Đề cương ôn thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 năm 2021 – 2022
Đề cương ôn tập Ngữ văn 8 giữa kì 2 năm 2021 – 2022 là tài liệu cực kì hữu ích tổng hợp toàn bộ kiến thức, các dạng bài tập trọng tâm trong chương trình Ngữ văn.
Đề cương ôn tập Văn 8 giữa học kì 2 là tài liệu vô cùng quan trọng giúp cho các bạn học sinh có thể ôn tập tốt cho kì thi giữa học kì 2 sắp tới. Đề cương ôn thi giữa kì 2 Văn 8 được biên soạn rất chi tiết, cụ thể với những dạng bài tập được trình bày một cách khoa học. Vậy sau đây là nội dung chi tiết Đề cương Văn 8 giữa kì 2, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.
Bạn đang xem: Đề cương ôn thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 8 năm 2021 – 2022
Đề cương ôn tập Văn 8 giữa học kì 2 năm 2021 – 2022
I. Phần Văn
1. Học thuộc các bài thơ: Nhớ rừng, Quê hương, Khi con tu hú, Tức cảnh Pác Bó, Ngắm trăng, Đi đường.
Nắm vững tác giả, thể loại, giá trị nội dung chủ yếu của các bài thơ trên.
2. Đọc lại văn bản “Chiếu dời đô”.
Nắm được đặc điểm cơ bản của thể chiếu và đặc điểm riêng của bài “Chiếu dời đô”.
– Chứng minh “Chiếu dời đô” có sức thuyết phục mạnh mẽ.
– Vì sao nói “Chiếu dời đô” ra đời phản ánh ý chí độc lập, tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt.
II. Phần Tiếng Việt
* Lý thuyết:
Nắm vững đặc điểm hình thức và chức năng của các kiểu câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán, trần thuật, phủ định.
* Thực hành:
1. Đọc các đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
– Xác định kiểu câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán, trần thuật, phủ định.
– Nêu cụ thể chức năng từng câu.
– Trong các câu phủ định, câu nào là phủ định miêu tả, câu nào là phủ định bác bỏ?
a) Ôi Tào Khê! Nước Tào Khê làm đá mòn đấy! Nhưng dòng nước Tào Khê không bao giờ cạn chính là lòng chung thuỷ của ta!
b) Tôi bật cười bảo lão:
– Sao cụ lo xa quá thế ? Cụ còn khỏe lắm, chưa chết đâu mà sợ. Cụ cứ để tiền ấy mà ăn, lúc chết hãy hay! Tội gì bây giờ nhịn đói mà tiền để lại?
– Không, ông giáo ạ! Ăn mãi hết đi thì đến lúc chết lấy gì mà lo liệu?
2. Đặt hai câu nghi vấn không dùng để hỏi, một câu yêu cầu và một câu bộc lộ tình cảm.
3. Viết một đoạn đối thoại ngắn có sử dụng cả bốn kiểu câu đã học (trần thuật, nghi vấn, cầu khiến, cảm thán).
III. Phần tập làm văn
* Lý thuyết:
1. Văn bản thuyết minh có vai trò và tác dụng như thế nào trong đời sống?
2. Văn bản thuyết minh có những tính chất gì khác với văn bản tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận?
3. Muốn làm tốt bài văn thuyết minh, cần phải chuẩn bị những gì?
4. Những phương pháp thuyết minh nào thường được chú ý vận dụng?
* Thực hành:
Lập dàn ý của các đề bài sau đây:
1. Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em.
2. Giới thiệu một loài hoa ngày Tết.
3. Thuyết minh một trò chơi dân gian.
Phần 4: Bài tập tổng hợp
PHIẾU HỌC TẬP SỐ 1
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi: Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Câu 1: Đoạn thơ trên trích trong văn bản nào? Của tác giả nào? Hãy giới thiệu về tác giả và văn bản đó? Câu 2: Hãy xác định từ loại của từ “gậm”, “khối căm hờn” . Nêu cách hiểu của em về từ “gậm”, “khối căm hờn” và nêu tác dụng của cách dùng từ này? Câu 3: Ta có thể thay từ “gậm” bằng từ “ngậm” và từ “ khối” bằng từ “nỗi” được không? Câu 4: Tư thế “ nằm dài trông ngày tháng dần qua” nói lên tình thế gì của con hổ? Câu 5: Nêu tác dụng của việc lựa chọn trật tự từ của tác giả trong đoạn thơ? Câu 6: Nhà thơ tả tâm trạng của con hổ với dụng ý nghệ thuật gì? Câu 7: Trình bày cảm nhận của em về khổ thơ trên theo kiểu diễn dịch trong đó có sử dụng một kiểu câu đã học chỉ rõ và gạch chân kiểu câu đó?
|
PHIẾU HỌC TẬP SỐ 2
Cho câu thơ: “ Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng” Câu 1: Hãy chép tiếp những câu thơ để hoàn thiện khổ thơ? Câu 2: Cho biết đoạn thơ em vừa chép thuộc bài thơ nào? Của ai? Câu 3: Nêu nội dung chính của khổ thơ em vừa chép? Câu 4: Nhận xét cách sử dụng từ ngữ của tác giả trong đoạn thơ và phân tích tác dụng? Câu 5: Nêu cảm nhận của em về hình ảnh con hổ trong đoạn thơ bằng một đoạn văn diễn dịch khoảng 7 đến 10 câu trong đó có sử dụng một câu nghi vấn gạch chân câu nghi vấn đó?
|
PHIẾU HỌC TẬP SỐ 3
Cho câu thơ: “ Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối” Câu 1: Hãy chép tiếp 9 câu thơ để hoàn thiện khổ thơ? Câu 2: Nêu nội dung chính của đoạn thơ em vừa chép? Câu 3: Trong đoạn thơ em vừa chép, kiểu câu phân theo mục đích nói nào được sử dụng nhiều nhất? Chúng được dùng trực tiếp hay gián tiếp? Nêu ngắn gọn hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng kiểu câu ấy trong việc biểu đạt nội dung đoạn thơ? Câu 4: “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?” thuộc kiểu câu gì? (xét theo mục đích nói) Câu 5: Viết một đoạn văn từ 7 đến 10 câu trình bày theo cách diễn dịch cảm nhận đoạn thơ trên?( có một câu nghi vấn dùng để bộc lộ cảm xúc.) |
PHIẾU HỌC TẬP SỐ 4
Hãy đọc lời nhận xét sau: “Nhà thơ phản ánh rất thành công nỗi bất bình sâu sắc và niềm tự khao khát tự do mãnh liệt của chúa sơn lâm trước thực tại tù túng, ngột ngạt. Bút pháp khoa trương của tác giả đã đạt tới độ thần diệu trong cảnh giam cầm, hổ chỉ cần biết gửi hồn về chốn nước non hùng vĩ, giang sơn của giống hầm thiêng ngự tại thuở ngàn xưa. Bất bình với hiện tại nhưng không thể thoát khỏi xiềng xích nô lệ. Vị chúa tể sơn lâm đầy uy vũ ngày nào giờ đành buông xuôi, tự an ủi mình bằng những giấc mộng ngàn to lớn trong quãng đời tù túng còn lại. Một nỗi buồn tê tái thấm đẫm tâm hồn. Than ôi! Quá khứ hào hùng oanh liệt giờ chỉ còn hiện lên trong giấc mộng! Tự đáy lòng vị chúa tể rừng xanh bật thốt lên tiếng than ân oán: “Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!” Câu 1: Lời nhận xét viết về bài thơ nào? Tác giả là ai? Câu 2: Em hãy chép nguyên văn 4 câu thơ mà em thích trong bài thơ ấy? Nêu lí do vì sao em thích? Câu 3: Câu thơ “Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!” thuộc kiểu câu gì? Câu 4: Vì sao nói bài thơ trên thể hiện được lòng yêu nước thầm kín của người dân mất nước thuở ấy? Theo em thế hệ trẻ ngày nay phải làm gì để thể hiện lòng yêu nước của mình? |
ĐỀ DƯỚI ĐÂY DÀNH CHO CÁC BẠN TRONG ĐỘI TUYỂN VĂN
Đề số 1: “ Nhớ rừng của Thế Lữ: Mượn lời con hổ bị nhốt ở vườn bách thú để diễn tả sâu sắc nỗi chán ghét thực tại tầm thường, tù túng và niềm khát khao tự do mãnh liệt bằng những vần thơ tràn đầy cảm xúc lãng mạn. Bài thơ đã khơi gợi lòng yêu nước thầm kín của người dân mất nước thuở ấy”.( Ngữ văn 8- tập 2). Hãy phân tích bài thơ Nhớ rừng để làm sáng tỏ ý kiến trên.
(Từ dàn ý, gợi ý dưới đây, viết thành một bài văn hoàn chỉnh)
Dàn bài:
1, Mở bài: Giới thiệu tác giả, văn bản. Trích dẫn nhận định.
2, Thân bài:
Luận điểm 1: Bài thơ nói lên cảnh sống tù túng của con hổ ở vườn bách thú
– Vốn là chúa tể của muôn loài, đang tung hoành chốn núi non hùng vĩ nay bị nhốt trong cũi sắt, hổ thấy tù túng và ngột ngạt.
– Hổ trở thành trò lạ mắt, thứ đồ chơi cho lũ người ngạo mạn, ngẩn ngơ hết ngày này sang ngày khác.
– Hổ phải chịu ngang bầy cùng bọn gấu ngẩn ngơ và với cặp báo chuồng bên vô tư lự.
– Hổ nhớ đến những ngày mình sống tự do, nơi núi cao, rừng thẳm…
– Cảnh vườn bách thú hiện ra trước mắt hổ thật đáng chán, đáng khinh, đáng ghét. Tất cả chỉ là đơn điệu, nhàm tẻ không đời nào thay đổi. Đều chỉ là nhân tạo, do bàn tay sửa sang, tỉa tót của con người nên tầm thường giả dối chứ không phải là thế giới của tự nhiên to lớn, mạnh mẽ, bí hiểm.
Luận điểm 2: Bài thơ đã diễn tả được cảnh con hổ trong chốn giang sơn hùng vĩ qua (đoạn 2 và 3)
– Đó là cảnh đại ngàn cái gì cũng lớn lao, cũng phi thường.
– Đó là chốn ngàn năm cao cả âm u, là cảnh nước non hùng vĩ, là oai linh ghê gớm…
– Trên cái phông nền rừng núi hùng vĩ đó, hình ảnh con hổ hiện ra nổi bật với vẻ đẹp oai phong lẫm liệt. Khi rừng thiêng tấu lên khúc trường ca dữ dội thì con hổ cũng bước chân lên với một tư thế dõng dạc đường hoàng.
– Đó là cảnh “ bình minh cây xanh nắng gội” chan hòa ánh sáng rộn rã tiếng chim ca hát cho giấc ngủ của chúa sơn lâm.
Luận điểm 3: Bài thơ đã khơi gợi lòng yêu nước thầm kín của người dân mất nước thuở ấy.
– Cảnh vườn bách thú “ tầm thường giả dối” và tù túng dưới mắt con hổ đó chính là thực tại xã hội đương thời được cảm nhận bởi những tâm hồn lãng mạn.
– Tác giả đã đặt thế giới thực tại chật chội, tù túng và u ám bên cạnh thế giới oai hùng trước đây của chúa sơn lâm nhằm thể hiện nỗi bất hòa sâu sắc với thực tại và niềm khát khao tự do mãnh liệt của nhân vật trữ tình.
Luận điểm 4: Đánh giá về nghệ thuật của bài thơ.
– Bài thơ đầy nhạc tính, âm điệu dồi dào, cách ngắt nhịp linh hoạt. Giọng thơ thì u uất, bực dọc, dằn vặt, khi thì say sưa, tha thiết, hùng tráng, song tất cả vẫn nhất quán liền mạch và đều tràn đầy cảm xúc.
– Cả bài thơ tràn đầy cảm hứng lãng mạn; mạch cảm xúc sôi nổi, cuồn cuộn cứ tuôn trào dưới ngòi bút của nhà thơ.
3, Kết bài: Khẳng định lại vấn đề
Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu
Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 8