Soạn bài Kiểm tra về truyện trung đại
Để củng cố về phần truyện trung đại trong chương trình học môn Ngữ Văn lớp 9, học sinh sẽ được hướng dẫn thực hành kiểm tra về truyện trung đại.
THPT Nguyễn Đình Chiểu mời bạn đọc tham khảo tài liệu Soạn văn 9: Kiểm tra về truyện trung đại, được chúng tôi đăng tải chi tiết dưới đây.
Bạn đang xem: Soạn bài Kiểm tra về truyện trung đại
Soạn văn Kiểm tra về truyện trung đại
Hướng dẫn trả lời câu hỏi:
Câu 1. Lập bảng thống kê, ghi những kiến thức cần thiết vào từng cột theo mẫu dưới đây:
STT | Tên văn bản (đoạn trích, tác phẩm) | Tác giả | Nội dung chủ yếu | Đặc sắc nghệ thuật |
1 | Chuyện người con gái Nam Xương | Nguyễn Dữ | Tác phẩm đã thể hiện niềm cảm thương sâu sắc đối với số phận của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến xưa. | Các yếu tố tưởng tượng, kì ảo, nghệ thuật dựng trên, miêu tả nhân vật, kết hợp tự sự với trữ tình… |
2 | Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh | Phạm Đình Hổ | Tác phẩm đã phản ánh đời sống xa hoa của vua chúa và sự nhũng nhiễu của bọn quan lại thời Lê – Trịnh | Lối văn ghi chép sự việc cụ thể, chân thực, sinh động… |
3 | Hoàng Lê nhất thống chí | Ngô Gia Văn Phái | Tác phẩm đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung qua chiến công đại phá quân Thanh cũng như sự thất bại thảm hại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống | Lối kể chuyện xen với miêu tả, những đoạn đối thoại… giúp cho câu chuyện trở nên chân thực, sống động…. |
4 | Truyện Kiều | Nguyễn Du | Truyện Kiều bức tranh hiện thực về một xã hội bất công, tàn bạo cũng như là tiếng nói thương cảm trước số phận bi kịch của con người. | Ngôn ngữ dân tộc, thể thơ lục bát, nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa nội tâm nhân vật… |
5 | Truyện Lục Vân Tiên | Nguyễn Đình Chiểu | Tác phẩm thể hiện khát vọng cứu đời, cứu người của tác giả. | Ngôn ngữ giản dị, lối kể chuyện tự nhiên… |
Câu 2. Phân tích vẻ đẹp và số phận đầy bi kịch của người phụ nữ qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và qua các đoạn trích Truyện Kiều.
Gợi ý:
* Vẻ đẹp: Không chỉ ở ngoại hình mà còn ở tài năng, tính cách. (Vũ Nương: tính tình thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp; Thúy Kiều: tài sắc vẹn toàn, thông minh vốn sẵn tính trời, cầm – kỳ – thi – họa đều am hiểu…)
* Số phận:
– Vũ Nương:
- Nàng Vũ Nương là nạn nhân của chế độ phong kiến nam quyền đầy bất công đối với người phụ nữ.
- Cuộc hôn nhân của Vũ Nương với Trương Sinh không bình đẳng (Trương Sinh xin mẹ trăm lạng vàng cưới Vũ Nương về làm vợ) – sự cách biệt giàu nghèo khiến Vũ Nương luôn sống trong mặc cảm “thiếp vốn con kẻ khó được nương tựa nhà giàu”, cũng là cái thế để Trương Sinh đối xử với vợ một cách vũ phu, thô bạo và gia trưởng.
- Chỉ vì lời nói con trẻ ngây thơ mà Trương Sinh tin nên đã hồ đồ độc đoán mắng nhiếc đánh đuổi vợ đi, không cho nàng thanh minh, Vũ Nương buộc phải tìm đến cái chết oan khuất để tự minh oan cho mình.
- Cái chết đầy oan ức của Vũ Nương cũng không hề làm cho lương tâm Trương Sinh day dứt. Anh ta cũng không hề bị xã hội lên án. Ngay cả khi biết Vũ Nương bị nghi oan, Trương Sinh cũng coi nhẹ vì việc đã qua rồi. Kẻ bức tử Vũ Nương coi mình hoàn toàn vô can.
– Thúy Kiều:
- Nàng Kiều lại là nạn nhân của xã hội đồng tiền đen bạc.
- Vì tiền mà bọn sai nha gây nên cảnh tan tác, chia lìa gia đình Kiều: “Một ngày lạ thói sai nha/Làm cho khốc liệt chẳng qua vì tiền”.
- Để có tiền cứu cha và em khỏi bị đánh đập, Kiều đã phải bán mình cho Mã Giám Sinh – một tên buôn thịt bán người, để trở thành món hàng cho hắn cân đong đo đếm, cò kè mặc cả…
- Cũng vì món lợi đồng tiền mà Mã Giám Sinh và Tú Bà đã đẩy Kiều vào chốn lầu xanh nhơ nhớp, khiến nàng phải đau đớn, cay đắng suốt mười lăm năm lưu lạc, phải “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.
Câu 3. Bộ mặt xấu xa, thối nát của giai cấp thống trị, của xã hội phong kiến được thể hiện như thế nào qua các văn bản Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, Hoàng Lê nhất thống chí, Mã Giám Sinh mua Kiều:
* Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh:
– Hiện thực đất nước ta trong thời kỳ vua Lê – chúa Trịnh: mục nát, hỗn loạn. Vua chúa ăn chơi hưởng lạc, không quan tâm đến việc triều chính.
– Quan lại không khuyên can mà còn ỷ vào điều đó để lũng loạn thêm.
* Hoàng Lê nhất thống chí: Hèn nhát, bất tài của vua tôi nhà Lê trước tình cảnh đất nước bị giặc ngoại bang xâm lược.
* Mã Giám Sinh mua Kiều:
– Tố cáo xã hội đồng tiền đã đẩy con người vào tình cảnh khổ cực, đau đớn.
– Bày tỏ thái độ căm phẫn trước bọn buôn buôn người giả dối, bất nhân.
Câu 4. Phân tích hình tượng các nhân vật:
– Nguyễn Huệ (Hoàng Lê nhất thống chí)
– Lục Vân Tiên (đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn)
Gợi ý:
* Hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ:
– Con người hành động mạnh mẽ, quyết liệt:
- Chỉ trong vòng một tháng khi quân Thanh chiếm kinh thành Thăng Long đã cho chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến quân ra Bắc.
- Tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu là Quang Trung.
- Sau khi lên ngôi hoàng đế, ngay lập tức tự mình đốc suất đại bình, cả thủy lẫn bộ cùng tiến quân ra Bắc.
- Cho tuyển mộ quân lính ở Nghệ An, mở cuộc duyệt binh lớn và tổ chức lại hàng ngũ đội quân.
- Đích thân cưỡi voi ra doanh yên ủi quân lính…
– Là người có trí tuệ sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng:
- Nhận định được tình hình của ta và địch, đưa ra những quyết định quan trọng.
- Sáng suốt và nhạy bén trong việc xét đoán và dùng người. Ông biết khen chê đúng người đúng việc.
- Bĩnh tĩnh, quyết đoán: “Khi nghe tin quân Thanh đã vào Thăng Long, ông không hề lo lắng”. “Ở Tam Điệp, Quang Trung phỏng đoán chính xác tình hình và đánh giá đúng chính sách của Ngô Thì Nhậm”
– Có ý chí kiên cường, biết trọng nhân tài và tài dùng binh như thần:
- Trước khi xuất quân, tính toán mọi sách lược và tin chắc vào thắng lợi chỉ trong vòng mười ngày, hẹn với quân sĩ ngày mồng 7 năm mới thì vào Thăng Long mời tiệc ăn mừng.
- “Ở Tam Điệp, Quang Trung phỏng đoán chính xác tình hình và đánh giá đúng sách lược của Ngô Thì Nhậm”.
- Trong trận chiến: Quang Trung liên tiếp điều binh, khiển tướng và sử dụng những sách lược đã chuẩn bị trước để đánh bại quân Thanh.
=> Như vậy, hình ảnh Quang Trung hiện lên trong Hoàng Lê nhất thống chí là một vị anh hùng dũng cảm, mưu lược cũng như biết thu phục lòng người và trở thành linh hồn của trận chiến.
* Lục Vân Tiên:
a. Lục Vân Tiên đánh bại bọn cướp
– Tình huống: Kiều Nguyệt Nga trên đường bị bọn cướp chặn xe, Lục Vân Tiên tình cờ đi qua thấy vậy liền đến cứu giúp.
– Hành động của Lục Vân Tiên:
- “Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô”: sự nhanh trí, gan dạ của Lục Vân Tiên.
- Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ/Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân” – bản lĩnh của một người quân tử, trước khi ra tay chàng đã nêu rõ lý do là vì chính nghĩa, không phải là hành vi đánh lén.
- Trận đánh diễn ra cay cấn: “bốn phía phủ vây bịt bùng” vô cùng nguy hiểm đối với Lục Vân Tiên.
- Nhưng chàng vẫn “tả xung hữu đột” chẳng khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.
=> Hình ảnh so sánh Lục Vân Tiên với nhân vật anh hùng Triệu Tử cho thấy sức mạnh, tài năng của nhân vật Lục Vân Tiên.
– Kết quả: bốn phía vớ tan, quang gươm giáo tìm đường chạy, thủ lĩnh Phong Lai không kịp trở tay bị Lục Vân Tiên tiêu diệt.
b. Lục Vân Tiên gặp và trò chuyện với Kiều Nguyệt Nga
– Khi nghe tiếng khóc ở trong xe, Lục Vân Tiên hỏi: “Ai than khóc ở trong xe này?”.
– Người bên trong trả lời rõ sự tình: “Tôi thiệt người ngay/Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ”.
=> Lục Vân Tiên động lòng trước hoàn cảnh của hai cô gái, khẳng định mình đã dẹp yên bọn cướp.
– Lục Vân Tiên ngăn không cho hai cô gái ra ngoài: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra/Nàng là phận gái ta là phận trai”: giữ đúng chuẩn mực đạo đức, nam nữ thụ thụ bất thân.
– Lục Vân Tiên hỏi thăm tên tuổi, xuất thân và lý do vì sao gặp nạn trên đường.
=> Từ ngôn ngữ đến cách nói chuyện thể hiện là một con người có học thức, trọng lễ giáo phong kiến.
– Lục Vân Tiên khi nghe Kiều Nguyệt Nga ngỏ ý báo đáp ân tình thì đã cười và từ chối: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn… Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
=> Thể hiện phương châm sống của một đáng nam nhi: thấy việc nghĩa không làm thì không phải là anh hùng.
Câu 5. Nêu những nét chính về thời đại, gia đình và cuộc đời của Nguyễn Du. Tóm tắt Truyện Kiều.
* Về Nguyễn Du:
– Thời đại: Cuộc đời ông gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XX: chế độ phong kiến khủng hoảng, phong trào nông dân nổi ra khắp nơi…
– Gia đình: Ông sinh trưởng trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và giàu truyền thống về văn chương.
– Cuộc đời:
- Ông từng sống phiêu bạt nhiều năm trên đất Bắc (1786 – 1796) nên am hiểu văn hóa Trung Quốc – biết đến Kim Vân Kiều truyện.
- Nguyễn Du cũng am hiểu văn hóa dân tộc, vốn sống phong phú và niềm cảm thông sâu sắc với những nỗi khổ của nhân dân.
=> Nguồn cảm hứng sáng tác Truyện Kiều.
* Tóm tắt truyện Kiều:
– Phần 1: Gặp gỡ và đính ước
Truyện Kiều kể về cuộc đời của Thúy Kiều – một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời nhiều bất hạnh. Trong một lần du xuân, Kiều vô tình gặp gỡ Kim Trọng và có một mối tình đẹp đẽ bên chàng Kim. Hai người chủ động gặp gỡ và đính ước với nhau.
– Phần 2. Gia biến và lưu lạc
Gia đình Kiều bị nghi oan, cha bị bắt, Kiều quyết định bán mình để chuộc cha. Trước khi bán mình, Kiều trao duyên cho em gái là Thúy Vân. Thúy Kiều bị bọn buôn người là Mã Giám Sinh và Tú Bà lừa bán vào lầu xanh. Sau đó, nàng được Thúc Sinh cứu vớt khỏi cuộc đời kỹ nữ. Những rồi Kiều lại bị Hoạn Thư – vợ Thúc Sinh ghen tuông, đày đọa. Nàng một lần nữa bị rơi vào chốn thanh lâu. Ở đây, Kiều gặp được Từ Hải – một “anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất”. Từ Hải lấy Kiều và giúp nàng báo ân báo oán. Do mắc lừa tổng đốc Hồ Tôn Hiến, Kiều vô tình đẩy Từ Hải vào chỗ chết. Đau đớn, nàng trẫm mình xuống sông thì được sư Giác Duyên cứu.
– Phần 3. Đoàn tụ
Lại nói Kim Trọng khi từ Liêu Dương chịu tang chú xong quay về, biết Thúy Kiều gặp phải biến cố thì đau lòng. Chàng kết hôn cùng Thúy Vân nhưng vẫn ngày nhớ đêm mong gặp lại Kiều. Chàng liền quyết tâm đi tìm nàng, gia đình đoàn tụ. Túy Kiều nối lại duyên với Kim Trọng nhưng cả hai đã nguyện ước “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”.
Câu 6. Qua các đoạn trích Chị em Thúy Kiều, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Mã Giám Sinh mua Kiều, Thúy Kiều báo ân báo oán, hãy phân tích giá trị nhân đạo của Truyện Kiều.
Gợi ý:
– Khẳng định đề cao vẻ đẹp, tài năng của con người.
– Lên án những thế lực tàn bạo chà đạp lên tài sắc và nhân phẩm của người phụ nữ.
– Bộc lộ sự thương xót, đồng cảm cho số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa.
– Đề cao tấm lòng nhân hậu, vị tha và trinh bạch của người phụ nữ dù có phải trải qua nhiều bất hạnh.
Câu 7. Qua các đoạn trích đã học, hãy phân tích những thành công nghệ thuật của Truyện Kiều (nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, nghệ thuật tả cảnh thiên nhiên, nghệ thuật miêu tả nhân vật).
Gợi ý:
– Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ: giàu tính dân tộc…
– Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên:
- Miêu tả thiên nhiên trực tiếp: lựa chọn miêu tả thiên nhiên theo lối chấm phá (Cảnh ngày xuân).
- Miêu tả thiên nhiên theo lối tả cảnh ngụ tình (Kiều ở lầu Ngưng Bích)
– Nghệ thuật miêu tả nhân vật:
- Bút pháp ước lệ tượng trưng (vẻ đẹp Thúy Vân, Thúy Kiều)
- Miêu tả nội tâm nhân vật (Kiều ở lầu Ngưng Bích)
- Khắc họa tính cách nhân vật qua đối thoại (Thúy Kiều báo ân báo oán)
Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu
Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 9