Luyện tập miêu tả cây cối
Luyện tập miêu tả cây cối giúp các em học sinh lớp 4 tham khảo, nhanh chóng trả lời câu hỏi SGK Tiếng Việt Lớp 4 tập hai trang 83, 84 để chuẩn bị bài trước khi tới lớp.
Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án cho học sinh của mình. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm bài Tập đọc Thắng biển, Ga-vrốt ngoài chiến lũy của Tuần 26. Vậy mời thầy cô cùng các em học sinh tham khảo nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của THPT Nguyễn Đình Chiểu nhé:
Bạn đang xem: Luyện tập miêu tả cây cối
Đề bài: Tả một cây có bóng mát (hoặc cây ăn quả, cây hoa) mà em yêu thích.
Dàn bài chung tả cây cối
A. Mở bài
Giới thiệu cây (hoặc tả bao quát về cây): Có thể mở bài bằng một trong hai cách sau đây:
- Giới thiệu ngay cây cần tả (mở bài trực tiếp)
- Nói về những đề tài có liên quan để từ đó dẫn vào miêu tả cây cây cần tả (mở bài gián tiếp)
B. Thân bài
Tả từng bộ phận của cây hay tả sự thay đổi của cây qua từng thời kì phát triển
a. Tả bao quát: tầm cao, tán lá, hình dáng, đặc điểm nổi bật của cây khi mới nhìn hoặc nhìn từ xa.
b. Tả chi tiết (từng bộ phận của cây hoặc tả sự thay đổi của cây qua từng thời kì phát triển)
– Tả lần lượt từng bộ phận của cây (từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên trên)
- Rễ cây có đặc điểm gì?
- Gốc cây to hay nhỏ?
- Chiều cao của thân cây? Vỏ cây như thế nào?
- Lá: Hình dáng? Màu sắc? Tán lá có mấy tầng? Lá dày hay thưa?
- Hoa: Màu sắc? Những nét đặc biệt về hình dáng hoa?
- Quả (nếu có): Những nét đặc biệt về hình dáng, màu sắc của quả hoặc chùm quả?
– Hoặc có thể lựa chọn tả lần lượt từng thời kì phát triển của cây (Ra lá – Trưởng thành – Đâm hoa – Đậu quả)
– Tả cảnh vật hoặc các yếu tố liên quan đến đời sống của cây như gió, sương, chim chóc, sinh hoạt của con người,…
C. Kết bài
Có thể kết lại bài theo một số cách như sau:
a. Nêu cảm nghĩ về cây (Kết bài không mở rộng)
b. Sau khi kết thúc việc miêu tả, em có thể bình luận thêm về lợi ích của cây, tình cảm hoặc ấn tượng đặc biệt của người viết đối với cây (kết bài mở rộng)
Tả cây đu đủ
Gia đình em có một mảnh vườn nho nhỏ ở phía sau nhà. Trong vườn ba em đã trồng nhiều loại cây ăn quả như cam, xoài, nhãn, ổi, mít,… Tuy nhiên, em lại thích nhất cây đu đủ lớn ở góc vườn.
Thân cây đu đủ tròn và cao như cây cột. Trên cây có nhiều “vết sẹo” do những cuống lá già rụng để lại. Đu đủ không có cành chỉ có lá. Mỗi lá có một cuống hình tròn, rỗng. Em có thể lấy cuống lá này làm thành một cái kèn thổi chơi. Phiến lá rộng, chia nhỏ làm năm nhánh và xòe rộng ra như một bàn tay. Hoa đu đủ có cánh dày, màu trắng, mọc từng chùm.
Những cây đu đủ này rất sai quả. Quả mọc chi chít quấn quanh thân cây và nằm hầu hết ở phần trên của thân cây giống như đàn heo con đang tranh nhau bú. Những quả ở phía trên vừa nhỏ vừa có màu xanh non. Những quả ở phía dưới lớn hơn và vỏ có màu xanh đậm. Quả đu đủ dài, một đầu lớn, một đầu nhỏ. Khi quả chín, vỏ có màu vàng cam và ấn tay vào thấy hơi mềm. Khi ăn đu đủ, em lấy dao gọt hết vỏ đi rồi xẻ dọc quả ra. Ruột đu đủ chín có màu vàng hoặc đỏ, ai nhìn cũng có cảm giác ngon lành. Phía trong của ruột có nhiều hạt màu đen, cần gạt bỏ đi trước khi ăn. Hạt này có thể giữ lại rồi đem gieo thành cây mới. Đu đủ chín ăn rất ngọt và có một mùi thơm riêng biệt. Đó là một loại thức ăn ngon và bổ dưỡng.
Khi đứng trước cây đu đủ đang sum suê những quả, lòng em dạt dào niềm vui. Nó là thành quả của bao ngày gieo trồng, vun xới. Nó chứa đựng nhiều mồ hôi và công sức của ba em nên em yêu quí nó vô cùng. Em thầm biết ơn ba đã đem đến cho em những mùa trái ngọt từ cây đu đủ thân quen.
Tả cây phượng
Ngay giữa sân trường tôi sừng sững một cây phượng. Tôi không biết “bác” được trồng từ lúc nào. Tôi chỉ biết rằng khi tôi cắp sách tới trưởng thì “bác” đã già, già lắm.
Nhìn từ xa, cây như một người khổng lồ, mái tóc màu xanh. Thân cây to, hai người ôm không xuể. vỏ cây xù xì nổi lên những u cục như người bị bướu. Nhưng ít ai biết rằng trong lớp vỏ xù xì đó dòng nhựa mát lành đang cuồn cuộn chảy để nuôi cây. Mùa xuân về, cây đâm chồi nảy lộc. Lá phượng giống lá me, mỏng, nhìn như những hạt cốm non. Những cành cây mập mạp như hàng trăm cánh tay đưa ra, đón ánh sáng mặt trời để sưởi ấm cho mình. Rồi những tiếng ve râm ran đầu tiên của mùa hạ cất lên, cây bắt đầu trổ hoa. Khi chưa muốn khoe vẻ đẹp của mình, hoa e lệ ẩn mình trong khi đài hoa xanh mỡ màng. Từng nụ, từng nụ uống sương đêm và tắm nắng mai rồi từ từ hé nở. Hoa phượng có năm cánh, mượt như nhung, toàn một màu đỏ thắm. Nhị hoa dài, xung quanh có một lớp phấn hung hung vàng. Hết mùa hoa, trên cây lấp ló những chùm quả phượng. Quả phượng giống quả bồ kết nhưng dài và to hơn.
Mỗi lần hoa phượng nở, lòng chúng tôi rộn lên bao cảm xúc, vừa vui lại vừa buồn, lại xen cả lo lắng. Tôi vui vì sắp được nghỉ hè, buồn phải xa ngôi trường, còn lo lắng vì mùa thi đang đến. Các bạn ơi! Hôm nay bắt đầu ngày thi rồi đây. Buổi trưa, tôi vui vẻ đến khoe điểm mười đỏ chói với “bác” phượng già.
Hàng ngày, chúng tôi tưới nước cho cây. Đôi lúc lại có một số cậu học trò tinh nghịch trèo lên cây để hái quả. Làm sao quên được những kỉ niệm êm đẹp về người “bạn già” luôn chia sẻ niềm vui nỗi buồn với chúng tôi trong học tập. Thế rồi, chúng tôi phải nghỉ hè, xa bạn bè, xa cô giáo, xa “bác” phượng kính yêu.
Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu
Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 4