Đoạn văn phân tích 2 khổ cuối Đoàn thuyền đánh cá (3 mẫu)
Đoạn văn phân tích 2 khổ cuối Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận gồm 3 đoạn văn mẫu hay nhất. Qua đó, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều ý tưởng mới để hoàn thiện đoạn văn của mình thật hay, thật sinh động.
Bạn đang xem: Đoạn văn phân tích 2 khổ cuối Đoàn thuyền đánh cá (3 mẫu)
Hai khổ cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá khắc họa thành công hình ảnh kéo lưới lúc mờ sáng và cảnh đoàn thuyền trở về trong niềm vui hân hoan, khoang đầy ắp cá. Vậy mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của THPT Nguyễn Đình Chiểu để chuẩn bị thật tốt kiến thức Ngữ văn 9.
Đề bài: Đoạn văn phân tích hai khổ thơ cuối Đoàn thuyền đánh cá
Đoạn văn phân tích 2 khổ cuối Đoàn thuyền đánh cá
Nếu như trong những khổ thơ đầu, nhà thơ Huy Cận miêu tả cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi và cảnh đánh bắt trên biển thì hai khổ thơ cuối lại tập trung khắc họa cảnh kéo lưới và trở về. Hoạt động kéo lưới được diễn ra khi trời gần sáng, “sao mờ”. Công việc thu hoạch cá được thực hiện trong không khí khẩn trương, hối hả để cho” kịp trời sáng” . Câu thơ “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng” không chỉ gợi ra thành quả lao động đầy tự hào “chùm cá nặng” mà còn thể hiện được sự khỏe khoắn, dẻo dai của những người ngư dân. Trong công việc lao động, con người vẫn hiện lên với những vẻ đẹp thật đáng trân trọng, đó là tinh thần lao động hăng say, đó còn là sức mạnh và sự tự tin, chủ động trong công việc. Khổ thơ cuối cùng là cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong niềm hân hoan, vui mừng. “Gió khơi” của tự nhiên hòa cùng “câu hát” của con người đã thổi căng cánh buồm để đưa đoàn thuyền về với đất liền “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời để trở về cho kịp trời sáng. Và khi “Mặt trời đội biển nhô màu mới” cũng là khi đoàn thuyền cập bến. “Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi” không chỉ diễn tả vẻ đẹp của những con cá dưới ánh nắng mặt trời mà còn gợi ra khung cảnh tráng lệ trên biển khi rạng đông. Hai khổ thơ cuối đã nối tiếp hành trình đánh bắt và khép lại công việc lao động của những người ngư dân sau một ngày dài trên biển.
Đoạn văn phân tích hai khổ thơ cuối Đoàn thuyền đánh cá
“Đoàn thuyền đánh cá” là khúc tráng ca của người lao động trên biển. Trong hai khổ thơ cuối của bài thơ, nhà thơ Huy Cận đã tái hiện cảnh kéo lưới lúc mờ sáng và khi đoàn thuyền đánh cá trở về trong buổi sáng bình minh. Sau một đêm lao động trên biển, khi “sao mờ”, trời chuẩn bị sáng, những người ngư dân bắt đầu kéo lưới, thu hoạch những thành quả sau một đêm đánh bắt hăng say, chăm chỉ. Bằng những hành động mạnh mẽ, khỏe khoắn của người ngư dân “xoăn tay” đã kéo được những “chùm cá nặng”. Đó là những thành quả đầy tự hào sau một ngày đánh bắt trên biển. Hình ảnh những con cá “vảy bạc đuôi vàng” không chỉ là hình ảnh tả thực mà còn ẩn dụ cho vẻ đẹp của biển cả. Hoàn thành công việc kéo lưới, những người ngư dân sắp xếp lại dụng cụ, phương tiện đánh bắt để trở về đất liền “Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”. Đoàn thuyền trở về như một con chiến mã đang “chạy đua cùng mặt trời”, cánh buồm no gió đưa đoàn thuyền ra khơi nay lại thâu góp gió và hòa cùng câu hát ngân vang của con người để đưa đoàn thuyền trở về. Đoàn thuyền đánh cá lướt nhanh, mạnh mẽ trên biển như “chạy đua cùng mặt trời”. Khi mặt trời “đội biển nhô màu mới”, những ánh nắng đầu tiên của một ngày bắt đầu chiếu xuống mặt đất cũng là khi đoàn thuyền trở về trong niềm hân hoan, rộn rã. Câu thơ “Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi” đã thể hiện niềm vui sướng, hạnh phúc của người lao động sau một ngày làm việc hăng say. Qua hai khổ thơ cuối, nhà thơ Huy Cận đã tái hiện sống động không khí kéo lưới và niềm hạnh phúc, hân hoan khi đoàn thuyền đánh cá mang theo “chùm cá nặng” trở về.
Đoạn văn phân tích hai khổ thơ cuối bài Đoàn thuyền đánh cá
Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”đã ghi lại một hành trình từ khi ra khơi khi hoàng hôn buông xuống, đánh cá trong đêm trăng và trở về khi bình minh vừa ló rạng. Hai khổ cuối của bài thơ đã tái hiện lại khung cảnh kéo lưới và khi đoàn thuyền đánh cá mang theo những mẻ cá đầy trở về với đất liền. Khi ánh sao mắt đầu mờ dần, màn đêm cũng nhạt màu dần để nhường chỗ cho ngày mới là lúc những người ngư dân kéo lưới. Chữ “kịp” trong câu thơ “Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng” đã gợi ra không khí hối hả, khẩn trương của những người ngư dân khi thu hoạch cá. Thành quả sau một đêm làm đánh bắt hăng say là những “chùm cá nặng”. Những con cá “vẩy bạc đuôi vàng” không chỉ gợi ra vẻ đẹp của những con cá, thành quả sau một đêm đánh bắt mà còn cho thấy sự giàu có, trù phú của biển. Hành động “kéo xoăn tay” thể hiện sự khỏe khoắn, khéo léo của những người lao động lành nghề. Những hành động xếp lưới, căng buồm cũng được thực hiện nhanh chóng để chuẩn bị cho đoàn thuyền trở về. Khi đoàn thuyền đánh cá trở về, gió biển đã thổi căng cánh buồm, đưa đoàn thuyền lướt nhanh trên mặt biển để “chạy đua cùng mặt trời”, gió khơi cũng đưa những câu hát ngân vang của người ngư dân vang xa trên biển. Bằng bút pháp lãng mạn, nhà thơ Huy Cận đã dựng lên bức tranh thiên nhiên tráng lệ, huy hoàng của thiên nhiên, con người lao động khi trời sáng, con người trở về trong niềm vui chiến thắng.
Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu
Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 9