Lớp 9

Cảm nhận khổ cuối bài Sang thu của Hữu Thỉnh

TOP 5 bài Cảm nhận khổ cuối Sang thu của Hữu Thỉnh, kèm theo dàn ý chi tiế, giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều vốn từ để viết bài văn cảm nhận khổ cuối Sang thu thật hay, thật sâu sắc.

Cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Sang thu

Bạn đang xem: Cảm nhận khổ cuối bài Sang thu của Hữu Thỉnh

Bài thơ Sang thu không chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận mới về mùa thu, mà còn thêm tình yêu quê hương, đất nước. Với 5 bài cảm nhận khổ cuối Sang thu sẽ giúp các em hiểu sâu sắc hơn, để đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra, bài thi sắp tới.

Dàn ý cảm nhận khổ thơ cuối Sang thu

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: Hạ qua thì thu đến. Thu đến mang theo những cảm xúc bất chợt để lại trong lòng người đọc những bồi hồi, xao xuyến về một mùa thu nồng nàn, êm ái. Tất cả những điều đó đã được Hữu Thỉnh thể hiện rất thành công qua khổ cuối bài thơ “Sang thu

2. Thân bài

– Mở đầu khổ thơ vẫn là cái nắng, vẫn là cơn mưa mùa hạ nhưng tất cả đang “với dần”, đang ngày một nhạt đi.

– Mùa hạ như đang níu kéo lại chút không gian cho chính mình nhưng rồi cũng phải giật mình nhận ra rằng thu đã đến và mùa hạ phải nhường chỗ chu thu để đến một chân trời khác.

– Ở hai câu thơ tiếp theo, bằng nghệ thuật ẩn dụ sâu sắc, Hữu Thỉnh đã kết thúc khổ thơ qua hai câu văn thấm đẫm triết lý đáng để ta phải suy ngẫm

– “Sấm” – là hiện tượng quen thuộc của thiên nhiên xuất hiện trước hoặc trong cơn mưa lớn, “cây đứng tuổi” – theo nghĩa dễ hiểu nhất thì đó chỉ là những cái cây đã nhiều tuổi vì sống lâu năm.

–> Từ hai hình ảnh quen thuộc đó, tác giả muốn gửi đến người đọc những chiêm nghiệm, triết lí về cuộc đời.

+ “Sấm” ở đây vừa là một hiện tượng tự nhiên vừa là những thăng trầm, sóng gió của cuộc đời.

+ Còn “hàng cây đứng tuổi” – tức chỉ người từng trải, những con người đã nếm được hết mùi vị ngọt ngào, cay đắng, mặn mà hay chua chát của cuộc sống. Họ là người đã đủ trưởng thành để vượt qua những sóng gió của cuộc đời.

3. Kết bài

Qua bốn câu thơ ta vừa thấy được khả năng quan sát tinh tế vừa thấy được ngòi bút tài năng của tác giả. Đó cũng là lí do khiến “Sang thu” luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng người đọc.

Cảm nhận khổ thơ cuối bài Sang thu – Mẫu 1

Hữu Thỉnh là một nhà thơ trưởng thành từ quân đội. Thơ ông nhẹ nhàng sâu lắng ông mang đến cho người đọc bao cảm xúc bâng khuâng, vấn vương trước đất trời trong trẻo. Ông viết nhiều về những con người ở nông thôn, về mùa thu đặc biệt là bài thơ Sang thu đó là sự chuyển biến nhẹ nhàng giữa mùa hạ và mùa thu được tác giả gợi lên bằng những hình ảnh quen thuộc.

Tiêu biểu là khổ thơ cuối của bài thơ tác giả đã cho người đọc thấy được những suy ngẫm mang tính triết lý về mùa thu về đời người:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Hình ảnh mùa thu hiện ra đậm đà hơn. Vẫn là nắng mưa sấm chớp của mùa hạ nhưng mức độ là khác nhau nó đã giảm dần, nhạt dần qua hai cụm từ “vẫn còn” và “vơi dần”. Nắng ở đây vẫn còn nhưng không gay gắt như đầu mùa hạ hay mưa cũng vơi dần đi không còn rào rào xối xả mà thay vào đó là sự nhẹ nhàng còn lại của mùa hạ đón chào mùa thu. Nếu hai câu thơ trước là hình ảnh mang nghĩa tả thực, thì hai câu thơ cuối còn là hình ảnh ẩn dụ ấn tượng, giàu ý nghĩa. Về nghĩa tả thực, hình tượng sấm là hiện tượng thường xuất hiện trước và sau những cơn mưa lớn trong mùa hạ, cây đúng tuổi là những cây già đã sống lâu năm thân to sần sùi cao lớn nhưng dưới con mắt của Hữu Thỉnh nó không chỉ đơn giản đến vậy.

Sấm trong thơ ông chỉ những thăng trầm gian nan của cuộc đời, những khó khăn vất vả giúp chúng ta trưởng thành hơn trong cuộc đời vững vàng hơn còn cây đứng tuổi chỉ những con người từng trải, đã được ném bao nhiêu mùi vị của cuộc đời: mặn, ngọt, đắng, cay của cuộc đời và tất nhiên những con người ấy khi trải qua những khó khăn ấy sẽ không còn vấp ngã lung lay trước sóng gió của cuộc đời.

Hai câu thơ trên tác giả còn muốn gửi gắm đến người đọc ca ngợi tinh thần bất khuất, kiên cường, mạnh mẽ chống giặc của dân tộc ta quyết tâm bảo vệ bờ cõi nước nhà.

Qua bài thơ người đọc thấy rõ được sự tinh tế của nhà thơ về sự chuyển đổi của trời đất giữa cuối hạ và đầu thu đồng thời ông còn muốn gửi gắm đến mọi người những triết lý sâu xa về mùa thu về cuộc đời.

Cảm nhận khổ thơ cuối bài Sang thu – Mẫu 2

Mùa thu mang một nét độc đáo cùng những dư vị, cảm xúc trầm buồn, bởi vậy mà có biết bao thi nhân đều rung động trước thu, và viết về thu bằng những hồn thơ đẹp đẽ với tấm lòng yêu thương, trân quý nhất. Hữu Thỉnh cũng đã dành cho thu nhiều thương yêu như thế qua bài thơ ” Sang thu”. Bài thơ không chỉ khắc hoạ vẻ đẹp của một bức tranh về thiên nhiên thu mà hơn thế còn mang đến cả những chiều sâu về triết lý qua cảnh vật thu, đặc biệt, khổ cuối bài thơ là một khổ thơ hay, đã kết tinh nhiều chiêm nghiệm sâu sắc:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Thu vừa sang nên nhưng dư vị của hạ vẫn còn đó, chỉ có điều nó nhạt dần hơn. Nắng hạ vẫn còn sót lại, vương trên trời thủ thứ ánh sáng mê hoặc, nó không chói chang, không nóng nực như những ngày chính hạ, nắng thu dịu nhẹ, buông xuống dưới hàng cây lọt vào từng kẽ lá ánh vàng rạng rỡ, kiều diễm lạ thường. Những cơn mưa không còn nhiều và nặng hạt nữa, mưa thu mang đến sự nhẹ nhàng ru thiên nhiên và lòng người bằng những tiếng tí tách dịu êm. Mưa vơi dần, nắng cũng nhạt dần nhưng chưa hết hẳn, bởi vậy mà khi bầu trời từ hạ chuyển mình sang thu cũng là lúc mà lòng người dâng lên bao nỗi niềm thương nhớ và cả bao nỗi suy tư:

Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi

Những tiếng sấm khi những cơn mưa đến bao giờ cũng khiến ta không khỏi giật mình, hoảng sợ. Sấm chính là một hiện tượng của thời tiết báo hiệu cơn mưa sắp tới. Những hàng cây đã trưởng thành, khôn lớn, trải qua những mưa nắng, giông bão của thời tiết cũng trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nó không còn bất ngờ với những tia sấm, ánh chớp trên bầu trời rộng lớn kia, nó vẫn đứng hiên ngang trên hành trình phát triển của mình. Bằng nghệ thuật nhân hoá, Hữu Thỉnh đã khiến cho thiên nhiên thu trở nên sinh động, có hồn hơn rất nhiều.

Bên cạnh ý nghĩa thực, khổ thơ cuối còn mang đến cho ta những tầng nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Phải chăng “sấm” kia là những phong ba, bão tố, những thách thức, sóng gió, khó khăn trong cuộc đời mỗi chúng ta. Sấm bất chợt đến không ai biết trước cũng chẳng ai ngờ tới, chỉ là khi còn người ta đã trưởng thành hơn, chín chắn hơn họ sẽ không còn bất ngờ hay sợ hãi với những điều như thế. Khi người ta không còn trẻ nữa, khi mà những trải nghiệm trong cuộc sống đưa đến cho con người những kinh nghiệm và bản lĩnh, tạo cho họ sự vững vàng trong ý chí, dày dặn trong cách nhìn nhận và bình tĩnh hơn trong cách đối diện. Những sự bất ngờ những biến cố không còn khiến lòng người hoang mang nữa, họ chấp nhận và đối diện một cách an nhiên hơn.

Sâu hơn nữa, qua đó, ta còn thấy được hình ảnh của một dân tộc Việt Nam kiên cường, hiên ngang, dũng cảm trong những trận đánh của quân thù, của bè lũ cướp nước giành lại quê hương, Tổ quốc cho dân tộc.

Bốn câu thơ thật nhẹ nhàng mà sao khiến lòng người nhiều nghĩ suy đến thế. Phải chăng, chính tác giả cũng đang suy ngẫm về cuộc đời và con người, về những gì mà một đất nước anh hùng đã trải qua. Vẫn tin rằng sau này và mãi mãi, hồn thơ thu sẽ của Hữu Thỉnh mãi nuôi dưỡng tâm hồn ta trong suốt cuộc hành trình đến với văn học, với đời sống.

Cảm nhận khổ thơ cuối bài Sang thu – Mẫu 3

Khổ thơ đầu tiên của bài thơ “Sang thu” đặc biệt dịu dàng tinh tế, nó diễn tả những biến đổi tinh vi của đất trời và lòng người trong thời khắc giao mùa được chờ đợi rất nhiều trong năm.

“Sang thu” là một áng thơ xinh xắn dâng tặng Nàng Thu của một thi nhân – một thi nhân yêu quý mùa thu như bao thi nhân khác – Hữu Thỉnh. Bài thơ có khổ thơ mở đầu thật hay:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”.

Những câu thơ mở đầu bài thơ giản dị đến bất ngờ:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”.

“Bỗng” là bỗng nhiên, là bất ngờ, bất chợt. Đặt chữ “bỗng” ở đầu khổ thơ, đầu bài thơ để tất cả giác quan của ta được đánh động, phải giật mình mà chú ý đón nhận mọi biến đổi của đất trời. Biến đổi đầu tiên thu hút sự chú ý của nhà thơ là mùi hương nồng nàn của trái ổi chín thơm lừng. Ổi đã bắt đầu ủ mình để chín tự bao giờ và cũng lặng lẽ toả hương tự bao giờ nhưng vào khoảnh khắc này hương ổi mới đủ nồng nàn đánh thức giác quan của thi nhân. Hương thơm ấy rất mạnh, rất nồng nàn, ngào ngạt có vậy mới “phả vào trong gió se”. Ổi phải chín đến nhường nào, thơm ngon đến nhường nào hương thơm của nó mới đủ mạnh để tạo ra một sự lan toả như vậy trong không gian. Thứ hương thơm ấy lại lan toả trong làn gió se nhè nhẹ ren rét. “Gió se” là gió heo may, chúng đến với nhân gian vào mỗi dịp đầu thu làm tẽ tê, gai gai những cánh tay trần mềm mại. Trước Cách mạng, Xuân Diệu đã từng mang gió se đến cho người đọc với những thoáng rùng mình ớn lạnh: “Những luồng run rẩy rung rinh lá”. Nhưng câu thơ của Hữu Thỉnh lại dắt mùa thu đến bên ta êm ái, dịu dàng biết bao. Viết về những làn sương mùa thu, nhà thợ cũng có cách viết thật duyên dáng: “Sương chùng chình qua ngõ”. “Chùng chình” là cố ý làm chậm lại. Thủ pháp nhân hoá đã biến sương thành những cô bé, cậu bé nghịch ngợm đung đưa náu mình trong ngõ xóm, chùng chình chẳng muốn tan đi.

Làng quê yêu mến dìu bước chân thi nhân đi từ hương ổi đến gió se… Rồi khi lạc giữa làn mây sớm chùng chình thì nhà thơ không nén nổi niềm xúc động, ông khe khẽ thì thầm: “Hình như thu đã về”. Từ “hình như” diễn tả tâm trạng ngỡ ngàng băn khoăn rất tinh tế của nhà thơ khi ngỡ ngàng nhận ra “thu đã về”.

Khổ thơ đầu tiên của bài thơ “Sang thu” đặc biệt dịu dàng tinh tế, nó diễn tả những biến đổi tinh vi của đất trời và lòng người trong thời khắc giao mùa được chờ đợi rất nhiều trong năm: từ hạ chuyển sang thu. Khổ thơ đã góp phần quan trọng tạo nên bài thơ “Sang thu”, một áng thơ thu duyên dáng và tài tình trong thi đề mùa thu quen thuộc của văn học Việt Nam.

Cảm nhận khổ thơ cuối bài Sang thu – Mẫu 4

Cuối hạ, thu đến mang theo những cảm xúc bất chợt để lại trong lòng ai những bồi hồi, xao xuyến về một mùa thu nồng nàn, êm ái. Ngày hạ đi để nhường chỗ cho nàng thu dịu dàng bước tới, sự chuyển mình giữa hai mùa thật nhẹ nhàng và ngập ngừng như lưu luyến, vấn vương một cái gì đó của thời đã qua.

Khoảnh khắc ấy thật đẹp, nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận thấy. Riêng nhà thơ Hữu Thỉnh thì khác, ông đã có một cái nhìn thật tinh tường, một cảm nhận thật sắc nét và một cách sống hòa hợp với thiên nhiên nên mới có thể vẽ lại bức tranh in dấu sự chuyển mình của đất trời qua bài thơ “Sang Thu” – linh hồn của cả bài thơ chỉ vẻn vẹn trong hai từ thế thôi, song ý nghĩa sâu sắc chất chứa trong hai từ ngắn ngủi ấy lại không hề ít. Và có lẽ những ý nghĩa đó, lại tập trung nhiều hơn vào khổ thơ cuối bài:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Mở đầu khổ thơ vẫn là nắng và mưa của mùa hạ đấy thôi, nhưng chỉ là “vẫn còn” và “vơi dần”, tất cả ngày một nhạt đi, chứ không như cái nắng gay gắt, chói chang cùng cơn mưa ào, xối xả của một mùa hạ sôi động nữa. Dường như vẫn còn luyến tiếc lắm, nhưng cuối cùng hạ vẫn phải chấp nhận rằng: “thu sang” và hạ phải đến một chân trời khác. Bằng nghệ thuật ẩn dụ sâu sắc, Hữu Thỉnh đã kết thúc khổ thơ qua hai câu văn thấm đẫm triết lý đáng để ta phải suy ngẫm:

“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”

“Sấm” – đơn thuần là một hiện tượng đặc trưng của mùa hạ khi trước và sau cơn mưa lớn, “cây đứng tuổi” – theo nghĩa dễ hiểu nhất thì đó chỉ là những cái cây đã nhiều tuổi vì sống lâu năm. Nhưng điều mà Hữu Thỉnh muốn gửi đến chúng ta đâu chỉ là những điều giản đơn đến thế, mà “sấm” ở đây cũng được xem là những thăng trầm, sóng gió của vòng đời luôn thay đổi và qua những gian nan, thử thách ấy, con người cũng sẽ đổi thay một cách mạnh mẽ hơn và vững vàng hơn. Hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” – tức chỉ người từng trải, những con người đã nếm được hết mùi vị ngọt ngào, cay đắng, mặn mà hay chua chát của cuộc sống, và tất nhiên khi họ đã trải nghiệm qua những khó khăn đó, thì giờ đây sẽ không phải rơi vào tình thế xao động hay lung lay trước những biến cố của vòng xoáy cuộc đời nữa. Nhìn sâu hơn qua hai câu thơ trên, Hữu Thỉnh cũng muốn nói lên sức mạnh của dân tộc Việt Nam thật kiên cường và bất khuất, thật dũng cảm và mạnh mẽ chống lại bọn giặc ngoài xâm để gửi trọn niềm tin yêu đến Tổ quốc, quê hương và bảo vệ bờ cõi nước nhà.

Từ bao nỗi suy tư của mình, Hữu Thỉnh đã góp phần làm cho cả bài thơ và khổ thơ cuối thêm nhiều ý nghĩa sâu sắc, in dấu trong lòng người đọc một ấn tượng khó phai mờ về một mùa thu tha thiết, nồng hậu và cả mùa hạ sôi động của dĩ vãng nữa. Cũng chính vì lẽ đó, mà ta cảm thấy yêu thiên nhiên hơn, yếu cái giao mùa và sự chuyển biến của đất trời trên quê hương mình, cũng như yêu vòng tuần hoàn máu chạy khắp cơ thể qua chính con tim này!

Cảm nhận khổ thơ cuối bài Sang thu – Mẫu 5

Hạ qua thì thu đến. Thu đến mang theo những cảm xúc bất chợt để lại trong lòng người đọc những bồi hồi, xao xuyến về một mùa thu nồng nàn, êm ái. Tất cả những điều đó đã được Hữu Thỉnh thể hiện rất thành công qua khổ cuối bài thơ “Sang thu”:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”

Mở đầu khổ thơ vẫn là cái nắng, vẫn là cơn mưa mùa hạ nhưng tất cả đang “với dần”, đang ngày một nhạt đi. Nắng đã không còn chói chang, mưa cũng không xối xả như những ngày hè. Mùa hạ như đang níu kéo lại chút không gian cho chính mình nhưng rồi cũng phải giật mình nhận ra rằng thu đã đến và mùa hạ phải nhường chỗ chu thu để đến một chân trời khác. Tác giả đã chọn hai hình ảnh đặc trưng nhất của mùa hạ để chào đón mùa thu. Đó phải chăng vừa là sự lưu luyến mùa hạ vừa là báo hiệu rõ ràng nhất rằng thu đang về?

Ở hai câu thơ tiếp theo, bằng nghệ thuật ẩn dụ sâu sắc, Hữu Thỉnh đã kết thúc khổ thơ qua hai câu văn thấm đẫm triết lý đáng để ta phải suy ngẫm:

“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”

“Sấm” – là hiện tượng quen thuộc của thiên nhiên xuất hiện trước hoặc trong cơn mưa lớn, “cây đứng tuổi” – theo nghĩa dễ hiểu nhất thì đó chỉ là những cái cây đã nhiều tuổi vì sống lâu năm. Từ hai hình ảnh quen thuộc đó, tác giả muốn gửi đến người đọc những chiêm nghiệm, triết lí về cuộc đời. “Sấm” ở đây vừa là một hiện tượng tự nhiên vừa là những thăng trầm, sóng gió của cuộc đời. Còn “hàng cây đứng tuổi” – tức chỉ người từng trải, những con người đã nếm được hết mùi vị ngọt ngào, cay đắng, mặn mà hay chua chát của cuộc sống. Họ là người đã đủ trưởng thành để vượt qua những sóng gió của cuộc đời.

Ở đoạn thơ cuối Hữu Thỉnh đã liệt kê hàng loạt những đặc trưng của mùa hạ để thể hiện sự chuyển mình của đất trời. Cái hay của nhà thơ là ông không hề miêu tả cảnh sắc trời thu nhưng vẫn khiến người đọc cảm nhận được thu đang đến rất gần.

Qua bốn câu thơ ta vừa thấy được khả năng quan sát tinh tế vừa thấy được ngòi bút tài năng của tác giả. Đó cũng là lí do khiến “Sang thu” luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng người đọc.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 9

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!