Lớp 12

Kể lại truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (5 mẫu)

Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là tác phẩm được giới thiệu trong chương trình lớp 12.

Bạn đang xem: Kể lại truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (5 mẫu)

THPT Nguyễn Đình Chiểu sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 12: Kể lại truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Mời tham khảo dưới đây.

Kể lại truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đầy đủ

Mẫu 1

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đi thực tế để chụp một bức ảnh biển sáng sớm có sương nhằm bổ sung vào bộ lịch nghệ thuật về thuyền và biển. Phùng vác máy ảnh đi tới một vùng biển, từng là chiến trường cũ của anh thời kháng chiến chống Mỹ. Và cũng nhân chuyến đi công tác này, anh ghé thăm Đẩu, người bạn đồng đội năm xưa, hiện đang là chánh án một toà án huyện.

Sau một tuần lễ tìm kiếm, “phục kích”, sáng nay Phùng đã thu vào máy ảnh một cảnh thật “đắt” trời cho, đẹp như một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Đó là cảnh một mũi thuyền đang hướng vào bờ, hiện lên trong bầu sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào; vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng hiên ra sau tấm lưới căng ra giữa hai gọng và y hệt cánh một con dơi… Phùng gác máy ảnh lên bánh xích của chiếc xe tăng bấm “liên thanh” một hồi hết một phần tư cuộn phim, thu vào chiếc Pra-ti-ca. Phùng vô cùng hạnh phúc và mãn nguyên do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại.

Ngay lúc ấy, lại có một chiếc thuyền đâm thẳng vào trước chỗ Phùng đang đứng. Một người đàn ông và một người đàn bà rời thuyền, lội qua một quãng bờ phá đi lên bãi cát. Người đàn ông nói chõ lên như quát:

– Cứ ngồi nguyên đấy, động đậy tao giết cả mày đi bây giờ.

Người đàn bà đi trước thô kệch, rỗ mặt, dáng vẻ mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới. Theo sau là một người đàn ông tóc tổ quạ, chân chữ bát, hai con mắt độc dữ. Thật bất ngờ, khi đi qua chiếc xe tăng đến bên chiếc xe rà phá mìn, lão đàn ông hùng hổ, mặt đỏ gay, lấy chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa quất tới tấp vào lưng người đàn bà. Hắn vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn:

– Mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết đi cho ông nhờ!.

Người đàn bà nhẫn nhục, không hề kêu lên một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn. Phùng kinh ngạc, vội vứt chiếc máy ảnh xuống đất, nhào tới. Nhưng có một đứa bé lao qua trước mặt anh, như một viên đạn lao thẳng tới đích. Nó giằng được chiếc thắt lưng da, vung thẳng chiếc khoá sắt quật vào giữa ngực đầy lông đen hắc ín loặn xoăn của lão đàn ông. Giằng lại chiếc thắt lưng không được, lão dang thẳng cánh cho thằng bé hai cái tát ngã dúi xuống, rồi lão lẳng lặng đi về phía thuyền, nom lão như một con gấu đang đi tìm nguồn nước uống.

Người đàn bà mếu máo cất tiếng gọi:

– Phác, con ơi!

Người đàn bà ngồi sụp xuống bãi cát, ôm chầm lấy thằng bé. Đứa con lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt. Thật bất ngờ, người đàn bà buông đứa trẻ ra, đi thật nhanh đuổi theo lão đàn ông, cùng trở về chiếc thuyền. Trên bãi cát chỉ còn lại Phùng và thằng Phác, cả hai đều đứng trơ ra ngơ ngác nhìn ra bờ phá nơi bàn nãy chiếc thuyền đậu. Như trong truyện cổ đầy quái đản, chiếc thuyền lưới vó đã biến mất.

Chỉ ba hôm sau, lão đàn ông độc dữ ấy lại đánh vợ trên bãi cát. Thằng Phác cầm dao găm làm vũ khí để bảo vệ người mẹ, nhưng chị gái đã tước đi con dao. Nghệ sĩ Phùng vội xông ra buộc lão đàn ông phải chấm dứt hành động độc ác. Anh đã bị hắn đánh bị thương, phải nằm điều trị ở trạm y tế của tòa án huyện.

Mấy ngày sau, khi các vết thương trên mặt đã lên da non, tại phòng toà án huyện, Phùng được chứng kiến cảnh chánh án Đẩu gặp người đàn bà thuyền chài mặt rỗ. Anh đã được nghe câu chuyện của chị ta.

Lúc đầu, mụ ta khúm núm, sợ sệt, chỉ dám tìm đến một góc tường để ngồi. Vị chánh án mời, mụ cũng chỉ dám rón rén ngồi vào mép chiếc ghế mây và cố thu người lại. Khi nghe vị chánh án hỏi “Chị đã nghĩ kĩ chưa?” thì mụ ngước nhìn Đẩu rồi cúi mặt xuống. Mụ ta nhìn Đẩu rồi chắp tay vái lia lịa:

– Con lạy quý tòa… Quý tòa bắt con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…

Ngồi trong phòng, Phùng cảm thấy ngột ngạt quá, anh vội vén tấm màn bước ra. Người đàn bà thuyền chài chợt nhìn thấy, cứ nhấp nhổm xoay mình như bị kiến đốt. Lát sau nghe vị chánh án nói chủ trương nguyên tắc của tòa án là kêu gọi hòa thuận, thì người đàn bà thuyền chài từ vẻ ngơ ngác ban đầu liền đột nhiên thốt lên bằng giọng khẩn thiết:

– Chị cảm ơn các chú… đấy là chị nói thật. Lòng các chú tốt, nhưng các chú không phải là người làm ăn. Các chú sẽ không hiểu được nỗi khổ người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông.

Với điệu bộ khác, ngôn ngữ khác, người đàn bà thuyền chài kể về cuộc đời mình, cảnh ngộ mình. Thuở nhỏ, là con nhà khá giả ở trên phố, sau một trận lên đậu mùa, mặt bị rỗ; xấu gái không ai lấy. Có mang với anh con trai một nhà hàng chài. Lão chồng chị khi ấy tuy cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập vợ. Chị ta chép miệng nói về chuyện đẻ nhiều, con đông, thuyền nhỏ, ngày trước rất khổ, nhất là những ngày động biển, vợ chồng con cái phải ăn xương rồng luộc chấm muối có khi hàng tháng trời. Chồng trốn đi lính ngụy nên càng thêm nghèo khổ, túng quẫn. Từ ngày cách mạng về đã đỡ khổ hơn. Chị ta cho biết đàn bà thuyền chài đẻ nhiều quá, người nào cũng có một sắp con trên dưới chục đứa. Đàn ông thuyền chài khổ quá, hoặc uống rượu hoặc đánh vợ. Khi con cái đã lớn, chị ta mới xin được với chồng là có đánh thì đưa lên bờ mà đánh. Chị ta nói như tâm sự: trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Cũng có lúc vui, đó là lúc vợ chồng hòa thuận, là lúc ngồi nhìn đàn con được ăn no. Các chú không phải là đàn bà nôn không thể biết được như thế nào là nổi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông. Đám đàn bà hàng chài ở thuyền cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba biển động…

Nghe người đàn bà thuyền chài kể, Đẩu trở nên nghiêm nghị và đầy suy nghĩ. Người đàn bà thuyền chài đã khóc khi nghe Phùng hỏi về thằng Phác. Chị ta cho biết, nó là đứa con mà mụ ta thương nhất; nó giống như lột cái lão đàn ông từng hạnh hạ mụ. Vì sợ nó làm điều gì dại dột với bố nó, mụ đã gửi nó lên rừng ở với ông ngoại. Tuy được sống sung sướng hơn, nhưng nó hay trốn về. Nó tuyên bố với các bác ở xưởng đóng thuyền rằng, nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh.

Mẫu 2

Phùng là một họa sĩ nhiếp ảnh. Theo yêu cầu của trường phòng, anh vác máy ảnh đi tới một vùng biển, từng là chiến trường cũ của anh thời kháng chiến chống Mỹ để chụp ngoại cảnh cho bộ lịch cuối năm. Nhân đó, anh ghé thăm Đẩu, người bạn đồng đội năm xưa, hiện đang là chánh án một toà án huyện.

Đã mấy buổi sáng mà anh vẫn chưa chụp được một bức ảnh nào. Sau một tuần lễ, Phùng đã chụp được một bức ảnh tuyệt đẹp về chiếc thuyền ngoài xa: “một chiếc thuyền lưới vó, như là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Đó là cảnh một mũi thuyền đang hướng vào bờ, hiện lên trong bầu sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào, Phùng gác máy ảnh lên bánh xích của chiếc xe tăng bấm “liên thanh” một hồi hết một phần tư cuộn phim, thu vào chiếc Pra-ti-ca, Phùng vô cùng hạnh phúc và mãn nguyện

Tuy nhiên, ngay lúc đó lại có một chiếc thuyền đâm thẳng vào trước chỗ Phùng đang đứng. Một người đàn ông và một người đàn bà rời thuyền, lội qua một quãng bờ phá nước ngập đến quá đầu gối. Người đàn ông nói chõ lên như quát: “Cứ ngồi nguyên đấy, động đậy tao giết cả mày đi bây giờ”. Người đàn bà ấy trạc ngoài bốn mươi, một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển. Hình dáng cao lớn thô kệch, rỗ mặt. Khuôn mặt ấy mệt mỏi sau những đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và buồn ngủ, dáng đi chậm chạp như bà già, tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới. Cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ, vất vả, đau khổ đã làm cho diện mạo xấu xí của chị ngày càng trở nên đậm nét. Người đàn ông đi theo sau, tấm lưng rộng cong như một chiếc thuyền lớn, mái tóc tổ quạ. Lão đi chân chữ bát, bước từng bước chắc chắn, hàng lông mày cháy nắng rủ xuống hai con mắt đầy vẻ độc dữ. Khi đi qua chiếc xe tăng đến bên chiếc xe rà phá mìn, lão đàn ông hùng hổ, mặt đỏ gay, lấy chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa quật tới tấp vào lưng người đàn bà. Hắn vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết đi cho ông nhờ!”. Người đàn bà nhẫn nhục, không hề kêu lên một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn.

Phùng đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới, bỗng có một đứa bé lao qua trước mặt anh, như một viên đạn lao thẳng tới đích. Nó giằng được chiếc thắt lưng da, vung thẳng chiếc khoá sắt quật vào giữa ngực đầy lông đen hắc ín xoăn của lão đàn ông. Chỉ ba hôm sau, lão đàn ông độc dữ ấy lại đánh vợ trên bãi cát.

Phùng đã chứng kiến cảnh chánh án Đẩu gặp người đàn bà hàng chài, anh nghe được câu chuyện của chị. Chị ta cho biết đàn bà thuyền chài đẻ nhiều quá, người nào cũng có một sắp con trên dưới chục đứa. Đàn ông thuyền chài khổ quá, hoặc uống rượu hoặc đánh vợ. Khi con cái đã lớn, chị ta mới xin được với chồng là có đánh thì đưa lên bờ mà đánh. Chị ta nói như tâm sự, trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Cũng có lúc vui, đó là lúc vợ chồng hòa thuận, là lúc ngồi nhìn đàn con được ăn no. Các chú không phải là đàn bà nên không thể biết được như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông.

Qua câu chuyện của người đàn bà, Phùng càng thấm thía: không thể đơn giản trong cái nhìn về cuộc đời và con người. Người đàn bà hàng chài là một người phụ nữ nhẫn nhục. Chị không muốn ly dị vì không muốn nhìn cảnh các con thấy bố mẹ chia tay. Cũng vì thương con chị đã yêu cầu lão chồng vũ phu mang chị lên bờ mà đánh vì sợ con nhìn thấy. Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hi sinh.

Từ câu chuyện về một bức tranh nghệ thuật và đằng sau đó là một hiện thực về cuộc sống của những người dân làng chài. Tác phẩm đã đưa đến cho người đọc một cái nhìn đa chiều về cuộc sống và con người.

Mẫu 3

Theo yêu cầu của trưởng phòng, tôi về một vùng biển Hà Nội ngoài sáu trăm cây số để chụp ngoại cảnh cho bộ lịch năm sau. Nhân chuyến đi này, tôi cũng muốn thăm Đẩu – người đồng đội cũ tại chiến trường năm xưa, giờ đang làm chánh án của một tòa án huyện.

Sau một tuần phục kích, cuối cùng tôi cũng thu được một cảnh trời cho đắt giá. Đó là cảnh mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Giây phút bắt gặp cảnh đó, tôi cảm thấy trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Trong giây phút bối rối đó, tôi có cảm giác như mình đã khám phá được chân lí của sự toàn thiện. Tôi liền gác máy lên bánh xích của chiếc xe tăng hỏng bấm “liên thanh” một hồi hết một phần tư cuốn phim, thu vào chiếc Pratica cái khoảnh khắc tuyệt vời đó. Sau khi chụp xong, tôi nghĩ bụng có thể nhảy lên tàu trở về ngay hôm sau.

Ngay lúc ấy, một chiếc thuyền đâm thẳng vào trước chỗ tôi đứng. Một người đàn ông và một người đàn bà rời khỏi thuyền. Người đàn ông quay lại quát:

– Ngồi yên đấy, tao giết cả mày bây giờ.

Họ đi đến bên chiếc xe rà phá mìn. Lão đàn ông rút từ trong người chiếc thắt lưng, rồi vung tới tấp vào người đàn bà, giọng rên rỉ:

– Chúng mày chết đi cho ông nhờ, chết hết đi cho ông nhờ!

Tôi kinh ngạc, định lao ra can ngăn thì thấy một thằng bé chạy vụt qua. Nó giằng được chiếc thắt lưng rồi quật vào người đàn ông. Lão đàn ông định giằng lại chiếc thắt lưng nhưng không được, liền giang thẳng cánh cho thằng bé hai cái tát. Người đàn bà ôm lấy đứa bé, gọi:

– Phác, con ơi!

Đứa con lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt. Thật bất ngờ, người đàn bà buông đứa trẻ ra, đi thật nhanh đuổi theo lão đàn ông.

Mấy hôm sau, tôi lại bắt gặp lão đàn ông đánh vợ trên bãi cát. Thằng Phác cầm dao găm định lao tới bảo vệ mẹ, nhưng đã bị chị gái ngăn cản. Tôi lao ra can ngăn thì bị lão đàn ông đánh. Đẩu lái chiếc xe Honda đến đón tôi ở một trạm xá xã.

Mấy ngày sau, tại tòa án huyện, tôi đã có cuộc trò gặp gỡ với người đàn bà ở tòa án huyện. Đây là lần thứ hai, người đàn bà được Đẩu mời đến về công việc gia đình. Không phải lần đầu tiên nhưng người đàn bà vẫn có vẻ khúm núm, sợ sệt, chỉ dám tìm đến một góc tường để ngồi.

Đẩu hỏi:

– Thế nào, chị đã nghĩ kỹ chưa?

Người đàn bà ngước lên nhìn Đẩu, rồi lại cúi mặt xuống.

– Thưa đã…

Đẩu giận dữ:

– Ba ngày một trận nhẹ năm ngày một trận nặng. Cả nước không có một ông chồng nào như hắn. Chị không thể sống với lão đàn ông vũ phu ấy được đâu.

Mụ ta nhìn Đẩu rồi chắp tay vái lia lịa:

– Con lạy quý tòa… Quý tòa bắt con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…

Nghe đến đây, tôi cảm thấy căn phòng lồng lộng gió biển của Đẩu trở nên ngột ngạt quá, liền vén tấm màn bước ra. Người đàn bà thấy tôi, cứ nhấp nhổm xoay mình như bị kiến đốt. Khi nghe Đẩu nói chủ trương là kêu gọi hòa thuận, người đàn bà ngẩng lên nhìn thẳng vào chúng tôi, lần lượt từng người một, với một vẻ ban đầu ngơ ngác:

– Chị cảm ơn các chú… đấy là chị nói thật. Lòng các chú tốt, nhưng các chú không phải là người làm ăn. Các chú sẽ không hiểu được nỗi khổ người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông.

Người đàn bà kể lại toàn bộ về cuộc đời mình. Chị ta cho biết đàn bà thuyền chài đẻ nhiều quá, người nào cũng có một sắp con trên dưới chục đứa. Đàn ông thuyền chài khổ quá, hoặc uống rượu hoặc đánh vợ. Khi con cái đã lớn, chị ta mới xin được với chồng là có đánh thì đưa lên bờ mà đánh. Nhưng cũng có lúc vợ chồng con cái hòa thuận, vui vẻ.

Người đàn bà đã khóc khi tôi nhắc đến thằng Phác. Chị cho biết vì sợ thằng con làm điều dại dột với bố, chị đã gửi nó lên rừng sống với ông ngoại. Nhưng hễ rời ra là nó trốn về. Thằng bé tuyên bố với các bác ở xưởng đóng thuyền rằng nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh. Chiều hôm ấy, Đẩu gặp lão đàn ông để giáo dục răn dạy, còn tôi trở về xưởng đóng thuyền. Vắng thằng Phác, bãi cát cũng như cả vùng phá nước trở nên trống trải.

Những tấm ảnh tôi mang về, đã được trưởng phòng chọn lấy một tấm. Không chỉ tấm lịch, mà tấm ảnh tôi chụp vẫn còn được treo ở nhiều nơi. Tuy là ảnh đen trắng, nhưng mỗi lần nhìn vào, tôi đều thấy màu hồng của sương mai, và nếu nhìn lâu hơn tôi sẽ thấy hình ảnh người đàn bà với những đường nét thô kệch tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm.

Kể lại truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa ngắn gọn

Mẫu 1

Theo yêu cầu từ trưởng phòng, Phùng phải đi về miền Trung thực hiện bộ ảnh để chào đón năm mới. Đây cũng là địa điểm mà anh từng tham chiến trong thời gian chống Mỹ. Sau khi tìm hiểu và quyết định chọn chủ đề cho bộ lịch đó là chiếc thuyền đánh cá trong một buổi sáng bình minh. Khi đã hoàn thành bộ ảnh, anh quay về bờ thì chứng kiến cảnh tượng người đàn ông hàng chài to lớn đang đánh đập người phụ nữ. Đứa con tên Phác chạy ra can ngăn. Cứ thế cảnh tượng đó diễn ra liên tiếp, không thể chịu được Phùng quyết định vào ngăn cản thì bị người đàn ông đánh bị thương nhẹ. Ngay sau đó, Chánh án tên là Đẩu là bạn của Phùng mời người đàn bà hàng chài lên tòa án huyện để giải quyết. Tại đây Đẩu khuyên người đàn bà hàng chài bỏ người chồng vũ phu kia. Người đàn bà giải thích lí do vì sao chồng đánh và kể về người chồng của mình. Phùng và Đẩu hiểu ra rằng mặc cho bị ngược đãi về thể xác nhưng cả người đàn bà và những đứa con cần người đàn ông gánh vác trách nhiệm gia đình và nuôi sống gia đình. Phùng nhận ra rằng nhìn nhận mọi việc đơn giản bằng vẻ ngoài không thôi thì chưa đủ.

Mẫu 2

Nhiếp ảnh Phùng trong một chuyến đi thực tế đã quay về biển miền Trung nơi anh từng chiến đấu, đồng thời thăm lại Đẩu – người đồng đội xưa. Sau nhiều tuần phục kích, anh đã chụp được một cảnh “trời cho đắt giá”. Nhưng đằng sau cảnh đẹp đó lại là cảnh bạo lực của một gia đình hàng chài. Người đàn ông dùng chiếc thắt lưng đánh người đàn bà. Còn chị ta chỉ biết cam chịu, đứa con vì thương và muốn bảo vệ mẹ đã đánh lại cha mình. Những ngày sau đó sự việc tiếp diễn, nghệ sĩ Phùng lao vào can ngăn thì bị người đàn ông đánh bị thương. Đẩu đã mời người đàn bà lên tòa án huyện, khuyên giải nên bỏ chồng nhưng người đàn bà nhất định từ chối. Chị ta đã kể về cuộc đời của mình, bênh vực người chồng vũ phu. Qua cuộc trò chuyện, họa sĩ Phùng đã hiểu ra nhiều điều ý nghĩa. Những tấm ảnh anh mang về đã được trưởng phòng chọn.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 12

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!