Lớp 6

Phân tích truyện Bức tranh của em gái tôi của Tạ Duy Anh (5 mẫu)

Tác phẩm Bức tranh của em gái tôi được giới thiệu trong chương trình Ngữ Văn 6. Chính vì vậy, THPT Nguyễn Đình Chiểu sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 6: Phân tích truyện Bức tranh của em gái tôi của Tạ Duy Anh.

Tài liệu bao gồm dàn ý và 5 bài văn mẫu, được giới thiệu đến các em học sinh lớp 6, sẽ được đăng tải nội dung chi tiết dưới đây.

Bạn đang xem: Phân tích truyện Bức tranh của em gái tôi của Tạ Duy Anh (5 mẫu)

Dàn ý phân tích truyện Bức tranh của em gái tôi

1. Mở bài

– Truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi” (Tạ Duy Anh) in trong tập “Con dế ma” được trao giải Nhì cuộc thi viết cho thiếu nhi do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức.

– Qua câu chuyện của hai anh em cô bé Kiều Phương (có năng khiếu vẽ, có tranh được giải Nhất cuộc thi vẽ), tác giả kín đáo lồng vào bài học đạo đức: Đố kỵ, nhỏ nhen là một tính xấu không nên có; phải nhân hậu và độ lượng, nhất là trong tình cảm anh em ruột thịt.

2. Thân bài

* Tính cách của anh trai Kiều Phương:

– Thường tỏ ra khó chịu khi thấy em hay lục lọi đồ vật trong nhà.

– Thấy em gái mày mò tự chế ra màu vẽ, cậu ta âm thầm theo dõi nhưng coi đó chỉ là trò nghịch ngợm của trẻ con. Mỗi khi nói với em, cậu hay trêu chọc, châm biếm.

– Khi tài năng hội hoạ của em gái được phát hiện, bố mẹ vui mừng, riêng cậu ta lại buồn vì ganh tị và tủi thân.

– Em gái tham dự cuộc thi vẽ tranh và khi biết tin được giải Nhất, sung sướng ôm cổ anh trai để chia sẻ thì bị lạnh lùng gạt ra.

– Em vui vẻ mời anh đi dự lễ trao giải thưởng, anh tỏ ra không mặn mà gì.

– Trước bức chân dung của mình do em gái vẽ, cậu ta xúc động và ân hận vì mình đã đối xử không tốt với em gái, cảm thấy mình không xứng đáng với tấm lòng nhân hậu và cao thượng của em.

* Tính cách của Kiều Phương:

– Say mê vẽ, có năng khiếu vẽ.

– Hiếu động, thích mày mò, tìm hiểu, sáng tạo.

– Yêu thương anh rất chân thành.

– Biết anh không thiện cảm với mình nhưng vẫn vui vẻ, muốn chia sẻ với anh niềm sung sướng, hạnh phúc của mình.

– Bức chân dung với dòng chữ nắn nót: Anh trai tôi chứng minh cho tình cảm quý mến mà cô bé dành cho anh.

3. Kết bài

– Bài học đặt ra trong truyện là trước thành công của người khác, ta không nên ganh ghét, đố kị vì đó là thói xấu.

– Lòng nhân hậu và độ lượng giúp con người hoàn thiện nhân cách và sống thanh thản, tốt đẹp hơn.

Phân tích truyện Bức tranh của em gái tôi – Mẫu 1

“Bức tranh của em gái tôi” của nhà văn Tạ Duy Anh như một lời tâm sự, thủ thỉ của tác giả với bạn đọc về thói đố kỵ trong cuộc sống. Câu chuyện xoay quanh một bức tranh và cách hành xử giữa hai đứa trẻ với những lời nhắn nhủ sâu sắc về tình yêu thương, lòng vị tha, sự ích kỷ đáng để chúng ta suy ngẫm.

Tác phẩm kể về Kiều Phương, cô bé đáng yêu có biệt danh là Mèo và người anh trai. Kiều Phương rất thích vẽ, cô bé vẽ tất cả mọi vật trong gia đình… nhưng tất cả các bức vẽ ấy đều được đưa vào vòng bí mật và nó chỉ thực sự bị phát hiện khi Mèo chia sẻ những bức tranh với bé Quỳnh – con gái của bạn bố Kiều Phương. Từ đây tài năng hội họa của Kiều Phương mới được cả nhà biết đến. Trước tài năng hội họa của con gái, bố mẹ cô bé đã vô cùng ngỡ ngàng, ngạc nhiên “Con gái tôi vẽ đây ư?”, “Ôi, con đã cho bố một bất ngờ quá lớn”. Tuy nhiên, khi tài năng của em gái được phát hiện cũng là lúc tình cảm của người anh trai với em rạn nứt, người anh sinh đố kỵ, ghen ghét và không còn yêu thương em như trước. Người anh thất vọng, cảm thấy bản thân mình chẳng có chút tài năng nào “tôi luôn thấy mình bất tài nên bị đẩy ra ngoài”. Cả gia đình chú ý, quan tâm, chăm sóc cho đứa em gái tài năng còn người anh cảm thấy bản thân đã trở thành người ngoài cuộc. Bởi vậy, bất cứ hành động nào trước đây là đáng yêu của em gái thì hiện tại lại làm người anh “gắt um lên” “chỉ thấy nó chọc tức”… Ở đây, người anh đã tự cô lập mình khỏi gia đình. Phải chăng chính điều ấy càng làm tăng thêm thói ghen ghét, đố kỵ của người anh với cô em gái nhỏ Kiều Phương?

Dù nhận lại thái độ thờ ơ, dửng dưng thậm chí tức giận của anh trai nhưng Kiều Phương vẫn luôn yêu thương và quan tâm đến anh. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong bức tranh mà Kiều Phương vẽ khi đi thi. Không phải bố, không phải mẹ, mà chính là người anh trai mà cô bé hằng yêu quý. Nhìn bức tranh ấy ta không thấy một người anh hay mắng mỏ, quát nạt, đố kị với tài năng của em, mà là một người anh hoàn hảo, đang “ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi không chỉ sự suy tư mà con rất mơ mộng nữa” . Đó là hình ảnh một người anh yêu thương em hết mực với tâm hồn trong sáng, đầy suy tư. Đây là bức chân dung anh trai hoàn hảo trong suy nghĩ của Kiều Phương. Đứng trước bức tranh vẽ chính mình người anh cảm thấy ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện và cuối cùng là sự xấu hổ tột cùng. “Trong mắt em mình lại hoàn hảo đến vậy ư?” Người anh xấu hổ vì đã cáu giận với em, xấu hổ vì thói đố kỵ và xấu hổ trước sự trong sáng, tấm lòng bao dung, nhân hậu em dành cho mình. Để rồi khi mẹ hỏi, cậu đã nói: “Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy”. Câu nói đầy xúc động và chân thật, đó cũng là lúc người anh hiểu được những lỗi lầm của mình, hiểu được tấm lòng em gái dành cho mình.

Câu chuyện ngắn gọn được trần thuật theo dòng thời gian, với ngôi kể thứ nhất (người anh) đã bộc lộ được những cung bậc cảm xúc khác nhau, khiến cho câu chuyện không chỉ chân thực mà còn rất cảm động. Người anh đã tự kể về những thói ích kỷ, hẹp hòi tầm thường để tự thấy xấu hổ, muốn khóc vì tấm lòng trong sáng của người em. Bởi vậy câu chuyện có sức thuyết phục hơn, xúc động và hấp dẫn hơn. Không chỉ lựa chọn ngôi kể phù hợp, Tạ Duy Anh còn sử dụng ngôn ngữ kể chuyện ngắn gọn, hàm súc, các từ ngữ miêu tả tâm trạng sắc nét. Ngôn ngữ đối thoại cũng là một điểm nhấn trong truyện, nó phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của từng nhân vật.

Câu chuyện khép lại, để lại nhiều dư âm trong lòng người đọc. Bằng nghệ thuật lựa chọn ngôi kể và miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, tác phẩm đã cho thấy tình cảm trong sáng, hồn nhiên, tấm lòng nhân hậu, vị tha của người em đã làm cho người anh nhận ra phần hạn chế trong tính cách và lối ứng xử của mình.

Phân tích truyện Bức tranh của em gái tôi – Mẫu 2

Tác phẩm “Bức tranh của em gái tôi” xoay quanh câu chuyện của hai đứa trẻ. Nhưng nó mang tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn, có thể nhận thấy qua câu chuyện tác giả muốn gửi đến chúng ta một thông điệp hãy luôn chiến thắng thói đố kỵ tầm thường bằng lòng khiêm tốn của chính mình.

Qua câu chuyện dù không quá dài nhưng người đọc có thể thấy được tài xây dựng nhân vật và kể chuyện của Tạ Duy Anh vô cùng ấn tượng. Tác giả đã sử dụng ngôi thứ nhất để kể chuyện, tác giả vào vai người anh trai để kể về cô em gái của mình cũng như bộc lộ tâm trạng và tình cảm một cách sâu kín nhất. Đồng thời vẻ đẹp của cô em gái đã được thể hiện một cách rõ nét hơn.

Với ngôi kể thứ nhất diễn biến tâm trạng của anh trai được dẫn dắt rất từ từ và tự nhiên qua từng tình huống làm người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tâm trạng theo mạch của câu chuyện rất cụ thể. Thoạt đầu khi thấy em gái vẽ và tự chế màu vẽ người anh coi đó chỉ là trò nghịch của em mình, sự coi thường đó thể hiện qua từ cách gọi cô em gái của người anh. Khi tài năng vẽ tranh của cô em gái được phát hiện thì tâm trạng người anh trai cũng biến đổi theo. Chú Tiến Lê bất ngờ phát hiện ra tài năng vẽ tranh của em gái, bố mẹ cảm thấy vui mừng, duy chỉ có người anh thấy buồn vì ngay lúc đó người anh nghĩ rằng mình bị cho ra ngoài, cả nhà đã quên mất mình. Chính vì thế tình cảm của người anh trai không còn như trước đến mức chỉ cần em gái mắc một lỗi nhỏ người anh cũng gắt um lên… Đây là một dạng tâm lý thường thấy ở nhiều người đó chính là lòng tự ái khi thấy người khác hơn mình. Chắc chắn Tạ Duy Anh là một người rất am hiểu tâm lý trẻ em nên mới có thể mô tả được tâm trạng của người anh một cách tự nhiên là liên kết như vậy.

Đến cuối truyện khi người anh được tặng bức tranh đoạt giải của người em và điều bất ngờ là người trong bức tranh chính là mình thì người anh trai đã thực sự bất ngờ. Và bất ngờ hơn khi trong mắt em gái, mình không đáng ghét mà lại rất đỗi thân thương, với đôi mắt như tỏa ra một thứ ánh sáng lạ. Lúc này bỗng chốc con người cậu trở nên mềm nhũn, cậu bé bất ngờ, hãnh diện và rồi tự thấy xấu hổ. Tâm trạng xấu hổ của người anh lúc này cũng chính là lúc để nhân vật tự thức tỉnh con người ích kỷ của mình. Câu hỏi bỏ lửng “dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến kia ư?” như nói lên sự dằn vặt, sự tỉnh giấc trong con người của cậu bé.

Qua câu chuyện “Bức tranh của em gái tôi” ngoài cảm nhận được vẻ đẹp của cô em gái Kiều Phương, sự thức tỉnh của người anh cũng nhắn nhủ chúng ta rằng hãy tự nhìn lại bản thân. Quả là một bài học về nhân cách rất sâu sắc mà tác giả muốn truyền đạt lại.

Phân tích truyện Bức tranh của em gái tôi – Mẫu 3

Tạ Duy Anh là một trong những nhà văn nổi tiếng của thế hệ nhà văn trước đây. Văn của ông giàu cảm xúc và làm lay động lòng người bằng tính chân thực, bằng những trải nghiệm và cảm xúc thật sự của con người. Và một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông chính là “Bức tranh của em gái tôi”. Tác phẩm đã làm lay động người đọc bởi sự ngây thơ, hồn nhiên trong sáng của một đứa trẻ đã khơi gợi lên tình thương trong lòng của người anh trai.

Câu chuyện bắt đầu với hình ảnh của Kiều Phương, một cô bé có năng khiếu về hội họa nhưng lại rất thích lục lọi đồ và làm bôi bẩn lên mặt nên đã được người anh trai đặt biệt danh là Mèo. Qua những lời bộc bạch, tâm sự đó, chúng ta có thể cảm nhận được những suy nghĩ, những cách đánh giá và những tâm sự thầm kín trong lòng của người anh trai.

Khi thấy em tự sáng tạo ra màu vẽ thì người anh cho rằng đó là những việc làm rất bình thường, trò chơi của những đứa trẻ con vẫn hay làm. Vậy nên sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu em mình làm như vậy. Tuy nhiên, khi người họa sĩ Lê Tiến phát hiện được tài năng thực sự của đứa em gái thì người anh trai bắt đầu cảm nhận được sự mặc cảm, tự ti và có chút ghen tị, thua thiệt hơn so với chính đứa em gái thân thiết của mình. Những lời bộc bạch của người anh hay việc xem lén những bức tranh của em gái đều thể hiện được điều đó. Người anh cảm thấy bản thân bị lãng quên, khi mà mọi sự chú ý đều tập trung vào người em gái, mọi sự quan tâm và mọi lời ngợi khen luôn được dành cho em gái. Điều đó khiến người anh trở nên mặc cảm, tự ti và ngày càng xa lánh em của mình hơn.

Người anh cứ tưởng rằng khi người em gái nhận được sự đối xử như vậy sẽ cảm thấy ghét mình. Nhưng thực tế lại không phải như vậy, em vẫn hết mực yêu thương anh trai, điều đó được thể hiện qua bức tranh “anh trai tôi”. Một bức tranh thấm đẫm tình cảm mà em dành cho anh. Không phải là những lần anh cáu gắt hay ghen tị với em mà trong bức tranh ấy, hình ảnh của người anh lại hiện lên đẹp đến như vậy. Đó là một người anh trai luôn yêu thương em, luôn hoàn hảo trong mắt của em gái mình. Khi nhìn thấy bức tranh đó, niềm tự hào mãnh liệt được dâng lên trong lòng người anh trai – đó là sự tự hào, niềm hãnh diện mà người anh trai không thể thốt lên bằng lời và đó cũng chính là sự xấu hổ đối với em gái và đối với chính bản thân mình bởi vì những hành động dại dội và nông nổi của mình. Anh xấu hổ vì đã cư xử không đúng với em gái. Anh xấu hổ vì con người thật của anh ta không xứng đáng với người ở trong tranh.

Những suy nghĩ trong đầu của người anh trai cứ như muốn bùng lên mà không thể nào có thể thốt lên bằng lời: “Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy”. Chính tâm hồn đẹp đẽ cũng như sự yêu thương của em gái đã khiến cho người anh nhận ra lỗi lầm.

Khép lại câu chuyện, tác giả đã cho chúng ta thấy, nhân vật người anh đã vượt lên chính mình, nhận thấy sự kém cỏi trong nhân cách của mình và thừa nhận sự nhân hậu, tốt đẹp của người khác. Đó là một sự giác ngộ lớn. Thông qua đó, tác giả muốn gửi gắm đến người đọc một bài học sâu sắc về lòng bao dung và tình cảm yêu thương sâu sắc của con người.

Phân tích truyện Bức tranh của em gái tôi – Mẫu 4

Một trong những tác phẩm khá tiêu biểu khi viết về tình cảm gia đình đó là truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” của nhà văn Tạ Duy Anh.

Truyện xoay quanh hai nhân vật: người anh và cô em gái – Kiều Phương, một cô bé có tài năng hội hoạ. Kiều Phương cũng giống như biết bao đứa trẻ cùng tuổi khác là một cô bé nghịch ngợm, và đối với người anh trai đó là một chuyện rất bình thường và gọi em gái là Mèo. Nhưng đến khi chú Tiến Lê – một họa sĩ, là bạn thân của bố Kiều Phương phát hiện ra tài năng hội họa của Kiều Phương. Mọi người trong gia đình đi từ ngạc nhiên, đến bất ngờ, rồi đổ dồn mọi sự chú ý đến người em. Điều đó khiến người anh bỗng cảm thấy tự ti, mặc cảm vì mình không có bất cứ một tài năng nào cả. Thậm chí, người anh còn cảm thấy ghen ghét, đố kỵ với em gái mình.

Chỉ đến khi được nhìn thấy bức tranh đạt giải Nhất của Kiều Phương, người anh đã đi từ ngỡ ngàng đến hãnh diện và sau cùng là xấu hổ. Kiều Phương đã vẽ anh trai mình. Tác giả đã thật tinh tế khi miêu tả: “Trong tranh, một chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ sự suy tư mà còn rất mơ mộng nữa” để từ đó bộc lộ tâm trạng của người anh. Cậu “giật sững người. Chẳng hiểu sao tôi phải bám chặt lấy tay mẹ. Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ”. Người anh đã tự hỏi chính mình rằng: “Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư?”. Và cũng chính nhờ bức tranh mà người anh đã nhận ra được lỗi lầm của mình.

Truyện được kể lại theo ngôi thứ nhất, với điểm nhìn của người anh. Lối kể hồn nhiên này đã góp phần tạo độ tin cậy và tính chân thực cho người đọc. Đặc biệt trong truyện tác giả đã miêu tả rất tinh tế diễn biến tâm lí nhân vật. Người đọc như được hóa thân thành nhân vật qua từng câu chữ của tác giả. Ngôn ngữ trong truyện hết sức tự nhiên, góp phần bộc lộ được tình cảm của các nhân vật.

Như vậy, truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” là một câu chuyện đầy ý nghĩa về tình cảm anh em. Tác phẩm đã thể hiện được những nét phong cách riêng của nhà văn Tạ Duy Anh.

Phân tích truyện Bức tranh của em gái tôi – Mẫu 5

Tạ Duy Anh là một cây bút trẻ thời kỳ đổi mới. Các tác phẩm của ông đã để lại nhiều ấn tượng với bạn đọc. Một trong số đó là truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi”. Tác phẩm đã khắc họa tình cảm trong sáng hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em gái. Từ tình cảm đó đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính.

Truyện xoay quanh nhân vật người anh và cô em gái nhỏ có tài năng hội hoạ. Hai anh em đã rất thân thiết với nhau cho đến khi tài năng hội hoạ của em mình được phát hiện, người anh đã ghen tị và trở nên gắt gỏng với em. Từ đó hai anh em cũng không còn chơi với nhau như trước nữa. Cho đến tận khi đứng trước bức tranh vẽ mình của em gái người anh mới hiểu ra tình cảm của em, thấy day dứt và có lỗi với em. Từ đây, người anh cũng nhận ra được những yếu kém của mình, đồng thời cũng hiểu được tâm hồn cũng như tấm lòng nhân hậu của em.

Trước hết là nhân vật người anh, khi thấy em gái mình chế màu vẽ, người anh đã tỏ ý xem thường và gọi em gái là Mèo. Khi tài năng hội họa của em gái được phát hiện người anh tỏ thái độ không vui và ghen tị với Kiều Phương. Từ đây, tình cảm giữa hai anh em đã không còn thân thiết như trước. Người anh vốn đã coi thường em gái, cho em gái là đồ nghịch bẩn; nay bỗng dưng em lại thua kém em gái, đó là điều mà em cảm thấy khó chấp nhận nhất. Sự mặc cảm, tự ái trong người anh diễn ra rất tự nhiên, rất phù hợp với tâm lý lứa tuổi như các em.

Đến khi người anh nhận ra nhân vật chính trong bức ảnh đạt giải nhất của Kiều Phương chính là mình, người anh đã đi từ ngỡ ngàng đến hãnh diện và sau cùng là xấu hổ. Đó là cái ngỡ ngàng vì không nghĩ rằng trong mắt em gái mình lại toàn mỹ đến thế. Hãnh diện vì tài năng của em mình, vì sự hoàn hảo của mình trong bức tranh. Bức tranh “Anh trai tôi” là hình ảnh một cậu bé đang nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ, toát lên ở tư thế ngồi là sự mộng mơ của một tâm hồn thơ bé. Đó là một người anh trong những suy nghĩ và có cả sự tưởng tượng của người em gái. Chính điều đó đã làm cho niềm vui, niềm hạnh phúc của người anh chuyển thành xấu hổ. Dưới con mắt của em gái, người anh thật hoàn hảo, nhưng thực tế người anh chưa làm được những gì xứng đáng với suy nghĩ của người em. Trước bức tranh của em gái, người anh đã nhận ra những khuyết điểm của mình đồng thời cũng hiểu được tình cảm của em.

Trái ngược với người anh, Kiều Phương được miêu tả là một cô bé vô cùng dễ thương. Hai anh em luôn sống vui vẻ, yêu thương, hoà thuận với nhau từ nhỏ. Anh trai cô hay gọi cô là Mèo vì cô hay bày trò pha màu, tô vẽ làm bẩn chính mình khi vẽ. Nhưng Kiều Phương chưa bao giờ buồn và vẫn kiên trì với niềm đam mê của mình. Đến khi tài năng của Phương được phát hiện cả nhà đã vô cùng xúc động chúc mừng cô bé nhưng anh trai cô lại tỏ ra ghen tị và cảm thấy bản thân mình kém cỏi. Quan hệ giữa hai anh em từ đây mà trở nên không còn thân thiết. Người anh thường xuyên kiếm cớ cáu giận, quát mắng Phương. Hành động của anh đã khiến cô bé rất buồn, thậm chí có chút không dám lại gần anh. Nhiều hôm cô thấy anh trai ngồi bên cửa sổ mặt mơ màng suy nghĩ vẩn vơ một điều gì đó. Cô bé không biết anh lo lắng hay nghĩ ngợi điều gì, muốn hỏi anh trai mình nhưng lại sợ bị mắng nên thôi. Bằng tất cả tình yêu thương, Kiều Phương đã vẽ lại dáng vẻ thẫn thờ đó của anh mình bên bàn học. Bức tranh “Anh trai tôi” của Phương đã đạt giải cao nhất trong cuộc thi vẽ tranh đó. Điều đó khiến anh trai cô bé rất ngỡ ngàng, hạnh phúc rồi đến xấu hổ.

Bức tranh của em gái tôi là một câu chuyện cảm động về tình cảm anh em sâu đậm. Truyện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng những độc giả yêu thích tác phẩm của Tạ Duy Anh.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 6

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!