Nghị luận về bệnh lề mề của con người hiện nay
Nghị luận về bệnh lề mề của con người hiện nay gồm dàn ý, cùng 5 bài văn mẫu, giúp các em học sinh lớp 9 tham khảo, tích lũy vốn từ để viết bài văn nghị luận xã hội ngày càng hay hơn.
Với 5 bài nghị luận về bệnh lề mề được THPT Nguyễn Đình Chiểu tuyển chọn từ các bài văn mẫu hay nhất của học sinh trên toàn quốc, sẽ giúp các em có thêm nhiều kiến thức làm văn nghị luận xã hội hơn. Mời các em cùng theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây:
Bạn đang xem: Nghị luận về bệnh lề mề của con người hiện nay
Dàn ý Nghị luận về bệnh lề mề
1. Mở bài
2. Thân bài
a. Thực trạng
- Trong những cuộc họp, cuộc hẹn có thời gian, địa điểm rõ ràng nhưng nhiều người vẫn đến muộn nhiều phút thậm chí là mấy tiếng đồng hồ.
- Nhiều học sinh đi học muộn, mặc kệ có chuông báo đến giờ vào lớp vẫn ung dung.
- Có những người đã quá quen với thói lề mề của mọi người xung quanh nên họ tự động trừ hao đi số thời gian phải chờ đợi. (Hẹn 8 giờ hao thời gian chờ đợi vì nghĩ rằng người khác sẽ đến trễ nên 9 giờ mới có mặt).
- Có không ít những cuộc họp, cuộc hẹn phải hoãn lại chỉ vì tưởng là không có hoặc không đủ người đến.
b. Nguyên nhân
- Chủ quan: do ý thức của con người chưa cao, thiếu sự tôn trọng người khác khi mà họ chỉ quý trọng thời gian của mình mà không biết quý trọng thời gian của người khác.
- Khách quan: do môi trường sống, những người xung quanh có thói lề mề, trễ giờ, dần dần hình thành cho chúng ta thói quen xấu này.
c. Hậu quả
- Tạo cho người ta một thói quen xấu là thiếu ý thức kỉ luật, không có nề nếp, quy tắc và dần dần dẫn đến lối sống tự do thái quá, vô tổ chức, vô kỉ luật.
- Ảnh hưởng đến công việc, mối quan hệ của chính người mắc bệnh lề mề: đến gặp khách hàng trễ nên không kí được hợp đồng; bạn bè, người thân chờ đợi lâu khiến mối quan hệ ngày càng đi xuống,…
- Làm mất thời gian, gây khó chịu cho những người chấp hành tốt giờ giấc vì phải đợi chờ.
- Gây ra những thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế bởi với khoảng thời gian lề mề vô ích ấy, con người ta có thể làm được rất nhiều việc cho cơ quan, gia đình, xã hội.
d. Biện pháp khắc phục
- Mỗi người cần tự biết tôn trọng quỹ thời gian của mình và của người khác, chủ động làm mọi việc thật đúng giờ.
- Nhà trường cần có những biện pháp nghiêm khắc để phạt những học sinh có thói quen đi học muộn.
- Gia đình nên rèn luyện cho con em mình tính nhanh nhẹn, đúng giờ.
- Cơ quan, tổ chức, xã hội có những quy định rõ ràng về mức phạt với người của tập thể mình có thói quen lề mề; đồng thời tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng của việc đúng giờ.
3. Kết bài
Khái quát lại tác hại của bệnh lề mề đồng thời rút ra bài học cho bản thân mình.
Nghị luận về bệnh lề mề của con người hiện nay – Mẫu 1
Như các bạn đã thấy, trong xã hội còn rất nhiều người lề mề, khiến cho nền kinh tế nước nhà yếu kém hơn so với một số quốc gia trên thế giới. Tuy nền kinh tế nước ta có những bước phát triển đáng kể nhưng hiệu xuất làm việc của người Việt Nam so với các nước khác còn thua kém rất nhiều.
Đặc biệt là học sinh, vì chưa có tác phong nhanh nhẹn, nên sắp xếp thời gian không khoa học. Rất nhiều học sinh có suy nghĩ rằng đi muộn, đi trễ một chút cũng chẳng sao, có bạn sẽ đợi mình. Vì là trẻ con nên việc lãng phí thời gian của mình thường xảy ra thường xuyên, chúng vẫn chưa biết cách quý thời gian. Đi học trễ khiến cho học sinh bị trách phạt. Vào lớp muộn, học sinh sẽ không hiểu bài, nắm kiến thức cặn kẽ, thấu đáo. Không có mặt đúng giờ chắc chắn sẽ không nắm đủ thông tin quan trọng ở bài học. Nhiều bạn muốn nắm rõ thông tin đã hỏi lại thầy cô làm lãng phí thời gian của người khác. Nhiều khi vì lề mề mà chúng đã đánh mất cơ hội có thể thành công trong cuộc sống mai sau. Mỗi học sinh chúng ta phải tập cho mình có thói quen nhanh nhẹn, có ý thức tôn trọng giờ giấc,nếu biết quý thời gian của mình, ta cũng phải quý thời gian của người khác.
Không ai thành công trong việc học mà là người lề mề, chậm chạp, không biết quý trọng thời gian, không tôn trọng công việc. Hãy bỏ thói quen lề mề, hãy năng động và sống có trách nhiệm hơn để làm thay đổi cuộc sống của mình ngày một tốt đẹp hơn, cần phải có thời gian, sự quyết tâm cao. Để thay đổi cuộc sống nhờ tính cách của chính con người mình.
Nghị luận về bệnh lề mề của con người hiện nay – Mẫu 2
Trong đời sống hiện nay có một hiện tượng khá phổ biến, mọi người đều thấy, nhưng thường bỏ qua. Đó là bệnh lề mề mà coi thường giờ giấc là một biểu hiện. Cuộc họp ấn định vào lúc 8 giờ sáng mà 9 giờ mới có người đến. Giấy mời hội thảo ghi 14 giờ mà mãi đến 15 giờ mọi người mới có mặt. Hiện tượng này xuất hiện trong nhiều cơ quan, đoàn thể, trở thành một bệnh khó chữa.
Những người lề mề ấy, khi ra sân bay, lên tàu hoả, đi nhà hát chắc không dám đến muộn, bởi đến muộn là có hại ngay đến quyền lợi thiết thân của họ. Nhưng đi họp, hội thảo là việc chung, có đến muộn cũng không thiệt gì. Thế là hết chậm lần này đến chậm lần khác, và bệnh lề mề không sửa được.
Bệnh lề mề suy cho cùng là do một số người thiếu tự trọng và chưa biết tôn trọng người khác tạo ra. Họ chỉ quý thời gian của mình mà không tôn trọng thời gian của người khác. Họ không coi mình là người có trách nhiệm đối với công việc chung của mọi người.
Bệnh lề mề gây hại cho tập thể. Đi họp muộn, nhiều vấn đề không được bàn bạc thấu đáo, hoặc khi cần lại phải kéo dài thời gian. Bệnh lề mề gây hại cho những người biết tôn trọng giờ giấc. Ai đến đúng giờ lại cứ phải đợi người đến muộn. Bệnh lề mề còn tạo ra tập quán không tốt: Muốn người dự đến đúng giờ như mong muốn, giấy mời thường phải ghi giờ khai mạc sớm hơn 30 phút hay 1 giờ!
Cuộc sống văn minh hiện đại đòi hỏi mọi người phải tôn trọng lẫn nhau và hợp tác với nhau. Những cuộc họp không thật cần thiết thì không nên tổ chức. Nhưng những cuộc họp cần thiết thì mọi người cần tự giác tham dự đúng giờ. Làm việc đúng giờ là tác phong của người có văn hoá.
Nghị luận về bệnh lề mề của con người hiện nay – Mẫu 3
Bước vào thời kì hội nhập và phát triển đất nước, tuy nền kinh tế nước ta có những bước phát triển đáng kể nhưng hiệu suất làm việc của người Việt Nam so với các nước khác còn thua kém rất nhiều. Thậm chí là ta vẫn còn thua kém so với một vài quốc gia trong khu vực có nền kinh tế kém phát triển hơn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém ấy chính là căn bệnh lề mề của rất nhiều người Việt ta.
Có thể hiểu bệnh lề mề là cách làm việc chậm chạp, không khẩn trương, để kéo dài công việc không cần thiết, làm cho xong việc chứ không hướng đến hiệu quả công việc và hiệu suất lao động. Đặc điểm dễ thấy nhất của căn bệnh lề mề đó là hiện tượng đi trễ về sớm, làm việc đối phó, lảng tránh, đùn đẩy công việc,….
Từ học sinh, sinh viên đến cán bộ công nhân viên, thậm chí đến người đã về hưu … thường xuyên không nghiêm túc về giờ giấc. Đi học trễ, đi họp hội thảo không đúng giờ, đi dự tiệc muộn… Đây là một hiện tượng rất đáng lo. Chưa có tác phong nhanh nhẹn, sắp xếp thời gian không khoa học. Rất nhiều người có suy nghĩ rằng đi muộn, đi trễ một chút cũng chẳng sao, có người sẽ đợi mình. Quý thời gian của mình mà không biết quý thời gian của người khác. Chưa xử phạt nghiêm khắc việc vi phạm nội quy ở trường, công ty hội họp quá nhiều, có những cuộc họp không có nội dung…
Đi học trễ khiến cho học sinh bị trách phạt. Vào lớp muộn, học sinh sẽ không hiểu bài, nắm kiến thức cặn kẽ, thấu đáo. Không có mặt đúng giờ chắc chắn sẽ không nắm đủ thông tin quan trọng cuộc họp. Nhiều người muốn nắm rõ thông tin đã hỏi lại người điều khiển cuộc họp làm lãng phí thời gian của người khác. Nhiều khi vì lề mề mà chúng ta đánh mất cơ hội thành công trong cuộc sống. Lề mề trong công việc tạo cảm giác bực bội khó chịu cho những người đúng giờ. Trễ liên tục nhiều lần, đôi khi ta còn đánh mất lòng tin ở người khác, tạo thành thói quen xấu, khó bỏ.
Mỗi chúng ta phải tập cho mình có thói quen nhanh nhẹn; có ý thức tôn trọng giờ giấc (nếu biết quý thời gian của mình, ta cũng phải quý thời gian của người khác). Nên giảm bớt hội họp, chỉ khi nào có những nội dung cần thiết, quan trọng mới tổ chức cuộc họp. Không mời tiệc tùng theo kiểu trừ hao giờ giấc. Phê bình, cảnh cáo những ai vi phạm nội quy giờ giấc gây ảnh hưởng đến người khác. Để bỏ thói quen lề mề cần phải có thời gian, phải quyết tâm cao.
Không ai thành công trong công việc mà là người lề mề, chậm chạp, không biết quý trọng thời gian, không tôn trọng công việc. Hãy bỏ thói quen lề mề, hãy năng động và sống có trách nhiệm hơn để làm thay đổi cuộc sống của mình ngày một tốt đẹp hơn.
Nghị luận về bệnh lề mề của con người hiện nay – Mẫu 4
Trong đời sống con người đôi khi cũng có những thói quen xấu, trong đó có “bệnh lề mề”. Căn bệnh này ai ai cũng biết nhưng họ thường bỏ qua. Nó phổ biến ở rất nhiều người. Họ lề mề ở mọi lúc, mọi nơi từ việc cỏn con trong gia đình, công việc làm ăn, trong học tập, trong sinh hoạt thường ngày…
Lề mề luôn làm cho những người bên cạnh cảm thấy phiền phức và khó chịu. Lề mề cũng được chia làm nhiều cấp độ khác nhau, có dạng thì luôn không làm đúng những gì đã hứa trong vấn đề thời gian nhưng có dạng thì thuộc loại như “nước đổ lá khoai”. Khi được yêu cầu làm một việc gì đó thì người lề mề luôn cố gắng kéo dài thời gian, chậm chạp và không bao giờ thực hiện ngay… đương nhiên loại nào cũng khiến cho người khác bực bội. Thử hỏi trong cuộc sống ai không khó chịu trước “bệnh lề mề”? Trong một số ví dụ sau sẽ minh chứng cho sự phiền phức đó.
Một học sinh trong tập thể lớp luôn luôn đi học muộn làm cho lớp bị trừ điểm thi đua vì luôn kéo dài thời gian ngủ của mình để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Trong khi các bạn khác trong lớp luôn cố gắng đi sớm để giữ được nề nếp của lớp và không bị trừ điểm thi đua. Như vậy mọi người thấy đấy chỉ vì một người luôn lề mề mà ảnh hưởng đến cả tập thể lớp.
Trong buổi lao động của nhà trường giao cho một lớp làm. Nếu như ai cũng bắt tay vào làm công việc đó thì buổi lao động sẽ kết thúc nhanh chóng và còn có thể làm được nhiều việc khác nữa. Tuy nhiên một số bạn học sinh rất lười biếng làm việc, chậm chạp, lề mề, ỉ nại cho người khác, khiến cho mọi người bực bội và chán nản. Đấy là chỉ có một vài bạn, nếu bạn nào cũng như thế thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Công việc trực nhật mỗi ngày là của bàn trực nhật lớp, tất cả mọi thứ đều gọn gàng, sạch sẽ trước giờ truy bài. Một số bạn luôn đến sớm để trực nhật, tuy nhiên vẫn có một số bạn luôn đến trễ, ỉ lại việc của mình cho người khác. Đã vậy đến sau còn không làm mà cứ ngồi rung đùi mặc kệ cho những bạn khác tích cực làm và chờ đến khi người khác phải nhắc nhở và có phản ứng quyết liệt mới đứng lên làm. Thử hỏi “bệnh lề mề” đó cộng thêm sự lười biếng như vậy có khiến cho người ta bực bội hay không?
Chúng ta cũng thấy đó chỉ là những việc cỏn con trong một lớp học. Thế còn ngoài xã hội rộng lớn kia, cái “Bệnh lề mề” chắc chắn sẽ gây ra những tác hại to lớn cho người khác. Ví dụ một công ty nhận được bản hợp đồng cần kí vào lúc 8h sáng, người đi kí hợp đồng đến muộn gây sự khó chịu cho đối tác khiến cho việc kí kết giữa 2 đơn vị bị hủy. Điều này không gây tổn thất cho công ty đó hay sao? “Bệnh lề mề” gây hại cho tập thể, đi họp muộn, nhiều vấn đề không được bàn bạc kĩ lưỡng, chu đáo hoặc thời gian họp phải kéo dài. Căn bệnh này làm mất thì giờ của những người biết tôn trọng giờ giấc.
Tóm lại “bệnh lề mề” là do một số người thiếu ý thức không biết quý thời gian, không tôn trọng người khác. Họ chỉ nghĩ cho bản thân với lối sống vô trách nhiệm và ích kỉ. Chúng ta cần phải “chữa trị” căn bệnh này ngay vì ngày càng có nhiều tình trạng này xảy ra.
Mỗi chúng ta nên tự giác với công việc của mình. Hãy đến đúng giờ, đúng hẹn đừng để người khác bị “vạ lây”. Cuộc sống ngày càng hiện đại, trong thời buổi công nghiệp hóa chắc chắn sẽ không có chỗ đứng cho những ai mắc phải căn bệnh này. Chúng ta nên tôn trọng nhau. Làm việc đúng giờ là phong cách của người có văn hóa.
Nghị luận về bệnh lề mề của con người hiện nay – Mẫu 5
Trong xã hội ngày một phát triển như hiện nay, đáng ra sẽ không còn chỗ cho những người lề mề, muộn giờ, trễ giờ. Nhưng dường như hiện tượng này đã trở thành một thói quen khó bỏ của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam.
Không khó có thể bắt gặp những trường hợp lề mề, trễ giờ trong cuộc sống thường ngày. Dễ gặp nhất đó là ở những cuộc họp, cuộc hẹn. Khi mà trong giấy mời họp ghi là 14h thì phải tới 14h30 hoặc 15h thì mọi người mới tới đông đủ. Hoặc ở những cuộc hẹn đi chơi, hẹn gặp nhau lúc 8h sáng thì phải tới 9h hoặc 10h thì mọi người mới tới đủ. Đặc biệt hơn, có những người đã quá quen với thói lề mề của mọi người xung quanh, họ tự động trừ hao đi số thời gian phải chờ đợi. Tức là nếu trong giấy báo họp lúc 14h họ sẽ trừ hao đi thời gian lề mề của mọi người mà tự biết nên đến lúc 14h30. Rồi có không ít những cuộc họp phải hoãn lại chỉ vì tưởng là không có hoặc không đủ đại biểu đến dự… Đấy chỉ là một vài ví dụ để chứng minh rằng bây giờ một bộ phận dân ta rất thiếu ý thức kỷ luật, không tôn trọng giờ giấc cũng như công việc. Số người chấp hành nghiêm chỉnh giờ giấc làm việc, họp hành chỉ chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn.
Bệnh lề mề dường như đã ăn sâu vào lối sống của một số bộ phận người dân Việt Nam. Một phần có lẽ do bị ảnh hưởng bởi nếp suy nghĩ theo lối sản xuất thuần nông truyền thống của dân tộc ta. Khi mà đất nước ta là một đất nước nông nghiệp, không quan trọng việc đúng giờ giấc cho nên người dân không có được tác phong công nghiệp, đúng giờ đúng thời gian quy định. Một phần cũng là do ở ý thức của mỗi người. Họ thiếu sự tôn trọng người khác, khi mà họ chỉ quý trọng thời gian của mình mà không biết quý trọng thời gian của người khác. Điều đó cũng thể hiện sự thiếu tôn trọng của cá nhân đó đối với hoạt động chung của cả một tập thể.
Bệnh lề mề gây ra nhiều ảnh hưởng xấu, thậm chí có những trường hợp gây thiệt hại về nhiều mặt cho cá nhân, tổ chức. Trước hết, bệnh lề mề tạo cho người ta một thói quen xấu là thiếu ý thức kỷ luật, không có nề nếp, quy tắc và dần dần dẫn đến lối sống tự do thái quá, vô tổ chức, vô kỷ luật. Bên cạnh đó, căn bệnh này còn làm mất thời gian, gây khó chịu cho những người chấp hành tốt giờ giấc vì phải đợi chờ. Đặc biệt, bệnh lề mề gây ra những thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế bởi với khoảng thời gian lề mề vô ích ấy, con người ta có thể làm được rất nhiều việc cho cơ quan, gia đình; hay một quyết định, chủ trương ra đời muộn một vài giờ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của cả một xã hội.
Đất nước ta đang trong thời kỳ phát triển – hội nhập và nhân tố quyết định tới sự phát triển đó không ai khác chính là mỗi người dân Việt Nam. Chính vì thế để góp một phần nhỏ vào công cuộc xây dựng đất nước, thì mỗi người dân ngay từ bây giờ cần phải thay đổi cách tư duy thuần nông thiếu tính kỷ luật và thay vào đó là cách tư duy công nghiệp, tôn trọng kỷ luật. Có vậy, đất nước Việt Nam ta mới có thể vươn xa hơn, sánh ngang với các nước khác trên thế giới.
Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu
Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 9