Lớp 9

Bộ đề đọc hiểu Đoàn thuyền đánh cá (Có đáp án)

Đề đọc hiểu Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận gồm 2 đề, có đáp án kèm theo, giúp các em học sinh có thêm tài liệu ôn tập, rèn thật tốt kỹ năng trả lời các câu hỏi trong phần đọc hiểu đề thi vào lớp 10 năm 2022 – 2023 sắp tới.

Ngoài ra, có thể tham khảo bộ đề đọc hiểu ôn thi vào 10 môn Văn với 47 đề đọc hiểu ngoài chương trình Ngữ văn 9, để vận dụng cách hiểu, tư duy, nhanh chóng trả lời những câu hỏi đề đọc hiểu. Vậy mời các em cùng tải miễn phí 2 đề đọc hiểu Đoàn thuyền đánh cá trong bài viết dưới đây:

Bạn đang xem: Bộ đề đọc hiểu Đoàn thuyền đánh cá (Có đáp án)

Đề đọc hiểu Đoàn thuyền đánh cá – Đề 1

Cho khổ thơ sau và trả lời câu hỏi:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”

Câu 1: Khổ thơ được trích trong văn bản nào? Ai là tác giả? Giới thiệu đôi nét về tác giả. Nội dung của khổ thơ trên là gì?

Câu 2: Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ.

Câu 3: Hai câu đầu bài thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Biện pháp nghệ thuật đó có tác dụng như thế nào?

Câu 4: Từ “lại” ở câu thơ “Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi” diễn tả điều gì?

Đáp án đề đọc hiểu Đoàn thuyền đánh cá

Câu 1: Đoạn thơ trích trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của tác giả Huy Cận.

– Giới thiệu đôi nét về tác giả: Huy Cận (1919 – 2005), tên đầy đủ là Cù Huy Cận, quê ở làng Ân Phú, huyện Vụ Quang (trước đây thuộc huyện Hương Sơn, sau là Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Huy Cận đã nổi tiếng trong phong trào Thơ mới với tập thơ Lửa thiêng (1940). Ông tham gia cách mạng từ trước năm 1945 và sau Cách mạng tháng Tám từng giữ nhiều trọng trách trong chính quyền cách mạng, đồng thời là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ hiện đại Việt Nam. Huy Cận đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 1996).

– Nội dung của khổ thơ trên là: Miêu tả cảnh ra khơi của đoàn thuyền đánh cá, cảnh ngày tàn mà vẫn ấm áp, tràn đầy niềm vui, niềm lạc quan của người lao động.

Câu 2: Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ trên là: nhân hóa (cài then), so sánh (mặt trời như hòn lửa), ẩn dụ.

Câu 3: Hai câu đầu bài thơ sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa đặc sắc.

– Biện pháp nghệ thuật đó có tác dụng: Gợi lên sự gần gũi của ngôi nhà thiên nhiên đang chuyển mình đi vào nghỉ ngơi, còn con người bắt đầu hoạt động lao động của mình, tạo sự bình yên với những người ngư dân ra khơi.

Câu 4:

– Từ “lại” diễn tả công việc của người dân chài được lặp lại hàng ngày, diễn ra thường xuyên, đều đặn như một nhịp sống đã quen thuộc.

– Mặt khác chữ “lại” còn biểu thị ý đối lập với hoạt động có trước: Trời, biển đã nghỉ ngơi còn con người lại ra khơi đánh cá.

Đề đọc hiểu Đoàn thuyền đánh cá – Đề 2

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá là một khúc tráng ca về lao động và về thiên nhiên đất nước.

Câu 1. Cho biết tên tác giả và năm sáng tác của bài thơ đó.

Câu 2. Xác định các từ thuộc trường từ vựng chỉ thiên nhiên ở những câu thơ sau:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng”.

Biện pháp tu từ nói quá cùng những hình ảnh giàu sức liên tưởng được sử dụng trong hai câu thơ này có tác dụng gì?

Câu 3. Ghi lại chính xác câu thơ trong một bài thơ của chủ tịch Hồ Chí Minh mà em đã được học ở chương trình Ngữ Văn Trung học cơ sở có hình ảnh con thuyền trong đêm trăng.

Câu 4. Viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch làm rõ hình ảnh người lao động ở khổ thơ dưới đây, trong đó sử dụng phép lặp để liên kết và câu có thành phần phụ chú (gạch dưới từ ngữ dùng làm phép lặp và thành phần phụ chú)

“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng

Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.”

(Trích Ngữ Văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017)

Đáp án đề đọc hiểu Đoàn thuyền đánh cá

Câu 1.

– Tác giả của bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” là Huy Cận.

– Bài thơ được sáng tác năm 1958.

Câu 2.

– Các từ ngữ thuộc trường từ vựng chỉ thiên nhiên trong hai câu thơ là: gió, trăng, mây, biển.

– Biện pháp tu từ nói quá cùng những hình ảnh giàu sức liên tưởng được sử dụng trong hai câu thơ có tác dụng:

+ Khắc họa hình ảnh con thuyền:

  • Khắc họa hình ảnh đoàn thuyền ra khơi tìm luồng cá với một tư thế mới, đẹp một cách hùng tráng và thơ mộng.
  • Tô đậm hình ảnh con thuyền ra khơi: con thuyền nhỏ bé bỗng được nâng lên tầm vóc lớn lao khi được đặt trong tương quan với bốn hình ảnh kì vĩ: gió, trăng, mây cao, biển bằng. Con thuyền ở giữa, làm chủ tất cả, lấy gió làm lái, lấy trăng làm buồm, lấy mây cao, biển bằng làm không gian lướt sóng.

+ Gợi hình ảnh con người trong tư thế đẹp đẽ, không chỉ hòa mình vào thiên nhiên mà con người còn mang tầm vóc vũ trụ, làm chủ vũ trụ và cuộc đời.

Câu 3.

Câu thơ trong bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh có hình ảnh con thuyền trong đêm trăng là:

“Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.”
(Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)

(Nguyên tiêu – Rằm tháng Giêng)

Câu 4.

* Yêu cầu về hình thức:

  • Đoạn văn 12 câu theo cách lập luận diễn dịch.
  • Trong đoạn văn có sử dụng phép lặp để liên kết và câu có thành phần phụ chú (gạch dưới những từ ngữ dùng làm phép lặp và thành phần phụ chú).
  • Diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

* Yêu cầu về nội dung:

Đoạn văn của học sinh đảm bảo những ý chính sau:

  • Huy Cận là một họa sĩ tài ba: ông sử dụng hình khối và ánh sáng rất điêu luyện khiến cảnh kéo lưới hiện ra như trong một bức tranh sơn mài rực rỡ. Đoạn thơ đã khắc họa hình ảnh con người lao động khỏe khoắn là trung tâm của bức tranh lao động trong thời gian gần sáng.
  • Con người đang chạy đua cùng thời gian, kéo lưới cho “kịp” trời sáng, nhịp điệu lao động gấp gáp, khẩn trương hơn, con người say mê lao động và say mê thiên nhiên.
  • Vẻ đẹp của ngư dân lao động tụ vào hai chữ “xoăn tay” đầy chất tạo hình, thật gân guốc, chắc khỏe, gợi những đường cơ bắp cuồn cuộn kéo lên mẻ lưới trĩu nặng cá bạc cá vàng.
  • Hình ảnh “chùm cá nặng” gợi vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ của người lao động và một mẻ lưới bội thu, đồng thời gợi sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng cho con người.
  • Câu thơ “Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông” tạo một hiệu quả kép: chữ “lóe” khiến rạng đông như bừng lên từ vẩy bạc đuôi vàng, sắc cá làm ra sắc trời, mặt khác, rạng đông làm lóe sắc cá màu hồng của bình minh tưới vào vũ trụ làm ấm bức tranh, vảy cá, đuôi cá bắt ánh sáng lóe sắc bạc sắc vàng hay là bạc vàng trong kho trời vô tận thưởng công cho nỗ lực lao động của con người.

=> Đoạn thơ khắc họa hình ảnh con người lao động bình dị mà lớn lao, phi thường.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 9

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!