Soạn bài Đất nước – Chân trời sáng tạo 10
Nguyễn Đình Thi là một nhà thơ nổi tiếng, với nhiều tác phẩm hay. Bài thơ Đất nước của ông sẽ được hướng dẫn học trong chương trình môn Ngữ văn lớp 10, thuộc sách Chân trời sáng tạo, tập 2.
Hôm nay, THPT Nguyễn Đình Chiểu muốn cung cấp tài liệu Soạn văn 10: Đất nước, mời các bạn học sinh cung tham khảo nội dung chi tiết bên dưới.
Bạn đang xem: Soạn bài Đất nước – Chân trời sáng tạo 10
Soạn bài Đất nước
Câu 1. Không gian của “những ngày thu đã xa” được tái hiện qua những hình ảnh nào trong văn bản trên? Hãy ghi lại những hình dung, tưởng tượng mà các hình ảnh thơ ấy gợi ra cho bạn.
– Không gian của “những ngày thu đã xa” được tái hiện qua những hình ảnh: sáng mát trong, hương cốm mới, những phố dài xao xác hơi may, người ra đi đầu không ngoảnh lại, thềm nắng lá rơi đầy.
– Hình dung, tưởng tượng mà các hình ảnh thơ ấy gợi ra: Bức tranh thiên nhiên mùa thu thi vị, mang đậm đặc trưng mùa thu Hà Nội nhưng thoáng buồn với những buổi sáng mát trong, gió thổi mang theo hương cốm mới, thời tiết buổi sáng se lạnh, những con phố xao xác lá vàng. Trong khung cảnh thiên nhiên đó, người chiến sĩ đã từ biệt quê hương, để ra đi vào chiến trường. Khung cảnh chia ly đầy buồn bã, lưu luyến nhưng cũng rất cương quyết.
Câu 2. Hình ảnh “mùa thu nay” khác gì với “những ngày thu đã xa”? Theo bạn, điều gì làm nên sự khác biệt đó?
– “Mùa thu nay” có điểm khác: Cảnh sắc thiên nhiên trở nên trong trẻo, tươi sáng hơn (trời thu thay áo mới); không gian rộng mở, đầy sức sống (núi đồi, gió thổi rừng tre phấp phới); tràn ngập âm thanh tươi vui (đứng vui nghe, nói cười thiết tha).
– Điều làm nên sự khác biệt: Nhân vật trữ tình đang đứng ở chiến khu Việt Bắc với tâm trạng vui tươi, phấn khởi khi đất nước được độc lập.
Câu 3. Xác định và nêu hiệu quả biểu đạt của biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
– Điệp ngữ “của chúng ta”, “những” kết hợp với liệt kê “trời xanh”, “núi rừng”, “cánh đồng”, “ngả đường”, “dòng sông”.
– Hiệu quả nghệ thuật: Nhấn mạnh vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam, khẳng định nền độc lập của nước nhà.
Câu 4. Đọc lại bốn dòng cuối của đoạn trích và cho biết: tiếng của “những buổi ngày xưa vọng nói về” gửi gắm thông điệp gì đến chúng ta?
Tiếng của “những buổi ngày xưa vọng nói về” gửi gắm thông điệp: Bài học về lòng biết ơn, trân trọng những thế hệ đi trước đã hy sinh để đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc.
* Tác giả Nguyễn Đình Thi:
– Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) quê ở Hà Nội.
– Ông là thành viên của tổ chức Văn hóa cứu quốc do Đảng cộng sản thành lập từ năm 1943.
– Sau Cách mạng tháng Tám, ông làm Tổng thư kí Hội văn hóa cứu quốc, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên. Từ 1958 đến 1989, ông là Tổng thư kí Hội nhà văn Việt Nam.
– Nguyễn Đình Thi là một nhà văn hóa, một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình văn nghệ…
– Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
– Một số tác phẩm chính: Các tiểu thuyết như Xung kích (1951), Vào lửa (1966); các tập thơ như Người chiến sĩ (1956), Bài thơ Hắc Hải (1958); các vở kịch như Con nai đen (1961), Rừng trúc (1978); các tập tiểu luận như Mấy vấn đề về văn học (1956)…
Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu
Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 10