Lớp 9

Bộ đề đọc hiểu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Bộ đề đọc hiểu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn gồm 47 đề đọc hiểu ngoài chương trình có đáp án chi tiết kèm theo. Qua đó giúp các em học sinh lớp 9 có thêm nhiều tư liệu tham khảo, vận dụng cách hiểu, tư duy, để trả lời những câu hỏi ở đề đọc hiểu.

Nội dung trong câu hỏi đọc hiểu gồm 4 cấp độ: Nhận biết – Thông hiểu – Vận dụng – Vận dụng cao. Trong đó mức độ nhận biết, thông hiểu là dễ nhất. Ví dụ như xác định phương thức biểu đạt, tìm biện pháp tu từ. Trong khi đó Vận dụng và Vận dụng cao lại đòi hỏi học sinh nắm được nội dung của bài đọc. Bên cạnh đó các bạn tham khảo thêm: Bộ câu hỏi đọc hiểu Ngữ văn lớp 9. Vậy sau đây là trọn bộ 47 đề đọc hiểu ngoài chương trình ôn thi vào lớp 10, mời các bạn cùng theo dõi tại đây.

Bạn đang xem: Bộ đề đọc hiểu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn

Đề đọc hiểu ôn thi vào lớp 10 – Số 1

Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi:

Một cô giáo trường công đã giúp tôi hiểu rõ cái ý nghĩa phức tạp của việc cho và nhận.

Khi nhìn cách tôi cầm sách trong giờ tập đọc, hiển nhiên cô đã nhận thấy có gì không bình thường; cô liền thu xếp cho tôi đi khám mắt. Cô không đưa tôi đến bệnh viện mà dẫn tôi tới bác sĩ nhãn khoa riêng của cô, không phải kiểu làm việc thiện mà như với một người bạn. Thật ra, tôi ngạc nhiên về hành động đó đến nỗi không nhận biết được chuyện gì đã xảy ra, cho tới một ngày kia cô đưa cho tôi một cặp kính.

“Em không thể nhận được. Em không có tiền trả đâu”, tôi nói, cảm thấy xấu hổ vì nhà mình nghèo.

Cô liền kể chuyện cho tôi nghe: “Hồi cô còn nhỏ, một người hàng xóm đã mua kính cho cô. Bà ấy bảo một ngày kia cô sẽ trả cặp kính đó bằng cách tặng kính cho một cô bé khác. Em thấy chưa, cặp kính này đã được trả tiền từ trước khi em ra đời.”

Thế rồi cô nói với tôi những lời nồng hậu nhất mà chưa ai từng nói với tôi: “Một ngày nào đó em sẽ mua kính cho một cô bé khác”.

Cô nhìn tôi như một người cho. Cô làm tôi thành người có trách nhiệm. Cô tin tôi có thể có một cái gì để trao cho người khác. Cô chấp nhận tôi như thành viên của cùng một thế giới mà cô đang sống. Tôi bước ra khỏi phòng, giữ chặt kính trong tay, không phải như kẻ vừa nhận một món quà, mà như người chuyển tiếp món quà đó cho kẻ khác với tấm lòng tận tụy.

(Theo Bin-li Đa-vít, trong Trái tim người thầy, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004)

Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2: Xác định nội dung chính của văn bản?

Câu 3: Hãy đặt nhan đề cho văn bản?

Câu 4: Viết bài văn nghị luận ngắn( khoảng một mặt giất thi) trình bày suy nghĩ của em về bài học cuộc sống mà em rút ra từ ngữ liệu trong phần đọc hiểu trên.

ĐÁP ÁN

Câu 1. – Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 2. – Nội dung chính của văn bản: Văn bản kể chuyện 1 cô giáo đã giúp cho nhân vật tôi hiểu rõ ý nghĩa của việc cho và nhận.

Câu 3. – Đặt nhan đề cho văn bản ( HS có thể đặt nhiều nhan đề khác nhau, nhưng yêu cầu nhan đề phải thể hiện được nội dung của văn bản), ví dụ: Cho và nhận, ….

Câu 4:

* Mở bài: Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần nghị luận: ( cho và nhận…)

* Thân bài: Giải thích, trình bày, chứng minh làm rõ vấn đề

– Giải thích:

+ Cho là sự san sẻ, giúp đỡ, yêu thương xuất phát từ tấm lòng của một người. Nhận là được đáp trả, được đền ơn.

+ Cho và nhận là mối quan hệ nhân quả, tương trợ, bổ sung cho nhau.

– Biểu hiện:

+ Sự chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, đau khổ

+ Chúng ta trao đi yêu thương sẽ nhận lại sự thanh thản và niềm vui trong tâm hồn.

+ Điều nhận lại đôi khi không phải trong phút chốc, hiển hiện ngay trước mắt mà có khi là cả một quá trình.

– Ý nghĩa: Cho và nhận là việc làm đáng được ngợi ca với tinh thần: “ một người vì mọi người”

Phê phán: Những kẻ tham lam, ích kỉ, sống tàn nhẫn, chỉ muốn nhận, muốn vay mà không muốn cho, muốn trả; phê phán một bộ phận giới trẻ ngày nay chỉ biết “nhận” từ cha mẹ mà không biết “cho”…

– Bài học: Cuộc sống của mỗi người sẽ trở nên tầm thường nếu chỉ biết nhận mà không biết cho. Cho đi là điều chúng ta nên làm trong cuộc sống hằng ngày để nhận lại rất nhiều thứ về sau. Mỗi người hãy cho đi nhiều hơn để nhận lại nhiều hơn

* Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của bức thông điệp của sự cho và nhận, mở rộng nâng cao vấn đề và liên hệ bản thân.

Đề đọc hiểu ôn thi vào lớp 10 – Số 2

Câu 1: Đọc 2 đoạn văn và trả lời các câu hỏi từ (a) đến (d).

1. Một cô bé mười lăm tuổi, được mẹ chở đi đánh cầu lông. Xe hai mẹ con bị va quẹt, đồ đạc trên xe văng tung tóe. Người mẹ vội vàng gom nhặt, vài người đi đường cũng dừng lại phụ giúp còn cô bé thờ ơ đứng nhìn. Đợi mẹ nhặt xong mọi thứ, cô bé leo lên xe và thản nhiên dặn: “Lát về mẹ nhớ mua cho con li chè!”.

2. Một cậu học sinh khi được hỏi về ca sĩ nổi tiếng mà cậu hâm mộ, cậu đã trả lời rất rành mạch về cách ăn mặc, sở thích của ca sĩ đó. Nhưng khi được hỏi về nghề nghiệp, sở thích của cha mẹ cậu, cậu ta ấp úng, không trả lời được.

a/ Xác định chủ đề và phương thức diễn đạt của hai đoạn văn.

b/ Câu nói : “ Lát mẹ về nhớ mua cho con li chè!” của cô bé, và thái độ “ấp úng không trả lời được” của cậu bé đã gợi cho em suy nghĩ gì? ( viết từ 2 đến 4 câu trình bày suy nghĩ )

c/ Tìm và gọi tên hai phép liên kết khác nhau trong đoạn văn 2.

d/ Thể hiện là một người con trong gia đình, em hãy viết một đoạn văn (4-6 câu) nêu suy nghĩ của bản thân về cách cư xử đúng mực của con cái đối với cha mẹ.

e/ Từ hai đoạn văn trên, em hãy viết bài văn nghị luận bàn về chủ đề của hai đoạn văn đưa ra .

Câu 2: Tục ngữ có câu: Một sự nhịn, chín sự lành.

Từ lời khuyên dạy của cha ông, em có suy nghĩ gì về “văn hóa nhường nhịn” trong cuộc sống hiện nay. Viết một bài văn khoảng một trang giấy thi trình bày suy nghĩ ấy.

ĐÁP ÁN

Câu 1:

a/ Xác định chủ đề và phương thức diễn đạt của hai đoạn văn.

– Sự vô tâm, vô cảm của con người trong cuộc sống

– PTBĐ: Đoạn văn 1: Tự sự

Đoạn văn 2:

b/ Câu nói : “ Lát mẹ về nhớ mua cho con li chè!” của cô bé, và thái độ “ấp úng không trả lời được” của cậu bé đã gợi cho em suy nghĩ gì? ( viết từ 2 đến 4 câu trình bày suy nghĩ )

– Đó cũng là thể hiện của sự suy tàn về chữ hiếu và vi phạm nghiêm trọng đạo đức con người Á Đông. Hai hiện tượng trên như một lời cảnh tỉnh đối với bổn phận làm con của chúng ta.

c/ Tìm và gọi tên hai phép liên kết khác nhau trong đoạn văn 2.

– Phép nối: Nhưng

– Phép lặp: cậu ( 2 lần)

d/ Thể hiện là một người con trong gia đình, em hãy viết một đoạn văn (4-6 câu) nêu suy nghĩ của bản thân về cách cư xử đúng mực của con cái đối với cha mẹ.

– Cư xử đúng mực với ông bà, cha mẹ

– Sống có hiếu thuận, kính trên nhường dưới

– Phải biết chia sẻ, yêu thương, biết phân biệt đúng sai.

d/

1. Mở bài: Đặt vấn đề: Sự vô tâm của thế hệ gấu bông đã làm giật mình các bậc cha mẹ. Hai hiện tượng mà báo Tuổi trẻ Chủ nhật đã nêu là khá phổ biến. Đó cũng là thể hiện của sự suy tàn về chữ hiếu và vi phạm nghiêm trọng đạo đức con người Á Đông. Hai hiện tượng trên như một lời cảnh tỉnh đối với bổn phận làm con của chúng ta.

2· Thân bài:

+ Biểu hiện: Giải thích nội dung của hai hiện tượng trên nói lên sự vô tâm của thế hệ trẻ đối với những người thân yêu nhất, có công nuôi dưỡng và bảo bọc chúng ta từ khi mới sinh ra – đó là cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo, …Hình ảnh một em bé thờ ơ khi mẹ đi nhặt đồ và hồn nhiên nói: “Lát về mẹ nhớ mua cho con li chè!” cũng như hình ảnh một cậu học sinh rất rành về sở thích của ca sĩ cậu yêu thích mà chẳng biết gì về sở thích, nghề nghiệp, tâm trạng và niềm đau của bố mẹ mình. Điều đó đã tạo nên sự phản cảm mạnh mẽ trong tâm hồn người đọc.

+ Nguyên nhân:

  • Giới trẻ thường chỉ quan tâm tới cuộc sống và sở thích của mình, đó là một trong những biểu hiện của thói ích kỉ.
  • Bậc cha mẹ thiếu sâu sát, thiếu quan tâm đúng mực đến hành vi, sở thích và nhân cách của con.
  • Nhà trường và xã hội thiếu phương pháp giáo dục đúng mực, thiếu những hoạt động để rèn luyện nhân cách của học sinh và gắn kết con cái với cha mẹ.
  • Nhà trường và gia đình còn thờ ơ với việc giáo dục cẩn trọng về đạo đức làm người và những đức tính như: hiếu thảo, lòng biết ơn, lòng nhân ái, tính vị tha, khả năng chia sẻ với những người thân yêu, …

+ Hậu quả:

  • Nếu không khắc phục được những hiện tượng này, xã hội càng ngày càng trở nên băng hoại về đạo đức và sự vô cảm càng ngày càng trở nên phổ biến.
  • Những hiện tượng trên là nhát dao cứa vào lương tâm của những người Việt Nam có đạo đức, là nỗi đau dai dẳng cho thế hệ cha anh.
  • Những hiện tượng trên là sự xói mòn về đạo đức, là sự chạy theo những nét đẹp phù phiếm và hư ảo, bỏ quên những nét đẹp chân thật và những tình cảm thiêng liêng.

+ Cách khắc phục:

  • Chủ quan: bản thân mỗi con người phải ý thức về trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội, rèn luyện lòng nhân ái, lòng vị tha từ những việc nhỏ nhặt nhất.
  • Khách quan: gia đình, nhà trường và xã hội nên chú trọng hơn về việc giáo dục nhân cách cho học sinh, dạy học sinh biết quan tâm tới những người thân yêu, gần gũi với mình, dạy học sinh biết cảm nhận vẻ đẹp của lòng vị tha, sự chia sẻ, đồng cảm và lối sống có trách nhiệm.
  • Lên án mạnh mẽ lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, ích kỉ.

3· Kết bài: Hai hiện tượng trên đã đánh thức lương tâm của những người đã từng mắc vào những lỗi lầm tương tự. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh đối với thế hệ trẻ nói riêng và đối với tất cả những người Việt Nam.

Câu 2:

I. Mở bài:

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Bàn về sự nhường nhịn

II. Thân bài:

* Giải thích và nêu biểu hiện của sự nhường nhịn:

– Sự nhường nhịn là gì?

Nhường nhịn đó là một phẩm chất đáng quý trong cuộc sống, cần nhường nhịn với tất cả mọi người, nghĩa đen của nhường nhịn đó là những đức tính tốt mà mỗi người cần phải rèn luyện và có được nó, mỗi phẩm chất đều phải trong quá trình rèn luyện và tu dưỡng nó, ở đây nhường nhịn không phải là chấp nhận thua cuộc mà là sự cảm thông đối với đối phương, việc nhường nhịn sẽ tạo nên những phẩm chất vô cùng đáng quý và góp phần tạo nên cho mình những điều đáng quý hơn, ngoài những điều đó bản thân mỗi người đều phải ra sức rèn luyện và tu dưỡng đạo đức của mình, mỗi người là một tấm gương cho việc học tập và tu dưỡng đạo đức, nhường nhịn sẽ tạo nên cho mình một phẩm chất cao quý đó là sự cảm thông thấu hiểu và những hiểu biết chi tiết về bản chất của sự vật và sự việc.

– Biểu hiện của người biết sống nhường nhịn: Nhường nhịn không chỉ được áp dụng trong một ngôi nhà để thấy được sự hạnh phúc và ấm áp trong mỗi thành viên trong gia đình mà nó hiện hữu trong những trường hợp riêng và nó góp phần tạo nên một ý nghĩa vô cùng đặc biệt, nó tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn, không chỉ trong gia đình nó tạo nên một cảm giác gần gũi mà nó tạo nên những cảm giác gần gũi giữa các thành viên trong gia đình, những sự nhường nhịn đó sẽ làm nên cho chúng ta được những điều tuyệt vời nhất, gia đình lúc nào cũng có những cảm giác êm ấm và hạnh phúc, mỗi người đều biết nhường nhịn và cảm thông cho nhau thì gia đình sẽ mãi luôn được hạnh phúc và nó phát triển một cách toàn diện hơn, mỗi người đều tạo nên những không gian riêng và nó to lớn ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của mỗi người, chúng ta thấy được sự nhường nhịn đó sẽ làm cho mỗi người luôn luôn có cảm giác an toàn hạnh phúc và không gian trong gia đình lúc nào cũng ấm áp và không có những tranh cãi riêng nó tạo nên cảm giác hạnh phúc và vô cùng ý nghĩa.

* Trình bày ý nghĩa của sự nhường nhịn:

– Sự nhường nhịn sẽ bảo vệ mối quan hệ giữa người với người thông qua việc bảo vệ và gìn giữ hòa khí, đồng thời thiết lập nên tinh thần gắn kết, đoàn kết.

– Sự nhường nhịn còn giúp con người vượt thoát khỏi những bon chen, ích kỷ, toan tính của cuộc sống xô bồ, tấp nập thường ngày.

– Sống nhường nhịn còn giúp con người bao dung, sẻ chia với những khó khăn, hoạn nạn của người khác và là biểu hiện của lối sống vị tha cao đẹp: “Mình vì mọi người”.

* Lật lại vấn đề:

– Những người sống ích kỷ, bon chen, tranh giành quyền lợi trong xã hội.

* Bài học nhận thức và hành động:

– Chúng ta cần mở rộng lòng mình để sẵn sàng tha thứ, bỏ qua sai lầm của người khác

– Giúp đỡ người khác nhận ra và khắc phục những sai lầm.

III. Kết bài:

– Khẳng định lại ý nghĩa của lòng khoan dung. Liên hệ bản thân.

Đề đọc hiểu ôn thi vào lớp 10 – Số 3

Câu 1:

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Ngày mai mình sẽ dậy sớm tập thể dục, ngày mai mình sẽ học tiếng Anh… ngày mai và ngày mai nhưng không biết là ngày mai nào. Đấy là “căn bệnh” khó chữa của nhiều người trẻ hiện nay.

Trao đổi về vấn đề này, anh Lê Đình Hiếu (tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH California, Los Angeles UCLA; Forbes Under 30 năm 2016) cho rằng với cá nhân từng người trẻ Việt Nam trong thời kỳ 4.0, “căn bệnh” này thực sự nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các bạn. “Vì sao? Vì thời đại mà các bạn đang sống là thời đại của sự năng động, cập nhật liên tục, nên nếu chậm tay thì cơ hội sẽ vụt mất ngay (…), anh Hiếu chỉ ra.

Theo anh Hiếu sinh viên Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để hiện thực hóa ý tưởng của các bạn, tuy nhiên cái cách mà các bạn triển khai ý tưởng lại khiến người ta lo lắng.

Anh Hiếu cũng cho rằng để chữa bất kỳ căn bệnh nào đều cần hai yếu tố là thuốc hoặc phương pháp tác động từ bên ngoài và ý chí tinh thần từ cá nhân bên trong.

Xét về góc độ giáo dục, các bạn trẻ đang thiếu những kỹ năng sắp xếp công việc, quản lý thời gian,… việc không quản lý quỹ thời gian mình đúng cách cũng là một nguyên nhân khiến các bạn lúc nào cảm giác mình không đủ thời gian thực hiện tất cả mọi việc trong một ngày mà cứ chần chừ ngày này sang ngày khác. (…)Nhưng về bản chất vẫn là ý chí và tinh thần của chính bản thân.(…)

Nếu như không muốn tự làm hại bản thân, tự tước bỏ những cơ hội quý giá thì ngay từ bây giờ các bạn có sẵn sàng nghiêm túc với bản thân và thôi nuông chiều cảm xúc? Và hôm nay bạn đã làm hết được những điều mà ngày hôm qua mình hứa sẽ làm?

(Lần lữa “căn bệnh” khó chữa của người trẻ – Hoa Nữ-Báo Thanh Niên – 12/10/2018)

a/ Nêu nội dung của văn bản.

b/ Xác định một phép liên kết được sử dụng trong văn bản.

c/ Theo bài viết, nguyên nhân chủ yếu nào đã khiến giới trẻ nảy sinh “căn bệnh” lần lữa rất khó chữa?

d/ Nêu ý kiến của bản thân về những biện pháp để khắc phục “căn bệnh” lần lữa.

Câu 2:

Trên thực tế, nơi hành tinh hoàng tử bé sống, cũng như trên tất cả những hành tinh khác, có cả cây tốt lẫn cây xấu. Thành thử mới có hạt giống tốt của cây tốt và hạt giống xấu của cây xấu. Nhưng các hạt giống thì chẳng nhìn thấy được. Chúng ngủ trong lòng đất bí ẩn cho đến khi bất chợt một trong số chúng hứng khởi muốn tỉnh dậy. Vậy là nó vươn vai và thoạt đầu chỉ rụt rè nhú lên một cái đọt nhỏ vui tươi vô hại hướng về phía mặt trời. Nếu đó là một mầm củ cải hoặc là một mầm hoa hồng thì ta cứ mặc nó mọc thế nào tùy ý. Nhưng, nếu đó là một cây xấu thì phải nhổ đi tức khắc, ngay khi nào nhận dạng được nó. (Hoàng tử bé – Antoine De Saint Exupery)

Từ câu kết của đoạn văn trên, hãy viết một bài văn (khoảng 1 trang giấy thi) bàn về việc từ bỏ một thói quen xấu.

ĐÁP ÁN

Câu 1.

a/ Nội dung: Bàn về “căn bệnh” lần lữa khó chữa của giới trẻ

b/ HS trình bày được 1 trong các phép liên kết sau:

– Phép lặp từ: “ căn bệnh”, bạn…

– Phép nối: vì, nhưng , và…

– Phép thế: vấn đề này – ‘căn bệnh’ khó chữa của nhiều người trẻ hiện nay.

c/ Nguyên nhân chủ khiến giới trẻ nảy sinh “căn bệnh” lần lữa rất khó chữa: Ý chí và tinh thần của chính bản thân họ chưa đủ mạnh mẽ; họ chưa thật sự nghiêm túc với bản thân và còn nuông chiều cảm xúc của mình.

d/ HS tự bộc lộ nhận thức bản thân về giải pháp khắc phục “căn bệnh” lần lữa ( 2 giải pháp)

Gợi ý:

– Tham gia những chương trình tập huấn, những khóa đào tạo về kỹ năng mềm: sắp xếp công việc, quản lý thời gian…

– Tìm môi trường học tập, làm việc thích hợp, xung quanh là những con người năng động và trải nghiệm đủ lâu với môi trường đó.

– Hoàn thiện bản thân bằng thói quen sống chủ động, năng động, tích cực, quyết đoán, “ việc hôm nay chớ để ngày mai”

Câu 2.

* Yêu cầu về hình thức:

– Học sinh viết một bài văn nghị luận.

– Bố cục và hệ thống sáng rõ.

– Biết vận dụng các thao tác nghị luận văn giải thích, chứng minh, bình luận…

– Lời văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng thuyết minh, không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp…

*Yêu cầu về nội dung:

1/ Mở bài: Giới thiệu vấn đề.

2/ Thân bài:

-Giải thích vấn đề:

+ Thói quen là những phản xạ, hành vi, việc làm được lặp đi lặp lại nhiều lần, lầu ngày trở thành nếp. Thói quen là thứ mà đôi khi con người ta không nhận ra, không ý thức được nó. Đúng như nhận xét của Johnson: “Mới đầu, những mắt xích của thói quen quá nhỏ để nhận ra, cho tới khi chúng quá lớn thì khó mà tháo gỡ”. Thói quen không có sẵn mà là kết quả của một quá trình sống, quá trình hoạt động của mỗi cá nhân.

+ Tật xấu được hiểu là thói quen không tốt ảnh hưởng xấu đến bản thân và mọi người xung quanh. Có khi là những việc nhỏ như trễ hẹn, vứt rác bừa bãi, có khi là những việc lớn như văng tục, nóng nãy…

-Bàn luận vấn đề :

+ Do tác động của môi trường xã hội, do ảnh hưởng của gia đình và sự chi phối của cảm xúc, tâm lí cá nhân, giới trẻ Việt Nam hiện đang nhiễm phải một số thói quen xấu. Điển hình, có thể kể đến: thói quen văng tục chửi thề, dễ nổi nóng, “nghiện” mạng xã hội, lười đọc sách, lười lao động chân tay, tư duy thụ động, thờ ơ vô cảm, lạm dụng bia rượu, lười tập thể dục,…

+ Văng tục, chửi thề đang trở thành một thói quen hằng ngày, thậm chí là từ cửa miệng của một bộ phận giới trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, đa số giới trẻ hiện nay đều mắc chứng “nghiện” mạng xã hội. Nhiều bạn ngồi hàng giờ trước máy tính, điện thoại, thậm chí thức thâu đêm để Online, lướt facebook, và ngủ bù vào ban ngày. Tiếp theo, lười đọc sách cũng là thói quen phổ biến của những người trẻ tuổi. Có quá nhiều thứ hấp dẫn như phim, game, mạng xã hội, các cuộc tụ tập vui chơi đã khiến họ, trong đó có học sinh, sinh viên xa dần việc đọc sách. Ngoài ra, tư duy hòi hợt, ỷ lại, lười biếng, thụ động cũng là thói quen điển hình của giới trẻ Việt. Họ lấy công nghệ google thay cho quá trình tự tìm tòi, khám phá; lười tích luỹ.tri thức, lười hỏi, lười trả lời, lười trao đổi, lười quan tâm,…

+ Những thói quen xấu đó đã tàn phá sức khoẻ, gây ra nhiều bệnh tật cho con người như: cận thị, loạn thị, rối loạn giấc ngủ, thể lực yếu,.. Nghiêm trọng hơn, những thói quen xấu đó đã hình thành nên những lớp người thiếu kiến thức, yếu kĩ năng, thiếu tự tin, không có khả năng hợp tác và cạnh tranh. Đất nước trì trệ phát triển bởi những lớp chủ nhân tương lai trống rỗng, vô hồn như vậy.

+Tật xấu ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân, tổn thương người khác, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình và để lại nhiều hậu quả cho xã hội.

+Thói quen xấu khi có điều kiện phát triển sẽ thành tội ác, hơn thế, cái xấu bao giờ cũng dễ lây lan trong cộng đồng.

-Bài học nhận thức và hành động

+Trong xã hội hiện đại, tật tính xấu của con người lại càng dễ lây lan hơn: nghiện mạng xã hội, phung phí thời gian…Không ít người cho rằng thói quen xấu nhỏ nhặt không ảnh hưởng nhiều nên mặc nhiên thể hiện mọi lúc mọi nơi.

+Do vậy các bạn trẻ cần phải tự soi mình mỗi ngày để không bị tiêm nhiễm những tật xấu, luôn tự nhắc bản thân, nhắc người khác không sa vào những tật xấu…

+ Để loại bỏ thói quen xấu, trước hết cần phải có ý chí, nghị lực và sự quyết tâm mạnh mẽ của bản thân mỗi người. Sau đó, cần dành thời gian để luyện tập thay đổi hành vi, thay thế thói quen xấu bằng việc hình thành các thói quen tốt. Nếu cần, chúng ta có thể kêu gọi sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè. Chung ta cũng có thể tự khích lệ mình khi đã lấy lại được quyền “kiểm soát” hành động chứ không thụ động, chiều lòng tật xấu. Nếu chẳng may nhiễm lại thói quen cũ, không nên tự dày vò, tặc lưỡi buông xuôi mà phải bình tâm suy nghĩ tìm lí do “ngựa quen đường cũ” để có cách khắc phục.

3/ Kết bài: Khẳng định lại vấn đề, liên hệ bản thân.

…………….

Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm trọn bộ đề đọc hiểu

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 9

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!