Lớp 7

Bài viết số 5 lớp 7 đề 1: Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích

Hôm nay, THPT Nguyễn Đình Chiểu sẽ cung cấp tài liệu Bài viết số 5 lớp 7 đề 1: Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích.

Vai trò của việc học tập khi còn trẻ
Vai trò của việc học tập khi còn trẻ

Tài liệu dưới đây gồm dàn ý và 6 bài văn mẫu lớp 7, hy vọng có thể giúp ích cho học sinh khi làm bài viết số 5.

Bạn đang xem: Bài viết số 5 lớp 7 đề 1: Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích

Dàn ý vai trò của việc học tập khi còn trẻ

1. Mở bài

– Dẫn dắt để giới thiệu được tình hình của lớp (có nhiều bạn lơ là học tập).

– Đưa ra lời khuyên: nếu khi trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên ta sẽ chẳng làm được việc gì có ích.

2. Thân bài

– Kể lại tình hình của lớp thời gian qua (tưởng tượng về chuyện có nhiều bạn lơ là học tập, say mê vào các trò chơi như: điện tử, cờ bạc, chat…).

– Chứng minh cho các bạn thấy: nếu không chịu khó học tập từ khi còn trẻ, thì sẽ có nhiều cái hại:

  • Sẽ không có thời gian để bổ sung kiến thức.
  • Không có kiến thức để làm việc sau này.
  • Bị tụt hậu so với sự phát triển của xã hội nói chung.
  • Ảnh hưởng đến gia đình và xã hội sau này

3. Kết bài

– Khẳng định lời khuyên trên là đúng đắn.

– Động viên các bạn tập trung vào việc học.

Vai trò của việc học tập khi còn trẻ – Mẫu 1

“Người không học như ngọc không mài” – học tập có vai trò quan trọng đối với mỗi người. Bởi vậy, khi còn trẻ, chúng ta không chịu cố gắng học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích.

Có thể hiểu đơn giản rằng học là sự tiếp thu và ghi nhớ những kiến thức được người khác giảng dạy, truyền đạt lại. Nhiệm vụ chính của mỗi học sinh – chủ nhân tương lai của đất nước chính là không ngừng học tập. Những kiến thức được tích lũy trong quá trình học, sẽ trở thành một hành trang quan trọng để bước vào cuộc sống. Mặc dù, học tập không phải là con đường duy nhất, nhưng lại là con đường ngắn nhất để bước tới thành công. Nhờ có những kiến thức thu nhận được qua việc học tập, mà chúng ta có được sự tự tin, bản lĩnh để đương đầu với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Thế kỷ XXI là thế kỷ của sự phát triển khoa học – công nghệ. Mọi thiết bị máy móc tiên tiến được tạo ra có thể thay thế cho con người trong quá trình lao động. Nếu không học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ của bản thân. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ bị xã hội đào thải, trở thành người vô dụng.

Lê-nin từng khẳng định: “Học, học nữa, học mãi” – việc học tập cũng chính là một quá trình không ngừng nghỉ. Dù ở bất cứ độ tuổi nào, việc học tập vẫn luôn cần được duy trì. Từ khi còn là một chàng thanh niên, đến khi trở thành vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn học hỏi không ngừng. Để từ đó, Người mới có được vốn kiến thức sâu rộng, thông thạo nhiều ngôn ngữ. Bác chính là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo về việc học tập ngừng nghỉ.

Dù vậy, nếu khi còn trẻ, chúng ta không chịu cố gắng học tập. Đến khi lớn tuổi thì mắt đã mờ, chân đã chậm và trí nhớ đã giảm thì việc học sẽ thật khó khăn. Thời gian để học tập cũng không còn nhiều. Việc học phải bắt đầu từ khi còn trẻ, và phải là một quá trình kiên trì, nỗ lực hằng ngày thì mới đạt được hiệu quả cao. Thế hệ trẻ hôm nay cần hiểu được điều đó để tự giác học tập, trau dồi cho bản thân kiến thức và kĩ năng.

Như vậy, mỗi người hãy ý thức được điều đó để tích cực tự mình trau dồi và học hỏi. Bởi không có con đường nào đến với thành công ngắn hơn con đường học tập.

Vai trò của việc học tập khi còn trẻ – Mẫu 2

Việc học tập trong cuộc sống, đặc biệt là đối với những ai đang ngồi trên ghế nhà trường là vô cùng quan trọng. Đây là việc chúng ta cần thực hiện khi còn trẻ nhưng nó lại mang lợi ích trong suốt cuộc đời sau này. Nếu khi ta còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích.

Trước hết, học là thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức. Có rất nhiều hình thức học tập như học ở trên lớp, học thêm, học từ thầy cô, học từ bạn bè…Việc học tập có một vai trò to lớn trong cuộc sống của con người.

Chắc hẳn bất kỳ ai cũng đều biết đến chủ tịch Hồ Chí Minh. Người không những giỏi giang việc nước, yêu thương dân lành mà là một người uyên bác. Điều đó có được nhờ sự chịu khó học tập. Bác luôn tự tìm hiểu, học tập. Trong những năm Bác ra đi để tìm đường cứu nước, trước mỗi lần dọn dẹp boong tàu, Bác luôn luôn ghi trên tay mình mười chữ cái tiếng Anh. Bác không biết thì Bác tra cứu tài liệu, học cho thuộc lòng, vượt chỉ tiêu đặt ra thì mới chịu thôi. Cứ như thế, ngày qua ngày, Bác trở nên thành đạt, thông thạo ngoại ngữ chẳng khác chi so với một người nước ngoài cả. Một ví dụ điển hình cho chúng ta một bài học rất hay chính là thầy Nguyễn Ngọc Ký. Thầy ấy bị liệt hai tay từ nhỏ, mọi người ai cũng nghĩ rằng: “Chắc tàn đời rồi còn đâu mà học nữa” nhưng thật sự không phải như thế. Dù thầy liệt hai tay nhưng thầy vẫn còn yêu việc học tha thiết. “Thua keo này, bày keo khác”. Thầy không thể viết chữ bằng tay nhưng quyết không nản chí, thầy đã học cách viết được chữ bằng chân. Nét chữ đúng là có xấu, nhưng thầy vẫn không nản ý chí học tập của mình mà vẫn kiên trì khổ luyện. Nên kết quả đạt được của thầy chính là trở thành một người thầy được mọi người quý trọng, có nét chữ thật đẹp.

Ông bà ta cũng hay có câu: “Một rương vàng không bằng một nang chữ” để nói cho con cháu hiểu rằng tiền bạc không là gì nếu thiếu một cái đầu thông minh… Quả đúng là thế: “Tiền bạc, công việc có thể kết thúc một ngày nào đó, nhưng sự học vấn thì không bao giờ” – Đó là câu nói của một danh nhân nổi tiếng có ý bảo ta rằng, tiền bạc ngày qua ngày cứ mất dần, những kiến thức sẽ giúp ta có việc làm nên kiến thức vẫn quý hơn ngàn lần tiền bạc: “Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc”.

Như vậy, mỗi người cần phải chăm chỉ học tập, đặc biệt là khi còn trẻ thì lớn lên mới làm được việc có ích, làm được việc lớn được.

Vai trò của việc học tập khi còn trẻ – Mẫu 3

Mỗi người đều có những ước mơ, ai cũng muốn lớn lên sẽ làm được những việc có ích cho bản thân và xã hội. Để đạt được ước mơ, chúng ta phải học tập, rèn luyện mọi kỹ năng để có những thành công. Tuy nhiên, hiện nay một số bạn lại lơ là việc học tập, chỉ biết ước mơ mà không chịu cố gắng để đạt được ước mơ. Nếu không chịu khó học tập khi học tập thì lớn lên sẽ không làm được việc gì có ích.

Thật vậy, cuộc sống ngày càng tiên tiến và hiện đại nên luôn cần những người tài, có tri thức. Dù bạn làm bất kỳ công việc gì, từ một bác sỹ, kỹ sư, thầy cô giáo hay cả những người thợ, công nhân và nông dân, muốn làm được đều phải có tri thức. Bạn đừng nghĩ một người nông dân chỉ biết cày cấy, cuốc đất làm ruộng hay một người công nhân chỉ biết khuân vác, làm những việc dựa vào sức lực là có thể tồn tại được. Nếu không có tri thức, bạn sẽ bị lệ thuộc vào kẻ khác, bị cuộc sống xô đẩy mà sẽ không tìm được những gì mình mong muốn. Do đó mà lúc nào bạn cũng thấy mình bị đối xử bất công và sống trong khổ sở.

Lịch sử cho thấy, hầu hết những người có tri thức luôn được tôn trọng và đề cao. Họ là những người làm được nhiều việc lớn cho xã hội. Ngay từ xưa, các vị anh hùng lãnh đạo chống ngoại xâm cho dân tộc như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ… Tất cả đều là những người chịu khó học tập từ nhỏ, lớn lên có tri thức, có tài mới làm được những việc lớn, lập các chiến công vĩ đại nên để lại tiếng thơm muôn đời cho con cháu… Trong xã hội hiện đại, chỉ những học sinh siêng năng học giỏi sau này mới có thể có những phát minh cho nhân loại, làm việc lớn cho đời.

Trong xã hội phong kiến, nhà nước không quan tâm đầu tư giáo dục, không quan tâm nâng cao dân trí nên hầu hết người dân không có tri thức. Đất nước do vậy mà nghèo nàn, lạc hậu. Những người dân nghèo khổ lại phải chịu sự tác động, chi phối của cuộc sống và bị xã hội vùi dập nhưng chỉ biết than thân, trách phận mà không biết làm thế nào để thoát khỏi số phận long đong ấy. Đặc biệt, đối với người phụ nữ, họ không được học hành nên việc họ bị áp bức, trà đạp là chuyện tất yếu. Chỉ những người phụ nữ có hiểu biết, có tri thức thì mới ý thức được thân phận, cuộc đời mình. Họ tìm được cho mình con đường đi đúng. Ngày xưa, Hai Bà Trưng đã đứng lên dựng cờ khởi nghĩa thắng lợi. Hồ Xuân Hương dù bị xã hội đùn đẩy nhưng bà vẫn ý thức dược thân phận của mình. Họ làm được điều đó cũng chỉ là do họ có tri thức. Vậy nên muốn có cuộc sống như ý muốn, không gì khác ngoài bạn phải có tri thức. Mà muốn có tri thức lạ phải học ngay lúc sớm nhất có thể.

Có thể tuổi trẻ bạn ham chơi, bởi theo bạn có nhiều thứ lôi cuốn hấp dẫn hơn việc học nhiều. Bạn cho rằng những trò chơi điện tử trên máy tính, những cuộc đi chơi với bạn bè… là những việc lí thú hơn cả vì chúng mang lại cho bạn nhiều niềm vui thích, hứng khởi hơn là ngồi vào bàn học với đống sách vở nhàm chán. Tuy nhiên đừng chỉ nhìn vào những thú vui trước mắt mà quên đi những ước mơ, hoài bão sau này đang chờ bạn thực hiện. Nếu bạn không học, bạn sẽ nhanh chóng tạo ra cho mình một lỗ hổng lớn về kiến thức mà khó bù đắp lại được. Bạn sẽ nhanh chóng chán nản việc học. Điều đó là cực kỳ nguy hiểm cho tương lai của bạn. Có thể tuổi trẻ còn dài nhưng thời gian trôi đi không trở lại, bạn sẽ không làm được việc của ngày hôm nay nếu ngày hôm nay trôi qua.

Vậy nên, chúng ta phải học, học để biến những ước mơ của mình thành sự thật. Phải chịu khó và hi sinh những thú vui không có lợi cho việc học. Bởi chỉ có học thì mai này lớn lên mới đủ khả năng làm được những việc có ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội và tương lai sẽ rộng mở với chúng ta.

Vai trò của việc học tập khi còn trẻ – Mẫu 4

Đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập và phát triển, muốn xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh thì cần có một đội ngũ nhân lực thực sự mới có thể đáp ứng yêu cầu phát triển được. Để có được điều đó mỗi học sinh chúng ta ngay từ bây giờ phải có thái độ học tập thật nghiêm túc, chăm chỉ chịu khó học tập để xây dựng cho mình vốn kiến thức và kinh nghiệm sống để sau này trở thành những con người có ích cho xã hội.

Học ở đây là con đường tiếp thu, lĩnh hội tri thức. Đây là quá trình lâu dài giúp mỗi con người có thể chiếm lĩnh được tri thức vô tận của thế giới. Học cho bản thân và học cho sự phát triển của xã hội. Học tập từ xưa đến nay luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển con người. Nó là chìa khóa vạn năng, là cánh cửa rộng mở cho tương lai, giúp con người làm giàu cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Học không chỉ có vai trò quan trọng với bản thân mỗi con người, mà còn có vai trò nhất định đối với xã hội. Học tập chính là động lực để xã hội lớn mạnh, ngày càng phát triển, tiến đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây cũng là con đường nhanh nhất đưa nước ta có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã khẳng định.

Walt Disney, ông trùm của hãng hoạt hình Walt Disney, là người sáng lập nên hãng phim hoạt hình nổi tiếng trên thế giới đã khơi nguồn cảm hứng cho hàng triệu triệu người trên thế giới. Gặp phải nhiều thất bại trong cuộc sống, tuổi thơ đầy khó khăn, vất vả và vấp phải khá nhiều những thất bại trong cuộc sống. Tuy vậy, ông vẫn học tập không ngừng và vươn lên để đạt được thành công vang dội như hiện tại. Abraham Lincoln là tổng thống thứ 16 của nước Mỹ. Ông chính là tấm gương sáng của sự tự lập, biết phấn đấu vươn lên để trở thành người quyền lực nhất nước Mỹ. Dù xuất thân trong gia đình nghèo khó, thiếu thốn nhưng ông luôn cố gắng, nỗ lực không ngừng. Ông gặp phải nhiều thất bại nhưng sau đó, ông đều coi đó là động lực để tiếp tục con đường học tập, trải nghiệm để gặt hái thêm nhiều thành công khác. Hay như Thomas Edison được biết đến là nhà phát minh vĩ đại nhất mọi thời đại, làm thay đổi cuộc sống của cả nhân loại. Thời gian khi còn đi học, các thầy cô đều cho rằng ông “quá ngu ngốc để không thể học bất cứ thứ gì”. Vậy nhưng chính Edison đã cố gắng để chứng minh cho họ biết họ đã sai. Ông làm thí nghiệm đến 10.000 lần, và đều thất bại trước khi phát minh ra bóng đèn điện, mang đến cuộc cải cách cho lịch sử nhân loại. Ở Việt Nam, từ xa xưa, tinh thần hiếu học của cha ông ta đã được minh chứng rất rõ qua các tấm gương sáng về học tập. Mạc Đĩnh Chi, Cao Bá Quát đều là những con người hiếu học. Tấm gương tiêu biểu nhất có thể kể đến là chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người dành trọn cả đời để học tập và rèn luyện, phấn đấu không ngừng…

Con đường học tập có rất nhiều những hình thức khác nhau. Bạn có thể học ở trường phổ thông, học nghề, học để nâng cao chuyên môn… Bạn có thể học ở nhà trường, học trên sách vở, báo đài, học ngoài thực tế hay học ở bạn bè… Học không chỉ là điều kiện cần và đủ để được bằng cấp, để có việc làm mà học để không ngừng nỗ lực hoàn thiện chính bản thân mình về mọi mặt, từ kiến thức, kĩ năng đến thái độ. Hãy đưa ra một giả thuyết, nếu bạn không học, bạn không thể sửa một chiếc quạt khi hỏng, bạn cũng không thể lắp một chiếc xe đạp đầy đủ phụ tùng. Chính vì thế, học để đem lại kiến thức lý thuyết cho bản thân cũng như đem lại những kĩ năng để vận dụng thực hành cho cuộc sống.

Vậy nên nếu chúng ta không chăm chỉ học tập ngay từ bây giờ thì rất có thể sau này dễ bị nghèo nàn, lạc hậu, cá nhân bất tài vô dụng, không biết lý lẽ, phân biệt đúng sai, dễ bị cám dỗ… Học sinh chúng ta hôm nay ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường hãy nỗ lực phấn đấu trong học tập, quyết tâm học thật giỏi và rèn luyện tính cần cù, chăm chỉ trong việc học để sau này chúng ta sẽ thành công trong công việc sau này, có một cuộc sống ổn định.

Vai trò của việc học tập khi còn trẻ – Mẫu 5

Việc học tập có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Và nếu như khi còn trẻ không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc ì có ích.

Trải qua gần một trăm năm dưới ách nô lệ của thực dân Pháp, hai mươi năm chống đế quốc Mĩ, nhân dân Việt Nam đã bỏ biết bao công sức, trí tuệ cho sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc, và hôm nay, trên con đường hội nhập với thế giới, Việt Nam đã trở thành một nước công nghiệp hoá, đang trên đà phát triển. Chúng ta có quyền tự hào bởi ta là người Việt Nam, được sinh ra trên mảnh đất anh hùng, luôn tồn tại những con người kiên cường, bất khuất, đầy trí tuệ, thông minh và sáng tạo. Thế nhưng có khi nào thế hệ tuổi trẻ Việt Nam chúng ta, những người thanh niên sắp là chủ nhân tương lai của đất nước trong thời đại mới nghĩ đến những tiến bộ, những mặt còn hạn chế của chính mình, để từ đó có những kết luận đúng đắn giúp đất nước ngày càng đi lên, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Qua thực tế, ta nhận thấy vẫn còn rất nhiều bạn còn mải chơi, bỏ học coi việc học là nghĩa vụ nặng nề mà bố mẹ giao cho, chẳng nghiêm túc và tự giác trong học tập… Đó là những con người lười nhác, chỉ hưởng không công, những người còn đang ngủ quên trên chiến thắng của dân tộc, chưa xác định được lí tưởng sống đúng đắn. Đó là những biểu hiện thật hổ thẹn với quá khứ hào hùng của cha anh, một vấn đề mà hiện nay ta cần phải quan tâm và xem xét bởi vì “Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích”. Trong những năm học phổ thông, học sinh được cung cấp những kiến thức hết sức căn bản, nhưng nếu chúng ta không chăm chỉ học hành, lơ là, chểnh mảng thì sẽ không nắm vững được kiến thức một cách có hệ thống mà còn tốn thời gian, tiền bạc và kết quả thu được cũng chẳng đáng là bao, huống chi là cả một kho tàng tri thức khổng lồ về tự nhiên và xã hội mà nhân loại đã tích lũy suốt mấy ngàn năm lịch sử và những kiến thức tân tiến, hiện đại của khoa học kĩ thuật bây giờ mà nếu chúng ta không học thì sẽ trở thành những con người lạc hậu và chậm tiến. Vì thế, việc làm trước tiên của thanh niên trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là phải học tập, trang bị thật tốt cho mình vốn kiến thức, hiểu biết về thế giới, khoa học và con người… Học tập tốt không chỉ giúp ta góp phần xây dựng một đất nước vững mạnh, phát triển và phồn vinh mà còn là con đường tốt nhất giúp ta đi đến một tương lai tương sáng và tốt đẹp.

“Học tập là hạt giống của kiến thức
Kiến thức là hạt giống của hạnh phúc”

Không chỉ dừng lại ở việc học, thanh niên, học sinh còn phải hoàn thiện bản thân, tu dưỡng và rèn luyện về đạo đức. Có lòng thương người và đối xử với người theo lẽ phải, đó là nhân nghĩa, là truyền thống cao đẹp của người Việt Nam mà chúng ta cần duy trì và phát triển và thiết thực nhất đó là sự kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà… và quan tâm, chia sẻ, nhường nhịn với những người xung quanh, cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn, hoạn nạn, luôn có thái độ kính trọng và biết ơn với những người đã có công với đất nước…

Đặc biệt, thanh niên cần tích cực rèn luyện một lối sống trong sáng, lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội như cờ bạc, thuốc lá, ma tuý… và những thói hư tật xấu, lối sống lai căng, thực dụng, xa rời các truyền thống văn hóa của xã hội bởi chúng có tác hại ghê gớm cho bản thân, gia đình, xã hội về tư tưởng đạo đức, sức khỏe, kinh tế, nòi giống…

“Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông;
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công”

(Hồ Chí Minh)

Mỗi người chúng ta đều có những mặt mạnh, yếu khác nhau, không ai là hoàn mỹ cả, mặt khác, xã hội luôn không ngừng phát triển, vì vậy, thanh niên phải luôn tự hoàn thiện bản thân mình, biết vượt lên mọi khó khăn, trở ngại, biết phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, học hỏi những điều hay, điều tốt của người khác. Có như thế thì bản thân, gia đình, cộng đồng sẽ ngày một phát triển tốt hơn, tiến bộ hơn.

“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh,
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình?”

(Tố Hữu)

Tóm lại, thanh niên chúng ta cần phải phấn đấu học tập, xác định mục tiêu học tập đúng đắn, coi việc học tập khoa học kĩ thuật là then chốt, trở thành những nhà khoa học trẻ tuổi tương lai, những thanh niên xung phong trong thời đại mới, có kích thích sáng tạo, tìm tòi cái mới, ứng dụng lí thuyết vào đời sống thực tế, học hỏi không ngừng, có tình yêu quê hương đất nước, nhận lãnh trách nhiệm là người chủ nhân tương lai của đất nước, là thành viên ưu tú của xã hội. Song song đó, chúng ta cần tránh xa những cạm bẫy của thói hư tật xấu, của tệ nạn xã hội, luôn có ý thức bảo vệ môi trường sống, bảo vệ phẩm cách trong sáng, bảo vệ gia đình, xã hội, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Những hành động trên là vô cùng thiết thực trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa này, những điều mà ai trong chúng ta cũng có thể làm được để đất nước ngày càng phát triển và có thể sánh đôi với các cường quốc khác, góp phần bảo vệ, xây dựng đất nước Việt Nam ngày một giàu đẹp hơn.

Vai trò của việc học tập khi còn trẻ – Mẫu 6

Lê-nin từng khẳng định: “Học, học nữa, học mãi” – bất kỳ ở một lứa tuổi nào con người cũng cần phải không ngừng học hỏi. Tuy nhiên, việc học tập được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với tuổi trẻ. Và nếu như khi còn trẻ, chúng ta không chịu cố gắng học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích.

Đầu tiên, học là sự thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức. Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của việc học tập. Học tập mang lại cho học sinh rất nhiều lợi ích to lớn. Trước hết là nó cung cấp nguồn tri thức vô tận, kết nối bản thân và thế giới, giúp con người thành công trong cuộc sống. Không học tập thì không thể làm được điều gì lớn lao. Nhờ tự giác học tập mà con người có thể vượt xa những gì bắt buộc phải học. Con người vươn lên hiểu biết và kết nối mình với thế giới rộng lớn, tìm kiếm nhiều hơn những cơ hội để thành công. Học tập không phải là con đường duy nhất, nhưng lại là con đường ngắn nhất giúp con người đến với thành công. Đặc biệt khi còn trẻ thì việc chăm chỉ học tập là vô cùng cần thiết. Bởi đây là thời điểm mà con người có nhiều thời gian, sức khỏe và trí tuệ nhất. Họ có thể dễ dàng tiếp thu một khối lượng kiến thức lớn, có khả năng tư duy dựa trên năng lực cá nhân.

Bác Hồ – một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Người sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Ngay từ khi còn nhỏ, Bác luôn chăm chỉ học tập, cho đến khi trưởng thành, ra đi tìm đường cứu nước, Bác đã tự mình học hỏi để rồi có được một vốn hiểu biết phong phú nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Hoa, Nga… Bác chính là tấm gương sáng ngời về tinh thần không ngừng học tập.

Trong xã hội hiện đại, với sự phát triển của khoa học công nghệ giúp cho việc học tập trở nên dễ dàng hơn. Nhưng chính điều đó lại tạo ra những cám dỗ khiến cho học sinh xao nhãng việc học tập. Có thể kể ra một số trường hợp như nhiều bạn học sinh bỏ học trốn đi chơi điện tử, trong lớp học không chú ý nghe giảng… Khi còn trẻ là khi chúng ta có sức khỏe, có nhiệt huyết nhưng nếu không chịu cố gắng học tập, thì sau này bạn sẽ phải cố gắng gấp đôi người khác.

Tích lũy tri thức là một quá trình dài, một quá trình bền vững. Không phải ngày một ngày hai mà chúng ta có thể tích lũy khối lượng tri thức vô tận. Tục ngữ có câu “Có công mài sắt có ngày nên kim” hay “Có chí thì nên”. Nếu chịu khó học tập, chắc chắn bạn sẽ nhận được trái ngọt.

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 7

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!