Lớp 9

Phân tích ba khổ cuối bài thơ Bếp lửa (Dàn ý + 6 mẫu)

Phân tích ba khổ cuối bài thơ bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt gồm dàn ý chi tiết, cùng 6 bài văn mẫu, giúp các em học sinh lớp 9 tham khảo, tích lũy vốn từ để có thêm nhiều ý tưởng mới hoàn thiện bài viết của mình.

Bằng Việt thuộc các thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Bài thơ Bếp lửa được ông sáng tác năm 1963 lúc đang đi du học ở nước ngoài. Tác phẩm sẽ được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Mời các em cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của Downlaod.vn:

Bạn đang xem: Phân tích ba khổ cuối bài thơ Bếp lửa (Dàn ý + 6 mẫu)

Dàn ý phân tích ba khổ cuối bài thơ Bếp lửa

I. Mở bài

  • Bằng Việt thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong phong trào kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông trong trẻo, mượt mà, khai thác những kỉ niệm đẹp và ước mơ tuổi trẻ.
  • Bài thơ “Bếp lửa” được sáng tác năm 1963 khi tác giả là du học sinh Liên Xô.
  • Giới thiệu đoạn trích: Ba khổ thơ cuối nói lên những suy ngẫm chiêm nghiệm về cuộc đời của bà cũng như hình tượng bếp lửa và nỗi nhớ khắc khoải, khôn nguôi về người bà của người cháu xa quê.

II. Thân bài

1. Những suy ngẫm chiêm nghiệm về cuộc đời của bà cũng như hình tượng bếp lửa

– Từ những kỉ niệm, hình ảnh bếp lửa luôn gắn với hình ảnh người bà.

  • Hình ảnh bếp lửa kết tinh trong hình ảnh ngọn lửa: ngọn lửa của tình yêu thương, sự hy sinh luôn ủ sẵn trong lòng bà để làm sáng lên hy vọng, ý chí.

“Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng”

  • Điệp ngữ “một ngọn lửa” nhấn mạnh tình yêu thương ấm áp bà dành cho cháu, người bà nhen nhóm những điều thiện lương tốt đẹp đối với cháu.

=> Hình ảnh người bà trong lòng cháu là người thắp lửa, giữ lửa và truyền lửa, truyền niềm tin, sức sống tới thế hệ tương lai.

– Sự tần tảo, hi sinh của bà thể hiện: “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa”: sự chiêm nghiệm của cháu về cuộc đời bà.

  • Cuộc đời bà đầy những gian truân, vất vả, lận đận trải qua nắng mưa tưởng như không bao giờ dứt
  • Điệp từ “nhóm” lặp lại bốn lần: người bà đã nhóm lên, khơi dậy những yêu thương, ký ức và giá trị sống tốt đẹp trong lòng người cháu

– Hình ảnh bếp lửa kết tinh thành hình ảnh ngọn lửa chất chứa niềm tin, hy vọng của bà: Người cháu như phát hiện ra điều kỳ diệu giữa cuộc sống đời thường “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa”: cháu thấm nhuần được tình yêu thương và đức hi sinh của bà.

2. Nỗi nhớ khắc khoải, khôn nguôi về người bà

– Lời tự bạch của đứa cháu khi trưởng thành, xa quê hương: Người cháu vẫn cảm thấy ấm áp bởi tình yêu thương vô bờ của bà.

– Kết thúc bài thơ tác giả tự vấn “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”: Niềm tin dai dẳng, nỗi nhớ luôn thường trực trong lòng người cháu;

=> Tác giả rất thành công trong việc sáng tạo ra hình tượng mang ý nghĩa thực, mang ý nghĩa biểu tượng: Bếp lửa.

– Kết hợp miêu tả, biểu cảm, tự sự phù hợp với dòng hồi tưởng và tình cảm của cháu.

– Bài thơ chứa đựng triết lý, ý nghĩa thầm kín: những điều thân thiết của tuổi thơ của mỗi người đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trên hành trình cuộc đời, tình yêu thương và lòng biết ơn chính là biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, quê hương.

III. Kết bài

  • Ba khổ cuối bài thơ “Bếp lửa” mang một ý nghĩa triết lý sâu sắc: về hình ảnh người bà như một hình ảnh truyền thống làm bước đệm vững chắc nâng bước con người trong hành trình dài rộng của tương lai, cuộc đời.
  • Tình cảm gia đình là cơ sở vững chắc để làm nền tảng cho tình yêu quê hương đất nước.

Phân tích ba khổ cuối bài thơ Bếp lửa – Mẫu 1

Trong cuộc đời mỗi con người khi sinh ra ai cũng có người thân, gia đình và những kỉ niệm ấm áp bên họ. Tác giả Bằng Việt cũng vậy, ông đã có quãng thời gian rất hạnh phúc bên người bà thân thương của mình. Hình ảnh in sâu trong tâm trí ông chính là hình ảnh chiếc bếp lửa cùng ngọn lửa của tình thương nơi bà thân yêu của ông. Bài thơ Bếp lửa là tình cảm sâu đậm của hai bà cháu dành cho nhau. Trong đó ba khổ thơ cuối bài đã diễn tả rất chi tiết sự chiêm nghiệm và tình cảm của cháu dành cho bà- ngọn lửa sáng rực trong tim của cháu.

Nhà thơ Bằng Việt là một trong những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Bài thơ Bếp lửa được ông sáng tác năm 1963 lúc 19 tuổi và đang đi du học ở Liên Xô. Đoạn thơ nằm ở khổ 5, 6 và 7 của bài thơ, thể hiện lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của người cháu với bà nói riêng và với gia đình, quê hương, đất nước nói chung.

Sau khi đưa ra hình ảnh bếp lửa đẻ khơi nguồn cho dòng suy nghĩ về bà, sau đó người cháu đã suy nghĩ về cuộc đời của bà thông qua hình ảnh bếp lửa:

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

Hình ảnh bếp lửa rồi đến ngọn lửa đã trở thành biểu tượng mãnh liệt cho tình yêu thương của 2 bà cháu. tác giả ta đã cảm nhận được sự khó nhọc của người bà khi ngày ngày nhóm bếp lửa. Bà luôn hi sinh cho con cháu, người thân! Điệp ngữ “một ngọn lửa” là sáng tạo nghệ thuật đắt giá của tác giả. Nó nhấn mạnh sự sống dai dẳng bất diệt của ngọn lửa và ý nghĩa của tình yêu thương mà người bà dành cho cháu. Ngọn lửa chính là hiện thân cho tâm hồn, nghị lực sống phi thường của người bà. Vì thế, bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người, truyền lửa cho người cháu cũng như là thế hệ mai sau. Bà tin cháu mình sau này sẽ nên người và thành tài để xây dựng non sông đất nước.

Từ những suy ngẫm người bà trong cuộc sống, tác giả tiếp tục khẳng định phẩm chất cao quí của bà:

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

Cuộc đời của bà phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng sự thử thách của thiên tai cũng như xã hội dường như đã trở thành một điều xảy ra bình thường với bà. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy thì bà vẫn sáng lên những phẩm chất đáng quý của một người phụ nữ Việt Nam. Điệp từ “nhóm” đã càng nhấn mạnh những hi sinh và hình ảnh tuyệt vời của bà. Bà tần tảo, nhẫn lại và đầy lòng yêu thương. Bà là người nhóm lửa và cũng là người giữ cho ngọn lửa đó luôn tỏa sáng trong mọi hoàn cảnh. Bà đã nhóm lên sự sống cũng như tình yêu thương dành cho mọi người. Bếp lửa trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”. Từ cảm thán “Ôi” kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ thể hiện sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng như phát hiện ra một chân lí, điều kì diệu giữa cuộc sống đời thường. Bếp lửa và bà như hóa thân vào làm một, luôn rỡ cháy, bất tử trong lòng của người cháu.

Giờ đây, tác giả đã sống xa quê, đã rời xa vòng tay người bà. Cuộc sống đầy đủ vật chất hơn, nhưng hình ảnh bà mãi là một dấu ấn khó phai. Tình cảm ấy đã trở thành bất tử trong tâm hồn tác giả.

Giờ cháu đã đi xa.
Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
– Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?..

Dù cho tác giả đã hoàn thành nguyện ước của bà, đã là thành đạt, sống có ích cho đời . Nhưng lòng tác giả vẫn luôn hướng về cội nguồn sinh dưỡng của mình. Có lẽ tác giả sẽ mãi không bao giờ quên hình ảnh cái bếp lửa bà nhóm cùng tình yêu thương bao la của bà. Tác giả luôn luôn tự hỏi với lòng: bà bây giờ sống như thế nào? Có khỏe mạnh hay không? bà nhóm bếp lên chưa? Bài thơ khép lại bằng câu hỏi tu từ thể hiện nỗi nhớ của người cháu luôn đau đáu một nỗi nhớ với gia đình, quê hương.

Tác giả đã sử dụng rất sáng tạo hình ảnh cái bếp lửa và ngọn lửa để biểu tượng cho tình yêu vô bờ bến của bà dành cho người cháu. Ngoài ra việc sử dụng linh hoạt tự sự, miêu tả và biểu cảm đã càng tăng thêm sự xúc cảm cho bài thơ và biểu lộ cảm xúc của tác giả chân thực, rõ nét hơn.

Tóm lại qua đoạn thơ trên ta lại càng hiểu hơn về hình ảnh người bà cũng như là những phẩm chất thiêng liêng cao quý của người phụ nữ Việt. Bà mãi mãi là tín ngưỡng đẹp nhất trong tâm hồn người cháu.

Phân tích 3 khổ thơ cuối bài Bếp lửa – Mẫu 2

Bằng Việt thuộc thế hệ nhà văn trẻ được rèn luyện và trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ Bằng Việt trong trẻo, mượt mà, tràn đầy cảm xúc, đề tài thơ thường đi vào khai thác những kỉ niệm, những kí ức thời thơ ấu và gợi những ước mơ tuổi trẻ. Thành công nổi bật đầu tiên của Bằng Việt là bài thơ Bếp lửa (1963). Đó là một bài thơ viết về tình bà cháu, tình gia đình gắn liền với tình quê hương đất nước. Sau khi xuất bản, tác phẩm này đã được bạn đọc đón nhận, làm nên tên tuổi Bằng Việt như một trong những nhà thơ hồn hậu, chân thành và da diết. Đặc biệt là ba khổ thơ cuối bài nâng bếp lửa lên thành hình tượng và để hình ảnh bà trở thành nền tảng vững chắc nâng bước tương lai cho người cháu bé nhỏ ngày nào.

Những khổ đầu bài thơ “Bếp lửa” là hình ảnh bếp lửa đã khơi nguồn cho dòng hồi tưởng cảm xúc về bà, là những hồi tưởng những kỷ niệm tuổi thơ sống bên bà và hình ảnh bà gắn liền với hình ảnh bếp lửa tuổi thơ. Trong những ngày tháng vất vả ấy, bà vẫn giữ vững hy vọng, một niềm tin mãnh liệt vào kháng chiến:

“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…”

Giữa tro tàn, mất mát, đau thương, bà lại nhóm lửa. Bếp lửa ân cần ấm cúng, nhẫn nại của bà tương phản hoàn toàn với ngọn lửa hung tàn, thiêu hủy dã man của bọn giặc. Bếp lửa bà nhen ấm nồng tình yêu thương, niềm tin trong sáng mà “lòng bà luôn ủ sẵn”, “chứa niềm tin dai dẳng”.

“Bếp lửa” bà nhen không chỉ là bếp lửa thông thường nữa mà nó chứa ngọn lửa của nghĩa tình, ngọn lửa nhóm lên trong tâm hồn đứa cháu thơ một tình cảm rộng lớn. Đó là tình bà hằng ấp ủ, tình thương bao la dạt dào suốt cả cuộc đời bà luôn dành cho cháu và những người thân yêu. Từ “bếp lửa” của lòng yêu gia đình và quê hương đất giờ đã trở thành hình ảnh “ngọn lửa” mang đậm giá trị biểu tượng.

“Ngọn lửa” – đó là sự sống, là niềm hy vọng và niềm tin mãnh liệt của bà vào cuộc kháng chiến, vào một tương lai tươi sáng, một tương lai không có chiến tranh. Đất nước được độc lập, hòa bình, gia đình được đoàn tụ, sum họp. Ngọn lửa ấm nồng như tình bà cháu, soi sáng cả quãng đường cháu đi. Đây cũng là hình ảnh bao trùm, khái quát, là nét tình cảm tinh túy của cả bài thơ.

Hình ảnh người bà hiện lên thật mộc mạc mà rực rỡ, một người bà cần cù, bền bỉ, chắt chiu, giàu nghị lực và có tấm lòng hy sinh cao cả. Đó là hiện thân của người phụ nữ Việt Nam, người mẹ Việt Nam trong các cuộc chiến tranh khốc liệt, vừa anh hùng, trung hậu, dũng cảm, vừa rất mực đảm đang. Ba câu thơ như một nút nhấn, một điệp khúc khó quên trong bản tình ca: tình bà thiêng liêng cao quý.

Hồi ức vẫn còn đó, hiện tại trong tâm trí nhà thơ chợt xuất hiện những dòng suy ngẫm và triết lý sâu xa:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm”

Cảm xúc “biết mấy nắng mưa” được lặp lại giống ở khổ một, đầu bài thơ:

“Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”

Có phải đó là lời nhấn mạnh, sự tô đậm những nỗi cơ cực của cuộc đời bà? Cuộc đời người bà gói gọn trong hai chữ “lận đận”. Bao nhiêu khó khăn, vất vả, gian nan, “biết mấy nắng mưa”, bà âm thầm chịu đựng để được lo lắng, chăm sóc cho con cháu.

Đã mấy chục năm rồi, chiến tranh đã đi qua, gian khổ nhọc nhằn vẫn chưa vơi bớt, bà vẫn “giữ thói quen dậy sớm”. Cuộc đời bà cứ gian nan, vất vả như vậy tưởng chừng như không bao giờ dứt. Bà là người thức khuya dậy sớm, chịu nhiều vất vả nhất trong nhà nhưng bà cũng chính là người nhóm lên trong gia đình ngọn lửa của tình yêu thương:

“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”

Từ “nhóm” được lặp đi lặp lại nhiều lần trong khổ thơ như lời khẳng định: bà chính là người nhóm lên trong lòng cháu ngọn lửa của tình yêu thương, của đức hy sinh cao cả. Khi nhóm lên “lửa ấp iu nồng đượm”, bà đã dạy cho cháu tình yêu thương những người ruột thịt. Nhóm tình quê “khoai sắn ngọt bùi”, bà dạy cháu tình yêu thương xóm làng, yêu mảnh đất quê nghèo. Còn khi “nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui”, bà dạy cháu phải luôn mở lòng ra với mọi người xung quanh.

Bên cạnh đó, bà cũng nhắc nhở cháu rằng không bao giờ được quên đi những năm tháng nghĩa tình, những năm tháng khó khăn mà hai bà cháu đã cùng trải qua. Không chỉ nhóm lên ngọn lửa đó ấm nồng và cháy sáng mãi trong lòng mọi người. Người bà kì diệu ấy đã nhóm dậy, khơi gợi, giáo dục và bồi đắp cho người cháu về cả thể xác lẫn tâm hồn, về ước mơ, lẽ sống của “tâm tình tuổi nhỏ”.

“Bếp lửa” của bà khó khăn, nhọc nhằn, vất vả. Bà nuôi cháu khôn lớn bằng bếp lửa ấy. Vậy mà giờ đây, cháu đã du học tận trời Nga xa xôi, xa bà, xa quê hương, xa Tổ quốc. Cuộc đời của cháu như một câu chuyện cổ tích. Và ở đấy, bà là bà tiên hiền hậu, luôn nâng đỡ từng bước đi của cháu. Cháu đã trưởng thành từ bếp lửa của bà. Từ cuộc sống nghèo khổ, bà ươm mầm ước mơ cho cháu đi du học phương xa. Tất cả những gì cháu có được ngày hôm nay chính là nhờ ngọn lửa trong bà, ngọn lửa ấy chắp cánh cho người cháu tự tin bay vào cuộc đời cao rộng.

Đứa cháu không thể trưởng thành, hay dù trưởng thành về thể xác nhưng tâm hồn cũng chẳng thể lớn khôn nếu không được nuôi dưỡng bằng ngọn lửa, bằng chính tấm lòng của người bà rất đỗi yêu thương. Người bà có một sức mạnh kì diệu từ trái tim, đã nhóm dậy trong tâm hồn đứa cháu biết bao tình cảm cao đẹp, chắp cánh cho ước mơ bay cao, bay xa để mai này cháu khôn lớn thành người.

Âm điệu câu thơ dạt dào, lan tỏa như lửa ấm hay đó chính là cảm xúc đang dâng trào trong trái tim để rồi nhà thơ phải thốt lên:

“Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”

Câu thơ chỉ có tám chữ mà có sức khái quát cả suy nghĩ lẫn tình cảm của tác giả dành cho hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh “người bà – người giữ lửa”, nhóm lửa, truyền lửa, người xây đắp nên tuổi thơ cho cháu. Bà và bếp lửa đã trở thành một mảnh tâm hồn, một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của tác giả dù cho lúc này, hai bà cháu đang chia xa.

Dù giờ đây, tuy không được ở gần bên bà, ở gần quê hương nhưng tâm hồn của người cháu vẫn luôn hướng về mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nơi có người bà lặng lẽ, cô đơn:

“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhớ:
– Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?…”

Bao năm dài đằng đẵng trôi qua. Đứa cháu năm xưa nay đã khôn lớn, được bà và tình yêu thương của bà chắp cánh bay tới những phương trời xa, rộng lớn; bay tới những cuộc sống đầy đủ, với nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc khắp nơi, khắp chốn. Vậy mà cháu vẫn không nguôi nhớ bà, không quên ngọn lửa của bà. Câu hỏi tu từ như một lời tự vấn, lời độc thoại:

“- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?…”

Khép lại bài thơ thật khéo, thật hay, có sức ám ảnh day dứt trong tâm trí người đọc. Người cháu đang tự nhắc nhở bản thân mình luôn phải nhớ về “Bếp lửa” của quê hương, nhớ về bà, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chúng cháu phương xa. “Bếp lửa” vừa thực tế, vừa có ý nghĩa biểu tượng cho sự yêu thương, niềm tin, nguồn cội gia đình và quê hương, sức sống bền bỉ của con người.

Bài thơ khép lại bằng một dấu câu đặc biệt, dấu chấm lửng. Dấu câu như gợi mở về một bài học đạo lý tha thiết: sống chung thủy, nhân nghĩa; phải có lòng biết ơn, có cách đối xử ân tình với gia đình, với láng giềng, với quê hương, với nguồn cội.

Từ tình cảm bà cháu, bài thơ nâng dần thành tình cảm yêu làng quê, yêu Tổ quốc. Và hình tượng “bếp lửa” tượng trưng cho những kỷ niệm ấm lòng đã trở thành niềm tin thiêng liêng, kỳ diệu, in sâu vào tâm hồn tác giả; là hành trang để người cháu bước vào đời, nâng cánh ước mơ cho cháu ở những phương trời xa…

Phân tích ba khổ cuối bài thơ Bếp lửa – Mẫu 3

“Bếp lửa” là một bài thơ hay viết về tình bà cháu. Trong đó ba khổ thơ cuối cùng đã để lại ấn tượng thực sự sâu sắc:

“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…”

Một lần nữa qua lời thơ của tác giả ta đã cảm nhận được sự khó nhọc của người bà khi ngày ngày, sớm chiều nhen bếp lửa. Tại sao bà có thể nhẫn nại hy sinh đến như vậy. Do trong lòng bà luôn có một ngọn lửa niềm tin ủ sẵn. Ngọn lửa của niềm tin đất nước sẽ hòa bình độc lập, cuộc sống sẽ được nâng cao, không còn viễn cảnh đói nghèo nữa, đất nước sẽ thống nhất với nhau, người thân và gia đình sẽ không còn chịu cảnh thoát li nữa mà sẽ về sum họp cùng bà lúc cuối đời. Là ngọn lửa của niềm tin đứa cháu mình sau này sẽ nên người, sẽ noi gương được cha mẹ, sẽ nhận ra được sự khó nhọc của bà trong công việc nuôi dạy cháu từ đó người cháu có thể quyết tâm học thành tài để xây dựng đất nước tươi đẹp hơn, giàu đẹp hơn. Bà luôn mong cháu sẽ cống hiến mãi không nguôi cho tổ quốc giống như Thanh Hải trong “Mùa xuân nho nhỏ”:

“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”

Nếu bài thơ dừng lại ở đây thì đã có thể xem là một áng thơ hay lắm rồi. Nhưng cảm xúc của đứa cháu khi nhớ về bà, nhớ về quãng đời cơ cực cùng bà nhóm lửa, nhớ về công lao dạy dỗ của bà…. qua những vần thơ giản dị mà thấm thía, với những điệp ngữ và từ ngữ được vận dụng một cách rất linh hoạt sáng tạo. Nhưng đến đây dòng tâm niệm của tác giả vẫn chưa nguôi. Vẫn thốt lên những câu thơ lay động tâm hồn:

“Giờ cháu đã đi xa
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Những vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

Dù cho tác giả đã hoàn thành nguyện ước của bà. Đã là một con người thành đạt, sống có ích cho xã hội. Đã sống trong một điều kiện đầy đủ tiện nghi “có lửa trăm nhà niềm vui trăm ngả”. Nhưng lòng tác giả vẫn luôn hướng về cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người. Bằng Việt sẽ mãi mãi không quên cái bếp lửa bà nhen, công lao dưỡng dục.

Bằng Việt đã vô cùng khéo léo sử dụng các biện pháp nghệ thuật đặc sắc, cách gieo vần, láy điệp từ và những hình ảnh có sức thuyết phục cao và những liên tưởng độc đáo tạo nên giá trị cho bài thơ. Ta cảm nhận được ở đây tám lòng biết ơn sâu nặng, nhớ nhung da diết, tâm chân tình của nhà thơ đối với người bà yêu dấu.

Đọc “Bếp lửa” thêm một lần nữa, chúng ta cảm thấy trong lòng lại trào dâng niềm cảm xúc. Bài thơ đã khơi dậy cho chúng ta một tình cảm cao đẹp đối với gia đình, quê hương và đất nước. Càng suy ngẫm, thấm từng lời thơ của bằng việt ta càng hiểu thế nào là nỗi nhớ quê hương.

Phân tích ba khổ cuối bài thơ Bếp lửa – Mẫu 4

Bằng Việt là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Một trong những tác phẩm nổi bật của ông là “Bếp lửa”. Bài thơ đã gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà cũng như tình bà cháu. Đồng thời tác giả còn thể hiện lòng kính, yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà hay cũng chính là đối với quê hương, gia đình, đất nước. Đến với ba khổ thơ cuối, nhà thơ đã nói lên những suy ngẫm chiêm nghiệm về cuộc đời của bà cũng như hình tượng bếp lửa và nỗi nhớ khắc khoải, khôn nguôi về người bà của người cháu xa quê.

Bếp lửa được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài. Bài thơ được đưa vào tập “Hương cây – Bếp lửa” (1968). Đây là tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ.

Hình ảnh bếp lửa luôn gắn bó với những kỉ niệm được sống bên bà:

“Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…”

Hình ảnh bếp lửa được kết tinh trong “ngọn lửa”, đó là ngọn lửa của tình yêu thương mà bà dành cho cháu. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ “một ngọn lửa” kết hợp với các hình ảnh “lòng bà luôn ủ sẵn”, “ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng” để nhấn mạnh tình yêu thương ấm áp bà dành cho cháu. Bà chính là người thắp lửa, giữ lửa và truyền lửa đến cháu – thế hệ trẻ tương lai.

Cuộc đời bà cũng giống như biết bao người phụ nữ Việt Nam, phải chịu nhiều vất vả – “lận đận nắng mưa”. Suốt cả một đời bà tần tảo làm lụng lo cho con cho cháu:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”

Bằng Việt một lần nữa lại vận dụng triệt để biện pháp tu từ điệp ngữ “nhóm” cùng với các hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng cao. Bà đã nhóm một “bếp lửa ấp iu nồng đượm” chứa đựng tình cảm ấm áp của bà. Bà còn nhóm cả “niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi” – đó là bài học về lòng yêu thương, đồng cảm mà bà đã dạy cho cháu. Không chỉ vậy, bà còn nhóm “nồi xôi gạo mới sẻ chia chung vui” – bà muốn dạy cháu biết sẻ chia. Cuối cùng, bà đã nhóm dậy “những tâm tình tuổi nhỏ” có nghĩa là góp phần bồi đắp tâm hồn cháu. Từ hình ảnh bếp lửa được bà nhen nhóm mà dạy cho cháu biết bao bài học ý nghĩa trong cuộc sống. Câu thơ cuối vang lên: “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa”. Đó giống như một tiếng reo vui, người cháu như phát hiện ra điều kỳ diệu giữa cuộc sống đời thường. Đến bây giờ, khi nhớ về bà, cháu đã thấm nhuần được tình yêu thương và đức hi sinh của bà.

Để rồi đến khi trưởng thành, người cháu đã bộc lộ những nỗi niềm suy tư:

“Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
– Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?”

Cho dù khi lớn lên, người cháu có được đi đến nhiều nơi, chứng kiến hình ảnh “khói trăm tàu”, “lửa trăm nhà” với niềm vui, say mê về cuộc sống hiện đại. Nhưng vẫn không quên đi những kỉ niệm khó khăn bên người bà với “bếp lửa” chứa chan tình cảm vô bờ của bà. Kết thúc bài thơ là câu hỏi: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?” bộc lộ một niềm tin dai dẳng, nỗi nhớ luôn thường trực trong lòng người cháu. Cũng là lời nhắc nhở bản thân phải ghi nhớ về những năm tháng được sống bên bà.

Như vậy, ba khổ thơ cuối của bài “Bếp lửa” chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc. Tình cảm gia đình là cơ sở để cho nền tảng của tình yêu quê hương, đất nước.

Phân tích ba khổ cuối bài thơ Bếp lửa – Mẫu 5

“Bếp lửa” là một trong những bài thơ hay viết về tình cảm bà cháu. Đặc biệt là đến với ba khổ thơ cuối cùng, Bằng Việt đã thể hiện được những suy nghĩ về cuộc đời của bà, cũng như nỗi nhớ dành cho bà.

Bài thơ “Bếp lửa” được sáng tác năm năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành Luật ở nước ngoài. Khi xuất bản, bài thơ được đưa vào tập thơ “Hương cây – Bếp lửa” (1968). Đây là tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ. Hình ảnh trung tâm của bài thơ là “bếp lửa” đã chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Qua đó gửi gắm nhiều suy tư sâu sắc về tình cảm bà cháu – một tình cảm gia đình cũng rất đỗi thiêng liêng:

“Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
– Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?”

Khi nhớ về bà, người cháu sẽ nhớ đến những năm tháng tuổi thơ sống bên bà. Mà hình ảnh bếp lửa đã trở nên quá gắn bó. Nhưng ở đây, tác giả không dùng “bếp lửa” mà lại dùng “ngọn lửa” nhằm thể hiện một dụng ý nghệ thuật. “Ngọn lửa” chính là hình ảnh biến thể của “bếp lửa”. Khi sử dụng hình ảnh “ngọn lửa” sẽ có tính khái quát cao hơn. “Ngọn lửa” sẽ mang ý nghĩa biểu tượng cho tình yêu thương của bà, là kết tinh của niềm tin mà bà truyền cho đứa cháu. Câu thơ “Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn” khẳng định rằng bà là người nhóm lửa, giữ lửa và truyền lửa cho thế hệ nối tiếp. Không chỉ vậy, bà còn đem đến “Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng” nghĩa là đem đến niềm tin, hy vọng về tương lai.

Người bà trong bài thơ, suốt cả một cuộc đời đã làm việc vất vả vì con, vì cháu. Điệp từ “nhóm” kết hợp với hình ảnh “bếp lửa ấp iu nồng đượm”, “niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi” – đó là bài học về lòng yêu thương, đồng cảm mà bà đã dạy cho cháu. Không chỉ vậy, bà còn nhóm “nồi xôi gạo mới sẻ chia chung vui” – đó là sự sẻ chia mà bà đã giúp cháu nhận ra. Cuối cùng, bà còn giúp nhóm dậy “những tâm tình tuổi nhỏ” – bà đã giúp cháu trở nên trưởng thành trong nếp nghĩ, nếp sống. Câu thơ “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa” giống như là một tiếng reo vui. Cháu đã phát hiện ra một điều thật kỳ lạ mà thú vị. Đó là bếp lửa bao nhiêu năm vẫn luôn hiện hữu trong trí nhớ của cháu, với những kỉ niệm thiêng liêng nhất.

Ngày hôm nay, khi đã trưởng thành, cháu nhớ về bếp lửa, nhớ về bà để rồi bộc lộ nỗi niềm chân thành mà sâu sắc. Dù khi lớn lên, cháu có thể tự mình đi đến nhiều nơi. Cháu được chứng kiến rất nhiều sản phẩm của văn minh đó là “khói trăm tàu”, “lửa trăm nhà” – sự say mê, vui thích của cuộc sống hiện đại. Nhưng cháu vẫn sẽ không quên đi những kỉ niệm về một năm tháng tuổi thơ khó khăn mà ấm áp bên người bà yêu dấu. Câu hỏi tu từ: “Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?” gửi gắm một niềm tin dai dẳng về tương lai phía trước. Cháu hy vọng về tương lai – sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng tình cảm của cháu thì vẫn không hề thay đổi.

Bài thơ “Bếp lửa” đã gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà cũng như tình bà cháu. Đồng thời tác giả còn thể hiện lòng kính, yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà hay cũng chính là đối với quê hương, gia đình, đất nước.

Phân tích 3 khổ thơ cuối bài thơ Bếp lửa – Mẫu 6

Trong cuộc đời, ai cũng có riêng cho mình những kỉ niệm của một thời ấu thơ hồn nhiên, trong sáng. Những kỉ niệm ấy là những điều thiêng liêng, thân thiết nhất, nó có sức mạnh phi thường nâng đỡ con người suốt hành trình dài và rộng của cuộc đời. Bằng Việt cũng có riêng một kỉ niệm, đó chính là những tháng năm sống bên bà, cùng bà nhóm lên cái bếp lửa thân thương. Không chỉ thế, điều in đậm trong tâm trí của Bằng Việt còn là tình cảm sâu đậm của hai bà cháu. Chúng ta có thể cảm nhận điều đó qua bài thơ “Bếp lửa” của ông.

Bài thơ “Bếp lửa” được ông sáng tác năm 1963 lúc mười chín tuổi và đang đi du học ở Liên Xô. Bài thơ đã gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của người cháu với bà, với gia đình, quê hương, đất nước. Tình cảm và những kỉ niệm về bà được khơi gợi từ hình ảnh bếp lửa. Ở nơi đất khách quê người, bắt gặp hình ảnh bếp lửa, tác giả chợt nhớ về người bà.

Những khổ đầu bài thơ “Bếp lửa” là hình ảnh bếp lửa đã khơi nguồn cho dòng hồi tưởng cảm xúc về bà, là những hồi tưởng những kỷ niệm tuổi thơ sống bên bà và hình ảnh bà gắn liền với hình ảnh bếp lửa tuổi thơ. Sau những đoạn thơ hồi tưởng về thời ấu thơ được sống cùng bên bà của mình, người cháu tiếp tục suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời của bà qua hình ảnh bếp lửa:

“Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa, chứa niềm tin dai dẳng…”

Từ “bếp lửa” bài thơ đã gợi đến “ngọn lửa” với ý nghĩa trừu tượng và khái quát. “Bếp lửa” mà bà nhen lên trong mỗi buổi sớm mai và buổi chiều tà không đơn giản chỉ bằng nguyên liệu của tự nhiên, mà cao hơn đã được tác giả nâng lên thành biểu tượng cho tình yêu thương và niềm tin trong sáng, mãnh liệt. Điệp ngữ “một ngọn lửa” vừa có ý nghĩa nhấn mạnh đến sự sống dai dẳng bất diệt của ngọn lửa; lại vừa có ý nghĩa thể hiện tình yêu thương mà người bà dành cho cháu. Ngọn lửa chính là hình ảnh khúc xạ cho tâm hồn, cho ý chí, nghị lực sống phi thường của người bà. Vì thế, bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người tiếp lửa, truyền lửa cho người cháu thân yêu. Đó là ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho thế hệ nối tiếp.

Từ suy ngẫm về vai trò của người bà trong cuộc sống, tác giả tiếp tục khẳng định phẩm chất cao quý của người bà: tần tảo, giàu đức hi sinh và giàu lòng nhân ái:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”

Cụm từ “biết mấy nắng mưa” gợi lên cuộc đời của người bà vất vả, gian truân, lận đận nhưng vẫn sáng lên những phẩm chất thiêng liêng, cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Điệp từ “nhóm” (bốn lần) bao gồm rất nhiều nghĩa, nói lên ý nghĩa cao cả của công việc mà bà vẫn làm mỗi sớm sớm, chiều chiều: Bà là người nhóm lửa và cũng là người giữ cho ngọn lửa luôn ấm nóng, tỏa sáng trong mỗi gia đình. Từ “ấp iu nồng đượm” gợi tả công việc nhóm bếp và ngọn lửa luôn đượm than hồng bởi bàn tay khéo léo, cần mẫn, chi chút của bà. Bà nhóm bếp lửa mỗi sớm mai còn nhóm lên cả niềm yêu thương, sự sẻ chia chung vui và tâm tình tuổi nhỏ của người cháu. Đến đây, hành động nhóm lửa của bà đâu đơn thuần chỉ là hành động nhóm bếp thông thường nữa mà cao hơn nó đã thành hình ảnh ẩn dụ biểu trưng cho ý nghĩa của công việc nhóm lửa của bà. Qua hành động nhóm lửa, bà muốn truyền lại cho người cháu hơi ấm của tình yêu, sự sẻ chia với mọi người làng xóm xung quanh. Và cũng chính từ hình ảnh bếp lửa, bà đã gợi dậy cả những kí ức tuổi thơ trong lòng của người cháu để cháu luôn nhớ về nó và đó cũng chính là luôn khắc ghi nhớ tới cội nguồn quê hương, đất nước của dân tộc mình. Từ đó bếp lửa trở nên kì lạ, thiêng liêng “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”. Từ cảm thán “Ôi” kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ thể hiện sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng như phát hiện ra chân lý, điều kì diệu giữa cuộc đời bình dị. Bếp lửa và bà như hóa thân vào làm một, luôn rực cháy, bất tử thiêng liêng.

Khổ cuối bài thơ là lời bộc bạch chân thành của người cháu khi đã lớn khôn, trưởng thành. Dù cho khoảng cách về không gian, thời gian có xa xôi “khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả” nhưng người cháu vẫn luôn khắc khoải trong lòng nỗi nhớ khôn nguôi về bà, về bếp lửa:

“Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
– Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?”

Sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại, giữa “khói lửa” của cuộc sống hiện đại với bếp lửa bình dị, đơn sơ của bà đã cho thấy sức sống bất diệt của ngọn lửa mà bà nhóm lên trong mỗi sớm chiều luôn thường trực và sống mãi trong lòng của người cháu. Ngọn lửa ấy đã trở thành kỉ niệm của tuổi thơ về bà – một người truyền lửa, truyền sự sống, tình yêu thương và niềm tin “dai dẳng” bất diệt cho thế hệ tiếp nối. Chính vì thế nhớ về bà là nhớ về bếp lửa, nhớ về cội nguồn dân tộc. Bài thơ khép lại bằng câu hỏi tu từ thể hiện nỗi nhớ khôn nguôi và niềm hoài vọng xa xăm của người cháu luôn đau đáu, thiết tha nhớ tới tuổi thơ, nhớ tới gia đình, nhớ tới quê hương, đất nước.

Bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt là một bài thơ dạt dào cảm xúc. Hình tượng bếp lửa được thể hiện độc đáo qua giọng điệu tâm tình, thiết tha; nhịp điệu thơ linh hoạt; kết hợp với lối trùng điệp được sử dụng biến hóa, khiến cho lời thơ với hình ảnh bếp lửa cứ tràn ra, dâng lên, mỗi lúc thêm nồng nàn, ấm nóng. Từ đó, khiến cho người đọc cảm thấy thật thấm thía, xúc động trước nỗi nhớ nhung da diết về những kỉ niệm ấu thơ của người cháu và cả tấm chân tình của nhà thơ đối với người bà kính yêu. Qua đó, chúng ta càng cảm thấy yêu, càng cảm thấy trân trọng hơn tình cảm đối với gia đình, với quê hương, đất nước. Từ đó, ta mới thấm thía hết được lời bài hát của nhạc sĩ Trung Quân, thật ý nghĩa biết chừng nào:

“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người…”

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 9

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!