Lớp 5

Bài tập ôn hè môn Tiếng Việt lớp 5 (28 đề)

Bài tập ôn hè môn Tiếng Việt lớp 5 là tài liệu hữu ích mà THPT Nguyễn Đình Chiểu muốn giới thiệu đến các bạn học sinh.

Bạn đang xem: Bài tập ôn hè môn Tiếng Việt lớp 5 (28 đề)

Hy vọng với tài liệu này sẽ giúp ích cho học sinh khi ôn tập kiến thức lớp 5, mời tham khảo nội dung chi tiết dưới đây.

Đề 1

Câu 1. Từ trái nghĩa với các từ sau: vui vẻ, xấu xí, ồn ào, ngu dốt. 

Câu 2. Đặt câu với mỗi từ sau:

a. mênh mông

b. tranh luận

c. trang phục

d. bảo vệ

Câu 3. Đặt năm câu ghép được nối với nhau bởi các quan hệ từ.

Câu 4. Viết một bài văn tả cảnh biển.

Đề 2

Câu 1. Cho đoạn văn sau:

“Các em học sinh,

Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao?”

(Thư gửi các học sinh, SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 1)

a. Tìm các đại từ xưng hô trong đoạn văn trên.

b. Tìm từ trái nghĩa với từ “vui vẻ”, “may mắn”.

c. Đặt câu với từ hy sinh, sung sướng.

Câu 2. Gạch chân dưới từ trái nghĩa trong các câu sau:

a. Gạn đục khơi trong

b. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng

c. Ba chìm bảy nổi

d. Xấu người đẹp nết

e. Cá lớn nuốt cá bé

g.

“Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng
Ngày tháng mười chưa cười đã tối”

h.

“Anh em như thể chân tay
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”

Câu 3. Điền các quan hệ từ thích hợp vào các câu sau:

a. Trời trong vắt … xanh thẳm.

b. Trăng quầng … hạn, trăng tán … mưa.

c. Vì trời mưa … tôi được nghỉ học.

d. Tôi đã đi nhiều nơi, đóng quân nhiều chỗ đẹp hơn đây nhiều, nhân dân coi tôi như người làng … cũng có những người yêu tôi tha thiết, … sao sức quyến rũ, nhớ thương cũng không mãnh liệt, day dứt bằng mảnh đất cọc cằn này.

Câu 4. Viết một bài văn tả cánh đồng lúa quê em, trong đó có sử dụng một câu ghép.

Đề 3

Câu 1. Cho đoạn văn sau:

“Loanh quanh trong rừng, chúng tôi đi vào một lối đầy nấm dại, một thành phố nấm lúp xúp dưới bóng cây thưa. Những chiếc nấm to bằng cái ấm tích, màu sặc sỡ rực lên. Mỗi chiếc nấm là một lâu đài kiến trúc tân kì. Tôi có cảm giác mình là một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của vương quốc những người tí hon. Đền đài, miếu mạo, cung điện của họ lúp xúp dưới chân.”

(Kì diệu rừng xanh, SGK Tiếng Việt 5, Tập 1)

a. Tìm một đại từ trong đoạn văn.

b. Tìm một cặp từ trái nghĩa trong đoạn văn.

c. Đặt câu với các từ:  vương quốc, loanh quanh.

Câu 2. Tìm các từ đồng nghĩa với:

a. chăm chỉ

b. dũng cảm

c. hiền lành

d. xinh đẹp

Câu 3. Đặt câu để phân biệt các từ đồng âm:

a. ba

b. sâu

c. lợi

Câu 4. Viết một bài văn kể một việc tốt mà bạn em đã làm, trong đó có sử dụng quan hệ từ.

Đề 4

Câu 1. Cho đoạn văn sau:

“Đền Thượng nằm chót vót trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Trước đền, những khóm hải đường đâm bông rực đỏ, những cánh bướm nhiều màu sắc bay dập dờn như đang múa quạt xòe hoa. Trong đền, dòng chữ vàng Nam quốc sơn hà uy nghiêm đề ở bức hoành phi treo chính giữa.”

(Phong cảnh đền Hùng, SGK Tiếng Việt lớp 5, tập 2)

a. Đặt câu với từ “màu sắc, dập dờn”

b. Tìm một câu ghép trong đoạn văn trên.

Câu 2.

(1) Từ đi trong các câu nào mang nghĩa chuyển?

a. Xe máy đi nhanh hơn xe đạp.

b. Bà cũ ốm rất nặng nên đã đi từ hôm qua.

c. Ghế thấp quá, không đi với bàn được.

d. Em bé mới tập đi.

(2) Từ chân trong các câu nào mang nghĩa gốc?

a. Đôi chân của cô ấy rất đẹp.

b. Em nhìn thấy chân trời xa tít tắp.

c. Chiếc bàn này có bốn chân.

d. Em bé có đôi chân nhỏ xíu.

Câu 3. Cho đoạn văn sau:

“Nhà Út Vịnh ở ngay bên đường sắt. Mấy năm nay, đoạn đường này thường có sự cố. Lúc thì đá tảng nằm chềnh ềnh trên đường tàu chạy, lúc thì ai đó tháo cả ốc gắn các thanh ray. Lắm khi, trẻ chăn trâu còn ném đá lên tàu.”

(Út Vinh, SGK Tiếng Việt lớp 5, tập 2)

a. Tìm năm danh từ trong đoạn văn sau

b. Đặt câu với hai danh từ vừa tìm được.

Câu 4. Kể về một nữ anh hùng mà em biết, trong đó có sử dụng một đại từ.

Đề 5

Câu 1. Đọc và trả lời câu hỏi:

Nhà Út Vịnh ở ngay bên đường sắt. Mấy năm nay, đoạn đường này thường có sự cố. Lúc thì đá tảng nằm chềnh ềnh trên đường tàu chạy, lúc thì ai đó tháo cả ốc gắn các thanh ray. Lắm khi, trẻ chăn trâu còn ném đá lên tàu.

Tháng trước, trường của Út Vịnh đã phát động phong trào Em yêu đường sắt quê em. Học sinh cam kết không chơi trên đường tàu, không ném đá lên tàu và đường tàu, cùng nhau bảo vệ an toàn cho những chuyến tàu qua. Vịnh nhận việc khó nhất là thuyết phục Sơn – một bạn rất nghịch, thường chạy trên đường tàu thả diều. Thuyết phục mãi, Sơn mới hiểu ra và không chơi dại như vậy nữa.

Một buổi chiều đẹp trời, gió từ sông Cái thổi vào mát rượi. Vịnh đang ngồi học bài, bỗng nghe thấy tiếng còi tàu vang lên từng hồi dài như giục giã. Chưa bao giờ tiếng còi lại kéo dài như vậy. Thấy lạ, Vịnh nhìn ra đường tàu. Thì ra hai cô bé Hoa và Lan đang ngồi chơi chuyền thẻ trên đó. Vịnh lao ra như tên bắn, la lớn:

– Hoa, Lan, tàu hỏa đến!

Nghe tiếng la, bé Hoa giật mình, ngã lăn khỏi đường tàu, còn bé Lan đứng ngây người, khóc thét.

Đoàn tàu vừa réo còi vừa ầm ầm lao tới. Không chút do dự, Vịnh nhào tới ôm Lan lăn xuống mép ruộng, cứu sống cô bé trước cái chết trong gang tấc.

Biết tin, ba mẹ Lan chạy đến. Cả hai cô chú ôm chầm lấy Vịnh, xúc động không nói nên lời.

(Út Vịnh, Sách Tiếng Việt lớp 5, tập 2)

1. Nhà Út Vịnh nằm ở đâu?

A. Trên một con phố

B. Ngay bên đường sắt

C. Gần bờ biển

2. Khi nhìn ra đường tàu, Vịnh thấy điều gì?

A. Hoa và Lan đang ngồi chơi chuyền thẻ trên đó.

B. Một tảng đá nằm chềnh ềnh trên đường tàu chạy

C. Bọn trẻ con đang ném đá lên đường tàu.

3. Khi tàu sắp tới, bé Lan vẫn còn đứng ngây người, khóc thét, nhìn thấy vậy Vịnh đã làm gì?

A. Gọi người tới cứu Lan.

B. Hô hào để Lan chạy đi.

C. Nhào tới ôm Lan lăn xuống mép ruộng.

4. Ý nghĩa của câu chuyện

A. Tinh thần dũng cảm cứu người khi gặp nạn.

B. Tôn trọng quy định về an toàn giao thông.

C. Cả 2 đáp án trên

Câu 2. Điền dấu câu thích hợp vào chỗ trống:

Ma-ri-ô và Giu-li-ét-ta, hai tay ôm chặt cột buồm, khiếp sợ nhìn mặt biển. Mặt biển đã yên hơn. Nhưng con tàu vẫn tiếp tục chìm ()

Chiếc xuồng cuối cùng được thả xuống. Ai đó kêu lên: () Còn chỗ cho một đứa bé () Hai đứa trẻ sực tỉnh, lao ra.

– Đứa nhỏ thôi! Nặng lắm rồi. – Một người nói.

Nghe thế, Giu-li-ét-ta sững sờ, buông thõng hai tay, đôi mắt thẫn thờ tuyệt vọng.

Một ý nghĩ vụt đến, Ma-ri-ô hét to () “Giu-li-ét-ta, xuống đi! Bạn còn bố mẹ…”

Nói rồi () cậu ôm ngang lưng Giu-li-ét-ta thả xuống nước. Người ta nắm tay cô lôi lên xuồng()

(Một vụ đắm tàu, Tiếng Việt lớp 5, tập 2)

Câu 3. Tìm từ trái nghĩa với các từ sau:

a. to lớn

b. xinh đẹp

c. chăm chỉ

d. hạnh phúc

e. đông đúc

g. chật hẹp

Câu 4. Tả ngôi trường của em, trong đó có một quan hệ từ.

Đề 6

Câu 1. Cho đoạn văn sau:

“Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm. Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Đôi càng tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Đôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn, bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã. Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Đầu tôi to ra và nổi từng tảng, rất bướng. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng. Tôi lấy làm hãnh diện với bà con về cặp râu ấy lắm. Cứ chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu.”

(Dế Mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài)

a. Tìm quan hệ từ có trong đoạn văn.

b. Tìm từ đồng nghĩa với “hãnh diện”

c. Tìm từ trái nghĩa với “to”, “dài”.

Câu 2. Dùng đại từ xưng hô để thay thế cho các từ bị lặp lại:

Ha-li-ma lấy chồng được hai năm. Trước khi cưới, chồng Ha-li-ma là một người dễ mến, lúc nào cũng tươi cười. Vậy mà giờ đây, chỉ thấy chồng Ha-li-ma cau có, gắt gỏng. Không biết làm thế nào, Ha-li-ma đến nhờ vị giáo sĩ già trong vùng giúp đỡ.

(Thuần phục sư tử, Tiếng Việt 5, tập 2)

Câu 3. Dùng các từ dưới đây để đặt câu (một câu theo nghĩa gốc, một câu theo nghĩa chuyển)

a. ăn

b. bay

c. mũi

d. ngọt

Câu 4. Viết bài văn tả cảnh cơn mưa, trong đó có sử dụng một câu ghép.

Đề 7

Câu 1. Cho bài thơ sau:

Đêm nay bên bến Ô Lâu
Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ
Nhớ hình Bác giữa bóng cờ
Hồng hào đôi má, bạc phơ mái đầu
Mắt hiền sáng tựa vì sao
Bác nhìn đến tận Cà Mau cuối trời
Nhớ khi trăng sáng đầy trời
Trung thu Bác gửi những lời vào thăm
Đêm đêm cháu những bâng khuâng
Giở xem ảnh Bác cất thầm bấy lâu
Nhìn mắt sáng, nhìn chòm râu
Nhìn vầng trán rộng, nhìn đầu bạc phơ
Càng nhìn càng lại ngẩn ngơ
Ôm hôn ảnh Bác mà ngờ Bác hôn.

(Cháu nhớ Bác Hồ, Thanh Hải)

1. Bạn nhỏ trong bài thơ đã nhớ đến ai?

A. Người mẹ

B. Bác Hồ

C. Ông nội

2. Bác được miêu tả qua?

A. đôi má, mái đầu, đôi mắt, chòm râu

B. chòm râu, mái đầu, đôi má

C. mái đầu, đôi má, đôi mắt

3. Đôi mắt của Bác được so sánh với?

A. viên kim cương

B. vì sao

C. mặt trời

4. Bài thơ thể hiện điều gì?

A. Tình cảm yêu mến, kính trọng đối với Bác Hồ.

B. Tình cảm yêu mến, tự hào đối với người mẹ.

C. Cả 2 đáp án trên.

Câu 2. Tìm từ đồng nghĩa với các từ sau:

a. hổ

b. bát

c. bố

d. mẹ

Câu 3. Đặt dấu câu thích hợp vào chỗ trống:

Một hôm, trên đường đi học về, Hùng … Quý và Nam trao đổi với nhau xem ở trên đời này, cái gì quý nhất.

Hùng nói … “Theo tớ, quý nhất là lúa gạo … Các cậu có thấy ai không ăn mà sống được không …”

Quý và Nam cho là có lí … Nhưng đi được mươi bước. Quý vội reo lên: … Bạn Hùng nói không đúng … Quý nhất phải là vàng. Mọi người chẳng thường nói quý như vàng là gì … Có vàng là có tiền, có tiền sẽ mua được lúa gạo! …

Nam vội tiếp ngay: “Quý nhất là thì giờ. Thầy giáo thường nói thì giờ quý hơn vàng bạc. Có thì giờ mới làm ra được lúa gạo … vàng bạc!”

(Cái gì quý nhất, Tiếng Việt lớp 5, tập 1)

Câu 4. Tả một đêm trăng đẹp.

Đề 8

Câu 1. Cho đoạn văn:

Một lần khác, có người phụ nữ được ông cho thuốc và giảm bệnh. Nhưng rồi bệnh tái phát, người chồng đến xin đơn thuốc mới. Lúc ấy, trời đã khuya nên Lãn Ông hẹn hôm sau đến khám kĩ mới cho thuốc. Hôm sau ông đến thì được tin người chồng đã lấy thuốc khác, nhưng không cứu được vợ. Lãn Ông rất hối hận. Ông ghi trong sổ thuốc của mình “Xét về việc thì người bệnh chết do tay thầy thuốc khác, song về tình thì tôi như mắc phải tội giết người. Càng nghĩ càng hối hận.”

(Thầy thuốc như mẹ hiền, Tiếng Việt 5, tập 1)

Tìm ba danh từ, động từ, tính từ có trong đoạn văn trên.

Câu 2. Tìm các cặp từ trái nghĩa trong các câu:

a. Khôn nhà dại chợ

b. Bán anh em xa mua láng giềng gần

c. Chân cứng đá mềm

d. Trẻ chẳng tha, già chẳng thương

e. Kính trên nhường dưới…

Câu 3. Đặt câu hỏi theo mẫu:

a. Ở đâu?

b. Ai như thế nào?

c. Để làm gì?

Câu 4. Tả con đường từ nhà đến trường của em.

Đề 9

Câu 1. Điền các từ trái nghĩa thích hợp vào các thành ngữ sau:

– Chân cứng đá …

– Gần nhà … ngõ

– Mắt nhắm mắt …

– Vô thưởng vô …

– Bước thấp bước …

– Chân ướt chân …

Câu 2. Tìm các quan hệ từ có trong câu dưới đây:

a. Rừng say ngây và ấm nóng.

b. Tiếng hát của Chi khiến mọi người say mê.

c. Về bài tập này, Lan đã tìm ra lời giải.

d. Lan chăm chỉ học bài nhưng kết quả không được tốt.

Câu 3. Sắp xếp các từ sau vào hai nhóm từ ghép và từ láy: hoa mai, lung linh, lấp ló, xanh xanh, chạy nhảy, rung rinh, bàn ghế, ca hát, máy bay, lo lắng, xinh đẹp, con gà, xe đạp, nhà cửa, vườn cây, bầu trời, mênh mông, mù mịt, mơ màng, núi rừng.

Câu 4. Tả bác nông dân đang gặt lúa, trong đó có một câu sử dụng đại từ.

Đề 10

Câu 1. Tìm từ đồng âm với các từ sau:

– chín

– cuốc

– rắn

– đường

Câu 2. Cho bài thơ sau:

“Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

(Đất nước, Nguyễn Đình Thi)

a. Tìm các danh từ có trong bài thơ.

b. Đặt câu với hai danh từ vừa tìm được.

Câu 3. Xác định thành phần câu:

a. Dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa.

b. Trên đường, xe cộ đi lại tấp nập.

c. Dì Năm đấu trí với bọn địch rất khôn khéo để bảo vệ chú cán bộ.

d. Hôm nay, con đường vốn quen thuộc bỗng trở nên thật xa lạ.

Câu 4. Kể lại chuyện đi tham quan mà em nhớ nhất.

Đề 11

Câu 1. Cho đoạn văn sau:

Khi Hi-rô-si-ma bị ném bom, cô bé Xa-xa-cô Xa-xa-ki mới hai tuổi đã may mắn thoát nạn. Nhưng em bị nhiễm phóng xạ. Mười năm sau, em lâm bệnh nặng. Nằm trong bệnh viện nhẩm đếm từng ngày còn lại của đời mình, cô bé ngây thơ tin vào một truyền thuyết nói rằng nếu gấp đủ một nghìn con sếu bằng giấy treo quanh phòng, em sẽ khỏi bệnh. Em liền lặng lẽ gấp sếu. Biết chuyện, trẻ em toàn nước Nhật và nhiều nơi trên thế giới đã tới tấp gửi hàng nghìn con sếu giấy đến cho Xa-xa-cô. Nhưng Xa-xa-cô chết khi em mới gấp được 644 con.

(Những con sếu bằng giấy, Tiếng Việt 5, tập 1)

1. Hi-rô-si-ma là thành phố của đất nước nào?

A. Nhật Bản

B. Hàn Quốc

C. Thái Lan

2. Nhân vật trong đoạn văn tên là gì?

A. Naruto

B. Sakura

C. Xa-xa-cô Xa-xa-ki

3. Vì sao Xa-xa-cô bị mắc bệnh?

A. Do Xa-xa-cô bị nhiễm phóng xạ.

B. Do Xa-xa-cô bị tai nạn.

C. Cả 2 đáp án trên

4. Câu chuyện trên có ý nghĩa gì?

A. Sự tàn bạo, tang thương của chiến tranh.

B. Khát vọng sống, khát vọng hòa bình của trẻ em toàn thế giới.

C. Cả 2 đáp án trên

Câu 2. Tìm các từ trái nghĩa với các từ sau: mờ, nhanh, cao, sáng, vui, lớn, yêu, nóng, ngoài, xa, dưới, còn, dở, xinh.

Câu 3. Đặt câu với các từ: tiếng sóng, mênh mông.

Câu 4. Tả một nghệ sĩ hài mà em yêu thích.

Đề 12

Câu 1. Điền dấu câu thích hợp vào chỗ trống:

Sáng hôm ấy () ba về thăm bà nội ốm. Chiều đến, em đi loanh quanh theo lối ba vẫn đi tuần rừng. Phát hiện những dấu chân người lớn hằn trên đất, em thắc mắc: () Hai ngày nay đâu có đoàn khách tham quan nào? () Thấy lạ, em lần theo dấu chân. Khoảng hơn chục cây to cộ đã bị chặt thành từng khúc dài. Gần đó có tiếng bàn bạc ()

– Mày đã dặn lão Sáu Bơ tối đánh xe ra bìa rừng chưa ()

Qua khe lá, em thấy hai gã trộm. Lừa khi hai gã mải cột các khúc gỗ, em lén chạy. Em chạy theo đường tắt về quán bà Hai () xin bà cho gọi điện thoại. Một giọng nói rắn rỏi vang lên ở đầu dây bên kia ()

– A lô () Công an huyện đây ()

Sau khi nghe em báo tin có bọn trộm gỗ () các chú công an dặn dò em cách phối hợp với các chú để bắt bọn trộm, thu lại gỗ ()

(Người gác rừng tí hon, Tiếng Việt 5, tập 1)

Câu 2. Sắp xếp các từ sau vào hai nhóm từ ghép và từ láy: con gà, mênh mông, mong manh, điện thoại, xe máy, lặng lẽ, vui vẻ, bàn tay, chăm chỉ, kính mắt, hộp sữa, bàn ghế, khúc khuỷu, thăm thẳm, xa xôi, con cò, khóc lóc, nhớ nhung, ăn uống, sách vở.

Câu 3. Điền từ thích hợp vào chỗ trống:

a. … điện thoại bị hỏng … em không thể gọi điện cho mẹ.

b. Chúng em đã học bài … vẫn không được điểm cao.

c. Thanh … ngoan ngoãn … rất hiền lành.

d. Anh ấy … học bài, … nghe nhạc.

e. Quốc càng làm…, Hồng lại phá …

g. Ban nãy, nắng … chóng chang, mà bây giờ trời … âm u.

Câu 4. Tả cảnh thanh bình ở một miền quê, hoặc thành phố trong đó có sử dụng một câu ghép.

Đề 13

Câu 1. Đọc và trả lời câu hỏi:

Phụ nữ Việt Nam xưa hay mặc áo lối mớ ba, mớ bảy, tức là mặc nhiều áo cánh lồng vào nhau. Tuy nhiên, với phong cách tế nhị, kín đáo, người phụ nữ Việt thường mặc chiếc áo dài thẫm màu bên ngoài, lấp ló bên trong mới là các lớp áo cánh nhiều màu (vàng mỡ gà, vàng chanh, hồng cánh sen, hồng đào, xanh hồ thủy…)

Từ đầu thế kỉ XIX đến sau năm 1945, ở một số vùng, người ta mặc áo dài kể cả khi lao động nặng nhọc. Áo dài phụ nữ có hai loại: áo tứ thân và áo năm thân. Phổ biến hơn là áo tứ thân, được may từ bốn mảnh vải, hai mảnh sau ghép liền ở giữa sống lưng. Đằng trước là hai vạt áo, không có khuy, khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt vào nhau. Áo năm thân cũng may như áo tứ thân, chỉ có điều vạt trước phía trái may ghép từ hai thân vải, thành ra rộng gấp đôi vạt phải.

Từ những năm 30 của thế kỉ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần thành chiếc áo tân thời. Chiếc áo tân thời là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách phương Tây hiện đại, trẻ trung.

Áo dài trở thành biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam. Trong tà áo dài, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như đẹp hơn, tự nhiên, mềm mại và thanh thoát hơn.

(Tà áo dài Việt Nam, SGK Tiếng Việt 5, tập 2)

1. Áo dài phụ nữ có những loại nào?

A. áo tứ thân

B. áo năm thân

C. Cả 2 đáp án trên

2. Áo dài tứ thân được may từ mấy mảnh vải?

A. 4

B. 5

C. 6

3. Khi nào chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần thành áo dài tân thời?

A. Những năm 20 của thế kỉ XX

B. Những năm 30 của thế kỉ XX

C. Những năm 40 của thế kỉ XX

4. Trong trang phục áo dài, người phụ nữ Việt Nam như thế nào?

A. đẹp hơn, tự nhiên hơn

B. mềm mại và thanh thoát hơn

C. Cả 2 đáp án trên

Câu 2. Điền các quan hệ từ thích hợp vào chỗ trống:

a. … An chăm chỉ học tập … kết quả học tập rất tốt.

b. Bình đã cố gắng hết sức… không chiến thắng trong cuộc thi.

c. Hàng ngày, em cùng với An đến trường … chiếc xe đạp này.

d. … câu hỏi rất khó … các bạn học sinh vẫn trả lời được.

e. Hoàng … Long là hai thành viên tiêu biểu của đội bóng.

Câu 3. Xác định nghĩa gốc, nghĩa chuyển:

Lưng (1): Phần phía sau của cơ thể người hoặc phần phía trên của cơ thể động vật có xương sống, đối xứng với ngực và bụng (cái lưng).

Lưng (2): bộ phận phía sau của một số vật (lưng ghế).

Tìm các ví dụ tương tự cho nghĩa chuyển.

Câu 4. Viết một đoạn văn tả cánh đồng quê sau cơn mưa, trong đó có một câu sử dụng trạng ngữ chỉ nơi chốn.

Đề 14

Câu 1. Điền các từ thích hợp vào chỗ trống để tạo ra cặp từ trái nghĩa:

– Thất bại là mẹ …

– Sống dở … dở

– Một miếng khi … bằng một gói khi no

– Lên thác … ghềnh

– Trước lạ sau …

– Học … quên sau

– Đi ngược về …

Câu 2. Sắp xếp các từ sau vào nhóm danh từ riêng và danh từ chung: cây hồng, Hoa Kỳ, sách giáo khoa, Trần Quốc Toản, đất nước, sông hồ, Dinh Độc Lập, cánh đồng, Hoàng Anh, Võ Thị Sáu, máy tính, xe cộ, Bạch Tuyết, điện thoại, bút chì, con đường, Nguyễn Đình Thi, lá cờ.

Câu 3. Cho đoạn thơ:

“Bầm ơi có rét không bầm?
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non

Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!”

(Bầm ơi, Tố Hữu)

a. Tìm đại từ trong đoạn thơ trên.

b. Tìm từ đồng nghĩa với từ “bầm”.

c. Tìm hai danh từ trong đoạn thơ trên.

Câu 4. Tả cô giáo mà em yêu quý, trong đó có sử dụng mẫu câu Ai làm gì?

Đề 15

Câu 1. Đọc và trả lời câu hỏi:

Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh

Bóng con tròn chắc nịch.
Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn, biển càng trong

Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
“Cha ơi!

Sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?
Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:
“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa
Sẽ có cây, có cửa, có nhà,
Nhưng nơi đó cha chưa hề đi đến”

(Những cánh buồm, Tiếng Việt 5, tập 2)

a. Tìm các từ láy trong đoạn văn.

b. Xác định chủ ngữ, vị ngữ của câu: Hai cha con bước đi trên cát.

c. Đặt câu với các từ: mỉm cười, mặt trời.

Câu 2. Chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống:

a. Gió thổi làm cánh … (diều/giều) bay cao.

b. Thảo quả trên … (rừng/dừng) Đản Khao đã vào mùa.

c. Con đường này thật … (khúc khuỷu/khúc khủy).

d. Lớn lên, con sẽ làm … (phi công/phy công).

Câu 3. Đặt các câu theo mẫu:

a. Vì sao?

b. Như thế nào?

Câu 4. Tả một người bạn thân của em.

Đề 16

Câu 1. Cho đoạn văn sau:

Thảo quả trên rừng Đản Khao đã chín nục. Chẳng có thứ quả nào hương thơm lại ngây ngất kỳ lạ đến như thế. Mới đầu xuân năm kia, những hạt thảo quả gieo trên đất rừng , qua một năm, đã lớn cao tới bụng người. Một năm sau nữa, từ một thân lẻ, thảo quả đâm thêm hai nhánh mới. Sự sinh sôi sao mà mạnh mẽ vậy. Thoáng cái, dưới bóng râm của rừng già, thảo quả lan tỏa nơi tầng rừng thấp, vươn ngọn, xòe lá, lấn chiếm không gian.

(Mùa thảo quả, SGK Tiếng Việt 5, tập 1)

a. Tìm 2 danh từ, 2 động từ, 2 tính từ trong đoạn văn trên.

b. Xác định thành phần câu: Thảo quả trên rừng Đản Khao đã chín nục.

Câu 2. Điền dấu câu thích hợp:

Rồi Dế Choắt loanh quanh () băn khoăn. Tôi phải bảo ()

– Được, chú mình cứ nói thẳng thừng ra nào.

Dế Choắt nhìn tôi mà rằng:

– Anh đã nghĩ thương em như thế thì hay là anh đào giúp cho em một cái ngách sang bên nhà anh phòng khi tắt lửa tối đèn có đứa nào đến bắt nạt thì em chạy sang…

Chưa nghe hết câu () tôi đã hếch răng lên, xì một hơi rõ dài. Rồi, với bộ điệu khinh khỉnh, tôi mắng ()

– Hức ()Thông ngách sang nhà ta () Dễ nghe nhỉ! Chú mày hôi như cú mèo thế này, ta nào chịu được. Thôi () im cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi! Đào tổ nông thì cho chết!

Tôi về () không một chút bận tâm ()

(Trích Dế Mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài)

Câu 3. Điền quan hệ từ thích hợp vào chỗ trống:

a. … em được điểm mười … mẹ sẽ mua cho em một chiếc cặp sách.

b. Hà đã nhiều lần mắc lỗi … bạn vẫn không rút kinh nghiệm.

c. Cậu chọn kem xoài … kem chanh?

d. Nhà cậu nằm … đường Trần Quốc Toản phải không?

e. … hung dữ … cậu ấy vẫn rất tốt bụng.

Câu 4. Tả khu vườn vào mùa xuân.

Đề 17

Câu 1. Chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống:

Một sớm chủ nhật đầu xuân, khi …. vừa hé mây nhìn xuống, Thu phát hiện ra chú chim lông xanh biếc sà xuống cành lựu. Nó săm soi, mổ mổ mấy … rồi thản nhiên rỉa cánh, hót lên mấy tiếng … . Thu vội xuống nhà Hằng mời bạn lên xem để biết rằng: … có chim về đậu tức là vườn rồi! Chẳng ngờ, khi hai bạn lên đến nơi thì … đã bay đi.

(Chuyện một khu vườn nhỏ, Tiếng Việt 5, tập 1)

(líu ríu, ban công, con sâu, mặt trời, chú chim)

Câu 2. Tìm từ đồng nghĩa với các từ sau:

a. ăn

b. cho

c. yếu đuối

d. xinh đẹp

Câu 3. Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong các câu sau:

a. Thầy Hiệu trưởng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho lớp em.

b. Em Thúy luôn luôn giữ gìn quần áo sạch sẽ.

c. Ông đã ngoan cường giữ vững khí tiết cách mạng.

d. Bố tôi tiễn khách ra đến cổng rồi mới trở về.

Câu 4. Tả ngôi trường mà em đang học, trong đó có sử dụng một quan hệ từ.

Đề 18

Câu 1. Tìm đại từ trong các câu sau đây:

a. Hùng là bạn thân của tôi.

b. Nó là một đứa trẻ đáng thương.

c. Gia đình ông Hai đã nhận nuôi mình được một năm.

d. Hôm qua, tớ và Lan đã đến nhà thăm cậu.

Câu 2. Tìm các từ:

a. Chỉ những người thân trong gia đình.

b. Chỉ những người gần gũi em trong trường học.

Các từ trên thuộc từ loại gì?

Câu 3. Thế nào là từ đồng nghĩa, đồng âm và nhiều nghĩa. Cho ví dụ cụ thể.

Câu 4. Tả người mẹ của em, trong bài có sử dụng một từ láy.

Đề 19

Câu 1. Đọc và trả lời câu hỏi:

Trái đất trẻ của bạn trẻ năm châu
Vàng, trắng, đen … dù da khác màu
Ta là nụ, là hoa của đất
Gió đẫm hương thơm, nắng tô thắm sắc
Màu hoa nào cũng quý, cũng thơm!
Màu hoa nào cũng quý, cũng thơm!

(Bài ca về trái đất, Tiếng Việt 5, tập 1)

a. Tìm các danh từ trong khổ thơ trên.

b. Tìm từ trái nghĩa với từ: trẻ.

c. Đặt một câu với từ: hương thơm.

Câu 2. Điền dấu câu thích hợp:

Thủy bỗng trở nên vui vẻ ()

– Anh xem chúng đang cười kìa ()

Tôi cố vui vẻ theo em, nhưng nước mắt đã ứa ra.

Bỗng Thủy lại xị mặt xuống ()

– Sao bố mãi không về nhỉ () Như vậy là em không được chào bố trước khi đi ()

Tôi nhìn sang cửa phòng bố. Mấy ngày rồi () bố vẫn biệt tăm. Tôi xót xa nhìn em. Bao giờ nó cũng chu đáo và hiếu thảo như vậy ()

– Hay anh dẫn em đến trường một lát.

(Trích Cuộc chia tay của những con búp bê)

Câu 3. Tìm thêm một vế câu để tạo thành câu ghép:

a. Mùa đông đến, …

b. Vì Hoa bị ốm, …

c. Cô Tấm thì hiền lành chăm chỉ, …

d. Mặt trời lặn dần sau lũy tre,

Câu 4. Tả cơn mưa vào mùa xuân, trong đó có một câu ghép.

Đề 20

Câu 1. Đọc và trả lời câu hỏi:

Trên sông Đà
Một đêm trăng chơi vơi
Tôi đã nghe tiếng đàn Ba-la-lai-ca
Một cô gái Nga mái tóc màu hạt dẻ
Ngón tay đan trên những sợi dây đồng.

Lúc ấy
Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông
Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ
Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ
Chỉ còn tiếng đàn ngân nga
Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà.

Ngày mai
Chiếc đập lớn nối liền hai khối núi
Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên
Sông Đà gửi ánh sáng đi muôn ngả
Từ công trình thuỷ điện lớn đầu tiên.

(Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà, Tiếng Việt 5, tập 1)

a. Tìm các từ láy có trong bài thơ.

b. Tìm những câu thơ sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa.

Câu 2. Cho biết các trường hợp dưới đây là từ nhiều nghĩa hay từ đồng âm?

a. ba má – số ba

b. con mắt – mắt na

c. phương nam – bạn nam

d. cánh tay – cánh quạt

Câu 3. Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong các câu sau:

a. Hòa là một cô bạn dễ thương.

b. Trời vừa hửng sáng, các bác nông dân đã ra đồng làm việc.

c. Nếu cuối tuần thời tiết đẹp, cả nhà em sẽ đi du lịch.

d. Giá như tôi học hành chăm chỉ, thì kết quả học tập đã tốt hơn.

e. Hôm nay, tôi và Lan sẽ đến thư viện.

Câu 4. Tả cảnh thanh bình ở thành phố.

Đề 21

Câu 1. Điền từ còn thiếu vào chỗ trống:

A-ri-ôn là một … nổi tiếng của nước Hy Lạp cổ. Trong một cuộc thi … ở đảo Xi-xin, ông đoạt giải nhất với nhiều tặng vật … . Trên đường trở về kinh đô, đến giữa biển thì đoàn … trên chiếc tàu chở ông nổi lòng tham, cướp hết tặng vật và đòi giết A-ri-ôn. Nghệ sĩ xin được hát bài ông yêu thích trước khi chết. Bọn cướp đồng ý. A-ri-ôn đứng trên boong tàu cất …, đến đoạn mê say nhất, ông nhảy xuống biển. Bọn cướp cho rằng A-ri-ôn đã chết liền dong buồm trở về …. .

(Những người bạn tốt, Tiếng Việt 5, tập 1)

(ca hát, đất liền, thủy thủ, tiếng hát, quý giá, nghệ sĩ)

Câu 2. Tìm các quan hệ từ trong câu sau:

a. Em và Hằng là những người bạn tốt của nhau.

b. Chúng em cùng nhau đi học bằng xe đạp.

c. Chiếc áo của anh đang nằm trên ghế.

d. Nếu mẹ không đến thì em sẽ về cùng bạn.

Câu 3. Đặt câu với các từ sau: mênh mông, hun hút.

Câu 4. Tả cảnh mặt trời mọc trên quê hương em, trong đó có sử dụng một đại từ.

Đề 22

Câu 1. Tìm từ đồng âm với các từ sau:

a. con cá

b. răng lợi

c. số năm

d. kho hàng

Câu 2. Điền quan hệ từ thích hợp vào các câu sau:

a. Con búp bê … em đang nằm trong tủ kính.

b. … Hồng đã học bài, … bạn ấy vẫn cảm thấy lo lắng.

c. Hùng học giỏi … lại lười biếng.

d. Tôi … Lan đều là học sinh lớp 2A.

Câu 3.

a. Tìm các tính từ chỉ tính cách (Ví dụ: hiền)

b. Tìm các danh từ chỉ đồ dùng học tập (Ví dụ: sách)

Câu 4. Tả người bố thân yêu của em.

Đề 23

Câu 1. Chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống:

Chiếc máy xúc của tôi hối hả “điểm tâm” những gầu chắc và đầy. Chợt lúc quay ra, qua … kính buồng máy, tôi nhìn thấy một người … cao lớn, mái tóc vàng óng ửng lên một mảng nắng. Tôi đã từng gặp nhiều người ngoại quốc đến tham quan …. Nhưng người ngoại quốc này có một vẻ gì nổi bật lên khác hẳn các khách quan khác. Bộ … xanh màu công nhân, … chắc và khỏe, … to chất phác…, tất cả gợi lên ngay từ phút đầu những nét …, thân mật.

(Một chuyên gia máy xúc, Tiếng Việt 5, tập 1)

(ngoại quốc, công trường, quần áo, thân hình, giản dị, khuôn mặt, khung cửa)

Câu 2. Xác định nghĩa gốc, nghĩa chuyển trong các trường hợp sau:

a. cổ

  • cái cổ: bộ phận của cơ thể, nối đầu với thân.
  • cổ chai: chỗ eo lại ở gần phần đầu của một số đồ vật, giống hình cái cổ, thường là bộ phận nối liền thân với miệng ở một số đồ đựng

b. sườn

  • xương sườn: các xương bao quanh lồng ngực từ cột sống đến vùng ức.
  • sườn núi: bề cạnh của một số vật có hình khối và chiều cao.

Câu 3. Đặt câu theo mẫu:

a. Ai thế nào?

b. Ai làm gì?

Câu 4. Viết đoạn văn ngắn tả ngoại hình của một cụ già mà em biết.

Đề 24

Câu 1. Điền quan hệ từ thích hợp:

a. Bút chì … tẩy là đồ dùng học tập vô cùng quan trọng … học sinh lớp Một.

b. … em học giỏi … bố mẹ cảm thấy rất tự hào.

c. Hoa trong vườn được chăm sóc cẩn thận … vẫn chưa nở.

d. Anh ấy đã ăn ba bát cơm … vẫn còn đói.

e. … Hùng chăm chỉ làm bài tập … cậu đã không bị cô giáo phạt.

Câu 2. Đọc và thực hiện các yêu cầu:

Sang năm con lên bảy
Cha đưa con tới trường
Giờ con đang lon ton
Khắp sân trường chạy nhảy
Chỉ mình con nghe thấy
Tiếng muôn loài với con.

Mai rồi con lớn khôn
Chim không còn biết nói
Gió chỉ còn biết thổi
Cây chỉ còn là cây
Đại bàng chẳng về đây
Đậu trên cành khế nữa
Chuyện ngày xưa, ngày xửa
Chỉ là chuyện ngày xưa.

(Sang năm con lên bảy, Tiếng Việt 5, tập 2)

a. Tìm một từ ghép, một từ láy.

b. Tìm từ trái nghĩa với: lớn, về.

c. Tìm các động từ.

Câu 3. Đặt câu ghép có sử dụng các cặp từ sau:

a. mới … đã …

b. càng … càng…

c. bao nhiêu … bấy nhiêu …

Câu 4. Viết một đoạn văn tả cảnh sông nước quê em.

Đề 25

Câu 1. Tìm từ đồng nghĩa với các từ sau:

a. lười biếng

b. chết

c. hiền lành

d. lợn

Câu 2. Đặt câu có:

a. 1 đại từ

b. 1 quan hệ từ

Câu 3. Điền dấu câu thích hợp:

Già Rok xoa tay lên vết chém, khen ()

– Tốt cái bụng đó () cô giáo ạ!

Rồi giọng già vui hẳn lên:

() Bây giờ cho người già xem cái chữ của cô giáo đi!

Bao nhiêu tiếng người cùng ùa theo:

– Phải đấy() Cô giáo cho lũ làng xem cái chữ nào!

Y Hoa lấy trong gùi ra một trang giấy, trải lên sàn nhà. Mọi người im phăng phắc() Y Hoa nghe thấy rõ cả tiếng tim đập trong lồng ngực mình. Quỳ hai gối lên sàn, cô giáo viết thật to, thật đậm hai chữ: “Bác Hồ”() Y Hoa viết xong, bỗng bao nhiêu tiếng cùng hò reo:

– Ôi() Chữ cô giáo này! Nhìn kìa!

– A, chữ, chữ cô giáo ()

(Buôn Chư Lênh đón cô giáo, Tiếng Việt 5, tập 1)

Câu 4. Em hãy tả cơn mưa rào vào mùa hạ.

Đề 26

Câu 1. Đặt câu cho các bộ phận được gạch chân:

a. Những bông hoa trong chậu đã được tưới nước.

b. Em đã sắp xếp sách vở gọn gàng.

c. Mùa hè, thời tiết rất nóng bức.

d. Mai này, em sẽ trở thành một cô giáo.

Câu 2. Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong câu:

a. Cô Hồng là giáo viên chủ nhiệm của em.

b. Em đã làm xong bài toán khó.

c. Hôm nay, chúng em có bài kiểm tra.

d. Cuốn sách nằm im trên bàn.

Câu 3. Tìm các danh từ:

a. Chỉ con vật

b. Chỉ loại quả

Câu 4. Tả cảnh thanh bình ở miền quê.

Đề 27

Câu 1. Điền dấu câu thích hợp:

Giang Văn Minh nghe vậy, bèn tâu ()

– Vậy, tướng Liễu Thăng tử trận đã mấy trăm năm, sao hàng năm nhà vua vẫn bắt nước tôi cử người mang lễ vật sang cúng giỗ ()

Biết đã mắc mưu sứ thần () vua Minh vẫn phải nói:

– Từ nay trở đi, nước ngươi không phải góp giỗ Liễu Thăng nữa.

– Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc.

Biết họ ngạo mạn nhắc chuyện Mã Viện dẹp cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng () Giang Văn Minh cứng cỏi đáp lại ()

– Bạch Đằng thuở trước máu còn loang.

(Trí dũng song toàn, Tiếng Việt 5, tập 2)

Câu 2. Đặt câu cho phần được in đậm:

a. Chiếc điện thoại trong tủ là của mẹ em.

b. Thứ tư, em sẽ được về thăm bà ngoại.

c. Những bông hoa rơi đầy trên sân nhà.

d. Em và Hùng rất thích học Toán.

Câu 3. Đặt câu với các từ chỉ: yêu thương, đau buồn.

Câu 4. Kể lại câu chuyện Lớp trưởng lớp tôi.

Đề 28

Câu 1. Điền quan hệ từ thích hợp:

a. Hà … Lan là hai chị em sinh đôi.

b. … bài toán rất khó … Hoàng vẫn giải được.

c. Bàn thắng vừa rồi là … cầu thủ số 19.

d. … trời đã tối … các con phố đều trở nên vắng vẻ.

Câu 2. Xác định chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ trong câu:

a. Hôm nay, em sẽ đi chơi công viên.

b. Bầu trời trong xanh, gió thổi rì rào.

c. Em và Hạnh sẽ đi tham quan lăng Bác vào ngày mai.

d. Cả nhà em đều rất yêu thương nhau.

Câu 3. Đặt câu với các từ: học sinh, nhân dân.

Câu 4. Viết đoạn văn miêu tả màu sắc của những sự vật trong bài Sắc màu em yêu.

Mời bạn đọc tham khảo nội dung chi tiết tại file tải dưới đây……. 

Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu

Chuyên mục: Tài Liệu Lớp 5

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!

Bạn đang dùng trình chặn quảng cáo!