Lớp 9

Cảm nhận về truyện ngắn Làng của Kim Lân

TOP 4 bài Cảm nhận về truyện ngắn Làng của Kim Lân, kèm theo dàn ý chi tiết, giúp các em học sinh lớp 9 tích lũy vốn từ để nhanh chóng hoàn thiện bài văn cảm nhận truyện ngắn Làng thật hay.

Làng của Kim Lân

Bạn đang xem: Cảm nhận về truyện ngắn Làng của Kim Lân

Thông qua 4 bài cảm nhận truyện ngắn Làng của Kim Lân, sẽ giúp các em thấy được tình yêu làng, yêu nước sâu nặng của nhân vật ông Hai. Chi tiết mời các em cùng tham khảo bài viết dưới đây của THPT Nguyễn Đình Chiểu để đạt kết quả cao trong bài kiểm tra, bài thi sắp tới.

Dàn ý cảm nhận về truyện ngắn Làng của Kim Lân

1. Mở bài

  • Sơ lược về Kim Lân và phong cách sáng tác của ông.
  • Giới thiệu truyện ngắn Làng.

2. Thân bài

a. Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa nhan đề:

  • Viết năm 1948, là truyện ngắn viết về đề tài người nông dân trong giai đoạn những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
  • Nhan đề Làng có tính khái quát, chỉ chung cho nông thôn Việt Nam, gợi ra hình ảnh làng quê dân dã, với những người nông dân cần cù chân chất, khơi gợi tình yêu thương, gắn bó trong tâm hồn mỗi con người

b. Nhân vật ông Hai trước khi nghe tin Làng theo giặc:

  • Yêu và gắn bó với làng tha thiết.
  • Một lòng hướng về làng, ông đi khoe khắp nơi về làng của mình để vơi bớt nỗi nhớ thương, ông hào hứng kể về làng Chợ Dầu, tự hào về một ngôi làng có truyền thống cách mạng.

=> Tình yêu làng vô bờ bến, cùng với tấm lòng tin tưởng vào cách mạng sâu sắc.

c. Khi ông Hai nghe tin Làng theo giặc:

  • Sửng sốt, đau đớn, không tin làng theo giặc, hy vọng những tin tức mình nghe được là lầm.
  • Sao khi nhận được câu trả lời thì ông Hai dường như bị rút hết tất cả sức lực, hy vọng và tình yêu nồng nàn của ông với làng, ông xấu hổ, ông đau khổ và cảm thấy chưa lúc nào lại đắng cay đến độ này => Khóc.
  • Ông khổ sở, ông không dám bước ra gặp ai, trở nên cáu bẳn, gắt gỏng với cả vợ con, ông trằn trọc không thể nào ngủ yên giấc, rồi trở nên nhạy cảm với tất cả lời bàn tán, sợ hãi việc bị đuổi đi trong nhục nhã,…
  • Quyết tâm không trở về làng, dù có yêu làng thế nào đi chăng nữa, nhưng làng đã theo giặc thì phải thù.

=> Ông là người rạch ròi biết phân biệt phải trái, tấm lòng trung trinh với cách mạng không đổi dời khiến người ta phải kính nể.

d. Tâm trạng ông Hai khi nghe tin cải chính:

  • Phấn khởi và vui mừng khôn xiết, ông như được hồi sinh.
  • Hào hứng khoe chuyện nhà mình bị giặc đốt nhắn, chứng tỏ sự hy sinh cho cách mạng.
  • Vội vàng đi khắp nơi đính chính hùng hồn để minh oan cho làng và cho bản thân.

3. Kết bài:

  • Nêu cảm nhận.

Cảm nhận của em về truyện ngắn Làng

Nhà văn Kim Lân được biết đến là nhà văn của nông dân và nông thôn Việt Nam. Những trang viết của ông luôn mang sự gần gũi, giản dị, gắn liền với hình ảnh con người, làng quê Việt Nam. Đến với truyện ngắn “Làng”, ta lại bắt gặp chân dung người nông dân Việt Nam chất phác, mang lòng yêu quê hương, yêu nước sâu sắc qua hình ảnh nhân vật ông Hai.

Ông Hai – nhân vật chính của toàn bộ câu chuyện- đã được tác giả Kim Lân khắc họa chân thực, mang trong mình tình yêu làng chân chất, tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt. Tình huống truyện éo le được đặt ra khi gia đình ông Hai phải đi tản cư do quân Pháp đến đánh chiếm làng. Dù không ở lại, nhưng trong lòng ông Hai vẫn luôn đau đáu nhớ làng, luôn nghe ngóng mọi tin tức về làng Chợ Dầu của mình. Trớ trêu thay, ông Hai lại nghe được tin Làng Chợ Dầu của mình đi theo giặc. Đau đớn, tủi hổ, ông Hai không còn tin vào tai mình khi bắt đầu nghe tin làng quê mình theo Tây. Lòng yêu làng từ trước đến nay không bao giờ thay đổi, tình yêu đó là nỗi nhớ mong khi phải xa, là niềm đau đáu mỗi khi nhớ về những kỉ niệm cùng anh em ở làng đào hào, đắp ụ…Mà giờ đây, ông Hai lại phải đứng giữa lựa chọn giữa tình yêu làng và tình yêu nước. Và ông đã khẳng định chắc nịch “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Vậy là, niềm tin tưởng vào ánh sáng của Cách mạng, của Cụ Hồ của ông Hai dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn bền chắc nhất, cho dù nó là sự đánh đổi một tình yêu thiêng liêng với mảnh đất quê hương chôn rau cắt rốn. Sự lựa chọn ấy đã thể hiện rõ nhất tình yêu cũng như niềm tin tưởng vào ánh sáng của Đảng của người dân Việt Nam. Cuối cùng, ông Hai lại như vỡ òa trong niềm sung sướng khi nghe tin cải chính, nghe tin làng mình không những không theo Tây mà còn đứng lên đấu tranh rất kiên cường.

Truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân đã thể hiện nổi bật và rõ nét phẩm chất, niềm tin của người nông dân Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Pháp, được thể hiện rõ qua hành động, suy nghĩ của nhân vật ông Hai. Tình huống truyện đã đặt nhân vật vào một sự lựa chọn không hề dễ dàng. Tình yêu nào cũng là thiêng liêng và đáng trân trọng, và nhất là tình yêu quê hương, yêu đất nước. Nhưng thật trớ trêu khi hai tình cảm thiêng liêng nhất ấy lại đặt ra cho người nông dân chất phác, hiền lành phải có sự lựa chọn. Và cuối cùng, tình yêu nước đã chiến thắng tất cả. Ông Hai quả thực là một người nông dân chân chất, điển hình cho hình ảnh những người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Khi xa quê, ông cũng luôn tự hào mà nhớ về những ngày tháng cùng anh em trong làng lao động, đào hào, đắp ụ…Và dù xa quê, ông vẫn luôn mong ngóng ngày trở về. Nhưng khi nghe tin làng theo giặc, thì một sự sụp đổ về niềm tin đã làm ông Hai đau lòng và tủi hổ biết bao nhiêu. Sự xấu hổ đến tột cùng khi nghe tin làng theo Tây làm “Cổ họng ông nghẹn ắng. Da mặt tê rân rân”. Ông xấu hổ, vì ông thấy mình xuất thân từ làng mang mác theo giặc, xấu hổ vì lòng tự trọng của một con người yêu quê biết bao mà quê mình lại phản Cách mạng. Qua cuộc trò chuyện với đứa con nhỏ, ông Hai càng thêm khẳng định một niềm tin chắc nịch về niềm tin với Đảng và với Bác Hồ. Khi nghe tin cải chính, ông Hai đã như vỡ òa trong niềm sung sướng. Có thể theo lẽ bình thường, khi nghe tin nhà mình bị đốt, người ta sẽ phải ngậm ngùi mà tiếc của, xót xa mà kêu than. Nhưng, ông Hai lại khác, ông cứ đi khoe hết cho người nọ người kia về việc nhà mình đã bị đốt. Đó tưởng chừng như sự vô lý, nhưng đặt vào hoàn cảnh của nhân vật lại vô cùng hợp lý. Ông Hai muốn khoe về việc nhà mình bị đốt, như là một minh chứng rõ ràng cho việc làng Chợ Dầu quê ông không theo giặc. Vậy là, sự mất mát của cá nhân đã bị quên đi để thay vào đó là niềm tự hào cho quê hương chợ Dầu.

Qua tác phẩm, nhà văn Kim Lân đã khắc họa chân thực và nổi bật nhân vật ông Hai tiêu biểu cho hình ảnh những người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Họ là những con người hết sức bình dị, chân chất, nhưng ẩn sâu đằng sau đó là một tình yêu quê hương đất nước mãnh liệt. Cách mạng và kháng chiến đã đem lại nhận thức, tình cảm mới mẻ, mang đến niềm tin vững bền cho người nông dân. Tình cảm truyền thống yêu quê hương bao đời nay của người nông dân đã được nâng lên thành tình yêu nước sâu sắc. Đó cũng chính là tiền đề để tạo nên sức mạnh nhân dân, để có thể đánh thắng, đánh tan mọi kẻ thù xâm lược.

Tác giả Kim Lân đã vận dụng sáng tạo và thành công cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, cách miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật chân thực mà điêu luyện. Tác giả đã để cho nhân vật của mình trải qua những đấu tranh về mặt tâm lý, để nhân vật đưa ra những suy nghĩ, lựa chọn mang tính bước ngoặt cho câu chuyện. Truyện ngắn “Làng” cũng đã rất thành công khi xây dựng được hình ảnh nhân vật ông Hai tiêu biểu cho phẩm chất của người nông dân Việt Nam thời bấy giờ. Dù là ngày ấy hay bây giờ, thì tình yêu quê hương, yêu đất nước luôn cần được giữ gìn và phát huy.

Cảm nhận về truyện ngắn Làng của Kim Lân

“Làng quê”, hai tiếng thật êm đềm và thân thuộc biết bao. Đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ hướng ngòi bút của mình về giếng nước, gốc đa, con đò… hướng về những người nông dân thật thà, chất phác. Kim Lân là một trong những nhà văn viết truyện ngắn và khai thác rất thành công về đề tài này. Truyện ngắn “Làng” là một truyện ngắn thành công của Kim Lân gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ về những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp.

Kim Lân vốn am hiểu và gắn bó sâu sắc với cuộc sống và con người ở nông thôn Việt Nam nên các truyện gắn của ông thường gây ấn tượng độc đáo, rất giản dị, chân chất về đề tài này. Truyện ngắn Làng cũng vậy, truyện ra đời trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948, tại chiến khu Việt Bắc. Câu chuyện xoay quanh nhân vật ông Hai và tình yêu làng Chợ Dầu. Với những chuyển biến trong nhận thức và suy nghĩ, ông Hai đã trở thành một điển hình của người nông dân Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám.

Như bao con người Việt Nam khác, ông Hai cũng có một quê hương yêu thương, gắn bó. Làng Chợ Dầu luôn là niềm tự hào và là kiêu hãnh của ông. Ông luôn khoe về làng mình, đức tính ấy như đã trở thành bản chất. Ông cũng như mọi người nông dân Việt Nam khác, có quan niệm rằng “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, đối với họ, không có bất cứ đâu đẹp hơn nơi chôn rau cắt rốn của mình. Trước cách mạng, mỗi khi kể về làng, ông đều khoe về cái sinh phần của viên tổng đốc sừng sững ở cuối làng. Sau Cách mạng, làng ông đã trở thành làng kháng chiến, ông đã có nhận thức khác. Ông Hai không còn khoe về cái sinh phần ấy nữa mà ông lấy làm hãnh diện với sự cách mạng của quê hương, về việc xây dựng làng kháng chiến của quê mình. Ông khoe làng có “những hố, những ụ, những giao thông hào”, “có cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa, rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh thì cao bằng ngọn tre, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy”… Kháng chiến bùng nổ, ông Hai bất đắc dĩ phải rời làng đi tản cư. Trong những ngày buộc phải rời xa làng tâm trí ông luôn nhớ về nơi ấy, về những anh em đồng chí của mình, ông muốn “cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào,khuân đá…’’.

Ở nơi tản cư, ông luôn đến phòng thông tin để theo dõi và mong ngóng tin tức về làng nhằm nguôi ngoai nỗi nhớ. Trong lúc mong tin làng, những tin vui chiến thắng ở khắp nơi khiến ông vui sướng vô cùng, “ruột gan cứ múa cả lên”. Khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc từ người đàn bà đi tản cư, ông Hai vô cùng sửng sốt, “cổ họng ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được” . Đến khi nghe kể rành rọt, không thể không tin vào điều xấu ấy, niềm tin và tình yêu bấy lâu nay của ông về làng như sụp đổ. Ông đã “gầm mặt xuống”, đánh trống lảng rồi bước đi như kẻ trốn nợ. Về đến nhà, nhìn thấy các con, càng nghĩ càng tủi hổ vì chúng nó “cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi”. Ông giận những người ở lại làng, nhưng điểm mặt từng người nhưng lại không tin họ theo giặc. Mấy hôm liền, ông không dám đi đâu vì xấu hổ, luôn bị ám ảnh cái tinh khủng khiếp ấy và hay hốt hoảng giật mình. Những ngày này mâu thuẫn nội tâm trong con người ông Hai diễn ra một cách quyết liệt và ngày càng dâng cao. Đã có lúc ông nghĩ đến việc “quay về làng” nhưng ông đã dứt khoát “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ”, “làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Tuy quyết định như thế nhưng ông vẫn rất đau đớn xót xa. Tất cả những cử chỉ của ông Hai khẳng định tình yêu làng của ông đã hòa quyện vào cuộc kháng chiến của dân tộc và ông sẽ gắn bó cả cuộc đời với nó bằng suy nghĩ và hành động. Tình cảm đối với kháng chiến, đối với cụ Hồ được bộc lộ một cách cảm động nhất khi ông trút nỗi lòng vào lời nói với đứa con út ngây thơ: “Bố con mình theo kháng chiến, theo Cụ Hồ con nhỉ?” để giãi bày tâm sự, trút bỏ, an ủi lòng mình. Đồng thời, ông cũng truyền cả tình yêu nước sang cho con mình và khẳng định tình cảm của bố con ông với kháng chiến, với Cụ Hồ là trước sau như một.

Đau khổ là thế, lo âu là thế nhưng cái tin làng Chợ Dầu theo giặc đã được cải chính. Niềm vui trong ông Hai như vỡ òa. Ông chạy đi khoe ngay với bác Thứ rồi gặp bất cứ ai ông cũng khoe Tây đã đốt nhà mình như muốn chứng minh làng mình không theo giặc với tất cả niềm tin và tình cảm của ông. Đối với ông hai cũng như mọi người nông dân khác, con trâu, mảnh ruộng, gian nhà là vô cùng quý giá nhưng họ thà mất đi tất cả chứ không chịu mất nước và ý chí ý đã trở thành một truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta.

Cách mạng và sự nghiệp kháng chiến đã tác động mạnh mẽ, đem lại những nhận thức, những tình cảm mới lạ cho những người nông dân. Từ đó khiến họ nhiệt tình tham gia kháng chiến và tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng, vào lãnh tụ. Ở nhân vật ông Hai, tình cảm đẹp đẽ có tính chất truyền thống của người nông dân Việt Nam là tình yêu làng quê đã được nâng lên thành tình yêu nước. Sự hòa quyện và gắn bó của tình yêu quê hương và tình yêu đất nước là nét mới mẻ trong nhận thức của người nông dân, của quần chúng cách mạng trong giai đoạn văn học chống Pháp.

Với kết cấu đơn giản, xoay quanh nhân vật ông Hai với tình yêu làng sâu sắc, “Làng” đã để lại trong lòng người đọc nhiều ý vị sâu sắc. Làng Nhà văn Kim Lân đã xây dựng rất thành công nhân vật ông Hai với các phẩm chất tốt đẹp của người nông dân. Đồng thời nhà văn còn khôn khéo xây dựng tình huống thử thách làm bộc lộ chiều sâu tâm trạng của nhân vật. Tác giả đã miêu tả đặc biệt tài tình nội tâm của nhân vật với những suy nghĩ phức tạp, giằng xé. Tác giả đẩy các chi tiết đến cao trào rồi giải quyết một cách nhẹ nhàng, thỏa đáng và có hậu, tạo hứng thú và bất ngờ cho người đọc, người nghe. Cách sử dụng từ ngữ địa phương mộc mạc, gần gũi với nông dân trong đối thoại, giao tiếp kết hợp với sự hiểu biết sâu sắc về cuộc sống của họ khiến những trang viết của Kim Lân thật gần gũi nhưng không kém phần sâu sắc.

Nhân vật ông Hai gây ấn tượng mạnh mẽ và để lại nhiều tình cảm tốt đẹp, sự yêu mến, trân trọng và cảm phục trong lòng người đọc. Tình yêu làng của ông Hai mang tinh chất truyền thống đã được nâng lên thành tình yêu nước nồng nàn như “ dòng suối đổ vào sông, dòng sông đổ vào dải trường giang Vônga, dòng sông Vôn Ga đi ra biển..”. Qua nhân vật ông Hai như là nông dân với những phẩm chất tốt đẹp bước từ đời thực vào tác phẩm, có được những biểu hiện cụ thể, sinh động về tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc.

“Làng” đã trở thành một truyện ngắn đặc sắc, Kim Lân đã thành công trong việc thể hiện những chuyển biến mới mẻ trong nhận thức và tình cảm của người dân Việt Nam. Nhân vật ông Hai đã trở thành một hình tượng điển hình cho những người nông dân Việt Nam cần cù, chất phác nhưng luôn cháy bỏng tình yêu quê hương, yêu đất nước. Họ đã góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng và là nhân tố trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Bản thân mỗi chúng ta cần phải học tập tấm gương của họ, ngày càng yêu thương quê hương, đất nước mình hơn.

Cảm nhận truyện ngắn Làng của Kim Lân

Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài sinh năm 1920, quê ở Bắc Ninh. Là nhà văn chuyên viết truyện ngắn, ông đã có sáng tác đăng báo từ trước Cách mạng tháng Tám. Am hiểu sâu sắc, gắn bó với nông dân và nông thôn, Kim Lân hầu như chỉ viết về sinh hoạt nông thôn và cảnh ngộ người nông dân. Truyện ngắn Làng là một trong những truyện ngắn hay nhất của Kim Lân được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1948). Đây là một tác phẩm độc đáo viết về lòng yêu nước của ông Hai, lòng yêu nước này xuất phát từ tình yêu quê hương, yêu nàng sâu sắc của ông. Tình cảm và ý nghĩa này đã trở thành phổ biến ở mỗi người nông dân Việt Nam ta trong những ngày đầu chống Pháp.

Ông Hai yêu cái làng Chợ Dầu của ông thật đậm đà, tha thiết, yêu đến nỗi đi đâu ông cũng khoe về cái làng của ông. Kể về làng Chợ Dầu, ông nói một cách say sưa mà không cần biết người nghe có chú ý hay không. Ông khoe làng ông có nhà ngói san sát, sầm uất, đường trong làng lát toàn bằng đá xanh, trời mưa đi từ đầu làng đến cuối xóm bùn không dính đến gót chân. Tháng 5 ngày mùa phơi rơm và thóc tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất ông còn tự hào về cái sinh phần của tổng đốc làng ông. Ông tự hào, vinh dự vì làng mình có cái nét độc đáo, có bề dày lịch sử. Nhưng khi cách mạng thành công, nó đã giúp ông hiểu được sự sai lầm của mình. Và từ đó, mỗi khi khoe về làng là ông khoe về những ngày khởi nghĩa dồn dập, những buổi tập quân sự có cụ râu tóc bạc phơ cũng vác gậy đi tập. Ông còn khoe cả những hố, những ụ, những hào,…lắm công trình không để đâu hết.

Chính cái tình huống ngặt nghèo khi giặc tràn vào làng, ông buộc phải xa làng. Xa làng ông mang theo tất cả nỗi niềm thương nhớ. Vì vậy, nên lúc tản cư, ông khổ tâm day dứt khôn nguôi. Quả thật, cuộc đời và số phận của ông Hai gắn bó buồn vui của làng. Tự hào và yêu nơi “chôn rau cắt rốn” của mình trở thành một truyền thống và tâm lí chung của mọi người nông dân thời bấy giờ. Có thể tình yêu nước của họ bắt nguồn từ cái đơn giản như: cây đa, giếng nước, sân đình…và nâng cao lên đó chính là: tình yêu đất nước. Tới đây, ta chợt nhớ đến câu nói bất hủ của nhà văn I-li-a-Ê-ren-bua: “lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Những ngày ở làng Thắng, ông Hai suốt ngày ra trụ sở để nghe ngóng tin tức về làng Chợ Dầu và ông nghe tin cả làng ông theo Tây. Cổ ông “nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân”. Ông lão lặng đi, tưởng như không thể thở được. Ông cảm thấy đau đớn và nhục nhã vì cái làng Chợ Dầu yêu quý của mình theo giặc. Ông nguyền rủa bọn theo Tây: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Cũng chính từ lúc ấy, ông không dám đi đâu hết, suốt ngày ru rú trong nhà và nghe ngóng tin tức: Đến khi mụ chủ nhà đến báo không cho gia đình ông ở nữa, ông thấy tuyệt đường sinh sống và ông nảy ra ý định: “hay là quay về làng?” nhưng rồi ý nghĩ đó lập tức bị ông lão phản đối ngay vì: “Làng thì yêu thật, nhưng Làng theo Tây thì phải thù”. Có thể nói, với ông Hai, làng và nước bây giờ đã trở thành đối địch. Hai tình cảm này đã dẫn đến cuộc xung đột nội tâm trong long ông. Nhưng trong đó, tình yêu đất nước được ông Hai đặt lên trên hết.

Phải thực sự am hiểu sâu sắc về con người, nhất là tâm lí của người dân thì Kim Lân mới diễn tả đúng tâm trạng nhân vật như vậy. Trong những ngày này, nỗi niềm và tâm sự của ông được thể hiện trong những lời trò chuyện của ông với đứa con út. Trò chuyện với con như là để thanh minh cho làng mình. Ông hỏi con: “Con ủng hộ ai?”. Thằng bé giơ tay mạnh bạo và rành rọt: “ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm”. Cái lòng của bố con ông là thế đấy, “chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”.

Thế rồi, một tin khác lại đính chính rằng làng ông không theo giặc. Những lo âu, xấu hổ tan biến. Thay vào đó là nỗi vui mừng, sung sướng. Ông đi từ đầu làng đến cuối xóm khoe cái tin làng mình không theo giặc, khoe cả cái việc nhà ông bị đốt cháy một cách sung sướng, hả hê: “Bác Thứ đâu rồi! Bác Thứ làm gì đấy? Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ! Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chính, ông ấy cho biết …cái tin, cái tin làng Chợ Dầu chúng tôi đi Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả”. Qua lời khoe của ông Hai, điều làm ta cảm động đó là ông không hề tiếc hay buồn khi ngôi nhà của ông bị đốt. Niềm vui vì làng không theo giặc đã choán hết tâm trí ông. Mọi đau khổ, buồn tủi đã được rũ sạch.

Quả thật, Kim Lân rất thành công trong việc khắc họa hình ảnh của ông Hai, một trong những người dân bấy giờ: đơn giản, chất phác, tiêu biểu cho tầng lớp nông dân Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám. Họ đã đặt tình yêu đất nước lên trên tình yêu làng. Kim Lân đã thành công trong nghệ thuật xây dựng truyện, nhất là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ nhân vật mà ông Hai là điển hình. Lời nói của ông Hai đúng là lời nói của những người nông dân thời bấy giờ, kể cả những từ dung sai: “Bác Thứ đâu rồi…Láo! Láo hết! Toàn sai sự mục đích cả”. Bên cạnh đó, Kim Lân còn thành công trong việc miêu tả tâm lí nhân vật. Diễn biến tâm lí của ông Hai từ đầu đến cuối truyện thật cảm động. Yêu làng đến nỗi đi đâu cũng khoe về làng. Khi biết làng bị tình nghi theo giặc thì ông đau khổ, tủi nhục. Khi biết làng mình không theo giặc, ông sung sướng, thậm chí còn khoe cả tin nhà mình bị đốt cháy một cách vui sướng, hả hê. Xây dựng được những chi tiết ấy, miêu tả sự phát triển tâm lí nhân vật như vậy, Kim Lân đã chứng tỏ được tài nghệ của mình.

Truyện Làng là một tác phẩm khá thành công viết về lòng yêu nước, yêu làng của người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp. Kim Lân đã thể hiện được tài năng của mình qua tác phẩm này. Đọc tác phẩm, ta hình dung được một thời kì chống Pháp sôi nổi của nhân dân, mọi người đồng lòng theo Bác, theo Đảng kháng chiến đến cùng. Vì vậy mà cuộc chiến của ta đã giành được thắng lợi vẻ vang.

Phát biểu cảm nghĩ về truyện ngắn Làng của Kim Lân

Kim Lân (1920-2007), quê ở tỉnh Bắc Ninh, nhà nghèo nên chỉ học đến hết cập một rồi nghỉ, ông viết truyện ngắn từ năm 21 tuổi, với giọng văn chân chất, hiền hậu, thấm đượm tình quê hương của một người con lớn lên từ đồng ruộng. Các tác phẩm của ông không nhiều thế nhưng rất sâu sắc, đặc biệt là các tác phẩm viết về nông thôn Việt Nam và người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Dù rằng mảnh đất về đề tài người nông dân đã được nhiều tác giả như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan khai thác gần như triệt để thế nhưng vào tay Kim Lân nó vẫn mang những nét riêng, mới lạ và hấp dẫn. Có được điều đó là bởi Kim Lân viết văn bằng một ngòi bút tỉ mẩn, cẩn trọng và sâu lắng, ông chú tâm đến những nét đẹp, những thay đổi trong đời sống tâm hồn của nhân vật. Đặc biệt trong tác phẩm của mình, dẫu rằng ông có viết về cái nghèo khó, cái hiện thực tàn khốc của xã hội thế nhưng nó lại không phải là nội dung chính Kim Lân muốn tố cáo hay phản ánh, mà cái ông mong muốn đó là làm nổi bật được những giá trị nhân đạo thông qua tác phẩm của mình bao gồm tình cảm giữa con người với nhau, tấm lòng yêu quê hương, đất nước sâu sắc, cùng những nét đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn người dân Việt Nam lúc bấy giờ. Làng là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Kim Lân làm nên tên tuổi của ông trên văn đàn Việt Nam, ở đó ta thấy được hầu hết những nét đặc biệt trong phong cách sáng tác của Kim Lân.

Làng viết năm 1948, là truyện ngắn viết về đề tài người nông dân trong giai đoạn những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhan đề Làng một một nhan đề có tính khái quát, chỉ chung cho nông thôn Việt Nam, gợi ra hình ảnh làng quê dân dã, với những người nông dân cần cù chân chất, khơi gợi tình yêu thương, gắn bó trong tâm hồn mỗi con người. Như nhiều truyện ngắn khác Làng cũng có cốt truyện, câu chuyện xoay quanh hai tình huống truyện độc đáo: Bắt đầu bằng việc ông Hai người làng chợ Dầu, có lòng yêu làng, yêu nước tha thiết, thế nhưng khi chạy giặc lại nghe tin làng mình theo giặc, khiến ông đau đớn và buồn bã, tình huống truyện thứ hai là khi ông Hai nghe tin cải chính, cùng với những thay đổi trong diễn biến tâm trạng. Truyện được kể với giọng văn nhẹ nhàng, bình dị, chân chất, ngôi kể thứ ba giúp người đọc nhìn nhận được vấn đề cốt truyện từ nhiều phía, khiến câu chuyện được khai thác một cách tinh tế và chặt chẽ.

Nhân vật chính của câu chuyện là ông Hai, một người nông dân chăm chỉ, cần mẫn vì chiến tranh nên phải rời khỏi ngôi làng thân yêu, nơi mà ông đã từng sinh sống suốt mấy chục năm trời. Ông yêu và gắn bó với làng tha thiết, điều ấy thể hiện qua nhiều chi tiết của truyện, ví như cảnh ông luôn nhớ về ngôi làng của mình dù lúc mệt mỏi hay khỏe mạnh, và cứ nghĩa về nó là ông lại “thấy mình như trẻ ra”. Ông tự hào về những con đường “lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến gót chân” của làng, ông tự hào cả về sinh phần của một vị quan lớn trong làng, nói chung đối với ông Hai tất cả những gì thuộc về là đều đáng quý, đáng trân trọng. Kể cả sau khi đã đi tản cư ông Hai vẫn một lòng hướng về làng, ông đi khoe khắp nơi về làng của mình để vơi bớt nỗi nhớ thương, ông hào hứng kể về làng Chợ Dầu, tự hào về một ngôi làng với “những ngày khởi nghĩa dồn dập ở làng, mà ông gia nhập phong trào từ thời kỳ còn bóng tối. Những buổi tập quân sự”, tự hào về cả cái phòng thông tin to sáng nhất vùng. Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ để thấy trong lòng ông Hai là cả một tình yêu làng vô bờ bến, cùng với tấm lòng tin tưởng vào cách mạng sâu sắc, thậm chí cái lòng tin lòng yêu ấy đã từng giữ ông ở lại để kề vai sát cánh chiến đấu cùng làng, nhưng cuối cùng ông vẫn phải dứt áo ra đi vì gia đình.

Thế nhưng éo le sao, khi ông Hai một người yêu làng, tin làng tha thiết, trung thành với cách mạng lại phải nghe một cái tin không khác gì sét đánh ngang tai rằng làng Chợ Dầu của ông theo giặc, điều đó thật tàn nhẫn khiến ông Hai vừa đau đớn, xót xa vừa xấu hổ vô cùng. Ngày nào ông cũng mong ngóng tin tức từ làng, nên khi vừa nghe tin giặc tràn vào làng, suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong ông là chắc hẳn trận đánh này vang dội lắm, làng ông vốn có truyền thống chống giặc cơ mà, ông đã không thể kìm được mà hỏi ngay: “Thế ta giết được bao nhiêu thằng?”. Thế nhưng thật đớn đau, người đàn bà tản dường như cũng tỏ vẻ khinh khi, đỏng đảnh mà nói câu “Có giết được thằng nào đâu. Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây còn giết gì nữa.”, thì ông lão dường như chết đứng, ông không thể tin nổi là làng Chợ Dầu của ông lại có ngày đi theo giặc, lại có ngày phản bội cách mạng và phản bội cả cái lòng tin chắc nịch của ông bấy lâu nay. Thật không còn gì đau đớn hơn lúc này, có lấy dao xẻ thịt cũng không xót xa đến thế. Với cái biệt tài miêu tả nội tâm nhân vật xuất sắc Kim Lân đã thể hiện tâm trạng của ông Hai bằng những chi tiết rất độc đáo mà dường như người đọc cũng thấy thấm thía cái tâm trạng sửng sốt, đau đớn của ông Hai lúc bấy giờ. “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân”, “Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”, quả thực tin tức này là cú sốc vô cùng to lớn với ông lão, ông không thể tin nổi đó là sự thật. Vì thế ông vẫn giữ chút hy vọng mong manh, cố đấm ăn xôi mà hỏi lại với chất giọng “è è” như kiểu bao nhiêu hơi sức đều dồn lại nơi cổ họng “Liệu có thật không hả bác. Hay chỉ lại…”. Có lẽ ông Hai đã tin đến 80-90% rồi nên giọng ông mới yếu ớt, ngập ngừng và lạc cả đi như thế, ông cũng sợ người đàn bà kia nói một câu nữa thôi thì tất cả những gì ông vẫn nắm chắc bấy lâu nay về làng lập tức thành bọt biển hết. Và câu khẳng định của người đàn bà dường như đã rút hết tất cả sức lực, hy vọng và tình yêu nồng nàn của ông với làng, ông xấu hổ, ông đau khổ và cảm thấy chưa lúc nào lại đắng cay đến độ này. Người đàn ông kiên cường bao năm nay đã đi hết gần nửa đời người ấy đã khóc “Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông cứ dàn ra”, nghĩ đến cảnh gia đình bị hắt hủi ông càng thấy đau đớn và tủi nhục hơn gấp trăm ngàn lần. Bởi vì quá yêu nên ông mới bị tổn thương sâu sắc, ông không thể chịu đựng nổi mà “nắm chặt hai tay rít lên: Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để giờ nhục nhã thế này”, câu chửi là tất cả những nỗi niềm tức giận, oán hận và đau khổ của ông Hai. Nỗi đau này của ông, nỗi nhục nhã này của ông chắc chỉ có mình ông hiểu được, nó giày vò làm ông khổ sở, ông không dám bước ra gặp ai, trở nên cáu bẳn, gắt gỏng với cả vợ con, ông trằn trọc không thể nào ngủ yên giấc, rồi trở nên nhạy cảm với tất cả lời bàn tán, sợ hãi việc bị đuổi đi trong nhục nhã,… Tất cả những nỗi lo, những khổ sở cứ giày vò ông lão tội nghiệp, không thể ở lại làng này nữa, hay là về làng Chợ Dầu? Ông Hai đã nghĩ vậy thế nhưng lòng yêu cách mạng, kính trọng cụ Hồ không cho phép ông làm vậy, dù có từng yêu làng đến tận xương tủy ông cũng quyết không quay về cái chốn nhục nhã ấy, bởi “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ”. Ông kiên quyết “làng thì yêu thật. Nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”, đến đây vẻ đẹp trong nhân cách của ông Hai được bộc lộ một cách rõ ràng, ông là người rạch ròi biết phân biệt phải trái, tấm lòng trung trinh với cách mạng không đổi dời khiến người ta phải kính nể.

Cuối cùng sau bao nhiêu khổ sở, nhục nhã vì tưởng làng theo Tây thật thì cuối cùng làng cũng được minh oan, hóa ra làng ông không theo giặc, làng ông vẫn trung thành với cách mạng với cụ Hồ, làng Chợ Dầu vẫn là ngôi làng mà ông hằng yêu thương gắn bó tha thiết. Điều ấy khiến cho ông Hai phấn khởi và vui mừng khôn xiết, ông như được hồi sinh “Cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui. Mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung đỏ, hấp háy,…”, ông hớn hở chia quà cho các con, lại vội đi báo tin cho bác Thứ, cho ông chủ nhà. Mà ông khoe cái gì, ông khoe “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn!”, chưa từng có ai bị đốt hết nhà cửa mà lại vui và phấn chấn như ông Hai. Bởi đó là minh chứng cho việc làng ông không theo giặc, rằng nhà ông đã hy sinh cho cách mạng và ông cũng không phải là người làng Việt gian, điều đó còn gì sung sướng hơn, hạnh phúc hơn đối với ông Hai vào lúc này nữa? Ông lại tiếp tục tự hào, giọng điệu hùng hồn tuyên bố cho tất cả mọi người cùng biết: “Láo! Láo hết, chẳng có gì sất. Toàn là sai sự mục đích cả!”, để lấy lại lòng tự trọng, rửa đi nỗi nhục nhã mà ông đã phải chịu đựng suốt những ngày qua. Ông hạnh phúc vì có thể tiếp tục tự hào về ngôi làng yêu dấu, ngôi làng có truyền thống cách mạng, ông tiếp tục đi khoe về ngôi làng của mình, về những chiến tích chống giặc,…

Truyện ngắn Làng của Kim Lân đã khắc họa rõ nét hình ảnh người nông dân Việt Nam những năm tháng kháng chiến chống Pháp, với vẻ đẹp chân chất, giản dị, tấm lòng yêu làng, yêu quê hương, đất nước tha thiết, sâu nặng, chuyển biến tình cảm trong kháng chiến, cùng với sự đóng góp, hy sinh thầm lặng cho cách mạng của họ, mà như nhà thơ Trần Ninh Hồ đã viết: “Tất cả, tất cả dường như đã được ghi lại bằng những thân phận, những tâm trạng sắc sảo đến cốt, đến lõi. Nếu như cho rằng văn chương là lịch sử tâm trạng con người thì Kim Lân quả là nhà văn đích thực trên cái ý nghĩa ấy”. Bên cạnh nội dung giàu tính nhân văn thì nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật xuất sắc, văn phong sâu lắng, tỉ mẩn đã góp phần lớn làm nên thành công của tác phẩm.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 9

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!