Lớp 6

Bài văn mẫu lớp 6: Bài viết số 5 (Đề 1 đến Đề 4)

Bài văn mẫu Lớp 6: Bài viết số 5 (Đề 1 đến Đề 4) gồm dàn ý, cùng 37 bài văn mẫu từ đề 1 đến đề 4 của bài viết số 5 lớp 6. Giúp các em tham khảo, có thêm ý tưởng, hoàn thiện bài viết số 5 của mình đạt kết quả cao.

Bài viết số 5 lớp 6 gồm 4 đề như sau:

Bạn đang xem: Bài văn mẫu lớp 6: Bài viết số 5 (Đề 1 đến Đề 4)

  • Đề 1: Tả lại một cây đào hoặc cây mai vàng vào dịp Tết đến, xuân về.
  • Đề 2: Hãy viết bài văn miêu tả hàng phượng vĩ và tiếng ve vào một ngày hè.
  • Đề 3: Em đã từng chứng kiến cảnh bão lụt ở quê mình hoặc xem cảnh đó trên truyền hình, hãy viết bài văn miêu tả trận bão lụt khủng khiếp đó.
  • Đề 4: Em hãy viết thư cho bạn ở miền xa, tả lại khu phố hay thôn xóm, bản làng nơi mình ở vào một ngày mùa đông giá lạnh.

Bài viết số 5 lớp 6 đề 1

Dàn ý bài viết số 5 lớp 6 đề 1

1. Mở bài

– Giới thiệu: Cây đào được bố em mua về hôm hai mươi tám Tết.

2. Thân bài

a. Tả bao quát

– Hình ảnh cây đào hiện lên như thế nào?

– Vị trí của cây đào được đặt ở đâu?

b. Miêu tả chi tiết

– Hình dáng: cao (thấp), thế uốn cây.

  • Cành: Chia nhiều hay ít, cành nhỏ…
  • Lá: nhỏ, màu xanh đầy sức sống…
  • Hoa: có nhiều cánh, cánh hoa có màu phớt hồng, mỏng manh…

– Cây đào được trang trí: câu đối, dây đèn màu sắc, phong bao lì xì…

c. Ý nghĩa của cây đào

– Nhờ cây cành hoa đào ngày Tết, nhà em đẹp hơn.

– Cây đào đem lại may mắn, không khí của mùa xuân…

3. Kết bài

– Khẳng định vẻ đẹp của cây đào là đặc trưng của ngày tết.

– Tình cảm, thái độ đối với loài cây này.

Bài viết số 5 lớp 6 đề 1 –  Mẫu 1

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, chợ hoa lại nô nức, náo nhiệt những người đi mua sắm cây hoa, cây quất. Khắp một vùng bạt ngàn những cành đào, cành mai được chở từ khắp nơi về để bán. Giữa một rừng hoa như vậy, mẹ tôi cũng chọn được một cành đào phai đẹp nhất cho nhà tôi.

Vì là đào rừng nên nó rất lớn và có dáng vẻ tự nhiên, sinh động hơn bất kì cành đào nào trồng ở vườn dưới xuôi. Từ một cành chính rất to, các cành con mọc ra chi chít xung quanh. Cành nào cũng uốn cong một vẻ mềm mại, uyển chuyển. Nó không chỉ nhiều nụ mà còn vô vàn lộc xanh mơn mởn. Một vài chiếc lá xanh mọc ở đầu cành non, điểm xuyết những bông hoa màu hồng nhạt. Đó mới là cành đào những ngày gần Tết.

Đến 30 Tết, hoa đào bắt đầu nở. Những nụ hoa trước kia giờ là những bông hoa rực rỡ. Các cánh hoa mỏng manh màu hồng xòe ra thật mảnh mai, nhẹ nhàng. Ngay giữa bông là nhị vàng rung rinh. Mỗi khi hoa lay động, những hạt phấn vàng nhỏ li ti bay khắp nơi. Những cánh hoa mong manh đến nỗi chỉ cần cành hơi rung là chúng lập tức rơi xuống đất thật vội vã, không chút do dự. Không chỉ hoa mà lá cũng mọc đầy. Từng chiếc lá nhỏ đẫm một màu xanh man mát, làm bừng sáng góc nhà. Những chiếc lá đó kết thành chùm mọc ở đầu cành, cạnh những bông hoa gần chồi nách. Nhưng hoa vẫn còn thưa thớt, chưa phải là đã nở hết.

Đến độ mùng một, mùng hai Tết, hoa mới nở tràn trên cành. Cành nào cũng có hoa, có lá. Không khí xuân đến bừng trên cành đào. Hơi ấm mùa xuân phả vào những bông hoa làm chúng thêm phần rực rỡ, lá thêm phần xanh tươi. Cành đào đã trút bỏ lớp áo cũ với những lộc non còn e ấp, thay vào đó là bộ áo mới với muôn vàn hoa xinh nở tưng bừng. Vẫn dáng đứng mềm mại, tự nhiên đó, cành đào giờ đây đã trở thành nét đẹp duyên dáng của ngày Tết. Nó đưa ta đến với thiên nhiên, với một mùa xuân vui vẻ, hạnh phúc. Nó làm ta cảm thấy được sự êm dịu của những hạt mưa ngoài trời, những cơn gió lành lạnh thật dễ thương của mùa xuân đích thực.

Rồi hoa bắt đầu rụng dần. Từng cánh hoa nhẹ rơi xuống nền nhà. Chỉ loáng thoáng một vài bông xinh xinh nở muộn như muốn níu giữ lại chút không khí Tết. Cành đào lúc này tuy không tràn đầy sức sống nhưng vẫn có vẻ đẹp thanh thoát, dịu dàng. Nó cố khoe nốt vẻ đẹp. cuối cùng trước khi hoa rụng hết. Với vẻ đẹp còn giữ được, cành đào đó vẫn nằm một góc trong căn nhà tôi. Nó vẫn là sứ giả của mùa xuân, đem đến cho gia đình tôi không khí và nét đẹp ngày Tết. Hình ảnh một cây đào to lớn, sần sùi nằm ở gần cầu thang đã trở thành thân quen với tôi và mọi người trong nhà.

Sẽ còn lại nỗi trống vắng bâng khuâng khi những ngày Tết thật sự qua đi mà cành đào còn ở đó.

Bài viết số 5 lớp 6 đề 1 – Mẫu 2

Khi những đàn chim tránh rét từ phương Nam trở về, khi cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông bớt dần cũng là lúc nàng tiên mùa xuân ghé thăm đất trời. Xuân đến, ban phát sức sống cho muôn loài tỏa sắc khoe hương. Nào mai vàng miền Nam, hoa ban trắng xóa vùng núi Tây Bắc… Trong đó, em rất thích hoa đào ngày tết ở miền Bắc.

Cuối năm vừa rồi em được bố cho đi sắm Tết, được đắm mình trong rừng hoa rực rỡ ở chợ. Em rất thích một cây đào phai và bố đã mua tặng cho em. Cây đào được đặt giữa phòng khách, trong cái chậu sứ trắng tinh làm nổi bật vẻ đẹp của hoa. Cây cao tầm đầu người, dáng cây uốn lượn khéo léo như dải đất Việt Nam yêu dấu. Nhìn từ xa, cành lá và hoa chụm lại như ngọn nến hồng rung rinh đang tỏa sáng. Thân cây khoác tấm áo nâu hơi xù xì để bảo vệ cho thân non bên trong, nhìn rất khỏe khoắn và tràn đầy sức sống. Gốc đào khá to, tròn trịa và hơi thô ráp nên em đoán cây được trồng khá lâu, chắc khoảng gần hai năm.

Chỉ sau vài ngày về nhà thì đến đúng 30 Tết, đào nở rất đẹp. Từ trong những nụ hoa còn e ấp, chúm chím ngày nào giờ đã nở bung ra. Cánh hoa màu hồng nhạt, rất nhẹ nhàng và bắt mắt; khi sờ vào thấy rất mịn. Rất nhiều cánh hoa xếp chồng lên nhau thành ba lớp trông như bông hoa sen tí hon. Ở giữa là nhụy hoa vàng óng như nắng sớm ban mai sưởi ấm cho ngôi nhà. Điểm xuyết giữa bông hoa là những chiếc lá xanh non mơn mởn. Lá không quá to, thon dài những những chiếc thuyền nhỏ bé đang bồng bềnh trên sóng nước. Đây đó vẫn còn một vài bông chưa nở, hãy còn e ấp. Hoa đào không có hương thơm ngào ngạt như hoa li cũng không ngát như hoa bưởi mà tỏa ra thứ hương thơm dịu nhẹ, thanh khiết làm cho mọi người luôn cảm thấy dễ chịu và thoải mái.

Bố em nói “Cây đào này hoa đẹp, lá tươi lại còn có lộc nữa. Đó cũng chính là khởi đầu tốt đẹp của một năm, đem lại may mắn cho cả gia đình”. Bố khen vậy em thấy rất vui vì hãnh diện vì chính tay mình đã lựa chọn. Để cây đào thêm rực rỡ và có không khí ngày Tết, em còn trang trí dây nháy vào buổi tối, đeo thêm những đèn lồng đỏ tươi và những phong bao lì xì may mắn. Khách đến nhà ai ai cũng khen đào đẹp và rút một phong bao lấy may.

Đã mấy ngày Tết trôi qua, nhưng hoa vẫn tươi và tràn đầy sức sống. Em rất chăm chỉ chăm sóc cây. Sáng nào em cũng dậy sớm tưới nước và cho cây uống B1 để cây tươi hơn, để lưu giữ không khí nhộn nhịp của ngày tết miền Bắc.

Màu sắc hồng thắm của hoa đào đã điểm tô sắc xuân trong mỗi gia đình, trên mọi nẻo đường và con phố.

Nếu miền Nam có mai vàng và bánh tét, thì miền Bắc lại có hoa đào và bánh chưng. Với em, đào đã trở thành một người bạn không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến xuân về.

Bài viết số 5 lớp 6 đề 1 – Mẫu 3

Nếu hoa đào là loài cây đặc trưng cho ngày tết ở miền Bắc, thì ở miền Nam đó chính là hoa mai. Tết năm nay, gia đình em đã mua một cây hoa mai để trang trí nhà cửa cũng như để cầu chúc một năm mới thịnh vượng, bình an.

Em còn nhớ đó là ngày ba mươi Tết, ba em đã ra khu chợ hoa của thành phố để mua một cây hoa mai về nhà. Ba trồng cây trong một chiếc chậu sứ màu trắng, đặt ở góc sân. Còn mẹ thì trang trí cho cây những câu đối hay phong bao lì xì đỏ. Em phụ trách tưới nước cho cây. Xong xuôi, em cùng em trai mang ghế ra ngồi ngắm nhìn cây mai.

Dáng của cây mai rất thẳng. Gốc mai cằn cỗi, xù xì lớp vỏ. Những đường gân rắn chắc nổi lên phô diễn sức mạnh của rễ cây. Cành cây trông khẳng khiu, gầy guộc. Còn thân cây lại cứng cáp, mạnh mẽ.

Lá của cây mai thon dài như lá trà, mép lá có hình răng cưa. Lúc non lá có màu xanh phơn phớt hồng. Khi lớn hơn, lá sẽ có màu xanh đậm. Ba nói với em rằng, những ngày trước Tết, người ta thường tỉa những chiếc lá già để từ đó những chiếc lá non sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Đẹp nhất phải kể đến hoa mai. Những bông hoa có màu vàng, trông thật ấm áp dưới ánh nắng rực rỡ. Mỗi nụ mai thường có năm cánh. Hiếm lắm mới bắt gặp một vài bông hoa có nhiều cánh hoa hơn. Những cánh hoa mềm mại, mỏng manh được xếp đều trên đài hoa màu xanh khỏe khoắn tạo nên nét tương phản hài hòa làm nổi bậc sắc vàng tươi. Chính giữa là vài chiếc nhị hoa nhỏ xíu. Những bông hoa rung rinh dưới ánh nắng trông thật tuyệt vời. Đâu đó, tiếng chim ca líu lo như đang chào đón một mùa xuân nữa lại về.

Không phải ngẫu nhiên mà cây mai được coi là biểu tượng của ngày Tết. Mà bởi hoa mai được xem là đem đến sự tài lộc, thịnh vượng và may mắn trong năm mới. Sắc mai vàng rực rỡ cũng tượng trưng cho sự sống, xua tan đi cái lạnh giá của mùa đông. Dáng mai thẳng đứng trông thật thanh cao, tượng trưng cho khí phách của người dân Việt từ ngàn đời nay. Đối với người dân sống ở miền Nam – việc có một cây mai trong nhà vào ngày Tết đã trở thành một “truyền thống” không thể thiếu, không thể bỏ.

Cây mai đã trở thành biểu tượng của mùa xuân, của vẻ đẹp cao khiết và của tâm hồn người Việt Nam – thanh cao mà bình dị. Vì vậy, mỗi dịp Tết về, em lại háo hức đón chờ cùng ba đi sắm sửa một cây hoa mai.

Bài viết số 5 lớp 6 đề 1 – Mẫu 4

Trong những ngày giáp Tết, mọi người đều nô nức sắm sửa chuẩn bị. Gia đình em cũng vậy, chiều hai chín Tết, em cùng bố dạo quanh khu chợ hoa và đem về một chậu mai tuyệt đẹp.

Đó là một cây nhỏ, chỉ cao chừng bảy mươi xăng ti mét nhưng có rất nhiều nụ, nụ hoa lại mập mạp rất đáng yêu. Thân cây ở phía gốc to bằng cổ tay em, càng lên cao càng nhỏ dần. Vỏ cây nâu mốc, xù xì chứng tỏ nó đã khá già. Đặc biệt, thân mai được uốn sao cho cây vươn lên xoắn theo hình trôn ốc rất độc đáo. Những cành mai vì thế mà mọc xòe ra nhiều phía, tạo thành tán tròn ôm lấy thân cây làm tâm điểm. Nhìn cây mai, chẳng khác nào một ngọn tháp tí hon. Lá cây rất nhỏ và thưa, cành rất nhiều những chiếc nụ nho nhỏ, xinh xắn. Nụ mai được bao bên ngoài bởi một lớp vỏ màu nâu, khi bông đã đến khi nở, lớp vỏ ấy sẽ rụng đi. Bố em nói rằng cây mai này rồi sẽ nở hoa rất đẹp. Bố cẩn thận đặt cây vào một chiếc chậu sứ rồi để trong phòng khách.

Đúng sáng ngày mùng một Tết. Khi cả nhà em bước ra phòng khách, ai cũng ngỡ ngàng nhìn cây mai với ánh mắt say mê. Hoa đã nở rất nhiều, màu hoa mai vàng tươi như ánh nắng ban mai. Cái tháp nhỏ ngày hai mươi tám thoắt đã vụt trở thành một chiếc tháp vàng rực rỡ. Từ đỉnh tháp đến chân tháp, những bông hoa xòe cánh bao phủ. Hoa mai cũng có năm cánh như hoa đào ngoài Bắc nhưng cánh mai to hơn một chút. Ngoài ra, hoa mai có thể có bảy hoặc chín cánh trên một bông. Cánh hoa vàng tươi được nâng đỡ bởi đài hoa xanh non trông thật đẹp mắt. Ở giữa bông hoa là nhị hoa dài và nhụy hoa cũng mang màu vàng tươi như cánh.

Em cẩn thận đem những phong bao lì xì màu đỏ kèm bên trong là những lời chúc tết, những chiếc đèn lồng đỏ nhỏ có những câu đối chúc mừng năm mới treo lên cây mai. Thật tuyệt vời làm sao! Màu vàng của hoa mai tượng trưng cho sự trù phú, sung túc. Giữa những ngày Tết, ngày xuân màu hoa mai chan hòa với ánh nắng của đất trời, làm xôn xao lòng người khiến ai ai cũng thêm phấn chấn, vui vẻ. Màu đỏ lại tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc. Vậy nên màu vàng của hoa, màu đỏ của những vật trang trí hẳn là những sắc màu đem lại may mắn cho năm mới.

Cơn gió xuân thoảng qua là cánh hoa rung rinh thật nhẹ, như mơn man đùa giỡn với gió. Còn những chiếc phong bao, những chiếc đèn lồng thì xoắn tít dây, khẽ bay bay như vỗ tay reo mừng. Ngày Tết mà có một cây mai trong nhà thì còn gì tuyệt vời bằng.

Cây hoa mai trong những ngày Tết đến, xuân về thật đẹp đẽ và quan trọng biết mấy. Cũng như hoa đào, hoa mai đã trở thành biểu tượng của một mùa xuân ấm áp.

…………….

Bài viết số 5 lớp 6 đề 2

Dàn ý bài viết số 5 lớp 6 đề 2

1. Mở bài

Giới thiệu cây phượng vào mùa hè và tiếng ve: Đối với mỗi học sinh thì những chùm phượng vĩ và tiếng ve có ý nghĩa rất lớn. đó là những dấu hiệu cho mùa hè, cho sự hy vọng và vui chơi. E rất thích những chùm phượng vĩ mùa hè và những tiếng ve râm rang ngày hè.

2. Thân bài

a. Tả bao quát cây phượng vĩ và tiếng ve

– Hoa phượng vĩ màu đỏ

– Cây phượng vĩ cao 3-5m

– Tiếng ve kêu râm rang suốt cả ngày

– Tiếng ve kêu rất to

b. Tả chi tiết cây phượng vĩ mùa hè và tiếng ve

* Tả chi tiết cây phượng vĩ

– Cây phượng vĩ ra hoa vào mùa hè

– Thân cây phượng vĩ cao, và có rất nhiều nhánh

– Tán lá cây phượng vĩ rất rộng

– Cành lá phượng vĩ rất nhiều

– Lá phượng vĩ nhỏ và mỏng, mọc so le nhau

– Gốc phượng vĩ ôm chặt trên đất

* Tả chi tiết tiếng ve

– Tiếng ve rất to.

– Tiếng ve kêu suốt ngày.

– Tiếng ve báo hiệu cho mùa hè đến.

c. Mối quan hệ giữa cây phượng vĩ và tiếng ve

– Đều biểu hiện, tượng trưng cho mùa hè.

– Đều gắn với bao thế hệ học trò.

3. Kết bài

Cảm nhận của người viết: Em rất yêu cây phượng vĩ mùa hè và tiếng ve. Đây là những hình ảnh gắn bó biết bao kỉ niệm học trò của em.

Bài viết số 5 lớp 6 đề 2 – Mẫu 1

“Hôm qua còn lấm tấm
Chen lẫn màu lá xanh
Sáng nay bừng lửa thẫm
Rừng rực cháy trên cành”

Nhà thơ Lê Huy Hòa đã viết một bài thơ để nói về hoa phượng. Có người học trò nào lại không thương, không nhớ sắc màu đỏ rực của những cánh phượng hồng và âm thanh râm ran của những tiếng ve gọi hè da diết? Và như quy luật của tạo hóa muôn đời này, tuổi học trò, phượng vĩ và tiếng ve luôn gắn với mùa thi, mùa hạ.

Trong sân bất cứ ngôi trường nào trên đất nước Việt Nam chúng ta cũng có thể tìm được một cây phượng, phượng là loài hoa gắn bó nhiều nhất với tuổi học trò. Và tuổi thơ của tôi và các bạn cùng trường cũng gắn bó với một cây phượng như thế.

Cây đã được trồng từ lâu nên cao và to lắm. Nhìn từ xa, trông cây phượng như một người khổng lồ với mái tóc xanh mướt. Dáng phượng nghiêng nghiêng duyên dáng. Rễ cây ngoằn ngoèo bò trên mặt đất như một con bạch tuộc khổng lồ bám chặt vào nền đất. Gốc cây phượng xù xì mốc thếch. Cây phượng đã già, thân cây to hơn cả một vòng tay ôm của một cô học trò lớp sáu như tôi. Thân cây to, vỏ màu nâu xỉn – màu của quê hương đất mẹ. Chạm vào thân cây, tôi thấy sần sùi, nhám, nó chai sần như bàn tay của bác nông dân lao động cần cù. Người mẹ thiên nhiên đã đã cho thân chiếc áo giáp cứng cáp khiến mỗi thân cây như một chàng hiệp sĩ. Nhưng ít ai biết rằng trong lớp vỏ xù xì đó dòng nhựa mát lành đang cuồn cuộn chảy để nuôi cây. Tán nó xòe rộng cả một khoảng sân. Từ thân chẽ thành nhiều nhánh nhánh giống như cái chạc. Cành vươn ra tứ phía, uyển chuyển la đà.

Mùa xuân, cây phượng ra lá. Lá phượng xanh non, mát rượi, ngon lành như lá me. Lá ban đầu xếp lại như còn e ngại điều gì. Nhưng khi được tắm nắng xuân, lá lại xòe ra cho gió đưa đây, rồi lá ánh lên một màu xanh nhũn nhãn, đậm đà. Theo dòng thời gian, lá mỗi ngày một sẫm hơn, dày hơn, cứng cáp hơn giống lá me, màu xanh thẫm mọc song song hai bên cuống trông xa như đuôi con chim phượng, chắc vì thế mà cây có tên là phượng.

Xuân qua, hè tới, phượng bắt đầu nở hoa. Phượng nở đồng loạt, kết thành từng chùm đỏ rực trông như những mặt trời bé con tinh nghịch trên những vòm lá xanh tươi. Hoa phượng có năm cánh, bốn cánh đỏ tươi và một cánh có đốm trắng. Trên những cành cây, những cánh phượng tươi thắm như những nàng công chúa bướm xinh đẹp đang khoác lên mình chiếc váy màu lửa. Phượng có mùi hương hoa chẳng giống loài hoa nào, một mùi hương mà chỉ đám học trò chúng tôi mới hiểu. Lúc này, những tán cây rợp mát, kết lại với nhau thành một cái cổng vòm mang sắc đỏ rực rỡ như một chiếc cổng diệu kỳ dẫn tới một cung điện nguy nga trong những câu chuyện cổ tích thần tiên. Vào những ngày hè oi bức, còn gì thú vị hơn khi được vui đùa cùng đám bạn dưới những hàng phượng vĩ. Chúng tôi thường kể cho nhau nghe những câu chuyện tuổi học trò.

Mỗi lần nhắc đến mùa hè, đến cây phượng đỏ rực thì mọi người lại không thể không nhắc đến sinh vật tuyệt diệu của tạo hóa, của thiên nhiên – loài ve. Hàng trăm chú ve nhỏ náu mình trong những cành cây phượng và mải miết hòa tấu cho dàn đồng ca. Tiếng ve vang lên khắp nơi: ở góc trường, ở trong từng lùm cây, từng bụi cỏ, và cả ở những cái cửa sổ của lớp học. Tiếng ve như gửi gắm hết tâm tư của lũ học trò.

Qua hè, hoa phượng tàn dần, Mỗi làn gió thổi, cánh phượng rơi lả tả trên sân giống như xác pháo. Sân trường đẹp lắm, giống cái thảm hoa. Chúng tôi quét sân nhưng luyến tiếc muốn giữ lại cánh phượng thân yêu. Hết hoa, phượng lại để trái non dài, mỏng, xanh, đung đưa nhè nhẹ trên cành.

Sang đông, cây phượng cũng ào ạt thay lá, cành cây trở nên khẳng khiu. Dáng cây trầm ngâm nhìn vẻ héo tàn của mùa đông giá rét. Lúc này, cây phượng trông như không còn sức sống, nhưng tôi có ngờ đâu dòng nhựa trong cây vẫn tràn trề tuôn chảy, những lộc non đang giấu mình, chờ ngày vươn lên, sinh sôi nảy nở và hẹn ngày đơm bông, làm đẹp cho sân trường.

Cứ mỗi lần nhìn thấy cây phượng, nghe tiếng ve kêu thì lòng học trò sao nao nức quá. Chính vì vậy mà cây phượng và tiếng ve luôn là kí ức tươi đẹp mà học trò còn giữ lại. Ôi, hoa phượng đỏ rực và cả tiếng ve rộn ràng, tất cả đã tạo nên một mùa hè tuyệt vời, một mùa hè mà sẽ mãi khắc ghi trong tim tôi như một hồi ức tuyệt đẹp của tuổi thơ.

Bài viết số 5 lớp 6 đề 2 – Mẫu 2

Một mùa hè nữa lại về, những hàng phượng vĩ lại bắt đầu rực đỏ. Và tiếng ve kêu râm ran như báo hiệu rằng một mùa chia tay nữa lại về.

Những ngày hè đến trường, từ xa đã trông thấy hàng phượng vĩ thật rực rỡ. Gốc phượng to lớn, xù xì là dấu vết của thời gian. Những cành cây giống như những cánh tay sải dài đến hàng mét. Rễ phượng to lớn, nổi cả lên mặt đất. Thân cây to lớn là vậy, nhưng lá phượng lại rất nhỏ bé, mong manh. Lá phượng chỉ to bằng nửa đầu ngón tay, đan lại với nhau thành nhiều tầng. Lá phượng trở nên xanh tươi để nâng đỡ những chùm hoa. Những tia nắng mùa hè rọi ánh vàng rực rỡ khiến sắc đỏ của hoa phượng thêm sáng, thêm tươi. Hàng phượng vĩ như một nhóm nhạc thỉnh thoảng lại cất cao giọng hát. Một âm thành du dương, khi trầm khi bỗng nhưng rất đều.

Đặc biệt nhất là vào mùa hè, chúng ta sẽ được nghe âm thanh của những tiếng ve kêu. Hàng trăm chú ve nhỏ náu mình trong những cành cây phượng và mải miết hòa tấu cho dàn đồng ca. Mặt đường như ngập tràn tiếng nhạc ve ngân. Tiếng ve gọi những nụ hoa phượng còn e thẹn náu mình trong chiếc vỏ non xanh thức dậy, thưởng thức tiếng nhạc và khoe sắc. Hàng phượng vĩ và những chú ve như đôi bạn thân thiết mỗi dịp hè về. Tình bạn này thật đáng yêu biết mấy. Cả hai đã cùng nhau mang mùa hè về trên khắp mọi nẻo đường thân yêu, khiến chúng thêm đẹp đẽ hơn bao giờ hết.

Những bông hoa phượng vĩ khoe sắc thắm cùng với tiếng ve kêu đã trở thành đặc trưng của mùa hè. Với lũ học trò chúng tôi, mùa hè trở nên tuyệt vời biết bao nhiêu.

Bài viết số 5 lớp 6 đề 2 – Mẫu 3

Những cánh phượng hồng và âm thanh râm ran của những tiếng ve gọi hè da diết đã trở thành đặc trưng của mùa hè.

Hàng phượng vĩ chạy dài theo con phố dẫn đến ngôi trường tôi đang học. Hai bên đường những tán cây rợp mát, đan vào nhau tạo thành vòm. Vào những ngày hè như thế này, cái cổng vòm xanh mát của mùa hè đã chuyển sang sắc đỏ rực rỡ. Đi dưới lòng đường, tôi mơ màng tưởng tượng những cánh phượng tươi thắm trên cây giống như muôn ngàn chú bướm đang múa lượn. Thân phượng màu nâu nhạt, trải qua nhiều sương gió đã bạc đi vài phần, thân cây to lớn, xù xì. Cành phượng như những cánh tay sải dài đến hàng mét, vươn bàn tay khổng lồ che mát cho lũ học trò trong những ngày hè nóng bức. Những chiếc rễ to tướng, ngoằn ngoèo nổi gồ lên mặt đất chẳng khác nào những con rắn khổng lồ đang đội đất nhô lên. Thân cây to lớn là vậy, nhưng lá phượng lại rất nhỏ bé, mong manh. Lá phượng chỉ to bằng nửa đầu ngón tay, đan lại với nhau thành nhiều tầng.

Chợt không gian vang lên tiếng râm ra rào rào. Tôi ngẩng lên sửng sốt như lần đầu nghe cái âm thanh bồi hồi ấy. Rất nhiều chú ve đang ẩn mình trong những vòm cây đang ngân nga tiếng hát. Chúng cất lời ca chào đón mùa hè hay cử hành khúc chào mừng những thành viên của cung điện nhà trường? Sắc nắng của ngày hè tưởng như càng rực rỡ hơn bởi màu đỏ thắm của hàng phượng vĩ và tiếng râm ran của những chú ve.

Tôi yêu mùa hè cũng bởi những hàng phượng vĩ, những tiếng ve kêu. Đối với một học trò như tôi – mùa hè thật tuyệt vời biết bao nhiêu.

……………….

Bài viết số 5 lớp 6 đề 3

Dàn ý bài viết số 5 lớp 6 đề 3

1. Mở bài

– Cảnh bão lụt xảy ra vào thời điểm nào?

– Cảnh bão lụt xảy ra ở đâu?

2. Thân bài

* Tả cụ thể cảnh lũ lụt:

– Trời mưa lớn kéo dài nhiều ngày.

– Nước sông dâng cao.

– Đồng ruộng, xóm làng ngập trong biển nước.

– Bà con được đưa lên những vùng đất cao để tránh lũ lụt.

– Sinh hoạt rất thiếu thốn, khó khăn.

– Chính quyền giúp dân ổn định đời sống.

– Nhân dân cả nước quan tâm cứu trợ về mặt vật chất, động viên về mặt tinh thần.

3. Kết bài

– Thiên tai gây nhiều thiệt hại cho đời sống nhân dân.

– Em hiểu thêm ý nghĩa của những câu tục ngữ, ca dao: “Lá lành đùm lá rách, Một miếng khi đói bằng một gói khi no, Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước thì thương nhau cùng”.

Bài viết số 5 lớp 6 đề 3 – Mẫu 1

Năm nay, giữa tháng bảy âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Hồng đổ về, gây ra cảnh ngập lụt kéo dài. Ruộng vườn, nhà cửa, trường học, trạm y tế… của bao làng xóm ven sông bị nhấn chìm trong biển nước.

Quê em là một vùng đất bãi nằm ngoài đê cho nên thường phải hứng trọn những hậu quả ghê gớm của mùa lũ. Từ trên đê nhìn xuống, sông Hồng ngầu đỏ phù sa, cuồn cuộn chảy, cuốn theo vô số thứ, từ những cây rừng bật gốc, những mảnh thuyền vỡ nát, đến những căn nhà làm bằng tre nứa cũng bị cuốn trôi vùn vụt cùng với những bè lau sậy… Mặt sông lúc này trông thật đáng sợ. Bờ bãi bên kia sông bị đẩy lùi ra xa tít tắp.

Gần một tuần nay, mưa tầm tã. Bầu trời xám xịt, chớp rạch nhoang nhoáng, sấm sét đì đùng. Gió quật tơi tả những vườn chuối, vườn ngô xanh tốt. Nước lũ dâng cao đã đến mức báo động số 3. Tình hình rất nguy cấp. Chính quyền xã đã kịp thời sơ tán dân chúng vào phía trong đê. Mấy chục dãy lán dựng tạm cho bà con có chỗ trú thân. Trâu bò cũng được tập trung trên gò đất cao ở gần điểm cạnh. Đội thanh niên xung kích đi tuần liên tục đến phát hiện những chỗ rò rỉ ở thân đê. Dân làng đành bó tay đứng nhìn những ngôi nhà ngập trong nước và thành quả lao động suốt mấy tháng trời giờ bị lũ cướp trắng mà lòng xót xa, lo lắng. Đặc biệt nhất, trong những ngày này, tình nghĩa xóm giềng gắn bó hơn bao giờ hết. Mọi người san sẻ cho nhau từng cân gạo, bát ngô, mớ củi, bó rau, con cá…

Sau khi tình hình ngập lụt ở xã em được chiếu trên tivi, có rất nhiều cơ quan, đoàn thể và những người hảo tâm đã mang hàng cứu trợ đến tận nơi. Quần áo, sách vở, lương thực, thuốc men… được đưa đến tận tay từng người, từng nhà. Do đó sinh hoạt hằng ngày cũng đỡ khó khăn. Trong hoàn cảnh thiên tai gian nan, khốn khó như thế này, em càng thấm thía ý nghĩa của những câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá rách”. Tình cảm đoàn kết, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc hiểm nguy, hoạn nạn đã trở thành một truyền thống tốt đẹp từ bao đời của dân tộc Việt Nam ta.

Bài viết số 5 lớp 6 đề 3 – Mẫu 2

Thiên nhiên sẽ chẳng bao giờ biết nương tay nếu chúng ta vẫn tiếp tục không tuân thủ những quy luật vận hành của nó. Càng bước sang thế kỷ văn minh, con người càng phải chịu những cơn thịnh nộ kinh hồn của thiên nhiên. Sóng thần ở Indonesia hay cơn bão khủng khiếp Catina vừa đổ bộ vào nước Mỹ tuần này rõ ràng là những minh chứng không gì thuyết phục hơn cho điều ấy.

Một biển nước mênh mông với bao điều đáng sợ chiếm trọn mười phút mục dự báo thời tiết của đài truyền hình. Cơn bão dù đã được dự báo trước nhưng người dân Mỹ vẫn phải hứng trọn một lần nổi giận của thần biển Poseidon đông. Cả một thành phố công nghiệp chìm trong mênh mông biển nước. Thuyền cứu hộ chạy ầm ầm trong thành phố như chạy giữa mặt sông. Lác đác đây đó còn lại một vài ngôi nhà nổi lên phần nóc hoặc trần. Trên đó không biết có bao nhiêu người đang gào khóc dơ tay cầu cứu. Tình cảnh trông đến thảm thương. Chẳng ai có thể ngờ được ở nước Mỹ lại có những cảnh tượng đau lòng như vậy.

Nước trong thành phố bắt đầu chuyển màu đen. Nó bị ô nhiễm nặng bởi bao nhiêu thứ trong đó có không ít xác người. Cả thành phố ngột ngạt trong cảnh không điện, không thức ăn, nước uống, không thuốc men. Tình cảnh gợi những căn bệnh hiểm nghèo dễ dàng lấn đến trong nay mai. Cả thành phố vẫn đang kêu cứu còn nước thì chưa hề có dấu hiệu rút đi. Cả nước Mỹ đang ở tình trạng vô cùng khẩn cấp. Cũng may mấy ngày sau,. Nước rút và nhờ có sự nỗ lực của tất cả mọi người đặc biệt là của quân đội, cảnh sát và những tình nguyện viên, nhiều người dân đã được cứu ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy phải chen chúc trong những trại tập trung nhưng họ vẫn còn may mắn hơn bao người chết đói, chết rét hay bị bão lũ cuốn đi.

Ôi! Còn thiệt hại về vật chất thì không thể nào kể nổi. Nhà thì đổ, ô tô bị nước cuốn trôi, đường dây điện đứt nước rút đi nhưng cả thành phố vẫn ngập trong bùn đất đen nhánh và nhão nhoét. Hết bão nhưng bây giờ mới là lúc bệnh tật hoành hành. Đấy là còn chưa kể nỗi đau thê thảm của bao gia đình mất người thân. Phải có đến hơn một nửa số gia đình trong trận bão phải chịu cảnh “tan đàn xẻ nghé”. Sự mất mát đau thương ngày một lớn thêm không thể lấy gì bù đắp. Dù cả thế giới đang nỗ lực hết mình với tinh thần tương thân tương ái nhưng so với những mất mát đã qua sự bù đắp ấy chẳng thấm tháp gì.

Dù chỉ được nhìn thấy qua màn ảnh nhỏ nhưng tôi có thể cảm nhận hậu quả trận bão thật là to lớn. Cả thế giới đang hướng về nước Mỹ bằng một sự cảm thông nhưng qua đó, quốc gia nào cũng phải giật mình. Thiên nhiên không phải dễ gì nắm bắt và điều tiết được dù quốc gia ấy có thế lực kinh tế lớn đến cỡ nào.

Bài viết số 5 lớp 6 đề 3 – Mẫu 3

Dù đã quen với việc phải đối mặt với những cơn bão nhưng có lẽ người dân của quê em sẽ không thể quên được cơn bão kinh hoàng vừa xảy ra. Nếu trước đó, nơi đây vẫn còn là một thành phố biển xinh đẹp. Thì chỉ sau mấy ngày cơn bão kéo đến, chắc chắn ai nhìn thấy cũng cảm thấy thật đau lòng.

Dự báo thời tiết của đài truyền hình quốc gia cho biết cơn bão sẽ đổ bộ vào đất liền khoảng từ mười đến mười hai giờ đêm. Trước đó, mọi người đều đã được dự báo trước về cơn bão nên ai cũng đều chuẩn bị kỹ càng để ứng phó kịp thời. Nhiều gia đình đã gia cố nhà cửa, cất một số đồ đạc như lương thực thực phẩm lên cao…

Trong khi buổi sáng hôm đó, bầu trời vẫn nắng to. Thời tiết thật oi bức. Nhưng chỉ đến nửa đêm thì trời bắt đầu nổi cơn dông. Gió thổi rít bên ngoài thật đáng sợ. Mọi người đều đóng chặt cửa để nhà để tránh bão. Những nhà ở khu vực nguy hiểm gần biển đều đã di chuyển đến nơi an toàn. Khoảng một lúc sau trời bắt đầu mưa. Tiếng mưa rơi cùng với tiếng gió rít nghe thật đáng sợ. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Gió mỗi lúc một mạnh, ru đẩy làm cho cây cối chịu không nổi, gốc bật ra khỏi mặt đất đổ xuống rầm rầm. Cơn bão đã bắt đầu kéo đến.

Trận mưa diễn ra suốt đêm, càng lúc càng to. Đến khi trời gần sáng rồi mà vẫn chưa tạnh. Khoảng tám, chín giờ sáng mà bầu trời lúc này vẫn xám xịt. Bên ngoài gió vẫn thổi khá mạnh. Nước đã ngập ngoài đường, tràn cả vào trong những nhà có nền thấp. Nhà tôi cũng đã bị ngập ở khá nhiều ở tầng một. Vì đã có sự chuẩn bị sẵn nên đồ đạc quan trọng trong nhà đều còn nguyên vẹn. Chỉ có cây cối ngoài vườn là không còn nguyên vẹn. Nhiều cành cây gãy rụng khắp nơi. Cảnh tượng khiến cho ai nhìn thấy cũng phải cảm thấy thật đau lòng.

Trận mưa kéo dài đã lâu mà vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Bầu trời trông vẫn nặng nề như chứa một biển nước. Nước ngày một dâng cao. Sáng ngày thứ ba, khi tôi còn đang ngủ thì bỗng nghe thấy có tiếng kêu thất thanh: “Đê vỡ mất rồi”. Đoạn đê ngoài kia bị vỡ, nước biển chực tràn vào bên kia chân đê, dòng nước lớn đang cuồn cuộn đổ về. Mọi người cố xếp những tải cát để bịt lỗ thủng bên chân đê. Nhưng sức nước quá mạnh, cộng thêm mưa chưa dừng. Khoảng một giờ sau thì nước đã ngang bụng người. Dòng nước mạnh chảy xiết cuốn tất cả cây cối, lợn, gà… cùng mọi thứ trên đường đi.

Người dân trong huyện phải sử dụng thuyền để di chuyển về nhà. Những ngôi nhà cao tầng giờ cũng chìm trong biển nước. Mọi sinh hoạt đều vô cùng khó khăn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cảm thấy thật ấm áp khi nhận được sự hỗ trợ từ những chiến sĩ cán bộ. Họ đã đi đến từng nhà để phân phát lương thực cho chúng tôi. Cảnh tượng quê hương thật tiêu điều Chỉ có điều may mắn là không có thiệt hại gì về người. Khoảng vài ngày sau, khi mưa đã tạnh, nước mới rút hết. Mọi người lại bắt đầu vào công việc dọn dẹp sau cơn bão kinh hoàng. Dù nhiều gia đình đã bị mất hết đồ đạc, nhưng họ vẫn cảm thấy may mắn khi người thân của mình đều bình an.

Sự nổi giận của mẹ thiên nhiên quả thật vô cùng kinh hoàng. Cơn bão đã gây ra biết bao nhiêu mất mát cho con người. Nhưng sau trận bão đó, con người lại cùng nhau cố gắng để xây dựng lại tất cả. Đó chính là tinh thần lạc quan đẹp đẽ của người dân Việt Nam.

…………..

Bài viết số 5 lớp 6 đề 4

Dàn ý bài viết số 5 lớp 6 đề 4

1. Mở bài

– Địa điểm và ngày, tháng, năm viết thư.

– Lời xưng hô, chào hỏi đầu thư.

– Giới thiệu nội dung chính mình sẽ viết: Tả cho bạn biết về một ngày mùa đông giá lạnh nơi mình đang ở (khu phố/thôn xóm/bản làng).

2. Thân bài

– Khái quát về mặt thời gian (mùa đông tháng mấy đầu đông giữa đông hay cuối đông), mức độ giá lạnh (nhiệt độ ngày – đêm).

– Tả chi tiết cảnh vật theo một trình tự (trên xuống dưới):

  • Bầu trời: Như thấp xuống, màu trắng đục, luôn âm u một màu ảm đạm.
  • Gió thổi vi vu từng cơn buốt lạnh, lá khô xào xạc, tiết trời hanh khô…
  • Cây cối: Rụng lá, trơ trụi, như đang thu mình tránh rét
  • Đường làng, ngõ xóm: Vắng vẻ, thưa thớt người đi lại…

– Tả hoạt động của con người, động vật:

  • Ai cũng mặc những chiếc áo ấm, đội mũ và bịt mặt kín mít để tránh rét, ngại ra ngoài chỉ thích ở trong nhà và trùm chăn…
  • Bản thân mình trong ngày đông giá lạnh ấy thế nào, đã làm gì?

– Chú mèo con: Vùi đầu vào đống tro ấm/ổ của mình ngủ say sưa.

– Chú chó, đàn gà: Lười đi lại chỉ nằm yên một chỗ.…

3. Kết bài

– Cảm xúc của em trong ngày đông giá lạnh ấy.

– Lời chào, lời chúc và lời hẹn gặp.

– Ký tên.

Bài viết số 5 lớp 6 đề 4 – Mẫu 1

Hà Nội, ngày… tháng… năm…

Trang thân mến!

Mình là Huyền đây. Dạo này bạn có khỏe không? Hà Nội đã vào đông rồi. Những cơn gió đã thổi nhiều về phía hiên nhà mình, lạnh lắm. Mùa đông năm nay đến muộn, nhưng đến rồi thì dấu ấn của nó thật mạnh mẽ.

Chắc giờ này, ở thành phố xinh đẹp mang tên Bác Hồ kính yêu, những tia nắng ấm áp đang chiếu xuống làn nước trong xanh, vui đùa với làn gió nhẹ, sưởi ấm cho những khóm hoa tươi rực rỡ sắc màu. Và bạn, chắc bạn đang dạo qua những khu vườn trên chiếc xe đạp nhỏ để đến chợ Bến Thành mua rau củ tươi ngon hằng ngày trong một thời tiết ấm áp. Còn ở đây, nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 6 đến 9 độ thôi. Vì thời tiết lạnh nên trường đã cho chúng mình nghỉ học. Ở nhà buồn nên mình đã viết lá thư này cho bạn.

Mấy hôm nay, những cơn mưa phùn đã thay thế cho ánh nắng ấm áp. Tiếng mưa, gió rít bên ngoài cửa sổ đã thay thế tiếng chim hót líu lo mỗi sáng mình thức dậy. Không khí rất ẩm ướt và còn lạnh lẽo.

Bạn sẽ không thể tưởng tượng được thời tiết ở nơi đây lạnh đến thế nào đâu! Mỗi khi mình ra đường, hai bàn tay mình như muốn đóng băng lại vậy. Còn mũi mình luôn đỏ lên và cả đôi chân mình nữa, nó cứ cứng đơ và như không muốn di chuyển. Vì thế, mình luôn mặc nhiều áo và trang bị những phụ kiện cần thiết để chống chọi với cái lạnh như cắt da, cắt thịt của thời tiết.

Đường phố trơn và lúc nào cũng chỉ lác đác vài bóng người. Trang có nhớ đứa em nghịch ngợm của mình không? Mỗi khi bạn đến nhà mình chơi, nó luôn là người quậy phá hai chúng mình, khi học bài và cả khi trò chuyện nữa. Nhưng dạo này, thời tiết thay đổi làm nó bị ốm. Gia đình mình buồn hẳn đi. Còn mình, vào những ngày lạnh giá như thế này, mình thường nằm cuộn tròn trong chăn để chơi máy tính, học bài và chuẩn bị bài mới. Hệt như một chú mèo lười ấy Trang ạ. Tuy được ở nhà nằm chơi nhưng mình thấy rất nhớ những tiết học trên lớp. Mình mong mấy ngày sau sẽ ấm hơn để mình có thể đến lớp gặp lại bạn bè, thầy cô và biết thêm nhiều kiến thức nữa.

Thôi, thư đã dài rồi, mình xin dừng bút nhé. Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh, đón Tết Bính Thân vui vẻ, hạnh phúc. Đừng quên hồi thư cho mình nhé. Mùa đông sang năm, ước gì bạn lại có mặt ở Hà Nội, chúng mình cùng nhau cảm nhận cái lạnh có một không hai ở xứ Bắc. Cái lành lạnh hay tê cóng chân tay như mấy hôm nay, mình hiểu nó là nét riêng của mùa đông Hà Nội. Tới hè rồi có ước lại cũng không được, Trang nhỉ?

Bạn của cậu

Bài viết số 5 lớp 6 đề 4 – Mẫu 2

…, ngày… tháng… năm…

Mai Anh thân yêu,

Đầu thư, cho mình gửi lời hỏi thăm đến cậu và gia đình nhé.

Ở miền Bắc đã bước vào mùa đông rồi cậu ạ. Hôm nay, nhiệt độ dưới mười độ, nên mình được nghỉ ở nhà. Chình vì vậy, mình mới ngồi viết thư để kể cho bạn nghe về mùa đông ở nơi mình đang sống,

Nhiệt độ ngoài trời chắc khoảng sáu độ. Chưa có năm nào mà mùa đông lại lạnh giá như năm nay. Những tia nắng tinh nghịch của mùa hè đã chạy đi đâu để lại trên bầu trời chỉ có một màu xám xịt. Nhưng đám mây trắng cũng chẳng còn vui vẻ, mà buồn bã trôi lững thững. Gió mùa đông bắc cứ rít từng cơn lạnh buốt. Tiếng gió vi vút trong không gian khiến người ta chỉ nghe thôi cũng đã rùng mình. Ngoài đường, những cái cây trơ trụi, cành cây khẳng khiu trông thật thiếu sức sống. Những chiếc lá cây đã chuyển vàng rồi rụng hết từ cuối mùa thu rồi. Giờ thì những cái lá còn sót lại trên cây cũng rụng nốt xuống, cái lạnh khiến chúng khô quắt lại, xám ngắt.

Mỗi buổi sáng thức dậy, không khí lạnh khiến mọi người chẳng muốn ra khỏi chiếc chăn ấm áp. Ngoài kia, khắp các con phố đều thật yên lặng đến khó chịu. Tớ không thích mùa đông chút nào, Mai Anh ạ.

Ban đêm, trời càng lạnh hơn. Căn nhà nào cũng sáng đèn từ khoảng sáu, bảy giờ rồi. Mọi người ai cũng muốn về nhà sớm để tránh khỏi cái rét mùa đông. Tiếng tiếng cười nói phát ra từ các căn nhà, mùi thức ăn thơm nức mũi. Trong cái tiết trời giá lạnh này, tớ cảm thấy thật ấm áp khi được quây quần bên mâm cơm nóng cùng với bố mẹ,.

Không biết ở nơi câu đang sống, thời tiết như thế nào? Tớ nghe nói rằng trong miền Nam không có mùa đông. Thời tiết nóng quanh năm. Như thế thật chán Mai Anh nhỉ? Tuy không thích mùa đông nhưng tớ thấy nó cũng khá tuyệt vời.

Cậu hãy sớm viết thư trả lời tớ nhé.

Bạn của cậu

Phương Anh

Bài viết số 5 lớp 6 đề 4 – Mẫu 3

Hà Nội, ngày… tháng… năm…

Mai yêu thương,

Đã lâu lắm rồi mình không viết thư cho cậu. Đầu thư, cho mình hỏi lời gửi thăm sức khỏe cậu. Việc học hành của cậu vẫn tốt phải không?

Mùa đông đến từ vài tháng rồi, mình đã cảm nhận được cái lạnh thấu xương, cơn gió lạnh khẽ rít qua, đôi lúc cũng có một vài cơn mưa nhẹ lất phất làm cho cảm giác càng rét buốt hơn. Thời tiết thế này chỉ nằm ở nhà và quấn chăn thích hợp nhất. Khi đi ra đường phải đủ quần áo ấm chứ không sẽ bị cảm lạnh.

Một tuần qua, bầu trời vẫn không có một chút nắng nào. Nhiệt độ cũng không cao lên. Thiếu mất ánh nắng ấm áp, thiên nhiên cùng tiêu điều lắm, không có tiếng chim hót líu lo như mọi khi, bầu trời u ám xám xịt, không khí lúc nào cũng ẩm ướt, các cành cây trên đường rụng hết lá.

Sáng nay mình dậy sớm để chuẩn bị đi học, nhìn xung quanh thật khác lạ, từng dãy phố còn đóng cửa im lìm, mọi người vẫn còn đang say nồng trong giấc ngủ. Thời tiết giá lạnh con người cũng vắng so với ngày thường, chỉ những ai đi học hoặc đi làm mới phải dậy từ sớm. Ai nấy đều mặc nhiều lớp áo cùng trang bị giữ ấm như khăn choàng cổ, găng tay, mũ len…di chuyển hối hả để tránh cái lạnh giá của mùa đông.

Không biết thời tiết ở Đà Lạt thế nào? Cậu hãy sớm viết thư kể cho tớ nghe nhé. Thôi tớ dừng bút ở đây nhé. Mong chúng mình sớm gặp lại và nhận được thư hồi âm sớm từ Mai.

Bạn của cậu

Lan

…………….

Mời các bạn tải file tài liệu để xem thêm nội dung chi tiết

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 6

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!