Lớp 7

Phân tích bài ca dao Nước non lận đận một mình

THPT Nguyễn Đình Chiểu mời bạn đọc cùng tham khảo Bài văn mẫu lớp 7: Phân tích bài ca dao Nước non lận đận một mình.

Bạn đang xem: Phân tích bài ca dao Nước non lận đận một mình

Hy vọng với dàn ý và 2 bài văn mẫu, các bạn học sinh lớp 7 sẽ có thêm ý tưởng cho bài viết của mình. Mời tham khảo nội dung dưới đây.

Dàn ý phân tích bài ca dao Nước non lận đận một mình

1. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu và trích dẫn bài ca dao “Nước non lận đận một mình”.

2. Thân bài

a. Nội dung

Bài ca dao là lời than thân trách phận của người nông dân trong xã hội cũ. Đồng thời tố cáo xã hội phong kiến bất công đã áp bức, bóc lột những người vô tội.

b. Nghệ thuật

– Sử dụng từ láy “lận đận” giàu sức gợi hình: ý nói về số phận bấp bênh, vất vả.

– Thành ngữ “lên thác xuống ghềnh”: thác (chỗ dòng nước chảy xiết, vượt qua vách đá cao chắn ngang sông, suối làm nước đổ mạnh xuống) – ghềnh (chỗ lòng sông bị thu hẹp và nông, có đá lởm chởm nhô cao và nằm chắn ngang làm cho dòng nước dồn lại và chảy xiết) đều là những sự vật có ở trong tự nhiên. Trong bài ca dao thì thác ghềnh ý chỉ sự trắc trở, khó khăn.

– Hình ảnh đối lập: nước non – một mình, lên thác – xuống ghềnh, bể kia đầy – ao kia cạn.

– Hình ảnh ẩn dụ: con cò cũng mang số phận nhỏ bé, thấp kém ngụ ý chỉ thân phận người nông dân trong xã hội xưa.

– Câu hỏi tu từ “Ai…?” diễn đạt nỗi khổ cực, khó nhọc.

3. Kết bài

Đánh giá lại bài ca dao “Nước non lận đận một mình”.

Phân tích bài ca dao Nước non lận đận một mình – Mẫu 1

Trong xã hội phong kiến, người nông dân thường chịu cảnh áp bức bóc lột. Họ đã gửi gắm lời than thân, trách phận qua những bài ca dao. Một trong số đó là bài:

“Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay
Ai làm cho bể kia đầy
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?”

Hình ảnh “con có” vốn đã vô cùng quen thuộc:

“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”

Hay như:

“Con cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về”

Đây là hình ảnh ẩn dụ cho người nông dân trong xã hội xưa. Họ làm lụng vất vả quanh năm nhưng vẫn phải chịu kiếp sống lam lũ, khổ cực. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mà còn bị bọn cường hào ác bá bóc lột.

Tác giả dân gian đã sử dụng từ láy “lận đận” giàu sức gợi hình ý nói về số phận bấp bênh, kết hợp với thành ngữ “lên thác xuống ghềnh”. Trước hết, “thác” là chỗ dòng nước chảy xiết, vượt qua vách đá cao chắn ngang sông, suối làm nước đổ mạnh xuống. Còn “ghềnh” là chỗ lòng sông bị thu hẹp và nông, có đá lởm chởm nhô cao và nằm chắn ngang làm cho dòng nước dồn lại và chảy xiết. Hai sự vật của tự nhiên nhưng đã cho thấy được sự gập ghềnh, trắc trở của cuộc đời người nông dân.

Trong vòng luẩn quẩn, bế tắc của cuộc sống, người nông dân muốn vượt ra ngoài nhưng không thể thoát được. Do vậy mà lời ai oán của thân cò đau khổ cất lên như thấm đẫm nước mắt:

“Ai làm cho bể kia đầy
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?”

Lời than thở cũng chính là lời ám chỉ, tố cáo bọn thống trị gây ra bao cảnh ngang trái làm cho gầy cò con. Thân phận con cò nhỏ bé, không thể thoát khỏi cuộc sống bất công, ngang trái.

Như vậy, bài ca dao chính là lời than thân trách phận của người nông dân trong xã hội cũ. Đồng thời tố cáo xã hội phong kiến bất công đã áp bức, bóc lột những người vô tội.

Phân tích bài ca dao Nước non lận đận một mình – Mẫu 2

Ca dao, dân ca đã gửi gắm nhiều giá trị sâu sắc. Một trong những bài ca dao vô cùng ý nghĩa là:

“Nước non lận đận một mình
Thân cò lên thác xuống ghềnh bấy nay
Ai làm cho bể kia đầy
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con?”

Tác giả dân gian đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật phong phú. Đầu tiên là hình ảnh đối lập “nước non” rộng lớn đối với “một mình” đơn côi, “lên thác” đối với “xuống ghềnh”, “bể đầy” đối với “ao cạn”. Từ nghệ thuật này đã thể hiện một nghịch lý của cuộc đời con cò, cũng chính là cuộc đời của người lao động ngày xưa. Một mình phải đối mặt với biết bao sự vật thiên nhiên to lớn, dữ dội, với biết bao biến động ở đời. Họ cố gắng tần tảo kiếm sống qua ngày nhưng vẫn không thể thoát khỏi cảnh áp bức bóc lột.

Kết hợp với phép đối lập là hình ảnh “thân cò” hay thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” để cho thấy số phận vất vả, khổ cực của người nông dân. Đặc biệt là câu hỏi tu từ ở cuối bài giống như một lời oán trách phê phán chế độ phong kiến bất công. Những bọn quan lại đã áp bức, bóc lột người nông dân đến tận xương tủy.

Sống trong xã hội áp bức bất công ấy, người dân lao động phải lên thác, xuống ghềnh để mưu sinh mà hạnh phúc, ấm no chẳng có. Ai gây nên điều này, nếu không phải là bọn thống trị lúc bấy giờ. Chính xã hội ấy đã tạo nên những cảnh ngang trái, làm cho lúc thì “bể đầy” lúc thì “ao cạn”, khiến cho “gầy cò con”. Câu cuối bài ca là câu hỏi tu từ, nhưng mạch thơ và dòng cảm xúc của bài thơ đã khơi gợi cho người đọc, người nghe lời đáp đó.

Bài ca dao không chỉ là lời than thân mà còn tố cáo được một xã hội phong kiến bất công đã áp bức, bóc lột những người vô tội.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 7

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!