Lớp 7

Giải thích câu tục ngữ Người ta là hoa đất (6 mẫu)

Câu tục ngữ “Người ta là hoa đất” đã để lại những lời răn dạy sâu sắc về con người. Chính vì vậy, THPT Nguyễn Đình Chiểu sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Giải thích câu tục ngữ Người ta là hoa đất.

Giải thích câu Người ta là hoa đất
Giải thích câu Người ta là hoa đất

Dưới đây là 6 bài văn mẫu lớp 7 giải thích ý nghĩa câu tục ngữ Người ta là hoa đất. Mong rằng sẽ giúp ích cho học sinh khi tìm hiểu về câu tục ngữ trên.

Bạn đang xem: Giải thích câu tục ngữ Người ta là hoa đất (6 mẫu)

Người ta là hoa đất – Mẫu 1

Trong cuộc sống, không có gì là quý hơn con người. Vậy nên ông cha ta mới khẳng định: “Người ta là hoa đất”. Câu tục ngữ trên đã để lại trong mỗi người nhiều suy tư, trăn trở.

Trước hết câu tục ngữ sử dụng biện pháp tu từ so sánh “người ta” với “hoa đất”. “Hoa” vốn là biểu tượng của cái đẹp. Nó được kết tinh lại từ những tinh túy của cây, trời và đất. Hoa mang trong mình vẻ đẹp rực rỡ, đầy màu sắc. Còn “đất”, từ xưa cho đến nay, luôn được xem là tài sản quý giá nhất của con người. Đất đai là nơi chúng ta sinh sống, lao động. Như vậy “hoa đất” chính là nguồn mạch sự sống của đất trời. Khi so sánh con người với “hoa đất” là muốn khẳng định giá trị to lớn của con người.

Chẳng phải là phóng đại khi nói con người là vốn quý nhất của tạo hóa. Tạo hóa đã tạo ra chúng ta với một cơ thể hoàn hảo và một bộ óc tinh tường. Trải qua hàng triệu năm tiến hóa, con người đã tiến đến một kỉ nguyên của văn minh. Nhưng trước đó là cả một chặng đường dài. Từ những buổi đầu sơ khai khi vẫn còn “ăn lông ở lỗ”. Đến khi tìm ra lửa để bước vào thời kỳ đồ đá biết “ăn chín uống sôi”, biết săn bắt, hái lượm và sống thành những cộng đồng… Con người đã luôn tự tìm tòi, sáng tạo ra nhiều thứ có ích (chữ viết, may trang phục, làm trang sức…). Dần dần, những phát minh làm thay đổi đời sống nhân loại cũng liên tiếp được ra đời: máy dệt, bóng đèn dây tóc, ô tô, điện thoại… Ngày hôm nay, thế giới đã thực sự đổi thay, sự phát triển của khoa học – công nghệ khiến cho máy móc được tạo ra để thay thế cho sức lao động của con người. Thế mới thấy được, chẳng có bất cứ điều gì làm khó được con người.

Tinh thần của câu tục ngữ không chỉ dừng lại ở ca ngợi giá trị của con người. Mà đó còn là một lời răn dạy nhắc nhở mỗi chúng ta hãy cố gắng rèn luyện bản thân để khẳng định được giá trị của chính mình. Mỗi người sinh ra đều mang những giá trị cao quý riêng biệt. Chính vì vậy, đừng nên tự ti mà hạ thấp đi những giá trị ấy. Hãy tự tin khẳng định nó. Ngoài ra, ông cha ta cũng muốn phê phán những con người chỉ biết ăn chơi, hưởng lạc. Cuộc sống của những người ấy chắc chắn sẽ chỉ chìm đắm trong những thú vui vô bổ. Để rồi họ sẽ kết thúc cuộc đời mình trong vô nghĩa.

Đối với một học sinh, chúng ta càng phải ý thức được giá trị của bản thân. Từ đó tích cực trau dồi, rèn luyện tri thức cũng như kỹ năng để có thể trở thành một người có ích cho xã hội. Sống sao cho xứng đáng với cuộc đời mà mình đang được sống.

Người ta là hoa đất – Mẫu 2

Tục ngữ được coi là một chiếc “túi khôn” của nhân loại khi chứa đựng một kho tàng tri thức, kinh nghiệm được lưu truyền từ xa xưa cho đến tận hôm nay. Và câu tục ngữ “Người ta là hoa đất” tuy ngắn gọn nhưng cũng ẩn chứa trong nó nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Bằng một cách nói so sánh đầy hình ảnh “người ta” với “hoa đất” câu tục ngữ đã khẳng định được giá trị của con người. “Hoa” vốn được coi là biểu tượng của cái đẹp. Còn “đất” chính là tài sản quý giá nhất của con người. “Hoa đất” chính là mạch nguồn của sự sống được tạo ra từ những gì quý giá, tinh túy nhất. Con người cũng vậy, được tạo hóa ban tặng vẻ đẹp mà không loài nào sánh bằng.

Có thể dễ dàng phân biệt con người với muôn loài bởi chúng ta mang trong mình những đặc điểm riêng biệt. Con người chính là lực lượng sáng tạo nên sự sống, cải tạo tự nhiên và xây dựng xã hội. Từ thời nguyên thủy, khi ấy chúng ta đã biết tìm ra lửa để nấu chín thức ăn và xua đuổi thú dữ, biết làm ra công cụ để săn bắn và trồng trọt, biết sống thành những cộng đồng để bảo vệ, giúp đỡ nhau. Trải qua hàng trăm triệu năm, bằng bộ óc không ngừng phát triển của mình, con người đã phát minh những sản phẩm làm thay đổi cuộc sống của nhân loại. Chẳng có bất kỳ khó khăn nào có thể cản bước chúng ta, mà chính từ những khó khăn ấy, chúng ta lại sáng tạo ra những điều kỳ diệu. Chúng ta biết tìm cách chinh phục và chế ngự thiên nhiên. Chúng ta khám phá và tìm ra những vùng đất mới.

Không chỉ là nhu cầu về vật chất. Con người còn là lực lượng sáng tạo nên những giá trị tinh thần cao quý, tạo ra những ngành nghệ thuật đáp ứng nhu cầu của chính mình. Chúng ta tạo ra ngôn ngữ để giao tiếp. Chúng ta sáng tác thơ ca, âm nhạc để giải trí… Quả thật, khả năng sáng tạo của con người là vô hạn.

Như vậy, mỗi người phải biết trân trọng sự sống của bản thân. Cũng cần cố gắng rèn luyện để nâng cao giá trị của mình. Tóm lại, câu tục ngữ trên là hoàn toàn đúng đắn khi khẳng định giá trị của con người.

Người ta là hoa đất – Mẫu 3

Gorky đã từng phải thốt lên: “Kì diệu thay hai tiếng Con Người”. Trong kho tàng tục ngữ của dân tộc, ông cha ta cũng có câu: “Người ta là hoa đất” đem đến cho một bài học thật ý nghĩa.

Câu tục ngữ tuy ngắn gọn nhưng lại chưa đựng những ý nghĩa to lớn. Trong cuộc sống của người Việt Nam xưa, “đất” là thứ tài sản vô cùng quý giá. Họ sinh sống và làm việc trên những vùng đất bạt ngàn. Đất đai chính là nguồn sống cũng như là quê hương máu thịt của con người. Vậy nên “hoa đất” chính là những gì tinh túy, đẹp đẽ được kết tinh từ trời đất. So sánh “người ta” – ý chỉ con người với “hoa đất” là muốn khẳng định đến giá trị của con người. Trong trời đất này, còn gì quý hơn con người?

Tạo hóa đã tạo ra chúng ta với những đặc điểm khác biệt với muôn loài. Con người tự gọi mình là loài động vật bậc cao nhất trong tự nhiên. Chính bởi vì chúng ta có trí tuệ cải tạo và chinh phục thiên nhiên. Không phải quá xa lại khi nhắc đến chính người dân Việt Nam. Truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” giải thích nguồn gốc của nhân dân ta với một niềm tự hào sâu sắc. Chúng ta đã trải qua hàng nghìn năm xây dựng và bảo vệ đất nước khỏi kẻ thù xâm lược từ giặc phương Bắc đến thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Hàng nghìn thế hệ cha anh đã ngã xuống để đất nước được hòa bình, con cháu được hưởng ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay. Khi đã hòa bình, chúng ta phải đối mặt với những nguy cơ luôn rình rập như dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế… Nhưng con người Việt Nam, bằng sức mạnh của bản thân của sự đoàn kết luôn biết cách vượt qua mọi khó khăn. Thế mới thấy, con người mạnh mẽ và cao cả đến nhường nào.

Nhưng đâu chỉ đề cao giá trị của loài người, câu tục ngữ trên cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đang sống một cuộc đời vô nghĩa. Nếu cứ mãi chìm đắm trong lối sống ăn chơi, chạy theo những giá trị vật chất hư vô bên ngoài mà không chịu cố gắng nâng cao giá trị của bản thân. Họ sẽ không xứng đáng với hai tiếng gọi “con người”.

Đối với những học sinh, sinh viên – chủ nhân của đất nước, hãy luôn ghi nhớ lời răn dạy của câu tục ngữ trên. Chúng ta hãy tích cực trau dồi, rèn luyện tri thức cũng như kỹ năng để có thể trở thành một người có ích cho xã hội.

Có lẽ chúng ta không còn xa lạ với những câu: “Người sống, đống vàng” hay “Một mặt người bằng mười mặt của”, và “Người ta là hoa đất” cũng vậy. Mỗi người hãy coi những câu tục ngữ trên như một định hướng để sống một cuộc đời thật ý nghĩa.

Người ta là hoa đất – Mẫu 4

Trong kho tàng văn học Việt Nam, có rất nhiều câu tục ngữ, ca dao khẳng định giá trị của con người. Một trong số đó là câu tục ngữ “Người ta là hoa đất”.

Câu tục ngữ có năm chữ nhưng mang nhiều điều hàm ẩn. “Hoa” là một thứ đẹp đẽ, thuần tuý, là kết tinh tạo hoá ban tặng mang một hương thơm nồng nàn, một vẻ đẹp kiều diễm. Còn “hoa đất” chính là mạch sống của đất trời. Việc so sánh “người ta” với “hoa đất” nhằm khẳng định giá trị của con người.

Con người là một sinh vật hoàn hảo của vũ trụ. Con người có hình thể, bản năng và trí tuệ – đó chính là thứ vũ khí mạnh nhất. Trí tuệ đã đem lại cho con người sự tìm tòi khám phá, những kiến thức khoa học tạo nên những bước ngoặt thành đạt thật đáng khâm phục. Cũng chính con người đã xây dựng nên những toà tháp có giá trị cả về kinh tế lẫn lịch sử, những máy móc hiện đại để phục vụ chính mình. Những nền văn minh từ cổ đại tới hiện đại đều do một tay con người tạo ra. Trong quá trình đấu tranh thiên nhiên, bạt núi, ngăn sông, khai khẩn đất hoang, con người đã tin ở trí thông minh và sức lực của mình, con người đã đứng lên xây dựng một xã hội, một tinh cầu văn minh. Câu tục ngữ trên đã khẳng định điều đó. Dường như mọi tinh hoa, vẻ đẹp đều hội tụ vào con người. Và nó còn đẹp trong lòng yêu thương của mỗi cá nhân. Sự gắn bó đi kèm với ý chí chính là thứ để con người trường tồn cùng thời gian. Con người không chỉ là tâm điểm của trái đất mà còn là tâm điểm của vũ trụ, Từ xa xưa, con người đã biết dựa vào nhau để sống, đã biết trao đổi của cải vật chất. Trải theo cùng năm tháng, thời gian thì những bông hoa đất đó đã tạo nên được những thành tựu như ngày nay. Tất cả những điều đó đều thể hiện con người là ngọn đèn bất diệt.

Dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm xây dựng và bảo vệ đất nước từ Bắc vào Nam. Con người Việt Nam, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã làm cho đất nước càng tươi đẹp. Nhân dân ta có mối tình cao cả, đoàn kết anh em từ miền ngược tới miền xuôi. Các Vua Hùng có công dựng nước, nhân dân mọi thời có công giữ nước. Những vị danh nhân, những nhà thành đạt toả sáng trên đường đời. Những điều đó phần nào đã làm sáng tỏ được câu tục ngữ trên.

Thời xưa, ông cha ta có những lối suy nghĩ và câu từ giản dị nhưng nó chứa đựng biết bao nhiêu điều mà khiến chúng ta ngày nay thấm thía, cảm nhận mãi mà vẫn chưa thể lĩnh hội hết được. Câu tục ngữ trên là một điển hình rõ nét. Có thể nói câu tục ngữ này mang nhiều ý tứ sâu xa nhưng đúc kết lại bài học của nó là sự trân trọng về giá trị con người. Đó không chỉ là một lời ca ngợi mà còn là một sự khẳng định, một luận điểm đúng đắn sôi nổi thu hút nhiều suy nghĩ của những người xung quanh.

Người ta là hoa đất – Mẫu 5

Kho tàng tục ngữ của dân tộc đã trở thành “chiếc túi khôn” chứa đựng nhiều bài học sâu sắc. Với câu tục ngữ “Người ta là hoa đất”, ông cha ta đã đề cao giá trị của con người.

Đất đai luôn được coi trọng – “tấc đấc tấc vàng”. Đó là tài nguyên quý giá, là nơi sinh sống và sản xuất của con người. Chính vì vậy, cách so sánh “người ta” với “hoa đất” đã cho thấy giá trị to lớn của con người. Còn hình ảnh “hoa” vốn được coi là biểu tượng của cái đẹp. “Hoa đất” chính là mạch nguồn của sự sống, nó được tạo ra từ những gì quý giá, tinh túy nhất. Con người cũng vậy, được tạo hóa ban tặng vẻ đẹp mà không loài nào sánh bằng. Con người không chỉ có ngoại hình hoàn thiện, mà còn có một cái đầu biết suy nghĩ và một trái tim biết yêu thương.

Loài người đã trải qua hàng triệu năm tiến hóa để trở thành con người hiện đại như ngày hôm nay. Lịch sử phát triển của loài người bắt đầu từ thời nguyên thủy khi chúng ta đã tìm ra lửa để nấu chín thức ăn và xua đuổi thú dữ, biết làm ra công cụ để săn bắn và trồng trọt, biết sống thành những cộng đồng để bảo vệ, giúp đỡ nhau. Hàng triệu năm trôi qua, với bộ óc không ngừng tiến hóa, con người đã thay đổi cuộc sống của chính mình bằng việc phát minh ra nhiều sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của bản thân. Trong xã hội hiện đại, con người phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng họ vẫn đủ bản lĩnh để vượt qua, để trở thành những con người vĩ đại… Có thể kể đến những cái tên như Bill Gates – một tỷ phú công nghệ, Barack Obama – cựu tổng thống nổi tiếng của nước Mỹ hay Thomas Edison – nhà phát minh tài năng… Ngay cả những người rất đỗi bình thường, họ cũng đang đóng góp một phần công sức của bản thân cho thế giới này, là một phần không thể thiếu của thế giới.

Vậy mà có nhiều người đã không biết quý trọng bản thân. Họ sống một cuộc đời vô nghĩa. Mỗi ngày trôi qua là một ngày hoang phí. Đó là những người thật đáng lên án. Mỗi học sinh cần ý thức được tầm quan trọng của bản thân, cố gắng học tập và rèn luyện để trở thành một người có ích, xứng đáng với ý nghĩa của câu tục ngữ “Người ta là hoa đất”.

Có thể khẳng định, câu tục ngữ “Người ta là hoa đất” là hoàn toàn đúng đắn. Chính vì vậy, mỗi người hãy cố gắng sống sao cho xứng đáng với giá trị của bản thân.

Người ta là hoa đất – Mẫu 6

Những câu tục ngữ gửi gắm nhiều lời khuyên dạy quý giá của ông cha ta để lại cho con cháu. Và một trong số đó có thể kể đến câu “Người ta là hoa đất” khẳng định giá trị của con người.

Tuy ngắn gọn, nhưng câu tục ngữ lại giàu ý nghĩa. Trước hết “đất” là nguồn tài nguyên quý giá, nơi sinh sống và sản xuất của con người. Còn “hoa” vốn được coi là biểu tượng của cái đẹp, được kết tinh từ những gì tinh túy nhất của cây cối. Vậy nên, “hoa đất” chính là mạch nguồn của sự sống, chứa đựng những điều đẹp đẽ nhất. Cách so sánh “người ta là hoa đất” muốn khẳng định rằng giá trị to lớn của con người.

M. Gorky đã từng phải thốt lên: “Kì diệu thay hai tiếng Con Người”. Quả vậy, con người chính là sản phẩm vĩ đại nhất của tạo hóa. Bởi không chỉ có bản năng, con người còn có trí tuệ. Điều đó đã giúp con người tiến hóa để sáng tạo ra những thành tựu to lớn như ngày hôm nay. Chẳng có bất cứ khó khăn nào cản bước nổi con người đạt được điều mình mong muốn.
Mỗi con người sinh ra đã là một cá thể độc lập, được thượng đế tạo ra với một sứ mệnh riêng. Quan trọng, chúng ta cần phải ý thức được và hoàn thành tốt sứ mệnh ấy. Con người cần sống một cuộc đời có nghĩa. Cho dù chỉ là một hạt cát nhỏ bé, cũng là một hạt cát góp phần tạo nên một sa mạc mênh mông, chứ không phải bị cuốn bay theo gió bụi. Các bậc vĩ nhân như Lê-nin hay Hồ Chí Minh, họ là những người có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân loại nên rất đáng ngưỡng mộ và trân trọng. Nhưng ngay cả những người bình thường cũng có thể lựa chọn cho mình cách sống ý nghĩa để khiến cho mọi người xung quanh cảm thấy yêu mến, tự hào.

Khi xã hội phát triển, con người đã phát triển công nghệ để giải phóng sức lao động cho chính mình. Dù vậy, thì giá trị của con người vẫn nguyên vẹn. Bởi trí tuệ là thứ không thể thay thế được.

Tóm lại, qua câu “Người ta là hoa đất”, mỗi người phải biết trân trọng sự sống, giá trị của bản thân. Cũng giống như câu nói của Xukhôm linxki: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác”.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 7

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!