Lớp 4

Ôn tập cuối học kì II trang 163 SGK Tiếng Việt 4 tập 2

Ôn tập cuối học kì II tuần 35 – SGK Tiếng Việt 4 tập 2 trang 163 giúp thầy cô tham khảo, soạn bài ôn tập cho học sinh của mình. Đồng thời, cũng giúp các em học sinh ôn tập, nắm được các kiến thức cơ bản để ôn thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 đạt kết quả cao.

Tiết 1

Câu 1 (trang 163 SGK Tiếng Việt 4 tập 2)

Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.

Bạn đang xem: Ôn tập cuối học kì II trang 163 SGK Tiếng Việt 4 tập 2

Trả lời:

Học sinh tự ôn luyện.

Câu 2 (trang 163 SGK Tiếng Việt 4 tập 2)

Lập bảng thống kê các bài tập đọc trong chủ điểm Khám phá thế giới (hoặc Tình yêu cuộc sống). Nội dung cần trình bày:

– Tên bài

– Tác giả

– Thể loại (văn xuôi, thơ, kịch)

– Nội dung chính

Trả lời:

I. Khám phá thế giới

STT Tên bài Tác giả Thể loại Nội dung chính

1

Đường đi Sa Pa

Nguyễn Phan Hách

Văn xuôi

Ca ngợi cảnh đẹp Sa Pa, thể hiện tình cảm yêu mến cảnh đẹp của đất nước.

2

Trăng ơi… Từ đâu đến?

Trần Đăng Khoa

Thơ

Thể hiện tình cảm gắn bó với trăng, với quê hương, đất nước

3

Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất

Hồ Diệu Tần, Đỗ Thái

Văn xuôi

Ma-gien-lăng cùng đoàn thủy thủ trong chuyến thám hiểm hơn một nghìn ngày đã khẳng định trái đất hình cầu, phát hiện Thái Bình Dương và nhiều vùng đất mới.

4

Dòng sông mặc áo

Nguyễn Trọng Tạo

Thơ

Dòng sông duyên dáng luôn đổi màu – sáng, trưa, chiều, tối – như mỗi lúc lại khoác lên mình một chiếc áo mới.

5

Ăng-co Vát

Sách Những kì quan thế giới

Văn xuôi

Ca ngợi vẻ đẹp của khu đền Ăng-co Vát, Cam-pu-chia

6

Con chuồn chuồn nước

Nguyễn Thế Hội

Văn xuôi

Miêu tả vẻ đẹp của con chuồn chuồn nước, qua đó thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước

II. Tình yêu cuộc sống

STT Tên bài Tác giả Thể loại Nội dung chính

1

Vương quốc vắng nụ cười

Trần Đức Tiến

Văn xuôi

Một vương quốc rất buồn chán, có nguy cơ tàn lụi vì vắng tiếng cười. Nhờ một chú bé, nhà vua và cả vương quốc biết cười, thoát khỏi cảnh buồn chán và nguy cơ tàn lụi

2

Ngắm trăng. Không đề

Hồ Chí Minh

Thơ

Hai bài thơ sáng tác trong hai hoàn cảnh đặc biệt đều thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời của Bác Hồ

3

Con chim chiền chiện

Huy Cận

Thơ

Hình ảnh con chim chiền chiện bay lượn, hát ca giữa không gian cao rộng, thanh bình là hình ảnh của cuộc sống ấm no, hạnh phúc, gieo trong lòng người cảm giác yêu đời, yêu cuộc sống.

4

Tiếng cười là liều thuốc bổ

Báo Giáo dục và Thời đại

Văn xuôi

Tiếng cười, tính hài hước làm cho con người khỏe mạnh, sống lâu hơn

5

Ăn “mầm đá”

Truyện dân gian Việt Nam

Văn xuôi

Ca ngợi Trạng Quỳnh thông minh, vừa biết cách làm cho chúa ăn ngon miệng, lại vừa khéo răn chúa.

Tiết 2

Câu 1 (trang 163 SGK Tiếng Việt 4 tập 2)

Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.

Trả lời:

Học sinh tự ôn luyện.

Câu 2 (trang 163 SGK Tiếng Việt 4 tập 2)

Lập bảng thống kê các từ ngữ đã học ở tiết Mở rộng vốn từ trong chủ điểm Khám phá thế giới (hoặc Tình yêu cuộc sống).

Trả lời

* Bảng thống kê các từ ngữ đã học ở tiết Mở rộng vốn từ trong chủ điểm Khám phá thế giới

STT Từ
1 Du lịch
2 Thám hiểm
3 Va li, cần câu, kính mắt, ô, mũ…
4 Tàu thủy, bến tàu, vé máy bay, máy bay, sân bay, ô tô, vé tàu, tàu hỏa, ga tàu…
5 Khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, trưởng đoàn, khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ, homestay…
6 Khu sinh thái, phố cổ, bãi biển, khu di tích, làng nghề truyền thống…
7 La bàn, lều trại, túi ngủ
8 Báo, thú dữ, hạn hán, mưa giông, bão cát…
9 Kiên trì, dũng cảm, gan dạ, sắt đá

* Bảng thống kê các từ ngữ đã học ở tiết Mở rộng vốn từ trong chủ điểm Tình yêu cuộc sống

STT Từ
1 Lạc quan
2 Yêu đời
3 Vui chơi
4 Vui lòng
5 Góp vui
6 Vui mừng
7 Vui nhộn
8 Vui sướng
9 Vui thích
10 Vui thú
11 Vui tính
12 Mua vui
13 Vui tươi
14 Vui vẻ
15 Vui vui

Câu 3 (trang 163 SGK Tiếng Việt 4 tập 2)

Giải nghĩa một số từ khó vừa thống kê ở bài tập 2. Đặt câu với những từ ấy.

Trả lời:

* Giải nghĩa:

  • La bàn: dụng cụ để xác định phương hướng trong không gian.
  • Hướng dẫn viên: là người đưa đường, dẫn lối và giới thiệu các nơi đến tham quan, du lịch.
  • Danh nhân: là những người tài giỏi, nổi tiếng về một mặt hay nhiều mặt trong xã hội, được mọi người khâm phục, ca ngợi, ái mộ.
  • Danh lam thắng cảnh: là những nơi có phong cảnh đẹp.

* Đặt câu với các từ đó:

  • Các thủy thủ đi biển phải luôn luôn dùng la bàn để xác định phương hướng đúng.
  • Anh Nam là một hướng dẫn viên giỏi của công ty du lịch tỉnh nhà.
  • Côn Sơn là nơi danh nhân Nguyễn Trãi đã từng sinh sống.
  • Vịnh Hạ Long, một danh lam thắng cảnh của nước ta, đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Tiết 3

Câu 1 (trang 163 SGK Tiếng Việt 4 tập 2)

Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.

Trả lời:

Học sinh tự ôn luyện.

Câu 2 (trang 163, 164 SGK Tiếng Việt 4 tập 2)

Dưới đây là một trích đoạn nói về cây xương rồng trong sách phổ biến khoa học. Dựa vào những chi tiết mà tác giả cung cấp và dựa vào quan sát riêng của mình, em hãy viết đoạn văn miêu tả một cây xương rồng mà em thấy.

Xương rồng

Xương rồng có nhiều loại. Loài xương rồng ba cạnh cao từ vài chục xăng-ti-mét đến vài mét, toàn thân, cành lá và đều mọng nước và có mủ nhựa trắng. Đoạn thân gần gốc hình trụ, hơi hóa gỗ. Cành xương rồng có từ 3 đến 6 cạnh lồi. Lá ít và nhỏ, dày, tròn ở đầu, thuôn dần ở gần cuống.

Cuống lá xương rồng rất ngắn, mọc lên cạnh lồi của cành. Khi rụng, lá để lại vết thành gai cứng và nhọn. Xương rồng ra hoa vào mùa xuân. Hoa mọc thành tán từ chỗ lõm của mép cành, cụm hoa hình chén, màu vàng. Quả nhỏ màu xanh, đường kính 1 xăng-ti-mét. Nhựa xương rồng có chất độc, khi thu hái nên cẩn thận, tránh để nhựa bắn vào mắt.

Xương rồng mọc hoang khắp nơi hoặc được trồng làm hàng rào và làm cảnh. Cành xương rồng non được dùng làm thuốc.

Theo LÊ TRẦN ĐỨC

Trả lời:

Ba em mua về một chậu xương rồng cảnh. Cây xương rồng được trồng trong một cái chậu sứ nhỏ bằng chiếc bát ăn cơm. Cây này có hình thù khác hẳn loại xương rồng thường trồng làm hàng rào. Thân nó là một khối tròn, xung quanh có nhiều khía chạy dọc thân từ trên xuống và ở các khía này gai nhọn mọc ra tua tủa. Màu sắc của cây này cũng khác. Nó không có màu xanh mà lại có màu nâu đất. Vào mùa xuân, cây này cũng nảy lên một chùm hoa đỏ ở phía trên nhìn rất đẹp mắt. Ba em đặt chậu xương rồng này ở ngay trên bàn làm việc của mình để trang trí cho mặt bàn thêm đẹp.

>> Tham khảo: Đoạn văn tả cây xương rồng mà em thấy

Tiết 4

Câu 1 (trang 164 SGK Tiếng Việt 4 tập 2)

Đọc truyện sau:

Có một lần

Có một lần, trong giờ tập đọc, tôi nhét tờ giấy thấm vào mồm. Thế là má sưng phồng lên. Tôi nhăn nhó mặt mũi, rồi khẽ rên: “Ôi, răng đau quá!” Tôi cố tình làm thế để khỏi phải đọc bài. Cô giáo và các bạn, ai cũng thương tôi và lo lắng. Cô giáo nói:

– Răng em đau, phải không? Em về nhà đi!

Nhưng tôi không muốn về nhà. Ngồi trong lớp, tôi lấy lưỡi đẩy đi đẩy lại cục giấy thấm trong mồm, thích thú với trò nghịch ngợm của mình.

Bỗng một cậu bạn hét ầm lên:

– Nhìn kìa! Bọng răng sưng của bạn ấy chuyển sang má khác rồi!

Chuyện xảy ra đã lâu. Thực tình, tôi chẳng muốn kể vì thấy ngượng quá. Nhưng dù sao vẫn phải nói ra để không bao giờ mắc lỗi như vậy nữa.

Theo GÔ-LI-AN-KIN

Câu 2 (trang 165 SGK Tiếng Việt 4 tập 2)

Tìm trong bài đọc trên:

  • Một câu hỏi
  • Một câu kể
  • Một câu cảm
  • Một câu khiến

Trả lời:

  • Một câu hỏi: Răng em đau, phải không?
  • Một câu kể: Có một lần, trong giờ tập đọc, tôi nhét tờ giấy thấm vào mồm.
  • Một câu cảm: Ôi, răng đau quá!
  • Một câu khiến: Em về nhà đi!

Câu 3 (trang 165 SGK Tiếng Việt 4 tập 2)

Bài đọc trên có những trạng ngữ nào chỉ thời gian, chỉ nơi chốn?

Trả lời:

  • Trạng ngữ chỉ thời gian: Có một lần, trong giờ tập đọc.
  • Trạng ngữ chỉ nơi chốn: Ngồi trong lớp.

Tiết 5

Câu 1 (trang 165 SGK Tiếng Việt 4 tập 2)

Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.

Trả lời:

Học sinh tự ôn luyện.

Câu 2 (trang 165 SGK Tiếng Việt 4 tập 2)

Nghe – viết:

Nói với em

Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay
Tiếng lích rích chim sâu trong lá,
Con chìa vôi vừa hót vừa bay.

Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền.

Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày
Tay bồng bế, sớm khuya vất vả
Nếu mắt rồi, lại mở ra ngay

VŨ QUẦN PHƯƠNG

Tiết 6

Câu 1 (trang 165 SGK Tiếng Việt 4 tập 2)

Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.

Trả lời:

Học sinh tự ôn luyện.

Câu 2 (trang 165, 166 SGK Tiếng Việt 4 tập 2)

Trích đoạn dưới đây lấy từ một cuốn sách phổ biến khoa học. Dựa vào những chi tiết mà tác giả cung cấp và dựa vào quan sát riêng của mình, em hãy viết một đoạn văn miêu tả hoạt động của chim bồ câu.

Những ngày đẹp trời, buổi sáng bồ câu bay ra từng đàn. Sau một hồi lượn vòng trên không trung trong lành, chúng đậu xuống mặt đất rồi tha thẩn đi đi lại lại với cái đầu cứ lắc lư, lắc lư.

Vì sao bồ câu lắc lư đầu liên tục mà không bị hoa mắt, nhức đầu nhỉ? Thật ra, nếu quan sát kĩ, ta có thể thấy rằng bồ câu chẳng lắc lư chút nào cái đầu bé nhỏ của chúng. Chính vì thân bồ câu to, chân lại ngắn nên khi đi thân mình chúng cứ đảo qua đảo lại, cái cổ ngắn cũng đung đưa, khiến ta lầm tưởng là đầu bồ câu cũng lắc lư đó thôi.

Theo TRI THỨC BÁCH KHOA CHO TRẺ EM

Trả lời:

Buổi sáng sớm, khi ra khỏi chuồng, bồ câu thường đua nhau bay vút lên cao rồi lượn những vòng tròn thật rộng trên bầu trời đầy nắng gió. Sau khi đã bay lượn thỏa thích chúng lại trở về đậu xuống nóc nhà nơi chúng đã bắt đầu cuộc bay không bao giờ lầm lẫn. Nếu được huấn luyện, bồ câu có thể chuyển một lá thư buộc ở chân đến một nơi thật xa cho một người cần nhận thư. Trong quân sự người ta đã lợi dụng ưu điểm này của bồ câu để bí mật thông báo những tin tức quan trọng. Bồ câu là loài chim ưa sạch sẽ nên chúng cũng hay tìm đến nơi có nước sạch để uống nước và để tắm gội.

>> Tham khảo: Đoạn văn tả hoạt động của chim bồ câu

Tiết 7

A. Đọc thầm

Gu-li-vơ ở xứ sở tí hon

Trong một lần đi biển, Gu-li-vơ tình cờ lạc vào xứ sở của người Li-li-pút tí hon. Anh được vua nước Li-li-pút mời ở lại và trở thành một người khổng lồ giữa những người chỉ bé bằng ngón tay cái. Dưới đây là câu chuyện của anh.

Một buổi sáng, ngài tổng tư lệnh bất ngờ đến thăm tôi. Đứng trên lòng bàn tay tôi, ngài báo tin nước láng giềng Bli-phút hùng mạnh đang tập trung hải quân bên kia eo biển, chuẩn bị kéo sang. Nhà vua ra lệnh cho tôi đánh tan hạm đội địch.

Thế là tôi đi ra bờ biển. Quan sát bằng ống nhòm, tôi thấy địch có độ năm mươi chiến hạm. Tôi bèn cho làm năm mươi móc sắt to, buộc vào dây cáp, rồi ra biển. Chưa đầy nửa giờ, tôi đã đến sát hạm đội địch. Quân trên tàu trông thấy tôi, phát khiếp, nhảy ào xuống biển, bơi vào bờ. Tôi lấy dây cáp móc vào từng chiến hạm một rồi bộc tất cả đầu dây vào nhau, kéo về Li-li-pút.

Khỏi phải nói nhà vua mừng như thế nào. Ngài còn muốn nhân dịp này biến Bli-phút thành một tỉnh của nước ngoài. Nhưng tôi cố thuyết phục ngài từ bỏ ý định ấy. Khoảng ba tuần sau, nước Bli-phút cử một đoàn đại biểu sang thương lượng và hai bên đã kí một hòa ước lâu dài.

Theo XUÝP
(ĐỖ ĐỨC HIẾU dịch)

B. Dựa vào nội dung bài đọc, chọn ý trả lời đúng

1. Nhân vật chính trong đoạn trích trên là gì?

a. Li-li-pút

b. Gu-li-vơ

c. Không có tên

Trả lời:

Đáp án đúng: b. Gu-li-vơ

2. Có những nước tí hon nào trong đoạn trích này?

a. Li-li-pút

b. Bli-phút

c. Li-li-pút, Bli-phút

Trả lời:

Đáp án đúng: c. Li-li-pút, Bli-phút

3. Nước nào định đem quân xâm lược nước láng giềng?

a. Li-li-pút

b. Bli-phút

c. Cả hai nước

Trả lời:

Đáp án đúng: b. Bli-phút

4. Vì sao khi trông thấy Gu-li-vơ, quân địch “phát khiếp”?

a. Vì thấy người lạ

b. Vì trông thấy Gu-li-vơ quá to lớn

c. Vì Gu-li-vơ mang theo nhiều móc sắt

Trả lời:

Đáp án đúng: b. Vì trông thấy Gu-li-vơ quá to lớn

5. Vì sao Gu-li-vơ khuyên vua nước Li-li-pút từ bỏ ý định biến nước Bli-phút thành một tỉnh của Li-li-pút?

a. Vì Gu-li-vơ ghét chiến tranh xâm lược, yêu hòa bình

b. Vì Gu-li-vơ ngại đánh nhau với quân địch

c. Vì Gu-li-vơ đang sống ở nước Bli-phút

Trả lời:

Đáp án đúng: a. Vì Gu-li-vơ ghét chiến tranh xâm lược, yêu hòa bình

6. Nghĩa của chữ hòa trong hòa ước giống nghĩa của chữ hòa nào dưới đây?

a. Hòa nhau

b. Hòa tan

c. Hòa bình

Trả lời:

Đáp án đúng: c. Hòa bình

7. Câu “Nhà vua lệnh cho tôi đánh tan hạm đội.” địch là loại câu gì?

a. Câu kể

b. Câu hỏi

c. Câu khiến

Trả lời:

Đáp án đúng: a. Câu kể

8. Trong câu Quân trên tàu trông thấy tôi, phát khiếp, bộ phận nào là chủ ngữ?

a. Tôi

b. Quân trên tàu

c. Trông thấy

Trả lời:

Đáp án đúng: b. Quân trên tàu

Tiết 8

A. Chính tả

Trăng lên

Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi.

Mặt trăng tròn, to và đỏ, từ từ lên ở chân trời, sau rặng tre đen của làng xa. Mấy sợi mây con vắt ngang qua, mỗi lúc mảnh dần, rồi đứt hẳn. Trên quãng đồng rộng, cơn gió nhẹ hiu hiu đưa lại, thoang thoảng những hương thơm ngát.

THẠCH LAM

B. Tập làm văn

Đề bài: Viết một đoạn văn miêu tả ngoại hình của một con vật mà em yêu thích.

Trả lời:

Con mèo nhà em là một con mèo tam thể rất đẹp. Bộ lông của nó mượt như nhung và có đủ ba màu trắng, vàng, đen. Hai tai nó vểnh lên và luôn động đậy như nghe ngóng mọi động tĩnh ở xung quanh. Hai mắt nó xanh như màu nước. Khi nắng to con ngươi bên trong mắt khép nhỏ lại như sợi tơ đen. Trong bóng tối, hai con ngươi đó sẽ mở to ra để nhìn cho rõ. Mép nó có hai chùm ria dài mọc tỏa ra hai bên. Ria mép này giúp cho mèo có thể đi đêm mà không bị va chạm vào vật gì. Bốn chân mèo có móng sắc nhưng bình thường các móng đó quặp vào và nó đi lại êm như ru, không gây một tiếng động. Cái đuôi nó thật dài và cũng có ba màu trắng vàng đen.

>> Tham khảo: Đoạn văn tả ngoại hình của một con vật

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Check Also
Close
Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!