Lớp 2

Mẹ dạy con Toán: 31 điều cần nhớ Toán lớp 2

Với 31 điều cần nhớ Toán lớp 2 này sẽ giúp các bậc phụ huynh dễ dàng dạy con mình toàn bộ kiến thức trọng tâm trong chương trình Toán lớp 2 một cách dễ hiểu nhất. Với những cách ghi nhớ này con sẽ nhớ lâu, hiểu sâu kiến thức.

Table of Contents

1. Số hạng, Tổng

– Lấy 1 ví dụ về phép cộng 2 số như 25+20=45. Các số cộng với nhau là số hạng. Kết quả là tổng. Như ví dụ trên 25 và 20 là số hạng, 45 là tổng.

Bạn đang xem: Mẹ dạy con Toán: 31 điều cần nhớ Toán lớp 2

– Yêu cầu con tự nghĩ ví dụ tương tự và nhận xét đâu là số hạng, đâu là tổng.

2. Đề-xi-mét

– Đề-xi-mét viết tắt là dm.

– 1dm = 10cm.

– Lấy thước và chỉ cho con 1dm là từ đâu đến đâu (từ 0 đến 10cm).

3. Số bị trừ, Số trừ, Hiệu

– Lấy 1 ví dụ về phép trừ như 45-25=20. Số bị trừ là số đầu tiên, số trừ là số sau dấu trừ. Kết quả là hiệu. Như ví dụ trên 45 là số bị trừ, 25 là là số trừ, 20 là hiệu.

– Yêu cầu con tự nghĩ ví dụ tương tự và nhận xét đâu là số bị trừ, đâu là số trừ, đâu là hiệu.

4. Phép cộng có nhớ trong phạm vi 100

– Dạy con đặt tính theo hàng dọc, cộng hàng đơn vị trước, hàng chục sau. Ví dụ: 19+5=24 thì lấy 9+5 bằng 14, viết 4, nhớ 1 (1 ở đây là 1 chục nên cộng 1 chục này với 1 chục ở hàng chục, ra kết quả là 2 chục). Viết xuống là 24.

– Nếu con chưa hiểu, lấy minh họa hẳn hoi bằng cách lấy 19 đồ gì đó, thêm 5 đồ đó cho con đếm tổng ra 24. Sau đó giải thích nguyên tắc cộng là như thế và cho con làm máy móc khoảng chục phép tính tương tự cho con thuộc, dần con sẽ nhớ nguyên tắc.

5. Hình chữ nhật, hình tứ giác

– Vẽ cho con xem ví dụ về hình chữ nhật. Hình tứ giác (gồm cả hình tứ giác, hình thang, hình bình hành). Dạy con hình chữ nhật cũng chính là hình tứ giác.

– Hình tứ giác là hình gồm 4 đoạn thẳng và 4 đỉnh (4 điểm ở đỉnh).

– Hình chữ nhật là hình tứ giác nhưng có 4 góc vuông.

– Hình vuông là hình chữ nhật có 2 cạnh bằng nhau.

– Cắt hình cho con ghép, đếm và phân biệt hình: cái này tùy sáng tạo của bố mẹ. Có thể ghép 2 hình vuông thành 1 hình chữ nhật, ghép hình chữ nhật và 2 hình tam giác thành 1 hình tứ giác (hình thang),…

6. Bài toán về nhiều hơn

– Dạy con về khái niệm nhiều hơn. Có thể lấy ví dụ trực quan luôn với đồ chơi và đồ ăn của con.

– Lấy ví dụ để con tự tính, kiểu như mẹ có 2 kẹo, con có “nhiều hơn” mẹ 3 chiếc, con có mấy chiếc?

– Cho con làm một số bài toán trong SGK trang 24 để con biết tóm tắt và làm bài giải.

– Nhiều hơn cũng có thể nói là tăng thêm, cộng thêm.

7. Bài toán về ít hơn

– Dạy con về khái niệm ít hơn. Có thể lấy ví dụ trực quan luôn với đồ chơi và đồ ăn của con.

– Lấy ví dụ để con tự tính, kiểu như con có 5 kẹo, mẹ có “ít hơn” con 3 chiếc, mẹ có mấy chiếc?

– Cho con làm một số bài toán trong SGK trang 30 để con biết tóm tắt và làm bài giải.

8. Ki-lô-gam

– Ki-lô-gam là đơn vị đo khối lượng, viết tắt là kg.

– Đo khối lượng bằng cân. Có nhiều loại cân như cân 1 đĩa ở chợ, cân 2 đĩa trong SGK trang 32 (dùng quả cân), cân điện tử.

– Lấy ví dụ về cân nặng của con, của người trong gia đình.

– Nếu dùng cân 2 đĩa thì người ta căn cứ thăng bằng để đọc ra cân nặng của vật cần đo. 1 đĩa đặt vật cần đo, 1 đĩa đặt các quả cân. Sau đó dựa vào khối lượng quả cân hoặc cộng khối lượng của các quả cân lại để ra khối lượng vật cần cân.

– Cho con làm một số phép tính về cộng, trừ có đơn vị kg.

9. Phép cộng có tổng bằng 100

– Lấy ví dụ về một số phép tính có tổng bằng 100 cho con tính theo hàng dọc. Ví dụ: 99+1, 82+18, 73+27.

– Dạy con là 82+18 thì lấy hàng đơn vị cộng với nhau (8+2=10, viết 0 nhớ 1), hàng chục cộng với nhau (8+1=9, cộng với 1 đã nhớ là 9+1=10, viết xuống 10 có kết quả là 100.

– Nếu con chưa nắm vững, cho con làm cộng thêm nhiều ví dụ nữa để con thuộc nguyên tắc.

10. Lít

– Lít là đơn vị đo dung tích, thường dùng cho chất lỏng (nước, sữa, …) viết tắt là l.

– Lấy các bình có vạch đo để cho con xem ví dụ về lít.

– Cho con làm một số phép tính về cộng, trừ có đơn vị l.

11. Tìm một số hạng trong một tổng

– Đưa ví dụ: … + 4 = 10, như vậy mấy cộng 4 bằng 10, con sẽ trả lời được là 6. Sau đó liên hệ là 6=10-4.

– Dạy con nguyên tắc tính: muốn tìm một số hạng, ta lấy tổng trừ đi số hạng kia.

– Dạy con số hạng cần tìm, người ta ký hiệu là x. Với bài toán trên, viết là: x+4=10 x=10-4=6.

– Cho con làm nhiều ví dụ minh họa.

12. Phép trừ có nhớ

– Dạy con viết phép trừ theo hàng dọc, trừ từ hàng đơn vị đến hàng chục. Ví dụ: 24-9=15 thì lấy 4-9, 4 không trừ được 9 nên phải vay 1 chục từ hàng chục sang thành 14-9=5, viết 5 nhớ 1 vay; lấy 2-0-1 bằng 1, kết quả là 15.

– Lấy dẫn chứng cụ thể bằng vật thể để con công nhận kết quả đúng.

– Nếu con chưa hiểu, cho con làm nhiều ví dụ cụ thể.

13. Tìm số bị trừ

Lấy ví dụ …-4=6, tức là mấy trừ 4 bằng 6, con sẽ tính được là 10. Sau đó liên hệ là 10=4+6.

Dạy con nguyên tắc tính: muốn tìm số bị trừ, ta lấy hiệu cộng với số trừ.

Với bài toán trên, sẽ viết dạng x-4=6 x=4+6=10.

Cho con làm nhiều ví dụ minh họa.

14. Tìm số trừ

Lấy ví dụ 10-…=6, tức là 10 trừ mấy bằng 6, con sẽ tính được là 4. Sau đó liên hệ là 4=10-6.

Dạy con nguyên tắc tính: muốn tìm số trừ, ta lấy số bị trừ trừ đi hiệu.

Với bài toán trên, viết dạng 10-x=6 x=10-6=4.

15. Đường thẳng

Yêu cầu con vẽ đoạn thẳng AB. Dạy con nếu đoạn thẳng này kéo dài về 2 phía sẽ thành đường thẳng AB. Nếu trên đường thẳng AB có thêm điểm C bất kỳ thì ta có 3 điểm thẳng hàng.

Như vậy tất cả các điểm trên cùng 1 đường thẳng sẽ thẳng hàng.

Cho con làm ví dụ để tìm 3 điểm thẳng hàng, 4 điểm thẳng hàng (tham khảo SGK trang 73).

16. Ngày, giờ, thực hành xem đồng hồ. Ngày tháng, thực hành xem lịch

1 ngày có 24 giờ, phân thành sáng, trưa, chiều, tối, đêm. Sáng từ 1 giờ sáng đến 10 giờ sáng. Trưa gồm 11 giờ trưa, 12 giờ trưa. Chiều từ 1 giờ chiều (13 giờ) đến 6 giờ chiều (18 giờ). Tối từ 7 giờ tối(19h) đến 9 giờ tối (21h). Đêm từ 10 giờ đêm (22h) đến 12 giờ đêm (24h). Dạy con từ chiều trở đi có 2 cách đọc giờ chênh nhau 12 đơn vị.

– Bảo con đọc về thời gian biểu của con theo giờ.

– Quy đổi giờ 24 tiếng theo giờ chiều, tối, đêm.

– Quay kim đồng hồ để chỉ giờ (có đồng hồ trong bộ thực hành toán 2).

– Dạy con về số ngày trong 1 tháng theo đếm mu bàn tay. Tháng 1, 3, 5, 7, 8, 10, 12 có 31 ngày, các tháng còn lại trừ tháng 2 có 30 ngày, riêng tháng 2 có năm có 28 ngày, 4 năm 1 lần có 29 ngày.

– Cho con xem tờ lịch 1 tháng bất kỳ. Bảo con tìm ngày 22 của tháng đó là thứ mấy. Đếm xem trong tháng đó có bao nhiêu ngày chủ nhật, bao nhiêu ngày thứ 4,… Khoảng cách giữa mỗi chủ nhật, mỗi thứ 2, mỗi thứ 3 là mấy ngày. Tuần này, thứ 6 là ngày 8 chẳng hạn, thứ 6 tuần sau là ngày bao nhiêu?

17. Tổng của nhiều số

– Cho con làm các ví dụ về 3 số cộng với nhau, 4 số cộng với nhau, 5 số cộng với nhau.

– Có 2 cách làm: cộng theo hàng ngang thì lấy số thứ 1 cộng với số thứ 2 ra kết quả, lấy kết quả đó cộng với số thứ 3.

– Cộng theo hàng dọc thì cộng tất cả hàng đơn vị của các số với nhau, số nhớ tiếp tục cộng với hàng chục.

– Cho con làm nhiều ví dụ minh họa.

18. Phép nhân, Thừa số, Tích

– Ví dụ 2+2+2+2=8. 8 là kết quả cộng của 4 số 2 với nhau. Ta viết thành 2×4=8. Dấu x là dấu nhân. (2 được lấy 4 lần).

– Chuyển tổng các số hạng bằng nhau thành phép nhân.

– Một phép nhân: 2×4=8 thì các số nhân với nhau gọi là thừa số (2 và 4 là thừa số), kết quả là tích (8 là tích).

– Cho con làm các ví dụ gồm nhiều số giống nhau cộng với nhau, viết thành phép nhân và chỉ ra đâu là thừa số, đâu là tích. Làm các bài viết phép tính nếu biết thừa số và tích (các thừa số là 8 và 2, tích là 16, viết thành 8×2=16).

19. Bảng cửu chương nhân, chia đến 5

– Dạy con các bảng nhân từ 1 đến 5. Có thể dạy bằng cách cho con cộng các số lại với nhau ra kết quả, sau đó dạy con học thuộc từng bảng cửu chương từ 1 đến 5.

– Dạy con giải toán với phép nhân: mỗi con gà có 2 chân, 6 con gà có mấy chân?

– Dạy con nguyên tắc tính có cả nhân và cộng, trừ thì phải nhân trước, cộng trừ sau. Ví dụ: 3×5+9=24, 3×5-9=6.

20. Đường gấp khúc, Độ dài đường gấp khúc

– Đường gấp khúc ABCD gồm ba đoạn thẳng AB, BC, CD. Độ dài đường gấp khúc ABCD là độ dài của ba đoạn thẳng cộng với nhau. Lấy ví dụ hình ảnh trực quan cho con hiểu. Xem thêm SKG trang 103.

– Cho con làm một số bài tập để hiểu rõ hơn.

21. Số bị chia, Số chia, Thương, Một phần hai, Một phần ba, Một phần tư, Một phần năm

– 8 kẹo chia thành 2 phần với số lượng bằng nhau, mỗi phần có 4 bạn. Dùng phép chia để tìm số kẹo cho mỗi phần. Đọc là 8 chia 2 bằng 4. Phép chia ngược với phép nhân. 2×4=8 8:2=4 hoặc 8:4=2.

– Làm các ví dụ cho phép nhân, viết 2 phép chia theo mẫu trên.

– Khi con hiểu phép chia, dạy con bảng cửu chương chia ngược với bảng cửu chương nhân.

– Với một phép tính chia, như 8:2=4 thì 8 là số bị chia, 2 là số chia, 4 là thương. Cho con làm các phép tính chia, chỉ ra số bị chia, số chia, thương.

– Dạy con một phần hai bằng cách chia hình vuông thành 2 phần bằng nhau. Lấy 1 phần, được một phần hai hình vuông. Một phần hai viết là 1/2 , còn gọi là 1 nửa. Cho con xem các hình chia 2 phần và con tô màu hoặc đánh dấu 1/2 (SGK trang 110). Cho con tổng số vật thể chia hết cho 2 và bảo con chọn ra 1/2 số lượng (cho 8 cái bút, bảo con chọn ra 1/2 số lượng là 4 cái bút).

– Dạy con một phần ba bằng cách chia hình vuông thành 3 phần bằng nhau. Lấy 1 phần, được một phần ba hình vuông. Một phần ba viết là 1/3. Cho con xem các hình chia 3 phần và cho con tô màu hoặc đánh dấu 1/3 ((SGK trang 114). Cho con tổng số vật thể chia hết cho 3 và bảo con chọn ra 1/3 số lượng (cho 6 cái bút, bảo con chọn ra 1/3 số lượng là 2 cái bút).

– Dạy con một phần tư bằng cách chia hình vuông thành 4 phần bằng nhau. Lấy 1 phần, được một phần tư hình vuông. Một phần tư viết là 1/4. Cho con xem các hình chia 4 phần và cho con tô màu hoặc đánh dấu 1/4 ((SGK trang 119). Cho con tổng số vật thể chia hết cho 4 và bảo con chọn ra 1/4 số lượng (cho 8 cái bút, bảo con chọn ra 1/4 số lượng là 2 cái bút).

– Dạy con một phần năm bằng cách chia hình vuông thành 5 phần bằng nhau. Lấy 1 phần, được một phần năm hình vuông. Một phần năm viết là 1/5. Cho con xem các hình chia 5 phần và cho con tô màu hoặc đánh dấu 1/5 ((SGK trang 122). Cho con tổng số vật thể chia hết cho 5 và bảo con chọn ra 1/5 số lượng (cho 10 cái bút, bảo con chọn ra 1/5 số lượng là 2 cái bút).

22. Tìm một thừa số của phép nhân

– Đưa ví dụ: … x 4 = 24, như vậy mấy nhân 4 bằng 24, con sẽ trả lời được là 6. Sau đó liên hệ là 6=24:4.

– Dạy con nguyên tắc tính: muốn tìm một thừa số, ta lấy tích chia cho thừa số đã biết.

– Dạy con thừa số cần tìm, người ta ký hiệu là x. Với bài toán trên, viết là: x 4=24 x=24:4=6.

– Cho con làm nhiều ví dụ minh họa.

23. Tìm số bị chia

– Đưa ví dụ: … : 4 = 6, như vậy mấy chia 4 bằng 6, con sẽ trả lời được là 24. Sau đó liên hệ là 24=6×4.

– Dạy con nguyên tắc tính: muốn tìm số bị chia, ta lấy tích nhân với số chia.

– Dạy con số bị chia cần tìm, người ta ký hiệu là x. Với bài toán trên, viết là: x : 4=6 x=6×4=24.

– Cho con làm nhiều ví dụ minh họa.

24. Giờ phút. Thực hành xem đồng hồ

– Đồng hồ: kim dài chỉ phút, kim ngắn chỉ giờ. Kim dài chỉ 12 là đúng 1 giờ nào đó (12h, 1h, 5h…). Kim dài chỉ 6 là giờ rưỡi hoặc giờ 30’ (12h30, 1h30, 5h30,…). Kim dài chỉ 3 là 15’. Kim dài chỉ 9 là 45’ hoặc kém 15’ đến giờ tiếp theo. Sau đó dạy con xem giờ khi kim dài chỉ các số khác 12, 3, 6, 9.

– Hỏi con về nhiều giờ khác nhau.

25. Chu vi hình tam giác, Chu vi hình tứ giác

– Hình tam giác ABC có 3 đỉnh là A, B, C, có 3 cạnh là AB, BC, CA. Chu vi hình tam giác là tổng chiều dài 3 cạnh. Chu vi hình tam giác ABC=AB+BC+CA.

– Hình tứ giác ABCD có 4 đỉnh là A, B, C, D, có 4 cạnh là AB, BC, CD, DA. Chu vi hình tứ giác là tổng chiều dài 4 cạnh. Chu vi hình tứ giác ABCD=AB+BC+CD+DA.

– Chu vi hình bất kỳ là tổng chiều dài các cạnh của hình đó.

– Tập cho con vẽ hình theo mẫu (SKG trang 161)

26. Số 1 và số 0 trong phép nhân và phép chia

– Cho con làm các ví dụ về số 1, số 0 trong phép nhân và phép chia: 1×2=1+1=2 2:1=2 và 2:2=1; 1×3=1+1+1=3 3:1=3 và 3:3=1; 0x2=0+0=0 0:2=0

– Số bất kỳ nhân, chia cho 1 đều bằng chính nó.

– Số bất kỳ chia cho chính nó bằng 1.

– Số bất kỳ nhân với 0 thì bằng 0.

– Số 0 chia cho số bất kỳ số nào đều bằng 0.

– Không có phép chia cho 0.

27. Học về hàng nghìn. So sánh các số tròn trăm. Các số tròn chục từ 110 đến 200

– 10 đơn vị bằng 1 chục. Đếm từ 0 đến 10, 10 là 1 chục.

– 10 chục bằng 1 trăm. Đếm từ 1 chục đến 10 chục – 1 chục (10), 2 chục (20), 3 chục (30),… 9 chục (90), 10 chục (100).

– 10 trăm bằng 1 nghìn. Đếm từ 1 trăm đến 10 trăm – 1 trăm (100), 2 trăm (200), 3 trăm (300),… 9 trăm (900), 10 trăm (1000).

– So sánh các số tròn trăm: 100<200<300<400<500<600<700<800<900900>800>700>600>500>400>300>200>100.

– Các số tròn chục từ 110 đến 200. Dạy con cách đọc các số này: một trăm mười, một trăm hai mươi,… Dạy con về thứ tự các số này, số bé hơn, số lớn hơn.

– Các số từ 101 đến 110. Dạy con cách đọc: một trăm linh một, một trăm linh hai,… một trăm linh năm (đọc là “năm” chứ không đọc là “lăm”)

– Các số từ 111 đến 200. Dạy con cách đọc: một trăm mười một, một trăm mười hai,… một trăm mười lăm, …, một trăm ba mươi lăm (đọc là “lăm” chứ không đọc là “năm”), …

– Dạy con viết các số từ 100 đến 200 theo thứ tự từ bé đến lớn, từ lớn đến bé.

– Ôn lại kiến thức tia số đã học từ lớp 1, dạy con về tia số từ 0 đến 200.

– Cho con làm nhiều ví dụ liên quan đến so sánh số và viết dãy số theo thứ tự từ bé đến lớn, từ lớn đến bé.

28. Số có ba chữ số. So sánh số có ba chữ số. Viết số thành tổng các trăm, chục, đơn vị

– Cho con xem một số số có ba chữ số như 245 (đọc là hai trăm bốn mươi lăm), 326 (đọc là ba trăm hai mươi sáu),… Bảo con tự nghĩ số và đọc. Mẹ tự nghĩ số và đọc cho con viết số.

– So sánh số có 3 chữ số: 245245.

– Cho 1 dãy số có 3 chữ số, viết dãy số theo thứ tự từ bé đến lớn, từ lớn đến bé. Tìm số lớn nhất trong dãy số. Tìm số bé nhất trong dãy số.

– Cho một số 3 chữ số bất kỳ, ví dụ 326=300+20+6 (3 trăm, 2 chục, 6 đơn vị), 505=500+5 (5 trăm, 5 đơn vị).

29. Mét, Ki-lô-mét, Mi-li-mét

– Cùng là đơn vị đo độ dài như cm và dm (đã học), còn có một số đơn vị đo độ dài như sau: Gồm có mét (viết tắt là m), ki-lô-mét (viết tắt là km), mi-li-mét (viết tắt là mm).

– 1m=10dm=100cm. Cho con làm một số ví dụ về cộng trừ m và quy đổi từ m ra dm, cm (2m=20dm=200cm), quy đổi từ dm, cm ra m (300cm=30dm=3m). Giải thích cho con đơn vị đo m thường dùng để đo kích thước đồ dùng, chiều cao vật thể (cột cờ cao 4m, cánh cửa rộng 2m,…)

– 1km=1000m. Cho con làm một số ví dụ về cộng trừ km và quy đổi từ km ra m (2km=2000m), quy đổi từ m ra km (3000m=3km). Giải thích cho con đơn vị đo km thường dùng để đo quãng đường từ nơi này đến nơi khác, từ tỉnh này đến tỉnh khác.

– 1cm=10mm. 1dm=100mm. 1m=1000mm. Cho con làm một số ví dụ về cộng trừ mm và quy đổi từ m, dm, cm ra mm (2m=20dm=200cm=2000mm), quy đổi từ mm ra cm, dm, m (3000mm=300cm=30dm=3m). Giải thích cho con đơn vị đo mm trong thước kẻ của con, ứng dụng đo chiều dày vật thể như chiều dày quyển sách.

30. Phép cộng, trừ không nhớ trong phạm vi 1000

– Viết phép cộng, trừ theo hàng dọc. Cộng trừ từ hàng đơn vị, đến chục, đến trăm.

– Tính nhẩm cộng trừ với số chẵn trăm. 200+300=500 (Coi “trăm” như đơn vị tính – 2 +3=5 nên 2 “trăm”+3 “trăm=5 “trăm”). Tương tự dùng cho phép trừ. 500-200=300 (5 “trăm”-3 ”trăm” = 2 “trăm”).

31. Tiền Việt Nam

– Giải thích cho con trước kia dùng tiền trăm, có tờ 100đ, 200đ, 500đ, 1.000đ. Nếu có các tờ tiền này cho con xem trực quan.

– Giải thích cho con về tính đổi tiền: 1 tờ 200đ đổi được 2 tờ 100đ vì 200=100+100. 1 tờ 500đ đổi được 5 tờ 100đ, 3 tờ 100đ và 1 tờ 200đ, 1 tờ 100đ và 2 tờ 200đ, …

– Cho con làm các ví dụ cộng, trừ liên quan đến tính tiền.

– Giải các bài toán đi chợ.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 2

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!