Giáo án luyện chữ đẹp 12 buổi
Giáo án dạy viết chữ đẹp là bộ giáo án dành cho thầy cô tiểu học giúp học sinh luyện viết chữ đẹp. Với những bài dạy cơ bản các thầy cô giáo sẽ giúp các em học sinh rèn luyện những nét chữ đẹp nhất. Chúc thầy cô thành công!
Giáo án dạy viết chữ đẹp
Bài 1: NHỮNG KỸ NĂNG CƠ BẢN
Bạn đang xem: Giáo án luyện chữ đẹp 12 buổi
I. MỤC TIÊU
– Khảo sát chất lượng chữ viết, thống kê lỗi sai HS thường mắc. Phân tích nguyên nhân của các lỗi sai đó.
– HS nắm được một số kĩ năng về tư thế ngồi, để vở, cầm bút, luyện tay.Viết đúng một số nét cơ bản.
– Nhận thức vẻ đẹp của chữ viết. Yêu thích say mê hứng thú luyện chữ đẹp.
II. CHUẨN BỊ
– Một số bài viết đẹp, các câu chuyện về tấm gương luyện chữ…
III. CÁC HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
1. Làm quen
– GV làm công tác tổ chức, nội quy học tập, chương trình học tập
– Gây hứng thú học tập cho HS Kể chuyện, nêu gương, trực quan…
2. Khảo sát chữ viết
– GV hướng dẫn HS viết bài khảo sát:
Cảnh đẹp Hồ Tây
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói toả ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.
Ca dao.
– Thu bài và nhận xét bài viết của HS
3. Các kĩ năng cơ bản
GV hướng dẫn kĩ từng động tác, từng kĩ năng:
* Tư thế ngồi: Ngồi ngay ngắn, lưng thẳng không tì ngực vào bàn, vai thăng bằng, đầu hơi cúi và nghiêng sang trái, mắt cách vở khoảng 25cm đến 30cm. Tay trái giữ vở, tay phải cầm bút, chân chụm lại để phía trước cho thoải mái.
* Cách để vở: Vở để hoàn toàn trên mặt bàn, để mở không gập đôi, hơi nghiêng sang trái khoảng 150
* Cầm bút: Cầm bút bằng 3 ngón tay, ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Ngón giữa ở dưới, ngón trỏ ở trên, ngón cái ở phía ngoài, bút tiếp xúc ở 3 đầu ngón tay. Cổ tay thẳng sao cho ngón cái thẳng với cánh tay.
* Bút để xuống vở: Bàn tay ở tư thế nghiêng, cây bút tạo với mặt giấy một góc 450 nghiêng về phía người viết và gần như song song với mép vở, ngòi bút để úp xuống.
– Làm mẫu, chỉnh sửa cho các em còn sai.
* Luyện tay: Khi viết cử động cơ bản bằng ba ngón tay theo các hướng lên xuống sang phải, trái, xoay tròn. Cổ tay, cánh tay phối hợp dịch chuyển bút nhẹ nhàng theo chiều ngang.
4. Luyện tay tập một số nét
– Kẻ bảng theo ô li trong vở.
– Giới thiệu quy ước đơn vị chữ (đvc) đường kẻ ngang, dọc, ô li.
Đường kẻ (đk) ngang gồm đường kẻ đậm, đường kẻ 1, đường kẻ 2. Khoảng giới hạn giữa hai đường kẻ ngang là một li. Ô giới hạn giữa hai đường kẻ ngang và hai đường kẻ dọc là ô li đơn vị chữ (đvc).
* Nét xiên, xổ thanh đậm
– Làm mẫu và phân tích:
Điểm đặt bút trên đk đậm ở góc ô đưa lên một nét theo hướng xiên phải đến đk 2 thì kéo xuống nét xổ trùng với đk dọc khi đến đk đậm lại đưa xiên lên rồi kéo xuống tiếp tục như vậy cho đến hết dòng.
* Nét móc hai đầu
– Điểm đặt bút giữa đvc (giữa ô li) đưa lên theo hướng xiên phải đến gần đk1 lượn cong tròn đầu rồi kéo xuống trùng với đk dọc đến đk đậm thì lượn cong đưa lên, dừng bút giữa đvc.
– Viết mẫu trên bảng chậm kết hợp phân tích cho HS quan sát chiều rộng, chiều cao, nét thanh, đậm
– Yêu cầu HS thực hành 1 hoặc 2 nét, quan sát uốn nắn sửa sai tiếp tục thực hành cho đạt yêu cầu.
* Nét cong kín
– Điểm đặt bút trên đk1 giữa hai đk dọc viết một nét cong tròn đều sang trái đến đk đậm lượn cong sang phải đưa lên, điểm dừng bút trùng với điểm đặt bút.
– Nét cong tròn đều hình ô van, hai đầu thon, ở giữa phình, nét đậm bên trái, rộng 3/4 đvc.
– Viết mẫu, phân tích kết hợp hỏi HS về chiều cao, rộng hình dáng chữ, điểm đặt bút, hướng di chuyển…
– Quan sát HS thực hành 1 đến 2 nét.
– Sửa sai, hướng dẫn lại nếu HS chưa nắm được hoặc còn lúng túng.
* Nét khuyết trên:
– Điểm đặt bút giữa đvc đưa một nét xiên qua điểm giao nhau giữa hai đk lượn dần lên đến độ cao 2,5 đv thì kéo xuống trùng với đk dọc, dừng bút tại đk đậm.
* Nét khuyết dưới:
– Điểm đặt bút tại đk1 kéo xuống qua đk đậm xuống hết một li dưới đk đậm lượn cong xuống giữa li tiếp rồi đưa nét xiên lên cắt nét kéo xuống tại đk đậm, dừng bút giữa đv chữ.
– Viết mẫu phân tích kết hợp hỏi HS về chiều cao, rộng hình dáng nét chữ, điểm đặt bút, hướng di chuyển…
– Quan sát HS thực hành 1 đến 2 nét.
– Sửa sai, hướng dẫn lại nếu HS chưa nắm được hoặc còn lúng túng.
5. Củng cố dặn dò:
– Nhắc nhở hs về nhà viết lại các nét cơ bản đã học.
Bài 2: QUY TRÌNH VIẾT CHỮ THƯỜNG, CHỮ SỐ
I. MỤC TIÊU
– HS nắm được quy trình viết của từng chữ cái.
– Thực hành viết đúng mẫu, cỡ của chữ thường, chữ số
– Hứng thú, chăm chỉ say mê luyện tập.
II. CHUẨN BỊ
– Bảng chữ cái, chữ số viết thường – Từng chữ mẫu riêng biệt
III. CÁC HOẠT ĐỘNG
1. Ôn lại, nhắc lại bảng chữ cái chữ số.
– Kiểm tra biểu tượng HS đã có
– Đặt câu hỏi yêu cầu HS số lượng, đọc bảng chữ cái.
2. Chia nhóm chữ theo các nét đồng dạng.
– Ta có thể chia nhóm như sau:
Nhóm 1: i, u, ư, t, p, y, n, m, v, r, s
Nhóm 2: l, b, h, k
Nhóm 3: o, ô, ơ, a, ă, â, d, đ, q, g, c, e, ê, x
3. Luyện tập thực hành viết các chữ theo nhóm
– Viết mẫu trên bảng và phân tích một số chữ đại diện cho nhóm
* Nhóm 1: i, u, ư, t, p, y, n, m, v, r, s
– Chữ i: Điểm đặt bút giữa đvc đưa một nét xiên đến dòng kẻ ngang thì kéo xuống đến dòng kẻ đậm lượn cong tạo nét móc và dừng bút giữa đvc.
– Chữ t: Đặt bút, hướng di chuyển như chữ i, đưa cao 1,5 đvc, sau đó thêm một nét ngang tại đkn 1.
– Chữ u : Đặt bút và di chuyển như chữ i nhưng tại điểm dừng bút ta đưa lên dòng kẻ ngang rồi kéo xuống đến dòng kẻ đậm tạo nét móc, dừng bút ở 1/2 đvc.
– Chữ y : Như chữ u thêm nét khuyết dưới
– Chữ p : Đặt bút giống các chữ i t u nét xổ kéo xuống đường kẻ 1, được đường kẻ đậm từ đó đưa bút đến đường kẻ đậm viết nét móc hai đầu dừng bút tại 1/2 đvc.
– Chữ n: Đặt bút giữa đường kẻ xiên, cao 2/3 đvc viết nét móc trên đến đk đậm đưa liền bút lên viết nét móc hai đầu, dừng bút ở 1/2 đvc.
– Chữ m : Tương tự chữ n. Viết hai nét móc trên và nét móc hai đầu, độ rộng giữa ba nét xổ là 1,5 đvc.
– Chữ v : Đặt bút giống như chữ n, m … viết nét móc hai đầu, kéo dài nét móc hai đầu đến dòng kẻ ngang 1, tạo một nét thắt nhỏ dừng bút dưới dòng kẻ ngang 1.
– Chữ r : Đặt bút tại dòng kẻ đậm đưa lên một nét xiên đến đk1 giữa hai đk dọc, tạo nét thắt nhỏ trên đk ngang 1 rồi đưa ngang bút lượn tròn góc và xổ xuống đến đk đậm tạo nét móc, dừng bút tại 1/2 đvc.
– Chữ s : Đặt bút giống chữ r viết nét xiên, tạo nét thắt trên đk 1, viết nét cong trái dừng bút phía trong cao 1/3 đvc.
* Nhóm 2: l, b, h, k
– Chữ l : đặt bút tại 1/2 đvc đưa một nét xiên cao 2,5 đvc đến giữa li 3 lượn cong và kéo nét xổ trùng với đường kẻ dọc đến dòng kẻ đậm tạo nét móc, dừng bút tại 1/2 đvc.
– Chữ b : Viết giống chữ l. Từ điểm dừng bút của chữ l đưa lên đến đk1 tạo nét thắt giống chữ v
– Chữ h: Gồm 1 nét khuyết trên kết hợp với nét móc hai đầu, chú ý viết liền mạch, dừng bút tại 1/2 đv chữ.
– Chữ k: Tương tự chữ h nhưng tại điểm giữa của nét móc ta đưa bút vào trong tạo nét thắt của chữ.
* Nhóm 3: o, ô, ơ, a, ă, â, d, đ, q, g
– Chữ o, ô, ơ: Ta viết nét cong kín như đã học ở bài 1 sau đó đánh dấu chữ. Chú ý dấu chữ nhỏ hơn đvc.
– Chữ a, ă, â: Viết nét cong kín rồi đặt bút trên đk 1 viết 1 nét móc tiếp xúc với nét cong sau đó đánh dấu chữ.
– Chữ d, đ: tương tự như chữ a nhưng khi viết nét móc thì ta đặt bút trên đk2.
– Chữ g: Viết 1 nét cong kín sau đó viết 1 nét khuyết dưới và dừng bút tại giữa đv chữ.
4. Chữ số:
Trước khi hướng dẫn hs viết chữ số gv lưu ý tất cả các chữ số đều có độ cao 2 đv và rộng 1 đv chỉ riêng chữ số 1 là rộng 0,5 đv.
– Nhóm chữ số chỉ có nét thẳng: 1, 4, 7
– Nhóm chữ số có nét thẳng kết hợp nét cong: 2, 3, 5
– Nhóm chữ số chỉ có nét cong: 0, 6,8,9
5. Củng cố dặn dò:
– Nhắc lại nội dung bài học.
– Dặn HS về viết mỗi chữ và mỗi số 1 dòng.
Tài liệu vẫn còn, mời các bạn tải về để xem tiếp
Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu
Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 1