Hướng dẫn kiểm soát đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ là căn bệnh nguy hiểm, việc tầm soát đái tháo đường thai kỳ là rất quan trọng và cần thiết. Chính vì vậy trong bài viết dưới đây THPT Nguyễn Đình Chiểu sẽ giới thiệu tài liệu Hướng dẫn kiểm soát đái tháo đường thai kỳ để bạn đọc cùng theo dõi.
Bạn đang xem: Hướng dẫn kiểm soát đái tháo đường thai kỳ
Bệnh đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường và xảy ra trong quá trình mang thai từ tuần thai 24 – 28. Đái tháo đường thai khi nếu không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và con. Vì vậy, khám thai định kỳ và kiểm tra đường huyết thường xuyên giúp mẹ bầu đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con trong suốt thai kỳ.
Hướng dẫn kiểm soát đái tháo đường thai kỳ
CHƯƠNG 1.
ĐẠI CƯƠNG VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ
1. Đặt vấn đề
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh mãn tính thường gặp. ĐTĐ ngày càng tăng, từ năm 1958 đến năm 1993 số người được chẩn đoán có bệnh ĐTĐ tăng gấp 5 lần. Tương tự ĐTĐ trong dân số chung, tỷ lệ lưu hành của đái thái đường thai kỳ (ĐTĐTK) cũng tăng theo thời gian, theo hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ năm 2004 ĐTĐTK chiếm 4% tương đương 135.000 thai phụ/mỗi năm.
Bệnh đái tháo đường ghi nhận có tốc độ tăng nhanh trên toàn cầu. Uớc tính đến năm 2020 sẽ có 438 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trong đó khoảng 50% là người châu Á. Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đang phát triển với dân số khoảng 94 triệu người có tỷ lệ đái tháo đường týp 2 ngày càng tăng. Năm 2010, tỉ lệ đái tháo đường týp 2 ở Tp.HCM là 10.8% ở nam và 11,7% ở nữ. Cùng với bệnh đái tháo đường, ĐTĐTK cũng ngày càng tăng do tuổi sinh đẻ tăng, phụ nữ ngày càng thừa cân, béo phì và ít vận động. Tỉ lệ ĐTĐTK thay đổi tùy thuộc vào dân số nghiên cứu, tiêu chí chọn mẫu, tiêu chuẩn chẩn đoán. Tại Việt Nam, trong một số nghiên cứu tại các vùng miền khác nhau, tỉ lệ này tăng từ 3,9% vào năm 2004 đến 20,3% năm 2012 và 20,9% năm 2017.
Năm 2002 – 2004 Tạ Văn Bình và cộng sự nghiên cứu 1.611 thai phụ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thấy tỉ lệ ĐTĐTK là 5,7%. Năm 2009, Vũ Thị Bích Nga nghiên cứu 1.327 thai phụ tại khoa sản Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy tỉ lệ ĐTĐTK là 7,8%. Năm 2010, Nguyễn Thị Lệ Thu nghiên cứu 2.446 thai phụ tại Khoa Phụ sản Bệnh viện Bạch Mai cho thấy tỉ lệ ĐTĐTK là 5,97%. Tại TP. Hồ Chí Minh, hai bệnh viện Sản phụ khoa: Từ Dũ và Hùng Vương tỷ lệ ghi nhận quanh 20% trên hàng chục ngàn trường hợp tầm soát hàng năm.
2. Định nghĩa
2.1. Định nghĩa đái tháo đường
ĐTĐ là nhóm những rối loạn chuyển hóa không đồng nhất gồm tăng glucose huyết tương và rối loạn dung nạp glucose do thiếu insulin, giảm tác dụng của insulin hoặc cả hai.
ĐTĐ týp 1 còn gọi là ĐTĐ phụ thuộc insulin. Có sự phá hủy tế bào beta và thiếu insulin tuyệt đối, được chia làm hai thể nguyên nhân do cơ chế tự miễn và không do tự miễn, không phụ thuộc kháng antigen là kháng nguyên, kháng bạch cầu ở người (Human Leucocyst Antigen – HLA).
ĐTĐ týp 2 còn gọi là ĐTĐ không phụ thuộc insulin, đặc trưng bởi kháng insulin và thiếu tương đối từ gan và bất thường chuyển hóa mỡ.
Tiền ĐTĐ là tình trạng suy giảm chuyển hóa glucose bao gồm hai tình huống là rối loạn glucose lúc đói (Impaired Fasting Glucose -IFG) và giảm dung nạp glucose (Impaired Glucose Tolerance – IGT).
2.2. Định nghĩa đái tháo đường trong thai kỳ
Theo Tổ chức Y tế thế giới (2013), tăng glucose huyết tương được phát hiện lần đầu trong khi có thai được phân loại thành 2 nhóm là đái tháo đường mang thai (Diabetes in pregnancy) và đái tháo đường thai kỳ (Gestational Diabetes Mellitus). Đái tháo đường mang thai, hay còn gọi là đái tháo đường rõ (Overt Diabetes) có mức glucose huyết tương đạt mức chẩn đoán đái tháo đường tiêu chuẩn (WHO, 2006), trong khi đái tháo đường thai kỳ có mức glucose huyết tương thấp hơn.
Hội Nội tiết Mỹ (Endocrine Society) định nghĩa ĐTĐTK là tình trạng liên quan đến tăng glucose huyết tương của mẹ với mức độ thấp hơn ĐTĐ mang thai (đái tháo đường rõ) và làm tăng nguy cơ các kết cục sản khoa bất lợi cho cả thai phụ và thai nhi
2.3. Dịch tễ học
Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc ĐTĐTK trong các nghiên cứu có sự khác biệt. Tuy nhiên, có sự khác nhau là do đặc điểm dân số, độ lớn của quần thể nghiên cứu, phương pháp tầm soát, tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau nhưng cũng cho thấy thực trạng về nguy cơ gia tăng tỷ lệ này trong thời gian gần đây và yêu cầu cần thiết của việc nghiên cứu tầm soát ĐTĐTK như một công tác thường quy trong chăm sóc sức khỏe sinh sản ở các cơ sở y tế.
2.4. Yếu tố nguy cơ
Các nghiên cứu dịch tễ học đã phát hiện, có sự liên quan giữa các yếu tố nguy cơ ở thai phụ với ĐTĐTK. Các yếu tố nguy cơ này có nhiều điểm chung, tương đối giống với các yếu tố nguy cơ ĐTĐ týp 2.
ĐTĐTK có xu hướng hay gặp ở những thai phụ sinh con khi lớn tuổi, sinh nhiều con, thừa cân, tiền căn gia đình có đái tháo đường, tiền căn sản khoa: thai lưu, sinh con to.
Theo khuyến cáo của Hội nghị quốc tế về ĐTĐTK lần V tại Mỹ năm 1998, các thai phụ có yếu tố nguy cơ sau đây dễ mắc ĐTĐTK:
– Béo phì: Ở người béo phì có tình trạng kháng insulin và tăng tiết insulin gây rối loạn chuyển hóa glucose.
– Tiền sử gia đình: Tiền sử gia đình có người ĐTĐ thế hệ thứ nhất là một trong những yếu tố nguy cơ cao của ĐTĐTK, chiếm 50 – 60% so với nhóm tiền sử gia đình không có người đái tháo đường.
– Tiền sử sinh con to ≥ 4000 gam: Cân nặng trẻ sơ sinh to ≥ 4000 gam vừa là hậu quả của ĐTĐTK, vừa là yếu tố nguy cơ cho mẹ ở những lần mang thai sau.
– Tiền sử bất thường về dung nạp glucose: Đây là yếu tố nguy cơ cao đối với ĐTĐTK, đa số người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose thì khi có thai đều bị ĐTĐTK.
– Glucose niệu dương tính: Cũng là yếu tố nguy cơ cao đối với ĐTĐTK.
Tuy nhiên, có khoảng 10 – 15% thai phụ có glucose niệu dương tính mà không phải do mắc ĐTĐTK.
– Tuổi mang thai: Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), thai phụ có tuổi nhỏ hơn 25 được coi là ít nguy cơ ĐTĐTK, khi phụ nữ lớn hơn 35 tuổi mang thai thì nguy cơ ĐTĐTK tăng cao hơn.
– Tiền sử sản khoa bất thường: Thai chết lưu không rõ nguyên nhân, con bị dị tật bẩm sinh, tiền sản giật, sinh non.
– Chủng tộc: Là một yếu tố nguy cơ độc lập dẫn đến ĐTĐTK, có ảnh hưởng trực tiếp đến tần suất mắc ĐTĐ týp 2 trong dân số. Châu Á là chủng tộc có nguy cơ mắc ĐTĐTK cao.
– Hội chứng buồng trứng đa nang.
2.5. Hậu quả
2.5.1. Đối với thai phụ
Thai phụ mắc ĐTĐTK có nguy cơ xảy ra các tai biến trong suốt quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường. Các tai biến thường gặp là:
– Tăng huyết áp: Thai phụ ĐTĐTK dễ bị tăng huyết áp hơn các thai phụ bình thường. Tăng huyết áp trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng cho mẹ và thai nhi như: tiền sản giật, sản giật, tai biến mạch máu não, suy gan, suy thận, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non và tăng tỷ lệ chết chu sinh.
– Sinh non: Thai phụ bị ĐTĐTK làm tăng nguy cơ sinh non so với các thai phụ không bị ĐTĐTK. Tỷ lệ sinh non ở phụ nữ ĐTĐTK là 26%, trong khi ở nhóm thai phụ bình thường là 9,7%.
– Đa ối: Tình trạng đa ối hay gặp ở thai phụ có ĐTĐTK, tỷ lệ cao gấp 4 lần so với các thai phụ bình thường.
– Sẩy thai và thai lưu: Thai phụ mắc ĐTĐTK tăng nguy cơ sẩy thai tự nhiên, các thai phụ hay bị sẩy thai liên tiếp cần phải được kiểm tra glucose huyết một cách thường quy.
– Nhiễm khuẩn niệu: Thai phụ mắc ĐTĐTK nếu kiểm soát glucose huyết tương không tốt càng tăng nguy cơ nhiễm khuẩn niệu.
– Ảnh hưởng về lâu dài: Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng, các phụ nữ có tiền sử ĐTĐTK có nguy cơ cao diễn tiến thành ĐTĐ týp 2 trong tương lai. Có khoảng 17% đến 63% các phụ nữ ĐTĐTK sẽ bị ĐTĐ týp 2 trong thời gian 5 năm đến 16 năm sau sinh.
Tóm lại: Thai phụ mắc ĐTĐTK có thể làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận, mổ lấy thai. Về lâu dài, các thai phụ mắc ĐTĐTK tăng nguy cơ tiến triển thành ĐTĐ týp 2 và các biến chứng liên quan đặc biệt là biến chứng tim mạch nhỏ ảnh hưởng đến tim, thận, mắt.
2.5.2. Đối với thai nhi và trẻ sơ sinh
ĐTĐTK ảnh hưởng lên sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh, những thay đổi này thường xảy ra vào tuần thứ 6, thứ 7 của thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ có hiện tượng tăng tiết insulin của thai nhi, làm thai nhi tăng trưởng quá mức.
– Tăng trưởng quá mức và thai to: Các nghiên cứu về thai to cho thấy tỷ lệ này khác nhau theo chủng tộc. Tỷ lệ sinh con to của những người mẹ bị mắc bệnh ĐTĐTK có nguồn gốc da trắng, nguồn gốc da đen hoặc nguồn gốc Tây Ban Nha cũng khác nhau.
– Hạ glucose huyết tương và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh: Chiếm tỷ lệ khoảng từ 15% – 25% ở trẻ sơ sinh của các thai kỳ có đái tháo đường.
– Bệnh lý đường hô hấp: Hội chứng nguy kịch hô hấp.
– Dị tật bẩm sinh: Một nghiên cứu từ 1946 – 1988 cho thấy, ở thời điểm thụ thai của người mẹ bị mắc bệnh ĐTĐ, nếu lượng glucose huyết tương không được kiểm soát tốt thì tỷ lệ dị tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh sẽ rất cao từ 8 – 13%, gấp 2 – 4 lần nhóm không bị ĐTĐ.
– Tử vong ngay sau sinh: Chiếm tỷ lệ khoảng 20% – 30%. Có nhiều bằng chứng cho thấy tăng glucose huyết tương mạn tính ở cơ thể mẹ giai đoạn từ 3 – 6 tuần cuối của thai kỳ dẫn đến tăng sử dụng glucose ở thai nhi, xuất hiện tình trạng thiếu oxy ở thai nhi, tăng tình trạng toan máu của thai là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp gây chết thai.
– Tăng hồng cầu: Là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh của các thai phụ có ĐTĐTK, nồng độ hemoglobin trong máu tĩnh mạch trung tâm > 20g/dl hay dung tích hồng cầu > 65%.
– Vàng da sơ sinh: Tăng hủy hemoglobin dẫn đến tăng bilirubin huyết tương gây vàng da sơ sinh, xảy ra khoảng 25% ở các thai phụ có ĐTĐTK.
– Các ảnh hưởng lâu dài: Gia tăng tần suất trẻ béo phì, khi lớn trẻ sớm bị mắc bệnh ĐTĐ týp 2, rối loạn tâm thần – vận động. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị ĐTĐTK có nguy cơ ĐTĐ và tiền ĐTĐ tăng gấp 8 lần khi đến 19 đến 27 tuổi.
CHƯƠNG 2.
TẦM SOÁT VÀ CHẨN ĐOÁN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ
1. Tiêu chuẩn tầm soát và chẩn đoán trên thế giới
1.1. Đối tượng tầm soát đái tháo đường trong thai kỳ
Hai mô hình tầm soát chính là tầm soát đại trà và tầm soát chọn lọc (hoặc tầm soát đối tượng nguy cơ). Tầm soát đại trà có độ nhạy cao hơn, nhưng tốn kém, tầm soát chọn lọc ít tốn kém hơn nhưng dễ bỏ sót bệnh.
Các yếu tố nguy cơ được sử dụng trong tầm soát chọn lọc bao gồm 4 nhóm chủ yếu dưới đây:
– Yếu tố thai phụ: lớn tuổi, nhiều con, béo phì trước khi có thai, tăng cân quá mức trong thai kỳ, hội chứng buồng trứng đa nang.
– Tiền sử ĐTĐ trong gia đình thế hệ thứ nhất.
– Tiền sử sản khoa: thai lưu, sinh con to, ĐTĐTK trong lần sinh trước.
– Các yếu tố trong thai kỳ: tăng huyết áp, đa thai.
Mặc dù còn một vài vấn đề chưa được thống nhất, nhưng hầu như các tổ chức chuyên môn trên thế giới khuyến cáo nên tầm soát đại trà ĐTĐTK.
1.2. Thời điểm tầm soát thường quy
Nên tầm soát ĐTĐTK cho mọi thai phụ từ tuần thứ 24 – 28 của tuổi thai và thời điểm này được xem là thời điểm chuẩn, tốt nhất cho phát hiện bất thường chuyển hóa carbohydrate trong thai kỳ.
Khuyến cáo nhấn mạnh việc đánh giá nguy cơ của ĐTĐTK ngay lần khám thai đầu tiên cho những thai phụ có nguy cơ. Nếu là nhóm nguy cơ cao nên thực hiện nghiệm pháp tầm soát sớm và nếu nghiệm pháp âm tính sẽ lặp lại khi tuổi thai 24 – 28 tuần.
Thực hiện Nghiệm pháp dung nạp 75 gram Glucose – 2 giờ.
2. Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đái tháo đường trong thai kỳ
Nghiệm pháp dung nạp glucose 75gam – 2 giờ. Hiệp hội quốc tế của các nhóm nghiên cứu ĐTĐ và thai kỳ (IADPSG) và WHO khuyến cáo sử dụng phương pháp một bước này
2.1. Các bước tiến hành thực hiện xét nghiệm 1 bước 75 gam Glucose (với máu tĩnh mạch)
– Lần khám 1: Khi thai phụ đến khám lần đầu tiên vào 3 tháng đầu thai kỳ, xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói hoặc glucose huyết tương bất kỳ. Nếu glucose huyết tương lúc đói bất thường ≥ 126 mg% hoặc glucose huyết tương bất kỳ ≥ 200mg%, chẩn đoán ĐTĐ và giới thiệu chuyên khoa Nội tiết.
– Lần khám sau đó: Khi thai kỳ bước vào tuần thứ 24 – 28 tư vấn cho thai phụ về tầm soát ĐTĐTK, phát tờ rơi về những thông tin liên quan ĐTĐTK và hướng dẫn ăn uống hợp lý để thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose 75 gam – 2 giờ vào lần khám thai định kỳ tiếp theo, ghi chú vào sổ khám thai ngày tái khám kèm kiểm tra glucose huyết tương bằng mực đỏ để dễ nhớ.
2.2. Hướng dẫn cụ thể cho thai phụ
– Ba ngày trước khi tiến hành nghiệm pháp chẩn đoán, không ăn chế độ ăn có quá nhiều glucid cũng như không ăn kiêng nhằm tránh ảnh hưởng nghiệm pháp.
– Nhịn đói 8 – 12 giờ trước khi làm nghiệm pháp.
– Lấy 2ml máu tĩnh mạch, định lượng glucose trong huyết tương lúc đói trước khi làm nghiệm pháp.
– Uống ly nước đường đã được nhóm nghiên cứu chuẩn bị sẵn, uống trong vòng 5 phút.
– Lấy 2ml máu tĩnh mạch, định lượng glucose trong huyết tương ở 2 thời điểm 1 giờ và 2 giờ sau uống nước glucose.
– Trong thời gian làm nghiệm pháp thai phụ không ăn uống gì thêm, được ngồi nghỉ ngơi trong phòng làm nghiệm pháp hoặc đi lại nhẹ nhàng trong khuôn viên bệnh viện trong thời gian làm nghiệm pháp.
2.3. Tiêu chuẩn chẩn đoán:
Giờ | Glucose huyết tương (mg/dl hay mg%) | Glucose huyết tương (mmol/l) |
Đói | ≥ 92 | ≥ 5.1 |
1 giờ | ≥ 180 | ≥ 10.0 |
2 giờ | ≥ 153 | ≥ 8.5 |
Nếu có từ 1 giá trị lớn hơn hay bằng là chẩn đoán Đái tháo đường thai kỳ
3. Thực hiện tại các tuyến y tế
3.1. Trạm Y tế xã:
– Dựa vào các yếu tố nguy cơ để tư vấn cho thai phụ chế độ ăn và luyện tập.
– Quản lý, theo dõi việc sử dụng phác đồ điều trị ĐTĐTK do tuyến trên chỉ định.
3.2. Trung tâm y tế/ Bệnh viện huyện:
– Nếu không làm được xét nghiệm glucose huyết, tư vấn để chuyển tuyến thai phụ lên tuyến trên.
– Nếu làm được xét nghiệm glucose huyết:
+ Với thai phụ: theo dõi glucose huyết tương mao mạch (Lưu ý: để chẩn đoán dùng glucose huyết tương tĩnh mạch) trong 2 tuần có hướng dẫn chế độ ăn cho thai phụ đái tháo đường thai kỳ. Thời điểm thử cách 3 ngày 1 lần, thời điểm lúc đói và 2 giờ sau ăn (tổng cộng, trong 2 tuần có 4 lần thử).
Glucose huyết tương mục tiêu:
· | Trước ăn | ≤ 95 mg/dl (≤ 5,3 mmol/l) |
· Sau ăn 1 giờ | ≤ 140 mg/dl (≤ 7,8 mmol/l) | |
· | Sau ăn 2 giờ | ≤ 120 mg/dl (≤ 6,7 mmol/l) |
+ Với thai nhi: hướng dẫn thai phụ đếm cử động thai hàng ngày, ghi vào sổ khám thai. Khám theo dõi cân nặng, chiều cao tử cung và tim thai.
– Nếu cả 4 lần thử glucose huyết tương đều đạt mục tiêu, cử động thai và các thăm khám không ghi nhận bất thường. Hướng dẫn thai phụ tiếp tục duy trì chế độ ăn giống như phác đồ hướng dẫn và theo dõi thai kỳ thông thường.
– Nếu có trên 50% số lần thử glucose huyết tương lớn hơn glucose huyết tương mục tiêu, tư vấn và giới thiệu thai phụ lên tuyến trên.
3.3. Bệnh viện tuyến tỉnh trở lên
– Thực hiện như hướng dẫn ở Trung tâm y tế/ Bệnh viện huyện. Nếu sau 2 tuần, glucose huyết tương không đạt mục tiêu thì hướng dẫn thai phụ nhập viện:
+ Thực hiện chế độ ăn đối với thai phụ bị ĐTĐ, cần có cán bộ được đào tạo về dinh dưỡng và có khoa Dinh dưỡng tiết chế.
+ Theo dõi glucose huyết tương mao mạch trong vòng 5 ngày.
+ Theo dõi thai: hướng dẫn thai phụ đếm cử động thai hàng ngày, đo nhịp tim thai với monitor sản khoa, đánh giá chỉ số ối qua siêu âm.
+ Nếu có điều kiện đánh giá tuần hoàn rau thai qua Doppler velocimetry.
– Thai phụ đáp ứng với điều trị: thường có đến 80% thai phụ đạt glucose huyết tương mục tiêu sau 5 ngày điều trị
+ Tình trạng thai nhi trong giới hạn bình thường, cho thai phụ xuất viện và hướng dẫn thai phụ tiếp tục áp dụng chế độ ăn đang thực hiện, theo dõi cử động thai và ghi vào sổ khám thai.
+ Hẹn khám lại.
– Thai phụ không đáp ứng với điều trị :
+ Glucose huyết tương không đạt mục tiêu sau 5 ngày, phối hợp cùng bác sĩ chuyên khoa nội tiết, dùng Insulin.
+ Điều chỉnh liều Insulin cho đến khi đạt đường huyết mục tiêu, tình trạng thai nhi không bị ảnh hưởng, thai phụ có khả năng tự theo dõi được đường huyết mao mạch và tự tiêm được Insulin.
+ Khi glucose huyết tương đã ổn định với Insulin. Cho thai phụ xuất viện, hướng dẫn thai phụ tiếp tục áp dụng chế độ ăn đang thực hiện, theo dõi cử động thai và ghi vào sổ khám thai
+ Hẹn khám lại.
CHƯƠNG 3.
QUẢN LÝ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ TRONG GIAI ĐOẠN MANG THAI
1. Theo dõi tiền sản
– Khuyến cáo phụ nữ bị ĐTĐTK kiểm soát glucose huyết tương đạt mục tiêu hoặc càng gần bình thường càng tốt, nhưng không có nguy cơ hoặc không gây hạ glucose huyết tương.
– Khuyến cáo xử trí ban đầu ĐTĐTK nên bao gồm: điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện ở mức vừa phải trong 30 phút/ngày hoặc hơn.
– Khuyến cáo dùng các biện pháp làm hạ glucose huyết tương, nếu việc thay đổi lối sống không đủ để duy trì glucose huyết tương đạt mục tiêu ở các phụ nữ bị ĐTĐTK.
Phụ nữ bị ĐTĐTK cần được theo dõi và kiểm soát glucose huyết tương bởi các bác sĩ Sản khoa (đã được tập huấn về ĐTĐTK) và/hoặc bác sỹ chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường.
(1) Điều trị tiết chế đối với ĐTĐTK:
– Dinh dưỡng và vận động theo chế độ dành cho thai phụ có ĐTĐTK.
– Xét nghiệm glucose huyết tương (nếu khó khăn, có thể theo dõi với xét nghiệm giọt máu đầu ngón tay) khi đói và sau ăn 2 giờ, lặp lại mỗi 3 ngày (nếu chưa vào chuyển dạ).
– Hướng dẫn thai phụ cách đếm và theo dõi cử động thai.
– Đánh giá tình trạng thai nhi bằng Non stress test (NST) mỗi tuần 2 lần nếu có đáp ứng.
– Chấm dứt thai kỳ ở tuổi thai 40 tuần, hoặc do chỉ định sản khoa.
(2) Điều trị Insulin đối với ĐTĐTK (hoặc ĐTĐ và thai kỳ) – không biến chứng cấp
– Khám và sử dụng liều Insulin theo ý kiến của chuyên khoa Nội tiết.
– Xét nghiệm glucose huyết tương khi đói và sau ăn 2 giờ, lặp lại mỗi ngày (nếu chưa vào chuyển dạ).
– Điều chỉnh liều Insulin sao cho đạt và duy trì ổn định glucose huyết tương mục tiêu.
– Hội chẩn lại chuyên khoa Nội tiết khi glucose huyết tương không ổn định.
– Hướng dẫn thai phụ cách đếm và theo dõi cử động thai.
– Đánh giá tình trạng thai nhi bằng Non stress test (NST) mỗi 2 ngày nếu thai cử động đều, hoặc khi thai cử động yếu.
– Dinh dưỡng và vận động theo chế độ dành cho thai phụ có ĐTĐTK (do bệnh viện hướng dẫn và cung cấp).
– Nếu glucose huyết tương ổn định: Chấm dứt thai kỳ ở tuổi thai 39 tuần hoặc khi có chỉ định sản khoa.
– Nếu glucose huyết tương không ổn định: CHẤM DỨT THAI KỲ ở tuổi thai 38 tuần (sau khi chích corticoides trưởng thành phổi) hoặc khi có chỉ định sản khoa.
Lưu ý: corticoides giúp trưởng thành phổi có thể làm tăng glucose huyết tương, do vậy cần chỉnh liều Insulin phù hợp.
(3) Điều trị Insulin đối với ĐTĐTK (hoặc ĐTĐ và thai kỳ) – có biến chứng cấp
– Biến chứng có thể được chẩn đoán trước nhập viện hoặc trong quá trình theo dõi điều trị nội trú.
– Sử dụng liều Insulin theo đề nghị của chuyên khoa Nội tiết và hội chẩn lại với chuyên khoa Nội tiết.
– Xét nghiệm glucose huyết tương đói, sau ăn 1 giờ, sau ăn 2 giờ hay số lần xét nghiệm glucose huyết tương sẽ do bác sĩ chuyên khoa Nội tiết quyết định, lặp lại mỗi ngày.
– Điều chỉnh liều Insulin sao cho đạt và duy trì ổn định glucose huyết tương mục tiêu.
– Hướng dẫn thai phụ cách đếm và theo dõi cử động thai.
– Đánh giá tình trạng thai nhi bằng Non stress test (NST) mỗi ngày nếu thai cử động đều, hoặc khi thai phụ ghi nhận thai cử động yếu.
– Dinh dưỡng và vận động theo chế độ ĐTĐTK do BV cung cấp.
– Chấm dứt thai kỳ ở tuổi thai 36 tuần (sau khi tiêm corticoides trưởng thành phổi) hoặc khi có chỉ định sản khoa.
Lưu ý: corticoides giúp trưởng thành phổi có thể làm tăng glucose huyết tương và do vậy cần chỉnh liều Insulin phù hợp.
2. Theo dõi thai phụ trong và sau đẻ
2.1. Trong cuộc chuyển dạ
– Cần kiểm soát glucose huyết tương mẹ trong suốt cuộc chuyển dạ và sinh (tốt nhất dao động từ 60 – 100 mg/dl hay 3,3 – 5,6 mmol/l).
– Theo dõi tim thai để phát hiện và xử trí kịp thời suy thai.
– Sau sổ rau: Nếu đang dùng insulin phải cân nhắc giảm liều thích hợp vì sau khi lấy hết bánh rau, mất hiện tượng kháng insulin có thể gây hạ glucose máu. Theo dõi chặt chẽ nồng độ glucose huyết thanh để điều chỉnh thuốc cho phù hợp.
– Theo dõi sát trẻ sơ sinh trong vòng 3 ngày đầu sau sinh để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng như: hạ glucose huyết, hạ calci, đa hồng cầu, tăng bilirubin máu, hội chứng suy hô hấp cấp chu sinh, nhiễm khuẩn sơ sinh.
– Cho trẻ tiếp xúc da kề da với mẹ ít nhất ngày đầu sau sinh, hướng dẫn sản phụ cho trẻ bú sớm ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh.
– Thực hiện da kề da ít nhất ngày đầu sau sinh.
………..
Mời các bạn tải file tài liệu để xem nội dung chi tiết
Đăng bởi: THPT Nguyễn Đình Chiểu
Chuyên mục: Tổng hợp