nữ Việt Nam – đức hy sinh. Bà luôn vì con, vì cháu mà chẳng một phút nghĩ đến bản thân. Rồi khi mùa đông tới, trời trở lạnh, bà lại lo lắng đàn gà sẽ chết:

“Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới”

Tiếng gà trưa là nơi lưu giữ những hạnh phúc, những ước mơ mà cháu vẫn thường mong ước thuở nhỏ:

“Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ”

Nhà thơ đã khéo léo sử dụng biện pháp tu từ điệp từ “vì” để nhấn mạnh mục đích chiến đấu của người cháu. Khi trưởng thành, cháu tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Trước hết đó là vì lòng yêu đất nước – “vì lòng yêu Tổ quốc”, sau đó là vì tình yêu quê hương – “yêu xóm làng thân thuộc”. Đặc biệt nhất cũng chính là vì người bà “Bà ơi, cũng vì bà”. Tiếng gọi “Bà ơi” vang lên thật trìu mến, yêu thương. Cháu ước mong có thể đóng góp đem lại cuộc sống hòa bình cho bà – cho những người thân yêu của mình.

Có thể thấy, sau khi đọc xong bài thơ, người đọc đã cảm nhận được những tình cảm thiêng liêng. Tiếng gà trưa là một bài thơ hay của Xuân Quỳnh.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 7

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!