Lớp 9

Bộ đề đọc hiểu Nói với con (Có đáp án)

Đề đọc hiểu Nói với con của Y Phương gồm 3 đề, có đáp án kèm theo, giúp các em học sinh có thêm tài liệu ôn tập, rèn thật tốt kỹ năng trả lời các câu hỏi trong phần đọc hiểu đề thi vào lớp 10 năm 2022 – 2023 sắp tới.

Nói với con

Bạn đang xem: Bộ đề đọc hiểu Nói với con (Có đáp án)

Ngoài ra, có thể tham khảo bộ đề đọc hiểu Đoàn thuyền đánh cá, Sang thu, bộ đề đọc hiểu ôn thi vào 10 môn Văn với 47 đề đọc hiểu ngoài chương trình Ngữ văn 9, để vận dụng cách hiểu, tư duy, nhanh chóng trả lời những câu hỏi đề đọc hiểu. Vậy mời các em cùng tải miễn phí 3 đề đọc hiểu Nói với con trong bài viết dưới đây:

Đề đọc hiểu Nói với con – Đề 1

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc

(Trích Nói với con, Y Phương, Ngữ văn 9, tập 1. NXB GDVN)

Câu 1: Xác định thể thơ của đoạn trích trên

Câu 2: Qua đoạn trích, em thấy cuộc sống người đồng mình hiện lên như thế nào?

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của hai biện pháp tu từ được sử dụng trong các câu thơ sau:

Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc

Câu 4: Xác định thành ngữ trong khổ thơ trên. Em hiểu ý nghĩa của thành ngữ đó như thế nào?

Đáp án đề đọc hiểu Nói với con

Câu 1: Thể thơ của đoạn trích trên là thể thơ tự do.

Câu 2: Qua đoạn trích, em thấy cuộc sống người đồng mình hiện lên:

  • Lối sống hồn nhiên, trong sáng, mạnh mẽ, phóng khoáng, vượt lên mọi gập ghềnh của cuộc đời.
  • Cuộc sống không dễ dàng, bằng phẳng, nhưng họ dũng cảm đối mặt.

Câu 3:

– Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ

Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc

  • So sánh: sống như sông như suối
  • Ẩn dụ: lên thác xuống ghềnh

– Tác dụng của biện pháp tu từ đó là:

  • Cho thấy cuộc sống cực nhọc, vất vả của người đồng mình.
  • Nhấn mạnh lối sống tự nhiên, phóng khoáng, đầy nghị lực và ý chí, mạnh mẽ của “người đồng mình”
  • Bộc lộ niềm tự hào về “người đồng mình”

Câu 4:

Thành ngữ được sử dụng trong khổ thơ trên là: “Lên thác xuống ghềnh”.

Ý nghĩa của thành ngữ: Đó là nỗi vất vả, lam lũ, những khó khăn mà con người nơi đây phải trải qua.

Đề đọc hiểu Nói với con – Đề 2

Đọc bài thơ sau:

Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.

Câu 1: Nêu chủ đề và mạch cảm xúc của bài thơ.

Câu 2: Vì sao ở phần đầu tác giả dùng từ “yêu” (Người đồng mình yêu lắm con ơi) nhưng sang khổ thơ này lại dùng từ “thương” (Người đồng mình thương lắm con ơi)?

Câu 3: Hình ảnh “người đồng mình thô sơ da thịt” và “người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” cho thấy một cách diễn đạt như thế nào?

Câu 4: Nhà thơ đã ca ngợi những tình cảm tốt đẹp nào của “người đồng mình” qua lời nói của người cha với con?

Đáp án đề đọc hiểu Nói với con

Câu 1: Chủ đề của bài thơ là: Bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống, niềm tự hào về quê hương, dân tộc mình.

Mạch cảm xúc của bài thơ là:

  • Đoạn 1: Con lớn lên trong tình yêu thương, sự giúp đỡ của cha mẹ , trong cuộc sống lao động của quê hương
  • Đoạn 2: Lòng tự hào về sức sống bền bỉ, mạnh mẽ về truyền thống cao đẹp của quê hương và niềm mong ước con sẽ kế tục những truyền thống đáng quý

Câu 2: Ở phần đầu tác giả dùng từ “yêu” (Người đồng mình yêu lắm con ơi) nhưng sang khổ thơ này lại dùng từ “thương” (Người đồng mình thương lắm con ơi) vì: Nếu ở trên “yêu lắm con ơi” – yêu cuộc sống bình dị vui tươi, yêu bản làng thơ mộng, yêu những tấm lòng chân thật nghĩa tình, thì đến đây người cha nói “thương lắm con ơi”. Bởi sau từ “thương” đó là những nỗi vât vả, gian khó của con người quê hương. Người cha biểu lộ tình cảm yêu thương chân thành về những gian truân, thử thách cùng ý chí mà người đồng mình đã trải qua.

Câu 3: Hình ảnh “người đồng mình thô sơ da thịt” và “người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” cho thấy: Cách diễn đạt này đậm ngôn ngữ dân tộc, độc đáo mà vẫn chứa đựng ý vị sâu xa. Cách diễn đạt ấy đã tạo ra nét riêng biệt, độc đáo. Hình ảnh “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” vừa mang tính tả thực – chỉ truyền thống làm nhà kê đá cho cao của người miền núi, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Người đồng mình sử dụng chính bàn tay, khối óc, sức lao động của mình để làm đẹp cho quê hương.

Còn quê hương là điểm tựa vững chắc về tinh thần, phong tục tập quán nâng đỡ những con người có ý chí và niềm tin.

Câu 4: Người cha nói với con về những đức tính cao đẹp của “người đồng mình” từ đó nhắc con những điều cần nhớ:

– “Người đồng mình thương lắm con ơi”: Nhắc đứa con hiểu và đồng cảm với nỗi khổ cực nhưng giàu tình thương và đáng tự hào của người đồng mình.

  • Người đồng mình lấy cái cao của trời đất làm thước đo nỗi buồn của mình, lấy cái xa của đất để đo chí lớn.
  • Người cha muốn con lấy hiện trạng thiếu thốn, khó khăn khi dân tộc mình đang nghèo đói để làm động lực sống.
  • Con phải biết sống “như sông như suối” dùng chính nội lực của mình để trải qua gian nan, thử thách.

→ Thể hiện chí hướng, tầm vóc, sức sống của ý chí con người, quê hương.

– “Người đồng mình thô sơ da thịt” nhưng “chẳng mấy ai nhỏ bé” là lời khẳng định chắc chắn rằng sự.

– “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/ Còn quê hương thì làm phong tục”: người đồng mình giàu lòng tự tôn dân tộc, có ý thức về dân tộc cũng như nền văn hóa, phong tục riêng biệt độc đáo. Trân trọng phong tục, tập quán, hướng về cội rễ chính là cách “người đồng mình” tự hào về quê hương.

→ Tác giả khẳng định phẩm chất của người đồng mình, phẩm chất của quê hương, bởi sức sống của quê hương do người đồng mình tạo ra, bằng lời nói mộc mạc, giản dị, giàu tình yêu thương, sự gần gũi.

Đề đọc hiểu Nói với con – Đề 3

Đọc đoạn thơ sau:

Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

Câu 1: Đoạn thơ trên được trích trong bài thơ nào? Của ai? Bài thơ được viết theo thể thơ gì?

Câu 2: Nhân vật trữ tình của đoạn thơ trên là ai? Nêu nội dung chính của đoạn thơ này.

Câu 3: Phân tích giá trị của hai câu thơ:

Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát

Câu 4: Em hiểu “Người đồng mình” là gì? Cách gọi “Người đồng mình” của tác giả có gì sâu sắc?

Đáp án đề đọc hiểu Nói với con

Câu 1: Đoạn thơ trên được trích trong bài thơ Nói với con của Y Phương

Bài thơ được viết theo thể thơ tự do

Câu 2: Nhân vật trữ tình được nhắc đến trong đoạn thơ trên là người cha.

Nội dung chính của đoạn thơ này là: con lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, trong sự đùm bọc của quê hương.

Câu 3: Giá trị của hai câu thơ:

Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát

  • Tác giả là người am hiểu về phong tục tập quán, đời sống của “người đồng mình”.
  • Nhà thơ đã vẽ lên khung cảnh sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng của dân tộc mình. Hai câu thơ gợi lên khung cảnh lao động của người dân miền núi
  • Đan lờ cài nan hoa: hình ảnh miêu tả trực quan, từ động tác mềm mại của bàn tay những chàng trai, cô gái Tây, nan tre trở thành những bông hoa đẹp.
  • Vách nhà ken câu hát là câu thơ đầy chất thơ mộng, đây là những yếu tố văn hóa phi vật thể.
    Hai câu thơ trở nên thi vị vì trong lao động, người ta vẫn lạc quan, vui vẻ tận hưởng cuộc sống, và sống hạnh phúc bởi bàn tay lao động.

Câu 4: Em hiểu “Người đồng mình” là người bản mình, người vùng mình, người dân quê mình gần gũi, thân thương.

Cách gọi “Người đồng mình” của tác giả khiến lời thơ trở nên tha thiết, trìu mến. Cách gọi ấy rất đỗi thân thương, đầy tình cảm tha thiết. “Người đồng mình” là những con người đáng yêu, đáng quý.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 9

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!